Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người lính, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính, ký ức một thời hào hùng, anh dũng và quá đau thương ấy vẫn sống mãi trong họ, cùng họ. Dường như đồng thời họ sống bằng hai cuộc đời, cuộc đời của người còn sống – còn hiện hữu và cuộc đời của những đồng đội đã không còn trên trần gian này. Họ cũng là người hiểu hơn ai hết cái giá của Độc lập – Thống nhất. Chính mang nặng những day dứt và trách nhiệm của người sống sót được tận hưởng cuộc sống từ sự hy sinh, mất mát của đồng đội, nên những trang viết của họ luôn thấm đẫm tình đồng đội, tình người, tính nhân văn.

Nhà thơ Vương Cường là một trong số những nhà văn như vậy.

Nhà thơ Vương Cường trò chuyện cùng các phóng viên Tạp chí Sông Lam. Ảnh: Hữu Vinh

PV: Vậy là ông lại hành trình vào Quảng Trị, vào thăm Thành Cổ, thăm đồng đội như lâu nay ông vẫn thường đi, mỗi dịp 30-4?

Vương Cường: Năm nay tôi không đi Quảng Trị mà đi thắp hương cho đồng đội hi sinh trong trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 26 – 4 – 1975 ở Quận Long Thành, Đồng Nai. Ở đó, nhiều đồng đội hi sinh. Có những người cùng ngồi trên xe tăng số 1, mà tôi được đại đội phân công phụ trách. Khi đánh vào xe tôi vẫn nguyên vẹn, nhưng từ xe số 2, anh em hi sinh nhiều. Đại đội xe tăng đi lạc 17 km về phía Biên Hòa. Được lệnh quay trở lại đánh tiếp vào  khoảng 8 giờ đêm. Lần này tôi được điều động sang xe số 3, do ở đó đảng viên đã hi sinh hết. Bộ binh trên xe số 1, có 14 người, vừa vào đến cửa ngõ Long Thành thì bị bắn cháy. Bộ đội hi sinh, chỉ còn ba người bị thương. Ở nghĩa trang liệt sỹ Long Thành, ngoài anh tiểu đoàn trưởng và vài, ba mộ có tên nhưng khác đại đội, riêng đại đội tôi không thấy ngôi mộ nào. Tôi không bao giờ quên được những hình đồng đội được vẽ bằng mỡ chảy ra nằm trên đường khi xe tăng bị bắn cháy. Riêng Quảng Trị và Thành Cổ chúng tôi vừa đi năm ngoái. Ở đây, nhiều đồng đội đã được gia đình đưa về các nghĩa trang ở quê. Có hai đồng đội, người Hà Nội, cùng E95 Sư đoàn 325, năm 1972 bị một quả bom B52 rải thảm đúng hầm ở đồi Phượng Hoàng thuộc huyện Triệu Phong. Sau chiến tranh, một đồng đội E95 ở Vũng Tàu trở về đây xây một cái am nhỏ, ngay trên miệng hố bom năm xưa, bên trong ghi tên hai đồng đội của mình. Mười năm trước, đoàn CCB gồm những đồng đội của Sư đoàn 325 và 308, đến thắp hương. Khi tất cả đứng chắp tay, cúi đầu, khói hương bay mờ cái am, người lính Sư đoàn 308, vốn là một ca sỹ bỗng cất lên tiếng hát “có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo…” (bài ca “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến, lời thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng là hai CCB). Cả đoàn cùng hát vang, tiếng hát tan hòa vào những dòng nước mắt chảy trên từng gương mặt CCB già. “Việt Nam ơi, Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống…” Đó là giây phút, quá khứ và hiện tại, người sống và người đã mất đều trở về tuổi hai mươi hào hoa, đau thương và anh dũng…

Tháng 5 này tôi lại đi về Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, dưới chân cao điểm 363, nơi mở đầu chiến dịch mùa xuân 1975, tiểu đoàn tôi bị pháo địch phủ đầu khi chưa kịp nổ súng, đồng đội tôi đã hi sinh và bị thương, có đại đội tạm thời mất phiên hiệu. Trước khi thắp hương, tôi thường đứng quay mặt lên phía rừng một lát, tưởng vọng, biết đâu ở trên đó có đồng đội vẫn chưa tìm được lối về như năm xưa, chúng tôi từng lạc phải nhờ đến lính trinh sát trung đoàn dẫn đường mới xuống được đường số 1.

Tất cả các nghĩa trang nơi có đồng đội tôi yên nghỉ, tôi đều đã đến nhiều lần. Trừ các nghĩa trang ở Quảng Trị, các nghĩa trang khác, những đồng đội tôi không thấy mộ, có thể thân nhân họ đã đưa về, cũng có thể họ đang nằm trong những ngôi mộ không tên. Nhiều lần, tôi tần ngần thắp hương và chắp tay trước từng ngôi mộ của các liệt sỹ nhiều vùng quê đất nước. Có khi cùng bạn bè đi dọc bờ sông Thạch Hãn, dòng sông cứ bình thản chở cả trời xanh, mây trắng trôi về biển mà như cố quên những đồng đội của chúng tôi đang nằm yên nghỉ dưới đáy sông. Chúng tôi thường dừng lại, quay đầu về phía biển, vái vọng biết bao nhiêu đồng đội đang “sống” ở ngoài kia… Anh em tôi với cảm giác trống trải và trong ký ức những gương mặt, những trận đánh ùa về.

Tuy chỉ thấy những ngôi mộ không tên, hoặc dòng nước lặng lẽ trôi về biển, những cánh rừng lặng yên, nhưng vài năm tôi lại đến thắp hương một lần. Trong lòng cồn lên ý nghĩ, đồng đội tôi vẫn còn lang thang đâu đó trong các nghĩa trang, hoặc trong những dòng nước đang trôi mải miết, trong những cánh rừng lặng lẽ kia. Họ hàng ngày trông ngóng đồng đội đến để thăm nhau. Nửa thế kỷ chưa gặp rồi còn gì. Hàng chục năm trước thường đi theo đoàn, giờ thường đi theo nhóm, có khi đi một mình. Tôi nghĩ như thế, đồng đội dễ nhận ra nhau hơn và ký ức thức dậy được rõ ràng và sâu hơn. Những cuộc trò chuyện với các liệt sỹ cũng nhiều hơn, dù nghĩa trang, những nấm mộ nằm trong nắng, trong mưa, dù dòng sông, cánh rừng kia khi ồn ào, khi lặng lẽ và chúng tôi khi im lặng, lúc xôn xao. Tất cả ký ức ép thời gian trở lại khi tất cả đồng đội tôi đều tuổi hai mươi, trẻ trung, hồn nhiên, cháy bỏng sống một lòng hướng về đất nước. Nếu không có những ngày gian khổ, hi sinh cùng đồng đội chúng tôi đâu có được những giây phút đặc biệt như thế này dù âm dương cách biệt.

PV: Dường như “sống cùng đồng đội” đã là một phần thường trực, không thể thiếu trong cuộc sống của ông, dù đó là những đồng đội đã ở “miền xa thẳm”? 

Vương Cường: Nhiều cựu chiến binh (CCB) dành nhiều thời gian còn lại đi tìm mộ đồng đội, giữa rừng sâu và có thể ở các nghĩa trang để báo về cho thân nhân liệt sỹ biết. Ngay đơn vị tôi, tôi chưa đi được nhiều lần như các bạn của mình. Nhưng tôi là một trong những người đi xa nhất. Do thời ấy, ngoài Quảng Trị, chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành Cổ khét lẹt, chiến trường tôi được tham dự trải dài cho đến Sài Gòn, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ 26 đến 30 – 4 – 1975. Trên con đường ấy, thời tuổi trẻ, chúng tôi đi qua những khốc liệt, hi sinh và đồng đội tôi ngã xuống rải rác dọc đường, có người có mộ, có người nằm trong những ngôi mộ không tên, có người đang lơ lửng ở đâu đó. Giờ anh em tôi lần theo con đường máu ngày xưa ấy để thắp hương, tưởng nhớ đồng đội, những người từng ăn chung một mẩu lương khô, chia lửa trong từng trận đánh. Tôi nhận thấy, các CCB đều có chung tâm trạng, mang ơn đồng đội đã ngã xuống, dành phần sống cho mình trong cuộc chiến sinh tử ấy. Hình như, đời sống của đa số CCB thường là “đời sống kép”. Sống một phần cho đồng đội đã mất. Do đó đi thắp hương là để tưởng nhớ và trở thành một nhu cầu tự thân. Nhiều CCB càng lớn tuổi, càng đi nhiều vì họ sợ đến một lúc nào đó, sức khỏe không cho phép họ đi nữa.

Qua những chuyến đi, những đồng đội đã mất, như mách bảo cho chúng tôi nhiều chi tiết, nhiều hành động anh hùng, nhiều đau thương của các liệt sỹ trong từng trận đánh. Không chỉ thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã hi sinh mà còn những cuộc gặp, thăm hỏi những đồng đội ốm đau, gặp khó khăn và chia buồn với gia đình những đồng đội vừa mất. Nhờ đó, tôi có thể kết nối để hình dung lại con đường từ máu và nước mắt đến nụ cười chưa trọn vào ngày 30 – 4 – 1975 giữa Sài Gòn, một trưa ngổn ngang và đầy nắng. Điều này quan trọng lắm vì nó gợi nhiều xúc động rất cần cho người cầm bút. Nó luôn sống động nhắc nhở mình không chỉ phải sống như thế nào mà còn tự nhận trách nhiệm thay mặt đồng đội ghi chép lại, kể lại những câu chuyện một thời khói lửa, quá khứ anh hùng và đau thương ấy. Việc lớn mà tài có hạn, nhưng phải cố gắng viết với tinh thần người lính. Dù biết rằng văn chương không chỉ quyết tâm mà được.

Viết về đồng đội cũng là cách thắp những nén hương tưởng nhớ và để con cháu luôn nhớ về những hành động xả thân cứu nước của các liệt sỹ. Đi thắp hương không chỉ nói về tình đồng đội của những người còn sống với đồng đội đã hi sinh mà còn là lúc chúng tôi nhớ lại những giây phút xả thân vì nước của các liệt sỹ. Đó cũng là cách tưởng nhớ và biết ơn sự hi sinh của họ cho chúng ta cuộc sống hòa bình hiện nay. Thắp hương để khắc họa và không được quên quá khứ.

Đó cũng là cách để giải quyết tốt hơn những vấn đề đặt ra hôm nay có quan hệ với hôm qua và ngày mai. Ai quên quá khứ, ai không hướng về tương lai, ít nhiều sẽ gặp khó xử lý vấn đề hiện tại. Các liệt sỹ đã đi về “miền xa thẳm” nhưng tinh anh của họ vẫn gửi lại cho đời, cho người hôm nay và cả mai sau. Tưởng nhớ cũng là cách tích lũy những điều tốt đẹp từ các liệt sỹ, con người sẽ sống tốt đẹp, có trách nhiệm và nhân văn hơn. Quá trình ấy, tự nó đã trở thành hoạt động tự nhiên song hành với đồng đội dù họ đã ở “miền xa thẳm”. Họ mãi mãi tuổi 20, trong sáng, tràn đầy sức sống, giàu nghị lực và niềm tin yêu trong mọi hoàn cảnh. Tôi không được phép quên: “những nụ cười rỏ máu/ những bảo tàng ước mơ/ vùi trong đất” của đồng đội để tiếp tục sống và làm việc tốt hơn, xứng đáng hơn với sự hi sinh của đồng đội mình.

PV: Là nhà giáo (ông công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước khi nghỉ hưu), có những công trình nghiên cứu khoa học giá trị “Đô thị hóa và một số vấn đề kinh tế – xã hội, nghiên cứu & bình luận chọn lọc” (2016); khá thú vị với tập tản truyện “Người đánh hòa trời”, song phải nói rằng, Vương Cường thực sự ghi danh mình với thơ. Ông đã xuất bản khá nhiều tập thơ được bạn đọc yêu mến: “Bài hát đi tìm một người” (1997), “Đám mây hình thiếu phụ” (2010), “Canh chừng lãng quên” (2016), và năm 2022 là tập thơ mới nhất ”Ngọn lửa tím”. Trong những tập thơ ấy, có một số lượng bài khá lớn ông viết về chiến tranh, về đồng đội? Chiến tranh và đồng đội là đề tài xuyên suốt trong thơ ông suốt hàng chục năm qua. Đây cũng là mảng đề tài rất thành công trong thơ ông, được người đọc nhớ đến vì những tứ thơ rất lạ, ngôn ngữ thơ rất mới, cảm xúc ngồn ngộn sự chiêm nghiệm và trở trăn day dứt. Xin ông nói thêm cho bạn đọc Tạp chí Sông Lam biết về các tác phẩm này?

Chân dung nhà thơ Vương Cường. Ảnh: Hà An

Vương Cường: Vâng, tôi xin phép nói thêm về một số tác phẩm tôi đã công bố.

Khi còn đi làm, tôi là một giảng viên làm công tác nghiên cứu và quản lý nghiên cứu khoa học. Tôi tham gia nghiên cứu và quản lý nhiều đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước. Tôi có nhiệm vụ hướng dẫn các giảng viên, các nhà nghiên cứu cách luận chứng chương trình, đề tài khoa học các cấp trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tôi giảng dạy Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, ngoài Học viện còn một số trường đại học ở Hà Nội và đôi khi ở các tỉnh, thành phố khác. Công việc ấy cho tôi nhiều cơ hội gặp gỡ, làm việc và học tập trực tiếp từ nhiều nhà khoa học danh tiếng và nhiều nhà lãnh đạo trong và ngoài nước. Nếu lý luận chừng nào thiếu đi sự sinh động thì thực tiễn đã bù lại cho tôi. Tôi luôn luôn chú ý cả lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu và giảng dạy. Lý luận và thực tiễn trong tôi luôn tạo thành từng cặp không tách rồi. Tôi có gần 20 năm làm công tác quản lý nghiên cứu, từ phương pháp luận nghiên cứu, qua các đề tài, chương trình nghiên cứu của các nhà khoa học, tôi được tiếp thu, bổ sung nhiều kiến thức mới và thực tiễn đất nước qua nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử hay văn hóa… Nhờ đó, tôi có thể tham gia giảng dạy hay thuyết trình nhiều loại đề tài khác nhau ở các môi trường khác nhau như trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu, học tập lý luận.

Khi nghỉ hưu, vẫn làm việc bình thường, tôi in một số công trình nghiên cứu trong tập “Đô thị hóa, một số vấn đề kinh tế – xã hội, nghiên cứu và bình luận chọn lọc”. Với ý thức tự trọng, là một Phó tiến sỹ khoa học kinh tế, được Nhà nước đào tạo và trao bằng, tôi phải công bố tác phẩm nghiên cứu của mình. Hay, dở còn do thực tiễn kiểm nghiệm, chứ không tránh trách nhiệm của một trí thức. Rất may, tác phẩm ấy được nhiều nhà khoa học để ý và có trường đại học khá danh tiếng dùng làm tài liệu hướng dẫn cho sinh viên làm quen với việc nghiên cứu. In tập sách này, một lần nữa củng cố cho tôi về phương pháp luận nghiên cứu để tôi dành tất cả những hiểu biết của mình cho một đề tài vừa quen, vừa lạ: nghiên cứu lý luận thơ.

Tập tản truyện “Người đánh hòa trời” là những mẩu chuyện xuyên suốt đời tôi, từ ấu thơ cho tới trưởng thành. Tất cả đều là những chuyện có thật. Tôi chỉ làm một việc, lấy mô tả để diễn đạt nội dung. Tập sách này có ba phần, chuyện thời ấu thơ, thời trưởng thành và thời chiến tranh. Ở đó, nổi lên tình cảm thầy trò, bạn bè và đồng đội. Tập truyện đã được nhiều bạn đọc yêu thích, có người đọc đi, đọc lại nhiều lần. Ngay cả cái tên sách cũng xuất phát từ câu chuyện thực ở làng tôi và nó đem đến một sự lạ cho người đọc.

Ttập thơ “Ngọn lửa tím” của nhà thơ Vương Cường phát hành năm 2022 và tập “Thơ chọn” (in chung cùng nhà thơ Đoàn Xuân Hòa) phát hành năm 2018. Ảnh: TH

Tất cả các tác phẩm văn học của tôi mà chị đã nhắc tên đều có phần liên quan đến đồng đội cùng chia lửa một thời. Như trên đã nói, tôi cũng như các CCB khác có hai cuộc sống đan xen nhau. Cuộc sống của riêng mình và cuộc sống của đồng đội đã hi sinh, nên trong văn chương cũng có hai phần, trong đó có phần viết về sự hi sinh của đồng đội. Từ ký ức; từ những chuyến đi thăm lại chiến trường xưa; từ những tần ngần trên bờ sông Thạch Hãn cũng như phút ngóng lên đỉnh cao điểm 363 ở Thừa Thiên hay giữa các nghĩa trang; từ những câu chuyện bồi hồi của đồng đội đã chắp nối lại chặng đường dài đánh giặc, tất cả đã thức dậy trong tôi như vừa hôm qua. Đó là tinh thần xả thân của những người lính, dù gian khổ, hi sinh vẫn giữ trọn niềm tin vào con người và tương lai phía trước. Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn luôn đan dệt trong hồn. Có thể viết ngay từ thời chiến tranh và có thể viết ở thời hậu chiến. Ở đâu tôi cũng cố gắng thể hiện trung thực nhất khi viết để thấy sự hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của những người lính. Nếu người đọc thấy bóng dáng của mình như tự đề cao cá nhân là coi như thất bại. Tôi không dám lấy sự hi sinh xương máu của đồng đội làm trang sức cho mình. Nếu thế, tôi có tội lớn với họ.

Trong bốn tập thơ tôi đã in, tập nào cũng có phảng phất những gương mặt đồng đội. Nó là ký ức luôn xao động trong tôi. Tôi muốn làm thức dậy những ký ức ấy để góp phần trong việc giải các bài toán đời sống hiện nay. Chỉ như thế, ký ức hào hùng mới có giá trị, là cách đáp lại sự mong mỏi của các liệt sỹ. Có bài viết giữa trận đánh cuối cùng: “Sài Gòn xa mấy ngàn cây số máu/ đi mãi không cùng/ anh dừng lại ở Long Thành với lính/ sống có nhau, giờ chết cũng còn nhau…” (Khóc Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương, 4-1975). Có bài viết sau khi chiến tranh kết thúc đã 7 ngày, đồng đội tôi vừa viết thư reo vui khoe và chờ ngày về với mẹ, nhưng chỉ một quả mìn bị cài trên xe, mọi niềm vui, ước mơ đã bay mất. Các anh xương, thịt đã lẫn vào nhau. Tưởng nỗi đau nhất thuộc về những người lính hi sinh trên đường tiến vào Sài Gòn, nhưng sau chiến tranh kết thúc 7 ngày còn đau thương day dứt với đồng đội được sống hơn nhiều: “Đã vượt qua hàng trăm cửa tử/ phút cuối cùng anh nằm lại ở cửa sinh/ chia từng nắm thịt xương vùi đất/ sống từng chia giờ chết cũng còn chia…”.

Có bài viết khi vừa ra khỏi cuộc chiến: “Trước cửa mở, bọn anh nằm không thở/ bóng đen của đêm trùm lên bóng đen của chó/ nghe đỉnh đầu một mảng tóc day day” (Anh mang về cho em, 1976). Nhiều hơn cả là thơ viết thời hậu chiến. Thắp hương tại Thành Cổ Quảng trị năm 2005: “Giờ bạn cỏ non hát về tương lai/ giờ bạn thông ru bảo tàng lòng đất/ Tôi mơ làm chó đá/ đứng canh chừng lãng quên” (Tôi mơ). Có đêm tôi mơ thấy mình cõng đồng đội về quê. Hăm hở gặp người yêu thì người yêu đã thành “bà già nhăn nheo, tóc bạc”, “xăm xăm chạy ùa tìm mẹ” thì mẹ và bố: “đã ra gò mả/ hai nắm đất lặng im”; “loạng choạng vào bàn thờ thắp hương” thì: “gặp mình ngồi cười sau nải chuối”. Đồng đội tôi vẫn hai mươi tuổi mà cuộc đời đã qua ngót nửa thế kỷ rồi (Cõng bạn đi chơi, 2015). Bài thơ “Người chết hai lần, chưa trọn cuộc đi”. Đó là nỗi đau hai lần của người lính. Đọc bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Ai đã nghe “Ngụ ngôn mùa đông” của Trịnh Công Sơn không thể quên sự ác nghiệt của chiến tranh qua câu hát “Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan”. Vâng, người chết hai lần ở đây là người đã chết rồi nhưng thân xác lại bị mìn xé tan nát một lần nữa. Vương Cường lại bắt gặp một tứ thơ khác, đó là người còn sống đi đám tang vĩnh biệt cái chân của chính mình bị đạn bom cắt rời: “Anh thắp một nắm hương/ Rải một ôm hoa dại/ Anh vái trời/ Anh vái đất/ Anh khóc, trách phần cơ thể không chờ nhau”. Rồi đến lượt anh từ giã cõi đời: “người thân lượm anh bằng vải đỏ/ mặt đánh phấn/ cùng nằm bên anh/ là đôi nạng gỗ…/ người chết hai lần/ cuộc đi chưa trọn”. Vẫn biết Chúa Giêsu cũng chết hai lần khi người lính La Mã đã đâm ngọn giáo vào trái-tim-đã-chết của Ngài, nhưng đọc bài thơ của Vương Cường ta thấy một nỗi xót thương vĩ đại mãi mãi tuôn trào khi người lính vĩnh biệt cuộc đời vẫn chưa cập được bến bờ mơ ước”.

Nếu những đồng đội đã hi sinh là nỗi đau có thể theo thời gian mà lắng bớt thì nỗi đau của những người lính bị nhiễm chất độc màu da cam là nỗi đau kéo dài, vết thương luôn luôn mưng mủ. Mặc dù Nhà nước ta rất quan tâm có chính sách chăm lo cho những người có công với nước như những CCB, song nỗi đau đó vượt qua tất cả. “Nếu không có cặp mắt thuở Cùa sót lại/ tôi làm sao nhận được bạn tôi?/ cụ già ngồi kia hát dỗ/ hai cụ già con ú ớ cười…”. Trước tình cảnh đau đớn của đồng đội, tôi phải thốt lên: ““Mọi ngôn ngữ đến đây đều bất lực” và một câu hỏi không thể trả lời: “tôi khóc hay cười trước bạn tôi?…” Người lính không chỉ hi sinh thời chiến mà một phần còn đau đớn ở thời bình. Những người lính may mắn sống sót cầm bút làm sao mà không viết về đồng đội mình cả trong chiến tranh và cả trong thời bình được? Viết bao nhiêu cũng chưa đủ…

PV: Ông giống như một người tự nguyện và hạnh phúc với “đời sống kép” của mình. Ông nghĩ gì về cuộc chiến và những gì mình cùng đồng đội nếm trải?

Vương Cường: Đó là cuộc chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và tinh thần anh dũng vượt qua tất cả khó khăn gian khổ và hi sinh, xả thân vì nước của những người lính. Tình đồng đội trong những ngày khói lửa đã cháy lên mãnh liệt trong thời bình. Xin trích đoạn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong lời giới thiệu tập thơ “Canh chừng lãng quên” của tôi đã viết: “Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/lấp lánh”… Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống”.

PV: “Có câu thơ/ một đời không đọc hết/ có một đời không đi hết câu thơ/… Có một thời/ khóc cũng thành thơ/ có một đời/ thơ ròng ròng nước mắt”. Chắc hẳn ông đã, đang và sẽ viết tiếp những bài thơ “ròng ròng nước mắt” ấy? Liệu nó có thành lối mòn của chính ông không, trong khi ông là con người tiên phong muốn đổi mới, sáng tạo?

Vương Cường: Vâng, tôi nghĩ là viết đến khi không thể. Viết nhiều có thể làm số lượng tăng lên. Nhưng tác phẩm của mình có theo kịp sự đòi hỏi của thời đại, có tạo ra sự ám ảnh hay không, dù viết về sự hi sinh của những người lính? Thậm chí có góp phần thúc đẩy sự phát triển của thơ Việt Nam không? Tôi quan niệm, nhà thơ phải đóng góp trên hai phương diện, làm thơ và nhận thức về thơ. Nhận thức cũ sẽ viết ra những bài thơ cũ. Trong khi thời đã khác, do công cụ sản xuất đã khác dẫn tới nền sản xuất xã hội đã khác. Từ đó những phản ánh xoay quanh, trong đó có tình người – gốc của thơ phải khác, nên thơ cũng phải khác. Nghiên cứu, tìm hiểu về thơ cho người viết biết xu hướng phát triển hiện tại và tương lai. Tôi tin, tôi sẽ viết phù hợp hơn, nếu nhận thức thơ qua nghiên cứu lý luận thơ tốt hơn. Tôi lẳng lặng nghiên cứu, lẳng lặng viết. Xin bạn một chút thời gian nghe tôi nói về nhận thức mới qua nghiên cứu về thơ của riêng mình.

Theo nhà thơ Trần Quang Đạo, thơ Việt Nam đã dừng lại từ năm 1943. Điều đó đúng hay sai phải kết luận sau khi đã nghiên cứu. Tôi dành ngót 20 năm, khảo sát lại thơ Việt Nam từ năm 1930 đến nay để tìm lối đi. Tôi nhận thấy, từ 1930 đến nay, về thi pháp, thơ Việt Nam có hai dòng chính. Dòng thứ nhất, tôi gọi là dòng thơ “vần điệu trọng luật”, là dòng thơ tuân thủ theo luật thơ định sẵn, tận dụng thanh trắc, thanh bằng giàu có trong tiếng Việt. Không được làm khác khuôn mẫu đã có. Loại thơ này có thể định dạng được thông qua công thức và đã đưa vào chương trình ngữ văn dạy cho học sinh. “Trời cao xanh ngắt. – Ơ kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng lai” (Tiếng sáo Thiên Thai – Thế Lữ). Dòng thơ thứ hai, tôi gọi là dòng thơ “nhạc điệu trọng vần”. Là dòng thơ “lấy nhạc làm nền, lấy vần làm trọng”. Thơ chảy trên nền nhạc – sự rung động của trái tim, là hình ảnh biểu đồ nhịp tim và kết nối với nhau bằng vần. Tất cả đều tự nhiên. “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” (Tống biệt hành – Thâm Tâm). Dòng thơ “vần điệu trọng luật” ra đời trước dòng thơ “nhạc điệu trọng vần” hàng ngàn năm.

Từ hai dòng thơ trên, để có bài thơ, nhà thơ có hai cách tương ứng thể hiện: cách thứ nhất, tôi gọi là thơ gián tiếp, từ cảm xúc nhất thiết phải đi qua trung gian tức là qua công thức như lục bát, song thất lục bát, thơ bảy, tám… chữ. Cách thứ hai, tôi gọi là thơ trực tiếp, tức là thơ đi từ cảm xúc đến thơ, hướng tới sự độc đáo không theo bất kỳ một công thức nào có sẵn. Các câu thơ, khổ thơ dài, ngắn tự nhiên, nhạc và vần vang lên, chỉ phụ thuộc vào cảm xúc lúc ấy. Tính khác biệt trong thơ được thể hiện rất cao. Bởi vì các bài thơ, viết ở những khoảnh khắc và tâm trạng khác nhau, khi trái tim thơ rung lên không cùng tần số.

Những nghiên cứu về lý luận thơ tôi đã tập hợp trong tập bản thảo khoảng 600 trang: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận”, tôi mượn câu thơ của nhà thơ Phạm Hầu trong “Vọng Hải đài” làm tên sách. Tập bản thảo này tôi vẫn tiếp tục biên tập, khi ưng ý sẽ xuất bản. Từ nhận thức qua nghiên cứu của riêng mình, tôi nhận ra thơ cần thay đổi sự nhìn nhận, sự ưu tiên, vì tất cả đều có trong thơ Việt Nam. Từ nghiên cứu của mình, tôi chỉ viết thơ trực tiếp mà không viết thơ gián tiếp đã vài chục năm nay. Triết học đã chứng minh trong tự nhiên không có hai cái lá giống nhau. Cũng vậy không có hai tâm hồn giống nhau. Từ đó, với tôi thơ phải khác biệt, mới trong thi pháp, mới, lạ trong ngôn ngữ, tìm ngôn ngữ mới để diễn đạt. Hi vọng có những bài thơ, câu thơ tạo ra được sự ám ảnh. Chỉ có sự ám ảnh mới mong bạn đọc nhớ mình. Đó là sự điều chỉnh thi pháp. Thay đổi thi pháp, tức là thay đổi cách viết. Từ hơn hai mươi năm, tôi đã viết như thế và tiếp tục viết như thế với các đề tài khác nhau trong đó có thơ về các đồng đội đã ngã xuống của tôi. Tôi không dám nói về chất lượng. Chất lượng không thuộc quyền của tôi mà thuộc về bạn đọc và thời gian công minh đánh giá. Tôi biết ơn TBT và BBT Tạp chí Sông Lam, đã nhiều lần đăng tải những bài viết có sự khác lạ của tôi, nhất là nói về thơ. Cảm ơn chị và lãnh đạo tạp chí đã dành cho tôi một cơ hội nói về những trang viết về đồng đội của tôi với thi pháp của riêng mình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất nhiều xúc động này!

Đào Thúy Hoa (thực hiện)