Dường như cả cuộc đời Đại tá – nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng gắn với binh nghiệp và nhiếp ảnh. Con người ông bộc trực, hồn hậu và sở hữu một nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên. Có một chi tiết khá thú vị khi ông bật mí rằng, anh lính Trần Hồng tận 12 năm phấn đấu mới được kết nạp Đảng. Ông nhớ, trận lũ lịch sử năm 1999 tại Huế đã làm chết 600 con người. Ông và một đồng nghiệp nữa đã không quản đến tính mạng quyết thuyết phục đội bay đưa các ông vào rốn lũ để kịp đưa tin. Sự tận tâm làm việc cùng một số thành quả công tác khác đã minh chứng cho tấm lòng nhiệt huyết, cho sự cống hiến không toan tính để ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bằng sự chân thật, thẳng thắn, bằng tình yêu nghề, và trên hết là tình yêu con người luôn căng tràn trong lồng ngực người chiến sỹ – đảng viên – người nghệ sỹ nhiếp ảnh đã giúp ông sáng tạo không mệt mỏi và dâng hiến cho đời một di sản nhiếp ảnh đồ sộ mà bất cứ một người nghệ sỹ chân chính nào cũng phải mơ ước.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu cuộc trao đổi cùng ông về chuyện nghề hai trong một “phóng viên ảnh – nghệ sỹ nhiếp ảnh” với hai đề tài lớn cả đời ông theo đuổi “Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” như một nén hương thơm tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân đã hy sinh vì sự vẹn toàn của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.

TS. Trần Việt Hoa – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia Việt Nam tiếp nhận và công nhận 111 tác phẩm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 81 bức chân dung mẹ Việt Nam của NSNA Trần Hồng là tài sản quốc gia

May mắn vì được “nghề chọn”

PV: Qua hơn 40 năm thực hành nhiệm vụ của một phóng viên ảnh – một nghệ sỹ nhiếp ảnh, ông đã thực sự ghi dấu ấn trong lĩnh vực nhiếp ảnh nước nhà với 13 cuộc triển lãm ảnh về đề tài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 5 cuốn sách ảnh, trong đó nhiều tác phẩm ảnh được công nhận là di sản quốc gia, bây giờ ngẫm lại, ông có nghĩ là “nghề ảnh” đã chọn mình?

Trần Hồng: Từ chiến trường ra, tôi được cử đi đào tạo dài hạn làm báo với chuyên ngành phóng viên ảnh, phấn đấu để được phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tốt nghiệp về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi lại may mắn là phóng viên quân sự được biệt phái sang làm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam trong 8 năm liền. Từ đó, nghề nhiếp ảnh đã vận vào cuộc đời tôi như một duyên nghiệp.

Tôi đã đi qua một hành trình khá dài trên con đường mà cho đến bây giờ tôi phải khẳng định rằng mình rất yêu thích. Những trải nghiệm, những lăn lộn trong công việc suốt cuộc đời quân ngũ, và những thành quả mà tôi đã thu hái được càng khẳng định tôi thật sự may mắn đã được nghề ảnh “tìm, chọn” mình. Không hiểu có phải tôi là người may mắn hay những việc tôi làm, tôi theo đuổi bằng một niềm đam mê, một ý nghĩ phải đi đến tận cùng của sự việc, hiện tượng, phải lột tả được sự thật trong từng tấm ảnh đã giúp tôi gắn bó và bén duyên với nghề nhiếp ảnh. Nghề nhiếp ảnh đã cho tôi những trăn trở, những day dứt, buồn vui và cả những vinh quang. Tất cả, đều thật đáng trân quý đối với tôi.

PV: nhà báo đồng thời cũng là một nghệ sỹ, hai “con người” trong một này “sống” trong ông thế nào, bổ sung cho nhau ra sao?

Trần Hồng: Từ là một phóng viên ảnh của một cơ quan báo chí quân đội, rồi tôi tham gia hoạt động trong Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng là mong muốn để những tác phẩm ảnh của mình càng được hoàn thiện, đẹp hơn, có giá trị với cuộc sống hơn. Dù là một nhà báo, hay một nghệ sỹ nhiếp ảnh, khi tác nghiệp tôi gần như không nghĩ mình là ai. Tôi chỉ tâm niệm một điều phải làm sao chụp được “khoảnh khắc chuẩn” (khoảnh khắc lột tả được bản chất của hiện tượng, sự vật, của con người đó), phải lột tả được sự thật và chỉ có sự thật mà thôi. Tôi quan niệm dù là báo chí hay nhiếp ảnh thì mỗi tác phẩm đều phải phản ánh sự thật. Vì thế bổn phận của người cầm máy với tư cách một công dân rất cao cả và thiêng liêng. Anh phải giữ được “cái thần”, đương nhiên là cái thần có giá trị, anh không được can thiệp thô bạo vào tác phẩm dẫn đến đánh lừa người xem. Dù là với tư cách gì thì khi tác phẩm của anh đến với công chúng nó phải mang đến những giá trị chân – thiện – mỹ.

PV: chính điều này đã giúp ông có được nhiều thành công cả “hai vai”: nhà báo, nhà nhiếp ảnh?

Trần Hồng: Có thể là như vậy. Nghề báo cho tôi cơ hội đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tìm tòi, tư duy nhiều và cả sự nhạy bén với thời cuộc. Nhiếp ảnh cho tôi những cảm xúc đẹp, những giây phút thăng hoa trong niềm đam mê của người nhiếp ảnh và cả của người làm báo để tôi có được sự trọn vẹn, sâu sắc trong mỗi bức ảnh giới thiệu đến công chúng.

Có thể trong cuộc đời tôi gặp không ít những trắc trở nhưng cũng phải nói là được hưởng nhiều may mắn. Cái may lớn là khi mới vào nghề tôi đã được đồng hành cùng những đồng nghiệp đàn anh, đàn chị rất giỏi nghề và tâm huyết, chia sẻ. Một lần tôi cùng phóng viên đàn anh tài năng Đinh Ngọc Thông (sau này là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) được giao nhiệm vụ đi chụp một cuộc huấn luyện của bộ đội tên lửa. Lúc đó khoảng 9h sáng, trời trong xanh, tôi đi hai vòng xung quanh bệ tên lửa, trông rất đẹp giữa nền trời mây. Anh Thông hỏi: “cậu đã nhìn ra cái gì chưa”. “Tôi chỉ nhìn thấy có vậy”. “Cậu phải nghĩ ra cái gì vừa lãng mạn, vừa sâu xa”. Đi đến vòng thứ 3, anh Thông mới chỉ vào cây xấu hổ mọc gần đó. Loại cây này rất tinh tế, chỉ chạm khẽ vào nó thôi là tất cả các tán lá đều khép lại. “Cái tứ là ở chỗ này đấy!” Anh bảo. Hai cục sắt vươn cao giữa bầu trời lồng lộng mây và một loại cây mềm mại, tinh tế. Sự thật và lãng mạn đan cài. Bằng tư duy này cùng với niềm đam mê, tìm tòi, sáng tạo tôi đã có được những thành công nhất định trong sự nghiệp.

Tôi là một cậu bé học giỏi văn. Tôi từng mơ mộng sau này sẽ làm một công việc gì đó liên quan đến nghiên cứu văn học hoặc dạy môn văn. Nhưng cuộc đời đã đưa tôi đến với nghề báo ảnh. Phải thú thật, thời gian đầu tôi là phóng viên trong đơn vị ít được sử dụng ảnh nhất. Bởi lúc đó hầu như tôi đang làm việc theo tùy hứng, chưa có được tư duy như anh Đinh Ngọc Thông chỉ giáo. Khi đã có cách tư duy đúng, những trải nghiệm của nghề báo và những cảm xúc lãng mạn vốn có  cộng với niềm đam mê tìm tòi không ngưng nghỉ, quả thực đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình làm báo ảnh. Đó là một hành trình đi đến “sự thật” với rất nhiều cảm xúc. Những cảm xúc ấy như chất men nuôi dưỡng nguồn sinh khí đam mê tìm kiếm những khoảnh khắc lột tả “bản chất”, “sự thật” trong mỗi khuôn hình của tôi.

Cuộc đời ưu ái tặng tôi hai bức “chân dung vĩ đại”

PV: Có hai đề tài có lẽ ông đã theo đuổi và đã làm nên tên tuổi của ông đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Duyên do gì để ông miệt mài và đam mê với những đề tài rất khó này?

Trần Hồng: Năm 1994, được sự cho phép của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi bắt đầu có cơ hội được tiếp cận nhiều và chụp hình Đại tướng. Đó là một sự may mắn quá lớn, một vinh dự, một niềm vui khó bút mực nào tả nỗi. Bởi đó là một vị tướng mà tài năng và nhân cách đã thành huyền thoại, một con người tôi luôn ngưỡng mộ, yêu kính và không nhiều phóng viên có điều kiện để chụp hình. Kể từ đây tôi luôn được tiếp cận Đại tướng cả khi ông làm việc và trong sinh hoạt đời thường. Tôi tranh thủ và nâng niu từng khoảnh khắc được ở bên Đại tướng để có được gần 2000 bức ảnh sống động về ông – một vị tướng vĩ đại mà vô cùng giản dị, ấm áp tình thương yêu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng năm 1990. Ảnh: NSNA TRẦN HỒNG.

Nói về các bà mẹ Việt Nam, họ vĩ đại lắm. Với tôi, bà mẹ Việt Nam nào cũng anh hùng. Các bà mẹ luôn luôn là lực hấp dẫn khó tả khiến tôi không thôi tìm tòi, tiếp cận để có những khuôn hình mới mẻ, đẹp, xúc động. Tôi đã đeo đuổi hai đề tài này hàng chục năm qua. Cho đến giờ phút này, tôi tự thấy bản thân không đủ tỉnh táo để tự lựa chọn đề tài cho mình, có lẽ vì quá yêu, tình yêu đã chỉ dẫn, đã đưa tôi tìm đến được với hai đề tài lớn lao này. Tôi vẫn phải cảm ơn cuộc đời đã ưu ái cho tôi nhiều may mắn trong sự nghiệp báo chí và nhiếp ảnh, cho tôi được dâng tặng cuộc đời hai “chân dung vĩ đại” mà đất nước này, cuộc đời này mãi vinh danh.

PV: Với hàng nghìn bức ảnh mẹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm nên 13 cuộc triển lãm, đó là một gia tài khổng lồ. Có lúc nào ông thấy bị lặp lại, hay bị bế tắc với những đề tài trên không? Ông đã làm gì để những đề tài tưởng như cũ ấy luôn luôn mới?

Trần Hồng: Tôi đã từng thất bại, thất bại nhiều lắm chứ. Có những bà mẹ tôi đã đến ngồi trò chuyện hàng giờ nhưng không chụp được một tấm hình, hoặc chụp mà không đạt yêu cầu. Bởi một điều tôi vẫn chưa làm cho mẹ tin, chưa làm mẹ mở lòng để có thể ghi lại những khoảnh khắc lột tả được những điều thầm kín trong lòng mẹ. Tôi thực sự xúc động khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò như một người anh nhắc nhở em: “Trần Hồng ơi, em gặp bất cứ một việc nào dù nhỏ hay lớn em phải theo từ đầu đến cuối để nắm được bản chất của nó, phải nâng niu, trân trọng nó. Có thể ban đầu em tưởng nó bình thường song ngược lại nó rất lớn lao, hoặc ban đầu thấy nó đơn giản nhưng lại là vấn đề vô cùng phức tạp”. Lời tâm tình đó như là sự chỉ dẫn để tôi không vô tình, hờ hững trước mọi sự việc, mọi con người, số phận. Đi tìm sự thật, gọi tên sự thật đó là điều tôi luôn hướng tới trong từng tác phẩm. Và tôi đam mê, tôi yêu những khoảnh khắc tôi được chụp Đại tướng, được chụp những bà mẹ Việt Nam. Họ cho tôi những niềm cảm hứng vô tận, một sự thăng hoa khó tả mà nếu chưa chụp được một bức hình ưng ý là tôi chưa chịu bỏ cuộc. Những con người bằng xương bằng thịt ấy, có một nội tâm vô cùng phong phú, tôi trôi đi trong biển cảm xúc này, phải vậy chăng mà mỗi khoảnh khắc tôi chớp được là mỗi sự mới mẻ để hàng ngàn bức ảnh không lặp nhau.

Mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngãn xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang – mẹ của 7 con trai là liệt sỹ. Ảnh: NSNA TRẦN HỒNG

Với tôi, mỗi bà mẹ Việt Nam (được vinh danh hay không vinh danh) đều là những bà mẹ anh hùng. Sự anh hùng ấy đã khiến cho việc khai thác đề tài chân dung mẹ cực kỳ khó, song nếu biết cách thì nó lại trở nên dễ dàng. Bởi không người mẹ nào muốn nói về mình, đặc biệt là về những nỗi đau mà họ phải trải qua, phải chịu đựng suốt cuộc đời. Họ như một ngôi nhà luôn đóng cửa, chất chứa trong đó muôn vàn nỗi. Thế nhưng, khi chúng ta đã làm cho mẹ tin, mẹ yêu thì mọi cánh cửa trong ngôi nhà đều được mở ra, cho ánh sáng lung linh rọi chiếu tới từng góc khuất.

Có một lần tôi tìm đến nhà và trò chuyện với bà mẹ của một vị thiếu tướng quân đội. Bà cứ lần tràng hạt suốt một tiếng đồng hồ và bảo, tôi không kể chuyện cho chú mô. Song tôi quyết không bỏ cuộc bởi ngay khi gặp mẹ tôi đã cảm nhận rất rõ có điều gì đó đầy bí ẩn. Rồi bà cũng mở lời “Các anh bạc lắm. Các chiều thứ Bảy, tôi cứ vểnh tai nghe tiếng xe ô tô của thằng con trai từ Hà Nội về. Tôi chỉ cần được ra sờ cái tay, nghe tiếng nói của nó là sướng lắm rồi. Nhưng mấy tháng nay con tôi nó không làm như thế, nó chỉ điện qua hàng xóm”. Bà ghét luôn cả tôi vì tôi đang mặc quân phục. Vừa lúc bà mở trầu để têm, tôi xin phép làm giúp, bà nhìn đầy nghi ngờ với ánh mắt như hai viên đạn (cười). Tôi bổ quả cau làm 5 miếng đều nhau. Bà buột miệng: “Sao chú giỏi rứa?” Tôi đáp: “Con vẫn thường têm trầu cho mẹ con mỗi lần về phép”. Thế là bà bắt đầu cởi mở tấm lòng. Bức ảnh người mẹ ấy chính là bức đầu tiên trong cuốn sách “Chân dung mẹ” của tôi.

Một lần khác tôi về Hà Bắc gặp một bà mẹ nông dân, rất khổ, mẹ Miên. Trong nhà có cái bàn thờ và bằng tổ quốc ghi công. Bà lặng lẽ và khó gần. Tôi cũng ngồi trò chuyện mãi như đang nói chuyện với mẹ mình. Dường như đã đến lúc bà thấy cần phải nói mọi chuyện cho chú bộ đội này nghe, bà mới với lấy cái hũ nút lá chuối rất chặt để gần bàn thờ. Bà bảo: “Anh ơi, tôi còn giấu 2 đứa con trong này”. Tôi lạnh hết người. Một dòng cảm xúc dữ dội choáng ngợp hết cơ thể. “Anh ơi, nỗi đau nói làm gì, khóc làm gì cho nhiều” và bà lấy ra trong cái hũ ấy 2 tờ giấy báo tử của 2 thằng con trai yêu quý.

Vậy đấy, không đeo đuổi, không đi đến tận cùng sự việc thì làm sao tôi có thể ghi lại được những khoảnh khắc “rất đời thực”, và mỗi khoảnh khắc như vậy chỉ có một.

PV: Tôi được biết, gần đây, ông vẫn tiếp tục có nhiều niềm vui từ các tác phẩm của mình. Ông có thể chia sẻ nó với bạn đọc Tạp chí Sông Lam không ạ?

Trần Hồng: Vâng. Rất sẵn lòng để chia sẻ cùng các bạn. Dịp đầu năm 2022, tôi có niềm vui khá bất ngờ: bà Đại sứ Venezuela đã đến thăm nhà riêng của tôi. Sau khi xem bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật dẫn Tổng thống Venezuela, ngài Hugo Chavez vào thăm phòng riêng, bà đã khóc, rồi bảo: “Đây là giọt nước mắt của tự hào, tự tin và chiến thắng. Nhìn bức ảnh, tôi nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của đất nước chúng tôi, tôi nghĩ đến mối quan hệ tuyệt vời của hai đất nước chúng ta”. Rồi bà đề nghị, tổ chức một cuộc triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đất nước Venezuela tại Việt Nam và năm 2024 tổ chức tại Venezuela; chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Đến nay, đã thực hiện được 2 sự kiện lớn này rồi. Sự kiện thứ 3 sẽ chờ vào năm 2024.

Còn bộ ảnh chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, năm 2020, đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thành một cuộc triển lãm ảnh rất ấn tượng. Sau đó, 90 bức chân dung mẹ được đưa vào Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia Việt Nam đã đề nghị được lưu trữ hai bộ ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Họ đã tiếp nhận và công nhận 111 tác phẩm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 81 bức chân dung mẹ Việt Nam là tài sản quốc gia.

Đây là những niềm vui quá lớn đối với tôi. Vậy là tôi cũng đã làm được một điều gì đó để tri ân những người mẹ bình dị mà vĩ đại và vị tướng tài ba, đức độ đã hy sinh, đã cống hiến đời mình cho sự trường tồn của đất nước.

PV: Bây giờ đã là tháng Bảy – tháng tri ân những anh hùng liệt sỹ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông có thêm những tác phẩm mới nào về đề tài này không?

Tôi, bây giờ tuổi đã cao, sức đã cạn, nhưng bất kể lúc nào có cơ hội là tôi lại đi. Mới đây tôi về Vũ Quang, Hà Tĩnh quê nhà và vào Quảng Trị kịp ghi lại chân dung của 4 bà mẹ đều gần và trên 100 tuổi. Trong mỗi chân dung mẹ tôi đều thấy hình ảnh của mẹ mình, lòng tôi luôn xao động. Những cảm xúc về mẹ trong tôi không bao giờ vơi cạn. Và tôi nâng niu từng bức hình này!

PV: Tôi có thể chia sẻ với ông về những cảm xúc chân thành này. Quả là tình mẹ luôn thiêng liêng trong mỗi chúng ta. Nó là đôi cánh nâng đỡ chúng ta trên mỗi hành trình khó khăn và gian khổ của cuộc đời. Tôi hiểu ông có một tình yêu sâu sắc về người mẹ của mình, người mẹ của một người lính từng lăn lộn trong chiến tranh và cả trong thời bình với nghiệp báo ảnh. Có thể đó cũng là một trong những điều quan trọng giúp ông thành công trong sự nghiệp. Xin chúc ông dồi dào sức khỏe để tiếp tục sáng tạo và trao tặng cuộc đời những bức chân dung đẹp về mẹ. Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đào Thúy Hoa (thực hiện)