Ở cuối con đường dẫn ra Cầu Đen (nay là đường Phượng Hoàng, thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh), phía bên trái, giữa cánh đồng có một lùm tre gai. Trong lùm tre gai ấy có một ngôi nhà nhỏ, đúng hơn là một túp lều. Hơn sáu mươi năm, kể từ sau cải cách ruộng đất, có một người đàn ông và một người đàn bà sống trong túp lều đó. Họ xa lánh, đúng hơn là từ chối mọi giao tiếp xã hội và văn minh đô thị. Không điện, không nước, không tiện nghi, bạn với họ chỉ là một đàn chó. Mãi gần đây khi người đàn ông qua đời, gia đình, họ hàng mới đưa được người phụ nữ vào phố. Không ít người tưởng họ là một cặp vợ chồng lập dị. Ít người biết rằng đó là hai anh em ruột. Càng rất ít người biết rằng họ là con của một nhân vật lừng danh thời thuộc Pháp: địa chủ kiêm tư sản, kiêm dân biểu Trung Kỳ Lê Viết Lới.

Doanh nhân bản lĩnh

Lê Viết Lới thuộc thế hệ những doanh nhân đầu tiên của Vinh – Bến Thủy thời thuộc Pháp. Không biết ông chính thức bước vào con đường kinh doanh và thành lập công ty từ năm nào, nhưng trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Lê Viết Lới đã là một cái tên quen thuộc trên lĩnh vực kinh doanh lâm sản. Ông có xưởng cưa khá lớn ở Bến Thủy. Trước và trong Thế chiến I công ty của Lê Viết Lới đã có tới 30 – 40 công nhân. Như một số nhà công thương người Việt khi đó (Trương Đắc Lạp, Bạch Hưng Nghiêm), Lê Viết Lới lên tận các huyện vùng thượng du và sang Lào mua gỗ về chế biến thành các sản phẩm mộc dân dụng và kinh doanh. Nhờ mua tận gốc, bán tận ngọn, nên ông thu được lợi nhuận khá cao.

Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của Pháp là không phát triển công nghiệp thuộc địa, hay nói chính xác hơn, công nghiệp thuộc địa chỉ được phát triển trong giới hạn không hại đến công nghiệp chính quốc. Công nghiệp chính quốc cần được bổ sung chứ không phải là để phá sản bởi công nghiệp thuộc địa. Với tinh thần đó, ngay từ những năm đầu chiếm đóng Việt Nam, thực dân Pháp đã chú ý ngăn cản người Việt ở Trung Kỳ thành lập xí nghiệp, công ty lớn, có khả năng cạnh tranh với các công ty tư bản Pháp. Ở Vinh – Bến Thủy, người Pháp đã sớm nhận ra tiềm năng và lợi thế vô cùng to lớn về ngành khai thác và chế biến lâm sản, khi nhìn thấy những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, với nhiều gỗ quý ở vùng thượng du và Lào. Jean Dupuis, nhà buôn người Pháp đầu tiên đặt chân lên Bến Thủy ngay sau khi Pháp chiếm Thành Nghệ An năm 1885, cũng đầu tư vào kinh doanh buôn bán gỗ. Sau J. Dupuis, ba anh em nhà F. Mange, năm 1888 cũng lập ra một cơ sở chế biến và kinh doanh gỗ. Năm 1892, F. Mange mua lại cơ sở của J. Dupuis, lập nên công ty Lâm sản và thương mại. Năm 1900, công ty Lào cũng được thành lập và nhanh chóng phát triển lên số vốn 600.000 fr, có gần 300 công nhân. Năm 1910, F. Mange thôn tính luôn cả công ty Lào và hầu như thâu tóm toàn bộ các hoạt động kinh doanh lâm sản ở Vinh – Bến Thủy. Năm 1922, F. Mange lập Công ty Lâm sản và Diêm Đông Dương (SIFA) trên cơ sở công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ. Không chỉ tổ chức khai thác, thu mua lâm sản tận gốc từ các huyện vùng thượng du và Lào, đóng bè đưa về Bến Thủy, SIFA còn tổ chức chế biến sâu. Họ đầu tư xây dựng Nhà máy Diêm Bến Thủy, Nhà máy điện SIFA. Được Nhà nước hỗ trợ, SIFA còn giành được hợp đồng lớn cung cấp gỗ cho các dự án xây dựng đường sắt bắc nam và khai thác mỏ ở Quảng Ninh, chưa kể xuất khẩu gỗ ra nước ngoài. Từ đó, SIFA đã phát triển thành một đế chế thực sự.

Sự lớn mạnh nhanh chóng của đế chế SIFA đã chèn ép các doanh nghiệp kinh doanh lâm sản nhỏ khác ở Bến Thủy đến chỗ phải phá sản, hoặc chuyển hướng kinh doanh. Bạch Hưng Nghiêm chuyển sang kinh doanh lĩnh vực vận tải, buôn bán tạp hóa và ô tô; Trương Đắc Lạp, cùng với con trai ông sau này là Trương Đắc Du chuyển sang làm quản lý Nhà máy Diêm Bến Thủy cho SIFA. Riêng Lê Viết Lới vẫn trụ lại với nghề kinh doanh gỗ.

Gỗ ở cảng Bến Thủy những năm 1920

Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, Lê Viết Lới đầu tư thêm máy móc hiện đại, có thể xẻ được đủ kích thước gỗ, sử dụng từ 30 – 40 công nhân. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ xuất cảng ra nước ngoài, thu lãi hàng vạn đồng mỗi năm. Xưởng mở rộng thêm quy mô, sử dụng có lúc đến 50 công nhân. Thế nhưng, trước sự bành trướng và chèn ép của SIFA, cơ sở của Lê Viết Lới hầu như không phát triển thêm được. Các cuốn sách sử về Nghệ An, về Vinh đều viết rằng không thể cạnh tranh nổi do yếu về vốn và bị chèn ép về nguyên liệu và thị trường, Lê Viết Lới đã bị phá sản năm 1922.

Quảng cáo của hãng Lê Viết Lới trên báo Thanh Nghệ Tĩnh, năm 1935

Tuy nhiên, trên thực tế có thể không hẳn như vậy. Bằng chứng là cho đến những năm 1930 Lê Viết Lới vẫn kinh doanh về gỗ. Một mẩu quảng cáo trên báo Thanh Nghệ Tĩnh năm 1935 cho thấy «Hãng Lê Viết Lới, khai thác các lâm sản ở Bắc Bộ xứ Trung Kỳ. Chuyên bán các thứ gỗ cây, gỗ phiến, gỗ xẻ và gỗ làm mỏ. Tổng cục tại Bến Thủy (Vinh)». Rất có thể thời gian này, công ty của ông không chế biến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ và dân dụng như trước, mà thu hẹp phạm vi, chỉ kinh doanh gỗ nguyên liệu như quảng cáo. Mặt khác, ông cũng chuyển một phần vốn khá lớn để mua ruộng đất, phát canh thu tô và mua nhà, xây nhà cho thuê. Không biết chính xác ông có bao nhiêu mẫu ruộng, nhưng «Chỉ riêng bốn nhà tư sản kiêm địa chủ lớn là Lê Viết Lới, Lê Cảnh Trứ, Trương Đắc Du và Trần Văn Tân đã có 550 mẫu ruộng ở Vinh và hơn 1000 mẫu khác ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc»[1]. Theo một người bà con xa với Lê Viết Lới thì ông có tới gần 40 ngôi nhà, trong đó có nhiều nhà cho thuê ở Vinh – Bến Thủy.

Mẩu tin mừng gia đình ông Lê Viết Lới làm lễ vu quy cho con gái của báo Tràng An (Huế)

«Hội đồng Lới»

Như vậy có thể nói sự chèn ép của ông lớn SIFA chỉ có thể gây khó khăn, nhưng không thể buộc Lê Viết Lới phá sản. Không những thế, từ những năm 1930, Lê Viết Lới còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội và chứng tỏ ông có uy tín trong giới công thương thành phố.

Trong cuộc bầu cử dân biểu Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1933, Lê Viết Lới trúng cử đại biểu thương mại. Ông là một trong hai đại biểu thương mại của ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, đồng thời là một trong sáu đại biểu thương mại của cả Trung Kỳ. Có lẽ biệt danh «Hội đồng Lới» của ông bắt đầu từ đây. Nhiệm kỳ sau đó (1937 – 1940), dù phải cạnh tranh với hai doanh nhân nổi tiếng khác ở khu vực Vinh – Bến Thủy là ông Phó Đức Thành (Quản lý hãng đông nam dược Vĩnh Hưng Tường) và Vương Đình Châu (Chủ nhà in Vương Đình Châu), nhưng Lê Viết Lới vẫn tái đắc cử. Có thể nói, với tư cách đại biểu thương mại của Viện Dân biểu Trung Kỳ, Lê Viết Lới đã có những hoạt động hết sức sôi nổi và trách nhiệm. Ông đã nhiều lần đăng đàn phát biểu, hoặc bày tỏ ý kiến trên báo chí về những vấn đề kinh tế và dân sinh.

Tràng An báo (ở Huế) đưa tin về hoạt động của Lê Viết Lới ở Viện Dân Biểu Trung Kỳ

Ông đặc biệt quan tâm đấu tranh để xây dựng và thực thi chính sách thuế khóa hợp lý hơn. Năm 1933, ông đề nghị giảm thuế đinh, thuế điền cho nông dân. Trước câu hỏi nếu bỏ, hoặc giảm thuế đinh, thuế điền thì lấy gì bù đắp vào ngân sách, Lê Viết Lới đề nghị tăng thuế xăng dầu và hàng xa xỉ phẩm, vì các loại thuế này đánh vào nhà giàu. Ông nhiều lần lên tiếng đề nghị miễn, hoãn thu thuế cho dân ở các vùng bị thiên tai, bão lụt hoặc mất mùa. Ông cũng kiến nghị bỏ việc thu thuế lợi tức 2% đối với các doanh nghiệp, mặc dù sắc thuế này đặt ra đã lâu, nhưng chưa hợp lý. Là doanh nhân kinh doanh về gỗ, nên ông cũng kiến nghị về điều chỉnh thuế đối với mặt hàng gỗ. Ông lập luận so với năm 1930 giá gỗ năm 1935 giảm tới 40%, nhưng thuế vẫn giữ nguyên là không hợp lý. Ông kiến nghị bãi bỏ nghị định về lâm chánh hiện hành, mà quay về thực hiện như nghị định về lâm chánh năm 1924 là hợp lý hơn[2]. Riêng đối với Vinh – Bến Thủy, ông cho rằng việc thành lập thành phố Vinh – Bến Thủy năm 1927 đã làm tăng các sắc thuế ở đây, nhưng trên thực tế do khủng hoảng kinh tế, nên sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập và đời sống của người dân cũng rất thấp. Vì vậy ông kiến nghị giảm thuế «Hiện thời dân cư Bến Thủy rất khó sinh nhai mà lại phải đóng thuế nặng nề do nghị định thiết lập thành phố Vinh – Bến Thủy năm 1927, 1928. Vậy xin chính phủ đổi lại thuế lệ về nghị định nói trên, hay là chiếu lệ hiện hành mà bớt xuống 30% cho hợp với cách sinh lý của nhơn dân ngày nay»[3]. Về chi tiêu ngân sách, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những bất hợp lý. Có lần ông kiên quyết phản đối một khoản dự chi ngân sách để mua ô tô công cho cơ quan thú y, cho rằng như vậy là lãng phí, chưa cần thiết. Khoản chi này sau đó bị bãi bỏ.

Ông cũng kiến nghị giảm giá điện 25%, vì đời sống khó khăn, hơn nữa giá than đá ở Đông Dương lại giảm mạnh[4].

Tại kì hội đồng năm 1938, ông đã rất quyết liệt khi đề nghị bỏ cái gọi là thuế «nhà chơi hoa mỹ». Tràng An báo số ra ngày 20/9/1938 tường thuật: «Thấy tỉnh mình là một tỉnh nhỏ nhất, xấu nhất trong các tỉnh, mà chính phủ lại mỉa mai đặt thêm một thứ thuế «nhà chơi hoa mỹ», ông Lê Viết Lới tức quá, không chịu nổi, phải đứng dậy cãi.

Ông Lới: Thành phố Hà Tĩnh không phải là một chỗ phồn hoa đô hội, không có xe lửa, không có tàu thủy, không có việc thương mại to lớn, xin theo y lời báo cáo viên mà giảm bớt các thứ thuế và xin bỏ hẳn thứ thuế «nhà chơi hoa mỹ», to lớn như Sài Gòn, Hà Nội mà chưa thấy thứ nhà ấy, huống chi Hà Tĩnh làm gì có. Xin bỏ hẳn».

Cuối cùng sau một hồi tranh luận, Viện Dân biểu Trung Kỳ đã bỏ phiếu nhất trí như ý kiến của Lê Viết Lới[5].

Không chỉ tranh luận về thuế, năm 1935, ông đăng đàn kiến nghị về cảng Bến Thủy, đề nghị mở cảng ở Cửa Hội (Hội Thống). Ông chỉ rõ thực trạng nếu như trước đây cảng Bến Thủy có tới 4000 người làm việc thì nay chỉ còn trên dưới 1000 người, mà vẫn không đủ việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do cảng không đáp ứng được, nhất là các tàu lớn. Ông đề nghị «Chính phủ nên trù liệu ngân sách để tài bồi nguồn lợi ở Bến Thủy, nhất là trù liệu dần dần mà mở cửa biển Hội Thống để làm hải cảng Bến Thủy, để mỗi khi tàu thủy hãng lớn ở Hải Phòng ghé vào Bến Thủy lấy hàng để đi Tourane và về nước Pháp, hay là ở nước Pháp sang Tourane rồi ghé vào Bến Thủy lấy hàng rồi đi Hải Phòng hay đi Hồng Công để cho tiện lợi, khỏi mất thì giờ và phí tổn bốc hàng ở Bến Thủy ra Hải Phòng như xưa nay người ta vẫn thường làm. Nếu hải cảng Bến Thủy mà thành thì nhân công ở đó sẽ có việc làm và thổ sản ở đó cũng sẽ bán ra được»[6]. Đề xuất này đã được nhiều vị dân biểu và báo chí hưởng ứng. Thế nhưng, vì nhiều lí do, dự án này đã không được đầu tư.

Như vậy, có thể thấy Lê Viết Lới với tư cách là đại biểu thương mại, ngoài đấu tranh để bảo vệ lợi ích của giới công thương một cách hợp lý, ông cũng đã quan tâm đến những vấn đề dân sinh liên quan đến đời sống của của dân chúng, nhất là người nghèo. Mặc dù trong chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ lúc bấy giờ, bản thân Viện Dân biểu Trung Kỳ cũng không phải là một cơ quan có thực quyền, nhưng dù sao những tiếng nói mạnh mẽ, hợp lý, có trách nhiệm như của Lê Viết Lới cũng là rất đáng ghi nhận.

Mẩu tin về buổi diễn thuyết của Lê Viết Lới trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn

Tư tưởng canh tân

Lê Viết Lới cũng tỏ ra là người có tư tưởng canh tân. Ngay từ năm 1933, ông đã đề xuất chính quyền cần tạo điều kiện cho dân chúng được thuê mướn luật sư, thầy cãi trong các vụ kiện tụng với Nhà nước, hoặc tranh chấp dân sự, hình sự. Ông cũng nhiều lần đăng đàn diễn thuyết về các vấn đề kinh tế, dân sinh ở rạp chiếu phim Majestic, trụ sở hội Pháp – Nam Nghệ An (AFANA), một tổ chức mà ông là Phó Chủ tịch… Đặc biệt, từ năm 1934, Lê Viết Lới đã có bài báo kiến nghị thành phố Vinh cần xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Ông cho biết ở thành phố Vinh từ năm 1914 trở về trước đã có một số nhà vệ sinh công cộng, nhưng đương thời thì không còn nữa.

Ông viết: «Vì rằng thành phố Vinh – Bến Thủy đã được vào thành phố phồn hoa hạng nhì của xứ Đông Dương và cũng là trung tâm địa của nước Đại Nam, thế mà có một điều cần nhất cho thành phố mà thành phố còn khuyết điểm, đó là vấn đề vệ sinh chung. Hiện thời nhiều người ta thán, mà các ông hội viên của thành phố họ cứ im tai, không đem vấn đề ra hội đồng bàn bạc, mà xin thành phố bớt chút ngân sách dựng lấy ít cơ sở vệ sinh chung để cho những người qua đường tiện dụng. Tôi cũng biết các ông hội viên tại hội đồng thành phố đều ở nhà tầng, lầu cao, nào có phải nhỡ đường như kẻ khác mà biết tình khổ nhỡ đường. Nay tôi đem một việc ra đây để các nhân vật (ai đã xưng là nhân vật) sẽ muốn ra ứng cử hội viên về khóa gần đây thì nên chú ý vấn đề này. Còn các công hội viên thành phố sẽ gần mãn hạn thì tôi chưa thấy các ông làm hết bổn phận ích lợi về vấn đề này. Bởi thế tôi chả muốn nói nữa về việc đã qua của các ông, sợ rườm tai độc giả.

Nếu có một người ở các phủ huyện vì công việc tới phố, nhưng khi lưu lại tại phố nhỡ có đại tiểu tiện thì họ lấy chỗ mô mà tiện giải? Họ đành tìm chỗ bên sông, lạch nước làm xằng, bị người lính cảnh sát vớ lấy phạt xu. Cũng có khi một người nhà quê đã thường tới phố đi chợ, chỉ mang trong mình một tấm thẻ sưu, lính cảnh sát đã phạt về tội không đúng vệ sinh, còn phạt thêm tội không giấy ngụ cư nữa.
Tôi lại chả nói đến chàng nhà quê nữa. Nói ngay đến bọn dân nghèo của thành phố hiện thời, còn các ông phú ốc thì thân ngộ có lỡ thời thì đã có máy móc tiêu hóa, còn cả nhà tranh xụng xoạng thì đều đi xằng đi xí, bất đồ bộ mặt tinh anh của lính cảnh sát trông thấy, thì bữa gạo đó đi đời. Nếu lính cảnh sát biếng lười thì đường xá, ngõ hẹp đều phát uế lung tung.
Ôi thành phố thì phải có vệ sinh. Sao thành phố không dựng cho ít chỗ công tiêu để đỡ gánh nặng bà con cay đắng.
Vậy nếu thiết lập chắc phí tổn cũng chẳng là bao.
Dám xin hội đồng thành phố nghĩ lại”[7]

Báo đưa tin diễn kịch gây quỹ từ thiện của Lê Viết Lới

Như nhiều doanh nhân thành đạt khi đó, Lê Viết Lới cũng là người tích cực hoạt động xã hội, từ thiện. Ngoài việc đóng góp tiền bạc cho các tổ chức và hoạt động xã hội, từ thiện, ông còn đứng ra tổ chức hoạt động quyên góp ủng hộ nạn dân ở các vùng thiên tai, bão lụt. Năm 1933, hai tỉnh Phú Yên và Bình Định bị bão lụt gây thiệt hại hết sức nặng nề, Lê Viết Lới đã chủ trì, bỏ toàn bộ tiền chi phí tổ chức hai tối diễn kịch (thứ Bảy và Chủ nhật, ngày 9 và 10 tháng 11 năm 1933) để quyên góp tiền ủng hộ nạn dân hai tỉnh này, đồng thời trích một phần để ủng hộ Hội Dục Anh của thành phố nuôi trẻ mồ côi.

Giải quần vợt mang tên Lê Viết Lới

 Những năm 1920, 1930 một số môn thể thao mới du nhập vào thành phố Vinh và được tầng lớp thanh niên hưởng ứng. Thời kỳ này các quan chức, dân biểu và doanh nhân cũng thường tài trợ cho các hoạt động thể thao bằng cách bỏ tiền tổ chức giải đấu, tặng cúp để cho các hội thể thao thi đấu, tranh cúp. Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ tặng cúp để tranh giải bóng tròn (bóng đá) cúp “Nguyễn Khoa Kỳ”; Kỳ Sung Thúc, doanh nhân người Hoa đặt giải quần vợt mang tên “Kỳ Sung Thúc” luân lưu của ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh; dân biểu Trần Bá Vinh có cúp ping pong (bóng bàn) mang tên ông… Năm 1935, Lê Viết Lới đã tài trợ cho Hội “Hoan Thành thể dục” tổ chức một giải đấu quần vợt cho các câu lạc bộ quần vợt ở Vinh, Trường Thi và Quảng Trị. Giải quần vợt Lê Viết Lới còn được tiếp tục trong những năm sau.

Như vậy, có thể thấy, Lê Viết Lới là một doanh nhân có tài. Ông đã chèo lái các hoạt động kinh doanh của mình trong điều kiện bị chèn ép bởi “ông lớn” SIFA thân chính quyền, để không những không bị phá sản mà vẫn tồn tại ổn định trong hàng chục năm trời. Ông cũng là doanh nhân có trách nhiệm xã hội với nhiều hoạt động tích cực, có ý nghĩa. Đặc biệt, với tư cách là đại biểu thương mại trong Viện Dân biểu Trung Kỳ, Lê Viết Lới đã thể hiện là con người có viễn kiến. Ông đã đề xuất nhiều sáng kiến, kiến nghị nhiều vấn đề về kinh tế và dân sinh thiết thực đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân chúng. Qua báo chí đương thời có thể thấy Lê Viết Lới là một trong số ít nhà doanh nghiệp đã có hoạt động xã hội sôi nổi, đồng thời là một dân biểu có chính kiến và đóng góp nhiều cho Viện Dân biểu Trung Kỳ trong hai nhiệm kì đắc cử.

Sau Cách mạng Tháng  năm 1945, đầu năm 1947, Vinh thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh (1930 – 2005) viết: “Lê Viết Lới, một nhà buôn gỗ nổi tiếng ở Vinh, có hàng chục ngôi nhà cho thuê nằm trên những trục đường chính của thị xã cũng phải thực hiện nghiêm túc việc “phá hoại” để kháng chiến”[8]. Trong kháng chiến Lê Viết Lới tham gia Mặt trận Liên Việt của thành phố Vinh. Những năm này ông như một người nông dân thực thụ. Dáng cao, gầy, khắc khổ, quanh năm bận bộ đồ nâu. Những hôm từ Bến Thủy lên Vinh họp Mặt trận Liên Việt ông vẫn mang theo cơm nắm.

Trong cải cách ruộng đất, Lê Viết Lới được coi là tư sản kiêm địa chủ, với số lượng ruộng đất khá lớn, lại cộng tác với chính quyền thực dân, phong kiến. Cuộc đời doanh nghiệp của ông đã kết thúc bi thảm bằng cái án tử hình.

Còn cuộc đời của các con ông cũng mở ra những chương cơ cực. Trong đó có hai anh em ra dựng lều trong lùm tre giữa đồng Cầu Đen…

Phạm Xuân Cần

[1] Lịch sử Thành phố Vinh, tập II (1945- 1975), NXB Nghệ An, 2003
[2] Tràng An báo số 72, ngày 5/11/1935
[3] Tràng An báo số 71, ngày 1/11/1935
[4] Tràng An báo số 72, ngày 5/11/1935
[5] Ông Lê Viết Lới là đại biểu thương mại, đại diện cho cả ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, nên ông phát biểu, bảo vệ quyền lợi của cả Hà Tĩnh.
[6] Tràng An báo, số 71, 1/11/1935
[7] Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn, 9/2/1934
[8] Lịch sử đảng bộ thành phố Vinh (1930 – 2005), nxb CTQG, 2010, trang 198