“Đội tuyên truyền văn hóa huyền thoại”

– Chắc vẫn còn lâng lâng như đi trong mây bác nhỉ?
Tôi tếu táo với nhạc sĩ Dương Hồng Từ, người tôi rất trân quý bởi những cống hiến lớn lao của ông cho văn hóa tỉnh nhà nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường quá đỗi.

Ông hào hứng “khoe” với tôi chuyến “về nguồn” Kỳ Sơn cùng Đại tá Vi Tố Định và Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An những ngày cuối của năm 2023. Như cá mắc cạn được thả về nước, ngồn ngộn cảm xúc, ngồn ngộn kỷ niệm cuộn trào trong ông. Từng tên người, từng địa danh nơi thâm sâu địa cốc của núi rừng Kỳ Sơn mà 50-60 năm trước anh chiến sỹ lực lượng công an vũ trang Dương Hồng Từ như nằm lòng, bây giờ đã đổi thay hoàn toàn hoặc không còn nữa. Ông vui vì thấy mảnh đất đã từng hơn mười năm (từ 1960-1972) che chở ông và đồng đội đã thay da đổi thịt rất nhiều. Ngày ấy, ông phải “cuốc bộ” công tác từ trung tâm huyện Kỳ Sơn đến xã Keng Đu mất tới 3 ngày, giờ xe ô tô chở ông chạy ngon lành chỉ 3 giờ đồng hồ. Nhưng, ông rưng rưng nỗi buồn, niềm nhớ thương nhiều đồng đội, bạn bè và các nghệ nhân – những người đã cưu mang, giúp ông hết lòng trong công tác, đặc biệt trong sưu tầm, nghiên cứu kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số giờ đã không còn trên nhân gian. Hành trình của ông lần lượt qua bao nhiêu địa danh mà ông đã từng cùng đồng đội chiến đấu chống bọn thổ phỉ, cùng Đội tuyên truyền văn hóa ăn ngủ trong nhà đồng bào để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con nơi xa xôi hẻo lánh. Này đây là bản Pùng Khen xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn găm đầy mìn; này đây xã Mỹ Lý, bản Phà Bún xã Keng Đu, nơi ông và đồng đội từng chiến đấu can trường vì có một cái hang – cứ điểm ẩn náu của thổ phỉ. Xe từ từ chạy qua bản Phà Xắc xã Huồi Tụ thì mắt ông chợt nhòe. Ký ức đau thương dội về bóp nghẹt tim ông. Đó là một ngày đau thương, đơn vị ông nhận được tin báo, bọn thổ phỉ bắn chết đồng chí Hòe – Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ rồi! Lúc ấy ông Hòe đang trên đường tới Ủy ban xã làm việc. Ông Hòe là cán bộ dưới xuôi được tăng cường lên để ổn định tình hình, do lòng dân đang hoang mang bởi bọn phỉ chống phá điên cuồng. Chúng thường xuyên phục kích, có cơ hội là tiêu diệt cán bộ. Vậy đó, các ông đã từng sống và làm việc cùng đồng chí, đồng bào trong những thời điểm tàn khốc, hiểm nguy, tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào. Đây rồi, bản Huồi Đun, xưa kia nghèo xơ xác, lưa thưa nhà dân, giờ như cô gái dậy thì “lột xác” trong tấm áo choàng rực rỡ của một thị tứ sầm uất, đông đúc trên hành trình trở thành khu du lịch Mường Lống đầy lý tưởng cho những du khách đam mê sự lãng mạn và kỳ thú của thiên nhiên, của văn hóa bản địa. Lòng ông xốn xang một niềm yêu khó tả. Phải chăng, những gì ông đã nhọc công suốt 50 năm qua, lặng lẽ lặn lội tìm kiếm, sưu tầm, tích lũy, nghiên cứu để lưu giữ các phong tục tập quán, các di sản văn hóa, âm nhạc của đồng bào Mông, Thái, Thổ, v.v… đã thực sự là tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch của mảnh đất này cũng như của nhiều địa phương khác suốt dải miền Tây Nghệ An. Ngón tay ông gõ những nốt nhạc vui “Tình người em gái Kỳ Sơn” ông sáng tác năm 1962, tưởng đã quên chợt hôm qua trong chuyến đi này ông được nghe hai cô giáo Kỳ Sơn hát. Các cô còn cho biết: “Chúng em được mẹ dạy”. Ông thấy mình hạnh phúc không bút nào tả hết. Những đứa con tinh thần mà ngay chính tác giả dường như đã quên thì nó vẫn chảy trong dòng thời gian, dòng đời, truyền qua các thế hệ người Kỳ Sơn để hôm nay nó đã thành một bài hát chung của người dân nơi đây trong các cuộc hội ngộ, tựa như ca khúc Hội Xăng khan (của nhạc sĩ Lương Tuyển) không bao giờ thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng của người dân huyện Con Cuông. Rồi ông được biết, ca khúc Hát cùng Tương Dương của ông cũng được Đài Truyền thanh, Truyền hình Tương Dương chọn làm nhạc hiệu trong một thời gian.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ và Đại tá Vi Tố Định

Dòng ký ức đang miên man thì bị ngắt bởi giọng nói oang oang như reo vui của Đại tá Vi Tố Định – nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An:
– Đội tuyên truyền văn hóa của chúng tôi thời đó “oách” lắm cô ơi!

Theo lời ông Vi Tố Định thì hóa ra những năm 60-70 của thế kỷ XX, ông là lính trong Đội tuyên truyền văn hóa của lực lượng công an nhân dân vũ trang do nhạc sĩ Dương Hồng Từ phụ trách. Tuy là một đội văn nghệ của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, vì hoạt động quá tích cực và hiệu quả nên đội đã được điều đi biểu diễn khắp các địa phương trong tỉnh. Địa bàn chính của đội là phục vụ bà con miền núi, nhất là vùng thổ phỉ hoạt động mạnh. Đợt đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã điều động tăng cường một bộ phận nghệ sĩ của Đoàn Văn công Nghệ An tăng cường cho Đội tuyên truyền văn hóa, trong đó có nghệ sĩ Song Thao. Thời điểm này bọn thổ phỉ hoạt động rất mạnh, đội vừa biểu diễn vừa không rời vị trí canh phòng trực chiến. Đêm đó biểu diễn xong, đèn măng xông vừa tắt, thì mọi người nhốn nháo. Bọn phỉ xông vào bắt ca sĩ Song Thao, cùng với dân quân, đội đã giành lại được người của mình.

Ghi nhận thành tích của Đội và để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong một số thời điểm Ty Công an Nghệ An lúc đó đã điều động thêm 6 chiến sĩ tăng cường lực lượng của Đội lên trên 20 người để Đội mở rộng địa bàn hoạt động. Một lần, Đội về phục vụ cho Đại đội TNXP và bà con La Nham xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, đang biểu diễn thì máy bay Mỹ thả bom dữ dội tại cầu Cấm. Sau khi máy bay địch rút đi, Đội trưởng Dương Hồng Từ hô hào anh em nhanh chóng ra hiện trường hỗ trợ Đại đội pháo cao xạ, nhưng thấy cờ hiệu của đơn vị pháo báo an toàn, cả đội quay lại tiếp tục chương trình biểu diễn như chưa hề có sự cố gì xảy ra trên mảnh đất khốc liệt khói lửa này. Năm 1962, Đội vào Quảng Trị tham gia Hội diễn. Khi đang vui hát ở trên phía bắc cầu Hiền Lương, thấy hai anh cảnh sát của chính quyền miền Nam phía bên kia cầu say sưa, hùng hồn dập chân theo nhịp nhạc. Anh em ai cũng mừng, trong lòng reo vui một cảm nghĩ “Chúng ta đều là người Việt Nam”, âm nhạc đã xóa đi mọi ranh giới, hận thù và đang thực hiện một sứ mệnh thật ý nghĩa cho cuộc đời! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho anh em thêm động lực, quyết tâm lăn xả vào công việc.

Dù chưa được học hành gì, chỉ mày mò nhưng Dương Hồng Từ đã có khả năng sử dụng nhạc cụ và sáng tác ca khúc, viết kịch bản. Ngay từ khi mới vào công tác trong lực lượng vũ trang một năm, ông đã viết kịch bản và đạo diễn chương trình biểu diễn của Đội tham gia Hội thi toàn ngành và giành được Bằng khen của Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang. Ông có biệt tài sáng tác nhanh, chính nhờ khả năng này mà những yêu cầu mang tính thời sự phải tuyên truyền của cấp trên Đội của ông luôn đáp ứng. Vào năm 1968, khi Tổ trực chiến máy bay Cửa Hội bắn rơi chiếc máy bay thứ bảy, Ban Chính trị đơn vị giao ông xuống địa bàn sáng tác tuyên truyền ngay về chiến công vang dội này. Ông tức tốc đạp xe từ Xuân Sơn, Đô Lương (lúc đó Đội đang hoạt động ở vùng này) xuống Cửa Hội, suốt đêm đó ca khúc “Tổ săn máy bay Lệch Lò” đã ra đời ngay trong hầm chữ A. Ca khúc đã nhanh chóng được phổ biến và đi vào lòng người bởi những nốt nhạc khỏe khoắn, vui nhộn đã tiếp thêm tinh thần chiến đấu giặc Mỹ cho quân và dân miền Bắc. Đọc báo biết chiến sĩ Nguyễn Văn Bé ôm bom lao vào xe tăng địch, Anh hùng Trần Văn Thọ vừa được tuyên dương, Anh hùng Lê Mã Lương vẽ ảnh Bác bằng máu lấy từ đôi mắt của mình, v.v… ông rất xúc động sáng tác ngay các ca khúc: Nguyễn Văn Bé sống mãi, Trần Văn Thọ, Người lính vẽ ảnh Bác Hồ được rất nhiều đơn vị biểu diễn.

Đam mê và cống hiến trong nhiều vai trò: sáng tác, đạo diễn và biểu diễn nhưng ông luôn lặng lẽ và khiêm nhường. Trên dưới 100 ca khúc đã được ông sáng tác chủ yếu trong 10 năm công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An. Trong vai trò phụ trách, ông là người truyền “lửa” cho anh em trong Đội tuyên truyền văn nghệ bằng niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm. Đội luôn là đơn vị xung kích trong công tác tuyên truyền của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, xông pha trên các địa bàn khó khăn, nguy hiểm. Bởi thế, hàng năm ông luôn được tuyên dương là chiến sĩ giỏi, có năm được bầu là “Chiến sĩ quyết thắng”; Đội của ông đã được Chính ủy lực lượng công an nhân dân vũ trang Cao Thượng Lương lúc bấy giờ gọi bằng cái tên thân yêu “Đội tuyên truyền văn hóa huyền thoại”.

Kén vàng

Đang cùng chúng tôi say sưa về hành trình biểu diễn văn nghệ, chợt ông như reo lên “vậy là tôi đã có thể an lòng, tự tin gặp lại bà con, đã trả được ân tình này”.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ

Bàn tay ông nâng niu giở những trang viết của 4 cuốn sách mà cả đời ông mang nặng trong lòng: Âm nhạc dân gian dân tộc Thái (2006), Âm nhạc dân gian dân tộc Mông (2010); Văn hóa dân gian người Mông ở Nghệ An (2015); Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An (2019). Lúc nào ông cũng tâm niệm một điều, phải cảm ơn lực lượng công an vũ trang của ông, bởi được tôi rèn trong môi trường kỷ luật khắc nghiệt đó ông mới có đủ sự kiên trì, nhẫn nại theo đuổi khát khao sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An, và đủ quyết tâm đi đến cùng trên con đường gập ghềnh, nhọc nhằn hiếm người lựa chọn này. Cảm ơn rất nhiều cái tình của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cưu mang ông những năm tháng công tác ở miền Tây Nghệ An, cho ông cơ hội quý báu được tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống vô giá ấy. Những ân nghĩa ấy đã giúp ông làm nên một việc lớn: kịp thời lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là âm nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An mà nếu như không có những công trình này, có thể hôm nay chúng ta đã không còn biết đến một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào.

Bốn cuốn sách – bốn công trình công phu của ông đã giới thiệu một cách có khoa học, hệ thống với những phân tích sâu sắc, chặt chẽ, với số lượng bài bản sưu tầm đầy đủ hầu như tất cả các sinh hoạt âm nhạc, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái, Thổ, Mông Nghệ An. Đây là những tài liệu quý báu cho những ai yêu quý văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An, đặc biệt là đối với những người làm công tác nghiên cứu. Đây là kho dữ liệu vô cùng quý giá cho các đoàn nghệ thuật dàn dựng chương trình biểu diễn về văn hóa các dân tộc thiểu số Nghệ An như lời nhạc sĩ Hoàng Thọ – nguyên Trưởng Đoàn Ca Múa dân tộc Nghệ An từng chia sẻ. Từ những công trình này mà một số sinh hoạt văn hóa của đồng bào đã kịp thời được lưu giữ, phục hồi trước nguy cơ bị mai một, biến mất.

Mỗi công trình đều được chưng cất từ trái tim yêu quý, trân trọng ông dành cho bà con, cho di sản văn hóa mà bà con đã sáng tạo qua hàng bao thế hệ. Mỗi công trình đều được sinh nở từ sự tỉ mẩn, kiên trì, chịu khó, chịu khổ và cả sự đam mê của ông trải dài suốt mấy chục năm trời.

Tôi cầm trên tay những công trình của ông, tự hỏi, tôi có thể thấu hiểu tất cả quá trình ông đã phải khổ nhọc, lặn lội lên xuống khắp các bản miền núi, phải đau đáu, trăn trở tìm tòi để có từng con chữ, từng thông tin trong đó? Không đủ tiền ông phải đi thuê máy ghi âm, rồi dành dụm chắt chiu để mua được từng chiếc máy ghi âm bởi đó là công cụ đắc lực giúp ông suốt hành trình sưu tầm, nghiên cứu. Nó như là một vật báu mà đến giờ ông vẫn cất giữ tới 5-6 chiếc máy ghi âm làm kỷ niệm. Tôi chắc rằng mình không thể cảm hết. Bởi những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng là gan ruột của ông cho tôi hình dung rằng, muốn khám phá, hiểu rõ văn hóa dân gian, hiểu rõ âm nhạc của bà con các dân tộc thiểu số, đâu phải chỉ là những gì ông đã từng được chứng kiến trong hơn mười năm cùng ăn, cùng ở với bà con trong các bản dọc vùng biên Nghệ An lúc ông là anh chiến sĩ công an; mà sau này là công chức văn hóa của tỉnh nhà, rồi nghỉ hưu hầu như lúc nào tranh thủ được ông đều ngược đường tìm gặp các già làng, thầy mo, nghệ nhân…. Ông không nề hà vào rừng, lên nương. Rồi tìm mọi cách khơi gợi để bà con vượt qua sự e ngại để bày tỏ hết mọi điều mà ngay cả các thầy mo cũng hiếm khi cho nhau biết. Không ít lần trên hành trình tìm hiểu đó ông đã phải dăm ba lượt trở đi trở lại tìm gặp hết người này người khác, địa phương này sang địa phương khác để đối chiếu, kiểm tra thông tin, vì mỗi lần tìm đến có thể người đó đã mất, hoặc đã chuyển đi. Là một bản nhạc cũng phải đối chiếu giữa nghệ nhân này với nghệ nhân khác, giữa địa phương, vùng miền này với địa phương, vùng miền khác. Chỉ 3 phút ghi âm khi điền giã, nhưng sau đó ông phải vật lộn tới 3 ngày với đoạn băng ấy để ghi thành câu nhạc. Nhiều lúc câu hát không rõ, phải nghe đi nghe lại. Không thạo tiếng của bà con, ông chỉ có thể hát lại bằng âm cho các cụ nghe. Các cụ cười, gật gật đầu là ông mới có thể cười được. Các cụ tập trung lắng nghe chưa nói gì, ông biết rằng chưa ổn, phải làm lại. Vậy nên, một cuốn sách đến khi in được ông phải lên xuống ngược xuôi không biết bao lần. Ông không cho phép mình viết theo chủ quan, hay võ đoán, tự thấy mình phải có trách nhiệm chân thật với đồng bào, với di sản văn hóa của đồng bào. Từ tâm huyết và sự lao động nghiêm túc đó của ông, bây giờ chúng ta hiểu được cặn kẽ về nhiều sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An. Từ lý giải của ông chúng ta biết, chiếc khăn trắng với nhiều dân tộc là màu của tang tóc, nhưng với đồng bào Thổ Nghệ An, đó là một trang phục thường ngày và là trang sức không thể thiếu trong dịp lễ hội. Phải qua hàng chục năm mày mò ông mới lần tìm ra nguồn gốc của tục đội khăn trắng là có từ trong mo Hoa tiêng tiếng (Chuyện về người con gái nhà trời đã gian díu với trai bản được thần sấm, thần sét cứu giúp chỉ dẫn nàng “đội khăn trắng” mới trốn chạy thoát khỏi sự trừng phạt của nhà trời). Nhờ ông mà hôm nay chúng ta biết đủ đầy về một sinh hoạt tín ngưỡng của các thầy mo dân tộc Thái, đó là lễ hội xăng khan. Đây là một lễ hội độc đáo đã được khôi phục, vẫn sống trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái hôm nay. Còn bao điều, bao điều thật ý nghĩa mà từ lao động thầm lặng của ông hôm nay chúng ta có được.

Bởi vậy nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, âm nhạc của đồng bào Mông, Thái hay Thổ ở Nghệ An, gặp nhạc sĩ Dương Hồng Từ sẽ được cung cấp và thỏa mãn. Mỗi thông tin, mỗi câu chuyện ông kể sẽ cuốn hút và đem lại niềm tin tựa đang nghe một già làng, một thầy mo người Thái, người Thổ, người Mông trò chuyện.

Với cái tâm, cái tình hết mực vì đồng bào, trân quý di sản văn hóa của đồng bào ông đã miệt mài lao động, sáng tạo suốt một đời để đến bây giờ ông đã có một “di sản” với 4 cuốn sách đầy đặn về văn hóa dân gian, về âm nhạc các dân tộc thiểu số Nghệ An mà ít ai làm được. Và sẽ còn những tác phẩm sẽ tiếp tục ra đời trong thời gian tới. Ông đã được đón nhận phần thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng ông vẫn kiệm lời, chỉ nhận mình là một “người đãi quặng, chỉ mới nhặt được vài mẩu sa khoáng lóng lánh trên mặt nước mà thôi” (Lời cảm ơn của tác giả, trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian dân tộc Thái”).

Đó cũng chính là phẩm chất con người Dương Hồng Từ: lặng lẽ và khiêm nhường rút ruột tự làm “một con tằm nhả kén vàng”.

Đào Thúy Hoa