Nhớ chuyến đi của văn nghệ sỹ Nghệ An thăm huyện Anh Sơn vài tháng trước. Miền Trà Lân thuở nào nay là một trong những địa phương miền núi phát triển của Nghệ An bởi những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thổ nhưỡng và những trầm tích văn hóa. Con người Anh Sơn năng động, siêng năng chính là nguồn lực quan trọng để vùng đất này phát triển.

Thân nhân liệt sĩ đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào. Ảnh: Nhật Thanh.

Ông Nguyễn Hữu Sáng – Bí thư Huyện ủy Anh Sơn chia sẻ: chúng tôi luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển bền vững của kinh tế – xã hội, bởi vậy huyện rất chú trọng đến việc khai thác, phát huy tiềm năng văn hóa để xây dựng và phát triển quê hương. Anh Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp. Kinh tế du lịch của địa phương phát triển hay không phụ thuộc vào việc quảng bá và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa này.

Mảnh đất non nước hữu tình

Chúng tôi thăm bản Cao Vều, cách trung tâm huyện chừng 20 km, đường lên Cao Vều đã được trải nhựa nên hành trình khá thuận lợi. Cư dân bản Cao Vều chủ yếu là bà con dân tộc Thái sinh sống, kinh tế đang ngày càng chuyển biến nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước.

Vực Bụt, một điểm du lịch sinh thái tại Anh Sơn. Ảnh: Hồ Các.

Trưởng bản Nguyễn Văn Châu và một số người dân đã chờ sẵn, vui vẻ đón tiếp chúng tôi bằng ấm nước chè xanh. Trò chuyện, ông Châu cho biết: hiện nay, đã có một số hộ đầu tư khai thác du lịch sinh thái khá sôi nổi. Du khách các nơi về Cao Vều khá đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bản có một đội dân ca, dân vũ thường xuyên phục vụ du khách tại bản. Chính quyền xã đã có kế hoạch quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên cơ sở các điểm như rừng quốc gia, suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng, ẩm thực… và tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương.

Xe vào Vực Bụt, một điểm du lịch sinh thái mới nổi, các anh lãnh đạo xã và phòng văn hóa huyện đã có mặt chờ đón đoàn.

Vực Bụt là bãi tắm đẹp, dòng nước trong veo soi thấu đáy sông, phản chiếu màu xanh ngăn ngắt của cây cối hai bên bờ. Dưới đáy sông là lớp đã cuội trải dài, thi thoảng, giữa lòng sông cạn nổi lên những tảng đá lớn như những chiếc bàn mà thiên nhiên tạo tác. Sau khi tắm mình dưới dòng nước mát, chúng tôi được thưởng thức những món ngon mang hương vị địa phương như rau xuyến chi với mùi thơm nồng nàn, măng chua, cá mát, gà đồi…

Rồi chúng tôi đến thăm đồi chè Anh Sơn với màu xanh trải như vô tận. Những đồi chè như bầu ngực thiếu nữ căng tròn. Nhìn từ trên cao mới thấy hết cái mênh mông, bát ngát của vùng nguyên liệu này. Đồi chè Anh Sơn vừa là một mô hình sản xuất kinh doanh vừa là một địa điểm tham quan du lịch được nhiều người yêu thích.

Đồi chè xã Hùng Sơn – Anh Sơn, nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang Dũng.

Đồi chè nằm trên đất xã Hùng Sơn, có hơn 600 hộ tham gia sản xuất với diện tích 533ha. Một điều thật ý nghĩa, chính nhờ nguồn thu ổn định từ cây chè mà từ một xã nghèo Hùng Sơn đã trở thành xã điển hình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Miền văn hóa với bề dày lịch sử

Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm và dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào có diện tích gần 7 ha, là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976, đến năm 1982, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về quy tập tại đây. Nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn về đây an nghỉ. Hiện nay, nghĩa trang có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên tuổi, quê quán và 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê.

Toàn cảnh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào. Ảnh: Lê Quang Dũng.

Nhà thơ Hồ Mậu Thanh  – Chủ tịch Hội, và ông Đặng Xuân Quang – Phó Bí thư Huyện ủy đã cùng thỉnh chuông. Tiếng chuông vang vọng, trầm ngân như lời thỉnh cầu anh linh các anh hùng liệt sĩ phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, quê hương đổi mới.

Rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào, chúng tôi đến thăm đền Cửa Lũy. Đây là một địa điểm tâm linh có từ lâu đời, nơi gắn với huyền sử về cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhân dân ta, là niềm tự hào của người Anh Sơn.

Đền Cửa Lũy tọa tại xã Hoa Sơn, được khởi dựng từ thế kỷ XV, thời kỳ Khởi nghĩa Lam Sơn. Chuyện kể, sau khi tiến vào Nghệ An và nhanh chóng hạ thành Trà Lân (vùng Con Cuông ngày nay), Lê Lợi cử tướng quân họ Vương chỉ huy một đạo quân theo sông Cả xuống chốt giữ vùng núi Kim Nhan (huyện Anh Sơn ngày nay). Đây là địa bàn núi rừng hiểm yếu, rất ít cửa ra vào, trong đó Cửa Luỹ là vị trí trọng yếu nhất.

Do phải hành quân xa, không hợp thủy thổ, lại thường xuyên phải chiến đấu với địch nên nhiều binh lính ốm đau, doanh trại xảy ra dịch bệnh. Lúc bấy giờ, trong quân doanh có một nữ y tình nguyện theo nghĩa quân để chữa trị cho binh lính. Nhờ vậy, sức quân được phục hồi, thế quân ngày càng mạnh. Trong một lần xảy ra dịch bệnh, nữ y hằng ngày phải băng rừng vượt suối, đội mưa, đội gió tìm thuốc. Một ngày nọ, nàng vào rừng tìm thuốc trở về, vì quá kiệt sức, nàng ngồi dựa vào gốc cây bên đường rồi lịm đi, trong tay vẫn nắm chặt những cây thuốc mới tìm được.

Đền Cửa Lũy, một địa điểm văn hóa tâm linh. Ảnh: Thành Sơn.

Vương tướng quân không thấy nàng về đã cho quân lính đi tìm nữ y đưa về doanh trại, thế nhưng nàng đã không qua khỏi. Thương tiếc người nữ y tận tình vì dân vì nước, Vương tướng quân cho chôn cất nàng tại một cánh đồng gần vọng canh Cửa Lũy và thường xuyên viếng nàng.

Một lần, trên đường hành quân, một con thỏ trắng từ gốc cây cổ thụ, nơi nữ y ngồi nghỉ lần cuối, chạy ra chặn lối Vương tướng quân. Con thỏ lượn ba vòng quanh đoàn quân rồi biến mất. Thấy có điềm lạ, Vương tướng quân quay về doanh trại thì bắt được mấy tên thám báo của giặc Minh xâm phạm vùng Cửa Lũy nhằm hành thích Vương tướng quân.

Vương Tướng quân cho rằng thỏ trắng chính là nữ y hiện hình cứu mạng mình. Ông cho lập đền thờ dưới gốc cây cổ thụ, lấy tên đền là đền Cửa Lũy và tôn nữ y là Bạch y Thánh mẫu Lũy Sơn. Sau khi Vương tướng quân qua đời, quân sỹ và Nhân dân đã lập đền thờ ông tại một gò đất cách đền Cửa Luỹ không xa gọi là đền Đức Vương (hay đền Đức Ông). Do chung quanh đền Đức Vương là đầm lầy bao bọc, không tiện cho việc đi lại hương khói nên Nhân dân đã rước bài vị ngài về thờ chung tại đền Cửa Luỹ. Về sau, nữ y được vua Minh Mạng phong là Thánh mẫu Luỹ Sơn, đến đời vua Khải Định phong là Dực Bảo Trung hưng Thượng đẳng thần.

Anh Sơn đang từng ngày đổi mới. Ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của Nghệ An mà bà con các dân tộc người Việt đã chung tay góp sức tạo nên một vùng văn hóa lâu đời và đặc sắc như thế. Hiện nay, Anh Sơn có nhiều nhà máy xí nghiệp, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn đang hình thành và phát triển. Phải chăng văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất này như lời của ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ.

Hữu Vinh