Ngồi trước chúng tôi là một ông già hiền hậu và chậm rãi giở từng tờ thư cũ, nét mực đã nhòe theo năm tháng và mắt ông cũng nhòe đi trong xúc động. Ngồi trước chúng tôi là một vị tướng đã kinh qua những tháng năm chiến tranh ác liệt, vượt qua bao bom đạn, có những viên đạn đã đi qua cơ thể ông, nhưng không thể tước đi của ông sự mạnh mẽ, can trường và lòng yêu nước, yêu quê cháy bỏng. Ngồi trước chúng tôi là cậu bé mồ côi cha từ khi 2 tuổi, cậu bé út ít, còi cọc trong gia đình đói khổ, suốt tuổi thơ ốm yếu nhưng lại sáng dạ nhất vùng…

Cả 3 hình ảnh, 3 đoạn đời tưởng chừng khác biệt đó là ở trong một con người: Thiếu tướng Cao Xuân Khuông. Ông ngồi đó, bình lặng, thanh thản trong buổi sáng đầy tiếng chim sau ô cửa sổ nhà ông. Và chúng tôi thầm biết, nếu không có những con người như ông, không có những đoạn đời khắc nghiệt, đắng cay mà cũng vô cùng oanh liệt kia, không có sự giản dị đầy yêu thương nhường kia, liệu chúng tôi hôm nay có được niềm bình yên lắng nghe tiếng chim hót sau ô cửa như thế này không?

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông. Ảnh: Võ Khánh

Tuổi trẻ và tình yêu

“Tôi là người con không biết mặt cha mình” – ông chậm rãi kể “dòng lý lịch” mở đầu cuộc đời mình như vậy. Ông là con út trong gia đình có 7 người con, và khi chưa đầy 2 tuổi thì bố ông mất, để lại gánh nặng trên vai người vợ tảo tần. Mẹ ông lần hồi nuôi 6 anh em (1 người con mất khi còn nhỏ). Tuổi thơ của cậu bé Khuông ngày ấy gắn với đói khổ và những trận ốm đau, sài đẹn. Những bữa cơm độn, manh áo vá, bàn chân trần trong giá rét căm căm… đã nuôi lớn một trái tim nhân hậu, bao dung, một ý chí kiên cường.

Cậu bé mồ côi cha suốt tuổi thơ chân đất đến trường lại nổi tiếng lanh lợi, thông minh. Ngoài những giờ trên lớp, người ta lại thấy bóng nhỏ của cậu mấp mô bên bờ ruộng, trong cánh rừng, nơi mom sông… giúp mẹ kiếm thêm củi, thêm cua, cá. Cậu bé Khuông đã có những ước mơ không dám bày tỏ, đã có nỗi buồn đau, thiệt thòi âm thầm giấu kín. Nhưng chính là làng quê Lĩnh Sơn (Anh Sơn), chính là người mẹ tảo tần, chính là những người thầy, người bạn đồng hành cùng ông, trong đó có cả người bạn gái cùng trường mà ông thầm yêu mến thuở nhỏ… đã khiến ông thấy cuộc đời này đáng yêu, đáng sống, thấy thiên nhiên quê mình vô cùng tươi đẹp, thấy trong ngực mình tràn ngập những khát vọng và hân hoan.

Khi 15 tuổi, cậu bé Khuông đã “phải lòng” một cô bạn gái xinh xắn cùng xóm, cùng trường. Tình yêu lớn dần lên mỗi ngày, sau những giờ lên lớp, những gặp gỡ thường ngày. Thiếu nữ ấy là con út trong một gia đình có 8 người con gái. Không chỉ xinh đẹp, trắng trẻo, người con gái ấy lại rất đảm đang, tháo vát. Có nhiều người con trai vây quanh, nhưng cô gái cũng chỉ thầm nhớ anh chàng nhỏ con, thông minh, lanh lợi Cao Xuân Khuông. Cả hai bên đều “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, cho đến khi trong một lần chung đường đi học về, cô gái bất ngờ khi người con trai mình thầm mến ấy đã dúi vào tay cô một bức thư, nét chữ đẹp và rắn rỏi, bày tỏ tình cảm của anh. Kể từ đó, tình cảm của họ chỉ dám trao nhau qua ánh mắt ngượng ngùng, mọi đổi trao qua những lá thư tay gửi qua bè bạn hoặc người thân. Nhưng giữa họ đã ngầm thề hẹn một tình yêu chung thủy.

Bà Hoàng Thị Đạm – mối tình đầu, cũng là người vợ của Thiếu tướng Cao Xuân Khuông nhớ lại: “Ngày ấy, chúng tôi có tình cảm với nhau, nhưng đến ngồi gần nhau cũng còn không dám. Biết tôi yêu, nhận lời gắn bó với anh Khuông, gia đình, người thân và bạn bè đều tỏ ý không đồng tình. Mọi người cũng vì sợ tôi vất vả, nói rằng anh Khuông con mồ côi, nhà lại nghèo, anh cũng bé nhỏ, ốm o thế, trong khi tôi cũng không hiếm người có gia thế hơn theo đuổi. Nhưng lòng tôi thì đã quyết rồi. Tôi mến anh vì anh rất thông minh. Tôi tin ở sự thông minh, ở lòng quả cảm, sự chín chắn của anh ấy. Và một điều tôi biết chắc, anh là con người ăn ở thủy chung, có nghĩa tình”.

Quả thật, cô gái trẻ Hoàng Thị Đạm đã không lầm. Cuộc đời của hai con người sau này, đã là minh chứng cho điều ấy.

Năm 1960, 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp cấp 2, ông Cao Xuân Khuông được gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Chẳng ai tin là ông sẽ vượt qua đợt khám tuyển vì ngày đó ông bé nhỏ, chỉ nặng chừng hơn 40 cân. Khi biết mình trúng tuyển nghĩa vụ, là lúc ông nghĩ phải làm một việc quan trọng để khẳng định tình yêu của mình, cũng là để bản thân mình có thêm niềm tin, sức mạnh từ phía hậu phương, ấy là chuẩn bị lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi của hai người đã diễn ra ấm áp, giản dị, trước ngày ông Khuông nhập ngũ. Ngày chia tay lên đường, bà Hoàng Thị Đạm tặng cho ông một chiếc khăn tay, như cách của bao nhiêu cô gái thời ấy, gói ghém tấm lòng nhớ thương, cả hơi ấm bàn tay, hơi ấm trái tim mình mong theo bước hành quân. Còn ông tặng bà chiếc bút máy với lời nhắn gửi: “Nhớ biên thư cho anh nhiều nhé!”

Sau đó chừng 1 tháng, họ có một lần gặp bất ngờ và tình cờ nữa, để rồi sau đó là những tháng năm biền biệt. Ấy là khi ông đang trong giai đoạn huấn luyện ở Khe Choăng – Con Cuông, còn bà khi đó ở địa phương cũng hăng hái tham gia dân công hỏa tuyến. Đơn vị dân công gùi lương, tải đạn trên con đường sang bên kia biên giới phục vụ chiến trường Lào đã gặp đơn vị bộ đội của ông. Hai người gặp gỡ nhau được ít phút bên đường. Câu chuyện bịn rịn về quê, về mẹ, về những người thân, bè bạn và về nỗi nhớ nhung của lòng mình. Chỉ thế, rồi ông vội vã đến giờ về doanh trại, bà tiếp tục đi theo đoàn dân công làm nhiệm vụ. Kể từ đó, giữa họ chỉ những cánh thư chất nặng nhớ thương…

Sau giai đoạn huấn luyện, đơn vị ông (Tiểu đoàn 925) tiếp tục tiến về bên kia biên giới, chiến đấu tiễu phỉ. Sau 1 năm, Tiểu đoàn chọn một vài người đi học Sỹ quan (3 năm) tại Sơn Tây. Ông Khuông là 1 trong số đó. Và dịp nghỉ hè năm thứ 2, anh chàng lính đang theo học năm thứ 2 trường Sỹ quan ấy đã tranh thủ về quê… cưới vợ. Ông Khuông nhớ lại, vẫn còn thoáng ngượng ngùng: “Tiếng là cưới vợ thế, nhưng đêm tân hôn chúng tôi cũng dành ra để nói chuyện, tâm tình. Ngày ấy, sao mà nhiều chuyện để nói với nhau. Chỉ nói thôi, chỉ cầm tay nhau mà đã thấy lòng ngập tràn hạnh phúc”.

Thế rồi, họ lại bịn rịn chia xa…

Những tháng năm lửa đạn

Năm 1964, với kết quả học tập xuất sắc, đặc biệt với thành tích bắn súng giỏi, ông được giữ lại trường. Nhưng ông đã từ chối làm giảng viên để xin về chiến đấu ở Quân khu 4. Khi này, Quân khu thành lập Tiểu đoàn 924, ông được phong là Trung đội trưởng với quân hàm thiếu úy, chiến đấu ở chiến trường Lào. Với những thành tích và dấu ấn của mình, ông được phong Đại đội phó. Năm 1965, ông trở về Quân khu 4 làm sỹ quan tác chiến của Trung đoàn thuộc Sư 324. Đầu năm 1966, ông vào chiến đấu ở Đường 9 (Quảng Trị), tham gia chiến dịch Khe Sanh. Khi này, ông được điều làm trợ lý Ban Tác chiến của Trung đoàn 2, rồi Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2.

Đó là những tháng năm ác liệt của cuộc chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Có những giai đoạn, địch triển khai tấn công ồ ạt, toàn đơn vị phải lùi về phía sau để bảo đảm an toàn lực lượng, riêng đại đội của Cao Xuân Khuông được lệnh ở lại vừa để nghe ngóng tình hình, vừa kìm chân địch. Địch đã đổ xuống một tiểu đoàn vây ráp. Đại đội của Cao Xuân Khuông chốt giữ ở một quả đồi, cách vùng địch đổ bộ, chiếm đóng chỉ một con khe. Ông nhớ lại những thời khắc sinh tử, vừa là đấu trí, vừa là thi gan ấy: “Địch dùng phi pháo đánh sang trận địa mình để mở đường cho bộ binh của chúng tấn công. Tôi và cậu liên lạc đi thị sát thì phát hiện ra phía địch có khẩu đại liên được địch dùng tấn công trong một cái lán. Tôi nói với cậu liên lạc, đưa súng cho mình, tôi nấp vào một gốc cây để bắn sang, muốn hạ gục kẻ điều khiển khẩu đại liên này. Chúng cũng phát hiện ra tôi, nên chúng dùng đại liên bắn sang trúng gốc cây nơi tôi đang nấp. Đạn đại liên đã xuyên qua tay tôi, máu ùa xối xả. Cậu liên lạc vội dìu tôi xuống, băng bó vết thương tạm thời. Đây là thời gian chúng tôi mất liên lạc với Trung đoàn cả tháng trời nên cái việc “băng bó tạm thời” mà không được quân y chữa trị đã khiến sau này cánh tôi bị cong, không thể nắn thẳng lại được”. 1 tháng ròng, Đại đội trưởng Cao Xuân Khuông vừa đau đớn chịu đựng vết thương vừa lo thắt lòng vì không nhận được thư nhà. “Chúng tôi quanh quẩn nơi núi rừng Cam Lộ, tìm cách liên lạc với đơn vị, một mặt cử anh em chiến sỹ vào bản làng, liên lạc với du kích vận động bà con ủng hộ lương thực để tồn tại và chiến đấu. Đó là những tháng ngày đói khổ tận cùng nhưng cũng là ngày chúng tôi nhận được biết bao nhiêu yêu thương, sẻ chia từ đồng bào mình. Những bản làng người Pa Cô, Vân Kiều đã bao bọc, nuôi nấng chúng tôi bằng mít, chuối, sắn khô… trên giàn bếp. Một tay tôi treo băng, nhưng tay kia của mình tôi cũng đã cùng đồng đội chôn cất anh em hy sinh. Đận ấy, Đại đội tôi cũng mất đi hơn 10 đồng chí, còn phía địch thiệt hại hơn 30 tên. Lo lắng vì lạc đơn vị, đau buồn vì những mất mát hy sinh, nhưng còn một niềm canh cánh khác là phía hậu phương, chắc chắn mọi người đã khóc hết nước mắt khi biết tin chúng tôi mất liên lạc…”

Sau khi bắt được liên lạc với Đại đội, Trung đoàn đã cử tham mưu phó Vũ Thế Đào tìm đường vào và dẫn lối cho Đại đội ra. Khi đó, Đại đội trưởng Cao Xuân Khuông mới được tới bệnh viện chăm sóc vết thương. Việc đầu tiên ông Khuông làm khi tới bệnh viện là… viết thư về cho gia đình, báo rằng mình vẫn sống, tiếp tục chiến đấu và nhớ thương dành phía quê nhà.

Lần lượt sau đó, ông tham gia chiến đấu với vai trò là Đại đội trưởng trinh sát của Trung đoàn, tham gia chiến đấu trên các mặt trận lớn như đánh Đường 9 Khe Sanh (1968), Cồn Tiên – Dốc Miếu (1968). Đầu năm 1969, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Huấn luyện quân ở Quảng Trị, cuối năm đó ông ra huấn luyện quân ở Quảng Bình. Đầu năm 1970, nhận lệnh điều động từ Quân khu, Cao Xuân Khuông về Quảng Trị, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, tham gia hoạt động chống phá bình định, diệt ác trừ gian, xây dựng cơ sở để tạo điều kiện mở rộng địa bàn, đồng thời tham gia các chiến dịch.

Tháng 6/1972, Quảng Trị bị địch tái chiếm. Tiểu đoàn 8 của ông được lệnh bảo vệ Thành cổ. Sự tàn khốc của sự kiện này lịch sử đã ghi những trang đau thương khó có bút nào tả hết. Nhưng là một “nhân chứng sống” tiêu biểu ở Thành Cổ, giờ đây, khi nhắc về những ngày lửa đạn ấy, ông như vẫn thấy hiện lên trước mắt mình tất thảy, như không từng có quãng thời gian 50 năm đã trôi qua. “Tiểu đoàn tôi gồm 400 người, lần lượt bổ sung cả đợt là khoảng hơn 900 người. Vậy mà, người hy sinh, người bị thương, để cuối cùng chỉ vỏn vẹn còn lại một tiểu đội sau 81 ngày đêm bom đạn Mỹ xả xuống như mưa, cày xới từng tấc đất. Một ngày, chúng tấn công 5, 6 đợt. chúng muốn san phẳng nơi này. Những nơi chúng san phẳng, chúng tôi tìm cách sống trong lòng đất. Người hy sinh mai táng tại chỗ. Chúng tôi đã ở cùng nhau, bên nhau như vậy. Có những người lính vừa vào được vài ngày đã hy sinh. Đơn vị tôi nhận được thư nhà của những chiến sỹ ấy, đành phải thay lời người bạn báo tin anh ấy còn sống và đang chiến đấu ở một vị trí khác. Có những giờ khắc, chúng tôi đã phải làm vậy đấy. Làm vậy để phía hậu phương bớt đi một quãng đau lòng”.

Mỗi ngày, tự tay ôm xác đồng đột đặt xuống lòng huyệt đào vội; mỗi ngày, nhìn những người lính bị thương được đồng đội bơi dìu qua sông Thạch Hãn để về trạm quân y tuyến sau, lại dính bom chùm của giặc hy sinh hết thảy, lòng ông run lên nỗi căm giận chiến tranh. Càng căm giận chiến tranh, càng phải chiến đấu cho ngày độc lập, thống nhất sơn hà, trong ông càng dội lên niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng. Ông không rời trận địa một giờ khắc nào, để trọn vẹn trải qua 81 ngày đêm đau thương và hiển hách.

Sau sự kiện giải phóng Thành Cổ, Tiểu đoàn 8 được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng, riêng bản thân Cao Xuân Khuông được vinh dự cử ra báo cáo thành tích tại Tổng tham mưu. Sau đó, ông trở về Quân khu, làm Tham mưu phó Tỉnh đội Quảng Trị. Năm1974, khi thành lập Trường Quân chính Quân khu Trị Thiên, ông về làm Trưởng phòng Huấn luyện. Đến năm 1975, khi nhập Quân khu Trị Thiên với Quân khu 4, ông được điều động về làm Phó phòng tác chiến Quân khu 4. Năm 1978, ông được cử đi học Học viện Lục quân tại Đà Lạt. Sau đó, trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 1991, ông là Chỉ huy trưởng BCH Quân sự Nghệ An. Đến năm 1995, ông được đề bạt chức Phó Tư lệnh Quân khu 4 rồi công tác đến năm 2008 thì ông nghỉ hưu.

Những lá thư, những cái tên ghi dấu tình yêu thời trận mạc

Cả một quãng đời dài, suốt thời tuổi trẻ cho tới khi được nghỉ hưu, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông đã hiến mình cho Quân đội. Biền biệt những tháng năm xa nhà suốt từ năm 18 tuổi, cho tới khi nước nhà thống nhất, ông mới được chính thức trở lại quê hương. Cô thôn nữ Hoàng Thị Đạm – một cô gái mười tám đôi mươi vò võ chờ chồng, chủ yếu chỉ được gặp chồng qua những cánh thư. Họ viết cho nhau khi mặt trận vừa im tiếng súng, trên đường hành quân, khi tay còn đang bị đạn xuyên, khi hơi nóng của đạn bom còn đang bừng trên giấy… Họ viết cho nhau khi chỉ còn lại ngọn đèn dầu vừa khêu rạng trong căn nhà nhỏ, khi thôn xóm vừa chìm trong giấc ngủ, khi xong mùa vụ, khi vừa vào hợp tác xã, khi được tổ chức phân công nhiệm vụ mới… Những yêu thương, giận hờn, đôi lời trách cứ (chủ yếu là vì lo lắng không nhận được thư), nhưng trên hết cả là tình yêu thủy chung, nồng thắm, là sự động viên nhau cùng vượt qua những nỗi khó khăn thời cuộc, tin tưởng ở một ngày tốt đẹp của dân tộc và của số phận mình. Vậy nên, ngay cả khi ông Khuông và Đại đội bị lạc đơn vị cả tháng trời, không có tin tức gì, nhưng vợ ông vẫn vẫn son sắt một niềm tin chồng mình không thể chết. Người trai làng thông minh, lanh lợi và can trường ấy sẽ không dễ mà có thể bị khuất phúc bởi đạn bom quân thù.

Vị tướng già xem lại những bức thư của vợ chồng mình. Ảnh: Võ Khánh

Trong lá thư đề Quảng Trị 1/1/1972: ông viết “… chắc chắn là anh hiểu em hơn ai hết, và em hiểu anh hơn ai hết. (…) Bởi vì, chúng ta có một tình yêu sâu sắc, vững vàng trong mọi thử thách từ lúc ban đầu đến nay và mãi mãi về sau này”.

Một lá thư khác, ông động viên: “Ta phải nén lòng mà chịu đựng, ắt sẽ có ngày vui sướng và hạnh phúc trong cảnh gia đình đoàn tụ. Và em ạ, anh có cảm giác ngày ấy không đến nỗi xa xôi lắm”.

Cũng là Quảng Trị, ngày 3/2/1972, ông viết: “Từ những ngày cuối năm 71 đến nay, như vậy là cứ 15 ngày anh lại biên một lá thư gửi cho em và con. (…). Anh hiểu rất rõ rằng, mỗi lá thư của người thân là sự an ủi, động viên rất lớn làm ấm lại tình yêu thương và khuây khỏa những nỗi buồn”. Rồi Quảng Trị 18/9/1972: “Những ngày tháng 9 năm nay đến với anh làm trỗi dậy những kỷ niệm của những ngày tháng 9 năm nào. (…) Nhưng rồi vì hạnh phúc lâu bền của dân tộc trong đó có chúng ta và con ta nữa nên anh lại phải ra đi. Đến nay đã gần 3 năm rồi mà chưa trở lại những ngày vui sướng ấy. Nhưng em, ta đã biết trước điều đó và ta đã sẵn sàng chịu đựng…”. Ông sung sướng hạnh phúc khi nhận thư báo tin được làm cha: “Đạm em! Thế là chúng ta sắp sửa được làm cha làm mẹ. Thật là hạnh phúc! Nhưng chúng ta hãy cố gắng lên, nhất là với em, lúc này anh không ở bên để lo lắng cho em được. Trong trái tim anh, anh luôn yêu em, thương em và nhớ em”.

Còn bà viết: “Anh Khuông thương nhớ! Hơn một tháng em không nhận được thư anh, em cứ lo và phân vân không biết thư đã vào đơn vị hay chưa, hay vào rồi nhưng anh đang bận đi công tác xa? Con của chúng ta đã được gần 10 tháng, chỉ mới biết đứng chứ chưa biết đi, nó giống bố Khuông lắm…”.

Những bức thư được ông bà lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Võ Khánh

Những bức thư giờ đây thất lạc cũng rất nhiều, nhưng những gì ông bà còn giữ lại cũng đáng để thành một “bảo tàng” thu nhỏ. Ông cẩn thận giữ chúng thành từng chồng, theo giai đoạn thời gian: Năm 1960, 1961… cho tới 1982 (đây là giai đoạn ông làm nhiệm vụ ở một đơn vị biên giới tây Nghệ An). Tất cả là một phần ký ức tươi đẹp và hào hùng, là gói ghém những buồn vui tuổi trẻ, những cảm xúc tình yêu thời trận mạc.

Rồi ông thổ lộ cùng chúng tôi, rằng những người con của ông cũng là những dấu ấn của tình yêu người lính. Suốt ngần ấy năm chồng vợ, phần lớn thời gian họ ở xa nhau. Đêm tân hôn cũng chỉ dành cho những thổ lộ tâm tình. Phải đợi đến 1 năm sau khi cưới (tức năm 1964) sau khi ông tốt nghiệp trường Sỹ quan ở Sơn Tây, ông trở về Quân khu 4, ở tại Trạm khách của Quân khu, tìm cách đánh điện báo về nhà cho gia đình, nói mong muốn được gặp vợ tại đây. Lúc này, mẹ của ông nhận được điện tín, mừng lắm. Bà tất tả đưa cô con dâu trẻ về Vinh để gặp chồng. Xuống đến nhà khách Quân khu, cả 2 mẹ con chưa được vào gặp ông ngay mà phải qua một ngày xác minh. Cuộc hội ngộ diễn ra trong bao đợi mong, hạnh phúc đến vô biên. Họ được đơn vị sắp xếp cho ở bên nhau 1 tuần tại Trạm khách Quân khu và sau đó, tiếp tục cho phép ông được nghỉ phép 1 tuần về quê nhà Anh Sơn. Đó thực sự là 2 tuần ngắn ngủi để họ chính thức được ở bên nhau, sống đời chồng vợ. Kết quả của lần về tranh thủ ấy, ông bà có người con trai đầu lòng vào năm 1965. Họ cùng thống nhất, nếu sinh con sẽ đặt tên Vinh để kỷ niệm cuộc gặp ở Vinh của 2 người.

Tướng Cao Xuân Khuông bên con trai thứ 2 Cao Xuân Linh. Ảnh: Võ Khánh

Người con thứ 2 của ông cũng lại là một dấu ấn tình yêu trên chiến trường Quảng Trị. Cuối năm 1969, nhận nhiệm vụ huấn luyện, ông viết thư cho anh trai của mình, nhờ anh đưa vợ và con trai vào thăm cha. Chặng đường của 2 mẹ con cùng người anh trai bắt xe, rồi cuốc bộ nữa vào với vùng đất Quảng Trị khi ấy cũng vô cùng gian nan. Nhưng mọi gian nan không thể thấm tháp gì khi bà nhìn thấy ông ở trước mắt mình sau bao nhiêu đồn đoán rằng ông đã hi sinh… Lần đó, ông bà được ở bên nhau 2 tuần lễ. Cậu con trai thứ 2 ra đời từ lần gặp gỡ này được đặt tên Linh để ghi dấu ấn kỷ niệm vùng khói lửa Vĩnh Linh.

Lần thứ 3 ông tranh thủ về gặp bà là sau 81 ngày đêm tàn khốc bảo vệ Thành cổ. Đoàn của ông ra Thủ đô báo cáo kết quả tình hình. Lần đó đơn vị của ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Còn ông thì được về với bà hai tuần. Cô con gái thứ ba đã được chào đời sang năm sau đó. Còn cô gái út của ông bà được sinh năm 1975, khi nước nhà đã thống nhất. Cả 4 lần bà sinh con là 4 lần ông đều không có mặt bên cạnh. Nhưng với bà Hoàng Thị Đạm thì “Làm vợ bộ đội thời chiến tranh, ai cũng như tôi thôi. Tôi hạnh phúc, vì ngay cả những lúc mình vất vả nhất, buồn bã nhất, tưởng như có thể ngã gục bởi những gian nan, thì ông ấy đã nói với tôi rằng: “Em đừng lo lắng, khổ buồn. Vất vả nào rồi cũng qua. Rồi chúng ta sẽ ở cùng nhau, mỗi sáng ta cùng nhau lên rú đào đất trồng chè, chiều anh đi đánh cờ, em ở nhà lo cơm nước, chúng ta cùng vui những thú vui dân dã quê ta…”. Với một người phụ nữ, chúng tôi nghĩ, chỉ cần người đàn ông của cuộc đời mình nói câu đó, và tin họ sẽ làm như thế, là đủ.

Nụ cười người lính trẻ và giọt nước mắt của vị tướng già

Trong bảo tàng Quân khu 4 bây giờ đang có một bức ảnh phóng to, làm nền cho một ô trưng bày các tư liệu, hiện vật giai đoạn lịch sử chống Mỹ cứu nước, bức ảnh được đặt tên “Làm đẹp ngay trong chiến trận” của nhà báo chiến trường Đoàn Công Tính. Bức ảnh được chụp vào ngày 15/7/1972, ngay bên công sự còn đang khét lẹt mùi khói súng, và xung quanh hoang tàn đổ nát. “Nhân vật chính” của bức ảnh đang ngồi và được một đồng đội dùng tông đơ để cắt tóc. Cả hai đều đang mỉm cười. Anh bộ đội được cắt tóc có đôi mắt rất tinh anh, lém lỉnh liếc nhìn ống kính đó chính là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Bộ đội địa phương Quảng Trị Cao Xuân Khuông.

Bức ảnh này quả đã nói được rất nhiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nói được rất nhiều về cuộc sống, niềm lạc quan, niềm tin, sự can trường… của những anh bộ đội cụ Hồ ngay tại những trận địa ác liệt nhất – nơi được mệnh danh là “cối xay thịt” 81 ngày đêm Thành Cổ. Nụ cười, đôi mắt, dáng vẻ của anh bộ đội trong bức ảnh của nhà báo Đoàn Công Tính cũng đã nói được tất cả về con người của anh Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông. Câu chuyện về bức ảnh đã được tướng Khuông kể lại: “Tôi đã hoàn toàn không biết về bức ảnh cho tới khi được nhìn thấy nó sau đó gần 30 năm. Cũng nhờ bức ảnh, tôi được hội ngộ với anh phóng viên chiến trường ngày trước, khi cả hai chúng tôi tóc đều đã ngả màu. Chúng tôi cùng ôn lại mùa hè đỏ lửa 1972. Chiến sự khi ấy vô cùng ác liệt. Vì vậy, việc phóng viên vào tới trận địa để tiếp cận, viết bài tuyên truyền là việc vô cùng mạo hiểm. Lúc anh phóng viên ấy tìm tới Tiểu đoàn, là lúc chúng tôi đang căng thẳng trong trận chiến. Cả hai tay tôi khi ấy đang sử dụng điện thoại để điều binh, trên đầu chúng tôi đầy tiếng đạn rít và khói bom. Khi biết anh phóng viên muốn có bức ảnh về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội tại Tiểu đoàn tôi để phục vụ tuyên truyền, nhìn lại mình đang bận rộn, lấm lem, tôi đã nói anh ấy chờ một chút để mình cắt lại mái tóc. May lúc vừa dứt lời, thì nghe tiếng pháo địch bắn tới, tôi kéo anh phóng viên chạy tới hầm trú ẩn. Thực ra những chuyện này, tôi không còn nhớ, nhưng anh ấy kể lại với tôi những ký ức này. Anh Tính bảo: “Nếu khi ấy anh Khuông không phản ứng nhanh thì chắc chắn tôi đã lãnh đạn hoặc bị tường đổ sập trên người”. Giai đoạn ấy, cả tháng trời chúng tôi đâu có thời gian mà cắt tóc. Tóc tôi dài che kín hết cả tai. Thế là ngay tại cửa hầm, cậu liên lạc của tiểu đoàn đã lấy tông đơ để cắt tóc cho tôi. Cậu ấy tên Hùng. Còn người đang bồng súng ngồi phía sau trong bức ảnh là cậu Trạch, trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn. Cả 3 chúng tôi đều may mắn vượt qua hòn tên mũi đạn của chiến tranh, cống hiến cho quân đội đến khi về nghỉ hưu”.

Bức ảnh do nhà báo Đoàn Công Tính tặng lại Tướng Cao Xuân Khuông. Chụp lại: Võ Khánh

Khi nhắc về kỷ niệm cũ, chỉ vào từng người trong bức ảnh cho chúng tôi xem, Tướng Cao Xuân Khuông đã mỉm cười. Nụ cười của người Tiểu đoàn trưởng trong khói lửa đạn bom năm 1972 và nụ cười bây giờ cũng đều hiền từ, lạc quan như thế. Chỉ có điều, nụ cười năm 1972 có chút lém lỉnh hơn, còn bây giờ, nụ cười của ông đầy từng trải, bình an. Ông nói mình đã có thật nhiều may mắn trong đời. May mắn vì đã không nhiều mất mát về sức khỏe, về tính mạng trong chiến tranh, may mắn vì được tin cậy và được cống hiến hết mình trong quân đội, may mắn vì có được người vợ đảm đang, chung thủy phía quê hương, may mắn vì ông đã có một nếp nhà ấm áp với con cháu hiếu thuận quây quần… “Những may mắn của tôi, có nhiều người giúp sức. Là đồng đội tôi đã nằm lại phía chiến trường. Và đặc biệt, mọi thiệt thòi, vất vả có một người mang vác ở phía hậu phương, đó chính là bà ấy”.

Chỉ đến bây giờ, khi nhắc về “bà ấy”, khi nhắc đến người phụ nữ mà ông yêu từ thời còn là cậu bé trường làng, người đã cưới ông – một chàng trai nghèo khó mồ côi mà bỏ ngoài tai những lời gièm pha khác, một người cả cuộc đời chịu cảnh xa chồng để chồng được toàn tâm phụng sự cho Tổ quốc, người mà cả một thời xuân sắc bà chỉ gặp được qua những cánh thư và những lần về phép tranh thủ, người mà cả 4 lần sinh con đều vượt cạn một mình không có chồng bên cạnh…, ông mới rơi nước mắt.

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt vị tướng già khi nhắc lại những kỉ niệm cũ. Ảnh: Võ Khánh

Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của năm tháng, tuổi tác và gió sương chiến trận của vị tướng già. “Tôi đi hết cả cuộc đời nhưng cũng không đi hết được chữ “thương” với người phụ nữ – là mẹ của các con tôi”. Bởi vậy, quãng đời cuối được sống bên nhau, ông luôn cố gắng mọi điều để bà được bù đắp, vui vẻ. Ông luôn nói với các con: “Dù mẹ các con có khó tính cỡ nào, có đòi hỏi thế nào, thì chỉ cần mẹ vui, chúng ta cũng gắng làm theo nguyện vọng của mẹ. Bởi cả cuộc đời này, cha và các con đều nợ mẹ rất nhiều!”

Ông nhớ lại về những ngày đầu tiên, về ánh mắt của bà khi còn là cô thôn nữ 15, 16 tuổi. Nhớ về vẻ bẽn lẽn của bà ngày lễ ăn hỏi. Nhớ hàng ngàn lời tâm sự vào đêm tân hôn vội vã. Nhớ những lá thư nhiều nhớ thương bà đã viết cho ông, trong đêm tối, báo tin nhà, kể chuyện các con đã hình thành trong bà, đã ra đời và đã lớn dần với bước đi đầu tiên, tiếng gọi đầu tiên. Nhớ những lần gặp nhau tranh thủ. Nhớ những năm 1970, phong trào di dân làm kinh tế mới, gia đình ông có 4 người vào vùng kinh tế mới. Riêng mẹ và vợ ông ở lại vì cả 2 đều đau yếu, 2 con ông còn nhỏ, bởi vậy suốt 3 năm, 2 người không được nhận cân gạo nào từ hợp tác xã. Được một chum lúa dự trữ, bà phải đi mót lúa, mót khoai, mẹ ông thì tráng bánh khô sắn, cháo rau qua ngày. Cũng vì thế mà lúc này bà không được kết nạp Đảng. Ông biết tin nhưng không thể giúp gì khi ông ở quá xa gia đình, chiến tranh lại còn ác liệt. Bà đã lặng thầm vượt qua tất cả để ông an tâm chiến đấu. Và bà cũng là người luôn sẻ chia cái khí chất người lính ngời sáng trong ông “Ông làm chi tui cũng đồng tình, ủng hộ ông”. Không chỉ lặng lẽ chăm con, chờ chồng, bà cũng đã tận tâm một đời để chăm sóc người mẹ góa bụa của ông.

Còn chúng tôi, khi gặp ông, trò chuyện cùng ông, chứng kiến nụ cười và cả nước mắt của ông để hiểu hơn về chiến tranh, hiểu hơn về hy sinh của lớp lớp những người đi trước. Nếu không có tình yêu thương, nếu không có những giọt nước mắt dành cho những người thân yêu, nếu không có sự thấu hiểu về phía quê nhà, thì chúng ta sẽ không có những người lính biết hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, sẽ không có những trái tim biết căm giận quân xâm lược, không có những nụ cười đầy lạc quan ngay tại chiến trường đang nghi ngút đạn bom. Và chắc chắn sẽ không có ngày chiến thắng.

Thùy Vinh – Thúy Hoa