1. Bác tôi, một người lính trở về sau chiến tranh với một chân và một con mắt để lại nơi chiến trường. Mỗi lần trái gió trở trời, bác gái lại chạy đôn chạy đáo thuốc thang, thế nhưng, cứ như có phép màu, mỗi tháng Bảy về, được gặp đồng đội cũ, tham gia hành trình về lại chiến trường xưa, thắp hương cho những đồng đội ngã xuống, bác như khỏe hẳn. Không còn là ông lão cụt chân, bước tập tễnh với cái đau, cái mệt mà tôi thường thấy. Chỉ còn lại một người đàn ông hăm hở, nhiệt thành. Bác tôi nói: “Có những người đã trao cho bác được sống phần đời của họ”.

Người cựu chiến binh già với kỉ vật chiến trường. Ảnh: Cảnh Yên

Tôi cũng đã có lần may mắn được đi cùng bác trong một hành trình, lặng đứng trước bạt ngàn ngôi mộ. Bác tôi và những người đồng đội, tóc đã sương trắng trong chiều lộng gió, rưng rưng nước mắt, tay chạm từng dòng tên trên mộ chí: “Thu ơi, Ái ơi, Tâm ơi… chúng tao đến thăm chúng mày đây. Tóc chúng tao bạc cả rồi này, chỉ có tóc chúng mày xanh mãi…”. Trong đoàn người đứng trong nghĩa trang chiều ấy, có một bác người Thái Bình. Bác tôi kể rằng, đến nhà bác ấy mới thấy chiến tranh thật là tàn khốc. 6 lần sinh nở, bác ấy chỉ nuôi được 4. Khi bác tôi cùng mọi người tới thăm, cả 4 đứa con ngây dại bò trên nền nhà. Chất độc da cam đã phá nát những hy vọng nối nhau của vợ chồng bác ấy. Bác kể vợ mình nhiều đêm không ngủ, bấu chặt thành giường mà giấu đi tiếng nấc. Bác chỉ nói với vợ mình: “Dù sao, thì tôi cũng được trở về, và dù sao thì chúng ta còn được hy vọng…”. Thế đấy, những người lính trở về từ đạn bom tàn khốc, họ đã tâm niệm mình phải sống cho những cuộc đời của đồng đội dở dang…

Chiều Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Công Sáng

2. Tôi nhớ, trong một lần hỏi chuyện, nhà báo Lê Bá Dương, một người con xứ Nghệ – người nổi tiếng với bài thơ được khắc trên bia đá bên bờ Thạch Hãn, người đã mang ý tưởng thắp nến, thả hoa tri ân đồng đội trên chính bờ sông này thành hiện thực, đã nói với tôi về nỗi nhớ thương khôn nguôi của ông. Tháng Bảy này, mở trang facebook cá nhân của ông, lại bắt gặp những dòng thơ mới viết: “Mỗi năm tháng Bảy ùa về/ Để đêm dài giữa bốn bề khói hương/ Giấc khuya nghiêng phía sa trường/ Bữa cơm nghẹn giữa nhớ thương bạn bè/ Bạn còn đâu đó chưa về/ Để tháng Bảy trắng bốn bề khói hương”. Tôi đã từng hỏi ông rằng: “Chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết là gang tấc thế, bao nhiêu đồng đội của ông mất mà chưa tìm thấy mộ, vậy nếu được chọn lại, ông có chọn cái cách mà ông đã chọn: 15 tuổi, khai tăng tuổi mình để… nhập ngũ và chiến đấu trên những chiến trường ác liệt nhất?” Ông không nói gì, chỉ nhìn tôi đầy ngạc nhiên. Ánh mắt ấy, khiến tôi thấy mình vô cùng ngớ ngẩn. Sao tôi không hiểu chứ: chiến tranh là bi kịch, nhưng chiến đấu để giành độc lập cho dân tộc là lẽ sống của mọi cuộc đời!

Mẹ vẫn luôn tin vào lời hẹn: bao giờ thắng giặc con về. Ảnh: Quốc Đàn

3. Cả bố và bác của tôi, vẫn hay kể về ngày mình lên đường nhập ngũ. Bà nội tôi tiễn chân 2 người con trên đường làng. Tôi hỏi bố: “Thế lúc đó, bố nói gì với bà?” – Thì cũng như bao người khác nói với mẹ mình: Mẹ ở nhà mạnh giỏi, con đi đến ngày thắng giặc, con về!

Sau này, bố tôi có kể về người bạn cùng làng, cùng ra trận năm đó với bố đã hy sinh. Giấy báo tử gửi về bao năm, nhưng mẹ chú ấy vẫn không tin rằng con mình đã ngã xuống chiến trường. Mẹ chú ấy tin vào lời hẹn: bao giờ thắng giặc con về… Bà vẫn hay ngồi tựa cửa, nhìn ra con đường làng hun hút. Đến bây giờ, gia đình, đồng đội vẫn chưa tìm ra hài cốt của chú… Bố tôi kể rằng, sau này, khi đến những nghĩa trang, trước những ngôi mộ đề “Liệt sỹ chưa tìm thấy tên”, bố như thấy thấp thoáng gương mặt mẹ của chú ấy với ánh mắt vời vợi chờ mong phía sau mỗi tấm bia.

Tôi vẫn hay nghĩ, không biết trên thế giới này, có ở nơi nào có nhiều những cuộc chia tay kỳ lạ như ở đất nước tôi? Chia tay mà không nói trước được mốc thời gian trở về, chỉ đinh ninh một niềm tin, một lời thề hẹn: bao giờ chiến thắng, bao giờ sạch bóng quân thù, con (anh) sẽ về. Có nơi nào không, như đất nước tôi, nhiều đến thế những người mẹ ngóng con, người vợ chờ chồng. Chờ đến bạc tóc, chờ đến hóa đá… Và tôi cũng đã tin, những người lính ấy, họ không mất đâu, họ chỉ chưa về…

Thùy Vinh