Nếu đã có một trăm người nông dân, làm người nông dân thứ một trăm lẻ một, dễ hơn. Nếu đã có một trăm nhà thơ, làm nhà thơ thứ một trăm lẻ một, khó hơn” – Rasun Gamzatov

Rasun nói vế thứ nhất đúng cho nền kinh tế tự cung tự cấp trở về trước. Nghĩa là chưa có sự tham gia của kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường (Ông chưa từng sống trong một nền kinh tế hàng hóa). Nông dân trong các tổ chức kinh tế đơn giản ấy chỉ cần làm việc theo kinh nghiệm là đủ. Vì vậy người nông dân thứ một trăm lẻ một đã có cả một bồ kinh nghiệm của một trăm nông dân đi trước để lại, chỉ cần làm theo là được, không nhất thiết phải sáng tạo gì thêm. Sản xuất của họ là tự nhiên, tự cung, tự cấp, sản xuất cho mình dùng, không hướng tới thị trường.

Nhưng khi nền nông nghiệp phát triển trong kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường thì điều đó không còn đúng nữa. Đó là nền kinh tế sản xuất ra hàng hóa cho người khác sử dụng. Các mối quan hệ trong sản xuất đã khác. Nền kinh tế đó phải hướng tới thị trường. Thị trường mới là nơi kiểm nghiệm cuối cùng kết quả sản xuất. Họ luôn luôn đứng trước các khả năng, giàu và nghèo, phát triển và phá sản. Người nông dân nếu cứ trông chờ vào kinh nghiệm của 100 nông dân đi trước thì không thể cạnh tranh và chắc chắn phá sản! Cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải giảm chi phí và tăng năng suất lao động, hàng hóa của họ mới có khả năng lọt qua khe cửa rất hẹp, kiểm nghiệm cuối cùng của thị trường.

Thực chất cạnh tranh là cạnh tranh giá trị. Trong cơ cấu giá trị hàng hóa, có hai loại lao động (trừu tượng) tham gia. Một là lao động cơ bắp và hai là lao động chất xám. Trong đó lao động chất xám càng lớn thì khả năng chiến thắng càng cao. Ngược lại lao động cơ bắp càng lớn thì khả năng thất bại càng lớn. Vì vậy họ phải liên kết với khoa học – công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất tối ưu, hướng tới lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận siêu ngạch. Hoặc có thể tham gia một công đoạn nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khoa học – công nghệ cũng luôn luôn thay đổi, thời gian rút ngắn và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Thế đấy anh nông dân thứ một trăm lẻ một của chúng ta sẽ như thế nào khi hàng hóa của Nhật Bản hiện nay, lao động chất xám chiếm 80%? Liệu anh ta có thể bình chân học theo kinh nghiệm của người nông dân đi trước được không? Nền kinh tế thị trường đòi hỏi nông dân phải nhận thức tự giác nếu không muốn thất bại. Những cái cần nhận thức đều là những công cụ điều tiết thị trường thiện chiến và vô hình tác động sau lưng họ như quy luật giá trị, quan hệ cung – cầu, quan hệ tiền tệ… Người nông dân thứ một trăm lẻ một ấy không được phép lặp lại một trăm người nông dân đi trước. Hay nói cách khác người thứ một trăm lẻ một phải tạo ra những loại hàng hóa mà những người nông dân đi trước chưa biết hoặc không thể làm được, đáp ứng thị trường và được thị trường chấp nhận. Người nông dân thứ một trăm lẻ một cần nhiều kiến thức hơn, trình độ quản lý sáng tạo hơn, tạo ra những sản phẩm khác biệt mới hy vọng tồn tại và phát triển. Sự cạnh tranh còn gay gắt gấp bội khi thị trường đã toàn cầu hóa…

Từ anh nông dân thứ một trăm lẻ một trong kinh tế thị trường, tôi lại nghĩ về các nhà thơ thứ một trăm lẻ một. Bất chấp cơ chế kinh tế – xã hội, bất chấp cả các chế độ chính trị, bất chấp cả quốc gia, nhà thơ chỉ có quyền tồn tại với tư cách là riêng biệt, cá nhân, giọng điệu riêng. Tóm lại là không được giống bất kỳ ai, bất kỳ nhà thơ nào đã có cho dù đó là Puskin hay Lecmôntôp, Nguyễn Du… thiên tài chăng nữa. Thực tiễn chỉ chấp nhận họ khi họ tồn tại khác biệt!

Ngày nay, anh nông dân thứ một trăm lẻ một đã rất khó thì nhà thơ một trăm lẻ một còn khó hơn nhiều! Bởi vì thơ là sự phản ánh tình người, tình người trong thị trường đã rất khác trước. Tình ấy được phủ qua các lớp tiền tệ. Đó là những thử thách các nhà thơ hiện tại mà các thiên tài thơ trước đây chưa có. Thời của họ trước đây đơn giản hơn nhiều.

Tuy vậy, nhà thơ thứ một trăm lẻ một có lợi thế mà một trăm nhà thơ đến trước khó có. Đó là đời sống luôn tạo ra tình cảm mới và ngôn ngữ mới, điều hệ trọng của thơ mà nhà thơ đến sau có điều kiện nắm bắt nhanh hơn vì tình cảm và ngôn ngữ là thời của họ. Thơ đòi hỏi ngôn ngữ mới thì chính nhà thơ đến sau hành trang ngôn ngữ mới hơn. Nếu thơ là lạ từ ngôn ngữ đến cấu tứ, giọng điệu, cách diễn đạt hay thi pháp… thì nhà thơ thứ một trăm lẻ một là đại diện gần nhất của thời họ sống. Một trăm nhà thơ đến trước rất khó khăn trong việc làm mới mình trong khi nhà thơ đến sau không mất nhiều công sức lắm họ đã có rồi. Đội quân ngôn từ long lanh sự sống biết cách sắp hàng hợp với thẩm mỹ của thời nhà thơ thứ một trăm lẻ một tiếp nhận tốt nhất.

Với thi pháp, một trăm nhà thơ có thể chấp nhận loại thơ quy tắc, công thức hay nói đúng hơn có sự tham gia uốn nắn chủ quan của bàn tay con người dựa vào vần, nhạc giàu có trong tiếng Việt, vốn ra đời sau bờ tre, mái rạ của một nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu, ngưng đọng hàng ngàn năm. Nó tỏ ra bất lực trong thời đại công nghiệp hóa toàn cầu. Nhà thơ thứ 101 chỉ nhìn thấy cái cày chìa vôi từ trong các bảo tàng. Họ cũng không thấy con trâu đi cày và “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân. Họ cũng không còn chứng kiến cây tre hay các sản phẩm từ tre, rổ rá, dần, sàng gần gũi trong đời sống nông dân như những nhà thơ trước đó.

Những thay đổi từ công cụ sản xuất đã cho thấy thời đại đã thay đổi hoàn toàn khác trước. Nền sản xuất thay đổi, tình người – gốc của thơ chắc chắn sẽ thay đổi, thơ không thể đứng im. Thi pháp vốn có tính lịch sử. Khi lịch sử thay đổi thì chính nó cũng phải đổi thay. Trong bối cảnh đó, nhà thơ thứ 101 khó chấp nhận thi pháp cũ, nếu họ muốn trở thành nhà thơ thời của họ. Nếu chấp nhận, họ cũng chỉ là nhà thơ thứ 100.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trong thực tế có nhà thơ trẻ rất già và nhà thơ già rất trẻ. Trẻ hay già ứng với nhà thơ là tâm hồn ấy có thật sự nhạy cảm và biến hóa thích ứng không. Raxun cũng từng đặt câu hỏi: “Giữa tôi và bố tôi, ai trẻ hơn ai?”. Một câu hỏi thật thú vị nó chỉ ra, vấn đề của nhà thơ là tài năng chứ không chỉ trẻ hay già. Tài năng sẽ biết cách vượt qua những hạn chế về thi pháp và ngôn ngữ thơ của một thời là hợp lý để tiếp cận thành công thi pháp và ngôn ngữ mới. Hỗ trợ đắc lực cho họ chính là sự phát triển ngày càng nhanh hơn và hiệu quả hơn của nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa…

Nhưng rồi đến lượt nhà thơ thứ một trăm lẻ một lại trở thành nhà thơ đến trước. Đó cũng là lẽ bình thường. Trong thơ không phải cần kinh nghiệm mà cần tâm hồn sáng tạo, tươi non nảy nở, tâm hồn ấy thuộc về tuổi trẻ nhiều hơn. Cũng như người nông dân, thời thị trường toàn cầu hóa thách thức họ, các nhà thơ thời tương ứng cũng chẳng dễ dàng gì nếu thiếu đi sự tu luyện từ kiến thức, thi pháp, những trải nghiệm… để có thể hội nhập. Trong hội nhập, thơ đòi hỏi tính dân tộc và hiện đại chính là đôi cánh bảo đảm cho nhà thơ được tôn trọng. Chỉ có trên nền tảng ấy, người ta mới cần thơ của nhà thơ ở một dân tộc nào đó…

Vương Cường

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, tháng 10/2022)