Di tích đình, đền, chùa, nhà thờ, danh, v.v… là một phần của di sản dân tộc, đó là những di sản quý giá được cha ông ta đời đời dựng xây, vun đắp.

Mỗi di tích là mỗi câu chuyện về những danh nhân đất Việt đã có công khai sơn lập địa, xây bản dựng làng, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, giang sơn; và cả những câu chuyện về các vị thần đã chở che, phù trì cho dân làng được sống yên bình. Đó có thể là di tích lịch sử, là di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh, v.v… Gắn với nhiều di tích là lễ hội cũng mang sắc thái riêng biệt của vùng miền, của mỗi dân tộc.

Từ những câu chuyện của di tích ta hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần, đời sống tín ngưỡng – tâm linh của người dân Nghệ An qua các thời kỳ lịch sử. Chúng ta hiểu hơn những giá trị văn hóa, những nét đẹp văn hóa mà cha ông đã gìn giữ, lưu truyền qua hệ thống di tích. Chúng ta cũng thấm thía cái lẽ sống biết ơn, biết tri ân các bậc tiền nhân (các vị nhân thần, nhiên thần) đã có công với quê hương, đất nước để nhận thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ cũng như phát huy di sản này vào đời sống đương đại và gìn giữ cho mai sau.

Với mong muốn đó, Tạp chí Sông Lam sẽ dành nhiều tác phẩm với các thể loại ảnh, ký, nghiên cứu chuyên sâu, v.v… phản ánh đề tài “Di tích Nghệ An – gìn giữ cho mai sau” mong đem đến cho bạn đọc những điều bổ ích.

Niềm tin, sự ngưỡng vọng

30 năm công tác trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, chị Trần Thị Phương, nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền phát huy giá trị di tích, Ban Quản lý Di tích – Danh thắng Nghệ An luôn tâm niệm một điều: di tích – đó là di sản, là thông điệp của cha ông gửi lại cho muôn đời sau, các thế hệ cháu con phải gìn giữ. Vì công việc, được tiếp cận với hàng trăm di tích, gặp gỡ hàng trăm con người hết lòng tận tụy, nhiệt tâm bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông, và không thiếu những câu chuyện như huyền bí về sự linh ứng, linh thiêng của các vị thần được thờ phụng trong các đình, đền, chùa, nhà thờ họ mà mọi người và cả chị nữa được chứng nghiệm càng vun dày thêm niềm tin yêu, thành kính của chị với di sản. Và chị đã làm việc bằng niềm tin yêu ấy.

Bản thân tôi cũng đã từng được hòa mình trong không khí chuẩn bị cho lễ hội đền Yên Lương, đền Mai Bảng của cư dân phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Được sống trong không khí rộn ràng háo hức ấy, tôi cảm nhận rất rõ ràng niềm tin trong lành của những người dân miệt biển. Họ háo hức, sốt sắng lo việc đền. Họ làm bởi cùng chung một niềm tin, rằng các vị thần đã chở che cho dân làng bình yên, no ấm, nay lo việc lễ hội cho đền, cho các vị thần là công việc của mỗi nhà. Anh Phùng Bá Thu, một người dân ở Yên Lương (phường Nghi Thủy) tâm sự: “Khi làng vào lễ, các gia đình tự trang trí thuyền của nhà mình thật đẹp đẽ, đổ đầy xăng rồi đưa đến tham gia lễ rước”. Đội thuyền này cũng có tới vài ba chục tàu lớn và ba bốn chục thuyền nhỏ tạo nên một lễ rước rất hoành tráng và đẹp mắt ngay giữa biển khơi. Lễ rước trên bộ có năm kéo dài tới 4-5 cây số, bởi hầu như tất cả người dân ở đây đều nghỉ việc và tham gia lễ hội. Với họ, nếu không dự hội là chưa bày tỏ hết tấm lòng thành kính, niềm tin với các đấng phù trì của làng. Trước đó, khi tôn tạo đền Yên Lương, hàng chục người dân Yên Lương đã đăng ký xung phong vào đội xây dựng, phụ nữ thì vào đội nép dọn, ngày ngày lên đền làm công quả. Những việc ấy họ tự giác thực hành bằng niềm tin, bằng sự ngưỡng vọng trước các vị thần đã chở che cho dân làng được bình yên trên biển cả, được no ấm, đủ đầy.

Đền Chín Gian tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nhật Thanh

Bà Lô Thị Quyết ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong vui lắm, vì bà thấy ngôi đền thiêng của quê hương bà – đền Chín Gian ngày càng khang trang, lễ hội được tổ chức chu tất. Lễ hội năm nào bà cũng đi dự, không chỉ được vui vì có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mà còn vì bà được bày tỏ niềm tin yêu với các bậc có công xây bản lập mường. Dường như sự ngưỡng vọng tới các vị thần đã chỉ hướng cho người dân nơi đây một ý thức tham gia lễ hội rất tốt. Họ tuân thủ sự hướng dẫn của Ban tổ chức lễ hội một cách nghiêm túc. Vui nhưng không ồn ào, mất trật tự. Trong buổi lễ, ngay cả khi ghế của đại biểu để trống họ cũng không vào ngồi. Mọi hoạt động cứ diễn ra suôn chảy, ngăn nắp cho tới 22h đêm, mọi người lại trật tự ra về.

Như nhiều địa phương khác, người dân Nghệ An luôn dành những tình cảm đặc biệt, tôn kính những vị thần đã chở che, bảo trợ và phù trì cho cuộc sống của dân được an bình và no ấm.

Gìn giữ cho muôn đời

Với ông Nguyễn Văn Yên (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai), niềm tin và ý thức về việc gìn giữ di tích đã được trao truyền từ chính ông nội, rồi bố của ông. Ông nhớ rằng, ông nội và bố đều là thầy cúng tại đền Bạch Y của làng ông, làng Yên Phú, xã Mai Hùng, huyện Quỳnh Lưu ngày ấy và đã dày công chăm sóc, gìn giữ. Ông chứng kiến ông nội và bố chăm lo sóc vọng những ngày lễ cho đền. Rồi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra miền Bắc, năm 1968, Mỹ đánh phá ác liệt trọng điểm cầu Hoàng Mai buộc người dân phải tháo đền cất đi. Bố ông đã đưa đồ tế khí, sắc phong cất tại một ngôi miếu trong vùng. Những năm sau đó đồ gỗ của đền cũng không còn nữa vì phải huy động vào việc xây dựng các nhà thương. Dẫu không còn đền nhưng trong tâm khảm người dân nơi đây, đặc biệt là bố của ông vẫn mãi ngưỡng vọng về vị thần Bạch Y, người đã chở che, cứu vua Lê Lợi khi gặp nạn trong cuộc chiến chống quân Minh, cũng là người đã phù trợ cho dân làng được bình yên qua bao thế hệ. Niềm tin và sự ngưỡng vọng được truyền từ cha ông đã thúc dục ông quyết tâm khôi phục lại ngôi đền. Năm 2005, ông bắt đầu một hành trình kiên nhẫn để dự án khôi phục đền trở thành hiện thực vào năm 2020. Dường như đã có một sự thử thách nào đó cho niềm tin của ông. Bởi một hành trình thật dài và không ít trắc trở, khó khăn, để đến năm 2012 tưởng đã có thể xây dựng đền thì huyện Quỳnh Lưu quê ông tách thành 2 đơn vị hành chính: huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, xã ông ở thuộc về thị xã Hoàng Mai. Ông lại phải thực hiện một hành trình khởi sự từ đầu, lập dự án, trình hồ sơ qua bao ban ngành chức năng mới có được giấy phép phục hồi di tích. Năm 2020, ngôi đền Bạch Y chính thức được khởi công. Ngoài một phần kinh phí của nhà nước, ông phải kêu gọi sự ủng hộ từ dân làng, từ các nhà hảo tâm tứ xứ. Khó khăn và khó khăn, nhưng ông vẫn tin là mình làm được. Quả thật, đến giờ phút này, ngôi đền đang được khôi phục.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng và dân số đông, cũng là tỉnh có số lượng di tích khá lớn. Theo số liệu từ Ban Quản lý Di tích tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 2.600 di tích, trong đó, đến tháng 1/2023, có 481 di tích đã được xếp hạng với 6 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích cấp quốc gia và 331 di tích cấp tỉnh. (Mới đây đền Chín Gian, huyện Quế Phong vừa được công nhận là di tích quốc gia, nâng số di tích quốc gia của tỉnh nhà thành 145). Các di tích tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Huyện có di tích nhiều nhất là Yên Thành, đến Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, các huyện miền núi có rất ít di tích, v.v…

Đền Cuông (Diễn An, Diễn Châu) trong ngày lễ hội. Ảnh: Cảnh Yên

Di tích đình, đền, chùa ở Nghệ An thường có quy mô vừa và nhỏ, chỉ một số rất ít có quy mô khá lớn; lễ lạt cũng đơn giản, không cầu kỳ như ngoài Bắc. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh nghèo, với số lượng và sự đầu tư xây dựng như vậy, cho thấy, hệ thống di tích này luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Di tích nào cũng có một hoặc một số vị thần (nhân thần hoặc nhiên thần) được người dân thờ phụng vì đã chở che, phù trợ cho người dân trong vùng được bình yên, có cuộc sống no ấm. Dường như mỗi di tích có cái “duyên” riêng để sức sống của nó thêm linh thiêng, bền vững trong đời sống của Nhân dân. Đền Đức Hoàng (Yên Thành) rất linh ứng về thuốc sài ghẻ, mụn, nhọt; đền thờ Nguyễn Xí (ở Nghi Lộc) được nhiều người dân đến cầu đinh; đền Nghĩa Sơn, đền Thanh Liệt (ở huyện Hưng Nguyên) thì gắn bó với người dân vạn chài; đền Mai Bảng, Yên Lương, đền Vạn Lộc rất linh ứng với người dân miệt biển Cửa Lò. Những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng: đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã luôn có sức sống bền vững trong đông đảo người dân quê Nghệ và ngày càng thu hút du khách thập phương. Đình ở Nghệ An cũng như ở các vùng miền khác, chức năng ban đầu là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, sau đó với việc thờ thành hoàng làng, nó đi vào đời sống tâm linh của cộng động người dân địa phương. Nghệ An cũng có một vài ngôi đình lớn, đẹp, có nghệ thuật chạm khắc độc đáo thuộc tầm quốc gia như đình Hoành Sơn. Bên cạnh đó người dân vẫn còn lưu giữ được một số ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật khá đặc sắc như đình Trung Cần, Khả Lãm, Giáp Đông, Liên Trì. Điều lạ là mật độ dày và số đình quy mô lớn hầu như tập trung ở vùng chín nam huyện Nam Đàn. Cho đến nay, đình ở đây vẫn được người dân gìn giữ khá tốt.

Đền Cờn được mệnh danh là linh thiêng nhất trong 4 ngôi đền thiêng của xứ Nghệ. Ảnh: Nhật Thanh

Để công tác bảo tồn và phát huy di tích có hiệu quả hơn, những năm gần đây, tỉnh nhà đã rất khẩn trương và khá quyết liệt trong việc thực hiện công tác kiểm kê di sản. Đây là cơ sở ban đầu và rất quan trọng tạo tiền đề cho việc khôi phục, bảo tồn di tích về lâu dài. Đồng thời, hàng năm tỉnh chi 3-4 tỉ đồng dành cho việc tu bổ cấp thiết. Nguồn kinh phí này thực sự chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực trạng di tích. Mới đây ngành văn hóa đã có đề xuất nâng nguồn kinh phí này và đang được xem xét. Bên cạnh đó, càng ngày xu hướng xã hội hóa trong công tác khôi phục, tôn tạo di tích càng được Nhân dân quan tâm. Như đền Quả Sơn, kinh phí tôn tạo lên đến hơn 70 tỷ đồng, trong đó, một phần nhỏ từ nguồn ngân sách, còn lại đều là tiền công đức từ sự ủng hộ chung tay của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ lớn đó, đền Quả Sơn hiện nay đã trở nên đẹp và khang trang hơn, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ vốn có. Bằng nguồn xã hội hóa, từ năm 2016 đến nay, Nhân dân đã đóng góp được trên 68 tỉ đồng, cùng với gần 25 tỉ đồng nguồn ngân sách, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được phục hồi, tôn tạo.

Bằng niềm tin, tình yêu và sự ý thức ngày càng sâu sắc hơn về di tích, cùng với các cơ quan chức năng, Nhân dân tỉnh nhà đã chung tay góp phần quan trọng cho việc gìn giữ di tích – di sản cho mai sau.

Đào Thúy Hoa