Ai đã từng đi qua miền Trung, đã từng vào Nam ra Bắc trên quốc lộ 1A lại không từng qua cầu Bến Thuỷ, cây cầu nối hai bờ con sông Lam – con sông đã chảy vào trong thơ ca, âm nhạc một dòng tình tứ, cây cầu nối hai bờ ngăn cách mà tự nhiên phân chia, nối hai địa danh trên dải đất miền Trung phên dậu của Tổ quốc mình?

Không biết có bao nhiêu con sông đã làm nên ranh giới giữa các miền quê hương? Và có bao nhiêu cây cầu huyền thoại đã sinh ra từ đó? Cầu Bến Thuỷ, nơi thành Vinh của đất Nghệ An tìm một điểm dừng để bắt đầu nỗi bâng khuâng của một nhà thơ khi đặt chân trên đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Tôi đã đi trên biết bao cây cầu, từ những “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” của vùng kinh rạch Nam Bộ đến những cây cầu treo rùng rình trên đất Bắc, và rất nhiều, rất nhiều cây cầu hiện đại khác trên đất nước có biết bao sông ngòi của ta. Nhưng tôi vẫn nhớ một Bến Thuỷ, nhớ cái ánh điện vàng vọt trong đêm mùa đông, nhớ ầm ì tiếng xe lăn, tiếng ầm ì dường như cũng thiêng liêng trong cái ranh giới chuyển giao, nhớ cái cột mốc mờ mịt cũ kĩ, nhớ cái bóng núi sừng sững làm nên một đường viền khổng lồ sẫm tối trên nền trời, và nhớ cái tiếng thở dài se sẽ của người lữ hành trên chuyến xe khách đường xa đang nói với chính tâm trạng mình: “Thế là đã đến đất Hà Tĩnh rồi đấy!”

 (Lại nhớ về thuở nhỏ, hai làng cách nhau có một con sông, mà giọng nói cũng đã khác nhau nhiều đến thế. Lũ trẻ hai bên chơi trận giả, biên giới chính là dòng sông. Chẳng đứa nào được đặt chân lên lãnh địa của đối phương cả. Những con trâu chở những hiệp sĩ tí hon cứ ra đến giữa dòng là phải lội quay về. Rồi lại n hớ đến bài học thiếu thời. Có câu chuyện của người dân Êtiôpia, trước khi tiễn khách ra về, đến biên giới họ đều bắt khách phải rũ sạch đế giày. Họ yêu và nâng niu từ hạt cát trên đất quê mình, dù cho hạt cát nơi nào mà chẳng giống nhau, nhưng dường như với con người hạt cát trên mỗi địa danh lại mang trong nó một linh hồn khác vậy. Có phải con người đứng trước cái bao la vĩnh hằng của không gian và thời gian để luôn có nỗi cô đơn, để luôn cảm thấy mình bé nhỏ, để đã phân chia ranh giới, để đặt tên cho mỗi miền đất mà tìm một chốn quay về, để có một nơi mà nhớ nhung mà gọi tên lên trong chờ mong khắc khoải?).

 Vẫn là đêm mùa đông, tôi đứng trên cầu Bến Thuỷ. Trong cái lạnh run người, có một đôi trẻ đang chầm chậm đi bên nhau. Chàng trai đốt thuốc, thắp lên một đốm lửa đỏ ấm cúng. Cả hai im lặng và cô gái bỗng bật lên mơ hồ: Giá như em ở giữa dòng Lam kia? Người con trai không nói gì. Có lẽ anh mỉm cười trong bóng đêm và nắm chặt tay cô bạn của mình. Đáp lại cô chỉ có tiếng gió, tiếng sóng rì rào của dòng sông đang mê mải chảy. Chắc cô gái đang nghĩ về một thân bèo, một thân gỗ mục, cô gái đang nghĩ về hư vô. Còn dòng sông có lẽ đang nghĩ về khát vọng đại dương của nó.

Tôi đi, và gặp cột mốc cây số. Cứ tưởng như nó vô tri nằm lạnh bên lề đường, nhưng nó lại mang một thông điệp nhắn rằng: Chỉ một bước nữa thôi, bạn đã đặt chân lên một miền đất khác, bạn sẽ cảm thấy trong đất, trong nước, trong gió, trong nắng, trong mưa mang sắc màu, âm điệu khác. Nhưng thương nhớ biết bao là những nét riêng biệt ấy. Và con người đã đến với nhau qua những cây cầu nối hai bờ thương nhó, nối bên lở với bên bồi như thế. Cầu Bến Thuỷ chính là cánh tay xích lại hai miền quê, trên tuyến đường thông thương của đất nước. Và những đôi trai gái yêu nhau ở hai miền đất không còn phải dặn câu: “Người ơi, sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua” nữa. Người con trai đứng trên cầu, nắm tay cô gái của mình, ngực giơ ra chắn gió, có lẽ anh thách thức cả đại dương…

Ầm ì tiếng xe lăn… Qua cầu Bến Thuỷ.

Thùy Vinh (2000)