Sáng 20/4, Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nghệ An, Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn) tổ chức ra mắt, giới thiệu tập thơ “Đi tìm lời ru” của nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch nhân ngày Sách và Văn học đọc Việt Nam lần thứ 3.

Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn) nơi diễn ra buổi giới thiệu tập thơ

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo huyện Nam Đàn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An, bạn bè, văn nghệ sĩ, gia đình nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch cùng các em học sinh Trường THPT Mai Hắc Đế.

Các em học sinh Trường THPT Mai Hắc Đế biểu diễn các bài hát được phổ nhạc từ tác phẩm của nhà thơ Cẩm Thạch

Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch quê ở làng Đông, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên nhưng lớn lên và làm việc ở huyện Quỳ Châu. Chị là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật DTTS Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, người sáng lập Tao đàn mùa xuân xứ Nghệ.

Tập thơ “Đi tìm lời ru” của nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch

Chị là nhà giáo và đam mê sáng tác thơ, có nhiều sáng tác giá trị. Chị đã xuất bản 14 tập thơ riêng, tiêu biểu như: Giá như em là Biển – NXB Văn hóa dân tộc, 2002; Thao thức trăng ngàn – NXB Nghệ An, 2004; Phía không anh – NXB Hội nhà văn, 2010; Dấu chân còn ấm hơi người – NXB Trẻ, 2015; Vầng trăng Truông Bồn – NXB Trẻ, 2015;  Về miền ví, giặm cùng em – NXB Trẻ, 2017;  Phía thượng nguồn – NXB Hội Nhà văn, 2021,….

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Nhà thơ Cẩm Thạch có gần 200 bài thơ đã được các nhạc sỹ phổ nhạc và được công chúng đón nhận, tiêu biểu như: Dạt dào Lam Giang; Tình đất tình người Quỳ Châu; Những cô gái Truông Bồn; Yêu quê mình; Yêu anh bộ đội biên phòng….

Nhà thơ nhận được nhiều giải thưởng giá trị cấp Trung ương và địa phương, tiêu biểu như: Giải xuất sắc Ban Tuyên giáo TW tặng; Giải xuất sắc Liên hoan trình diễn thơ toàn quốc tại Quy Nhơn năm 2012; Giải Hồ Xuân Hương (2005-2010) tập thơ “Phía không Anh”… và hàng chục giải A, giải B, giải C cho các sáng tác khác.

Các em học sinh và giáo viên Trường THPT Mai Hắc Đế đọc tập thơ “Đi tìm lời ru”

Tập thơ “Đi tìm lời ru” do Nhà xuất bản Nghệ An thực hiện năm 2024 dày gần 200 trang, được in trang nhã, tuyển chọn 180 bài thơ tiêu biểu trên chặng đường thơ của nữ sĩ Cẩm Thạch. Chủ đề các bài thơ khá đa dạng, về người lính, về quê hương, về cuộc sống, bạn bè và đặc biệt có nhiều bài thơ nói  về tình yêu, hạnh phúc gia đình.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn trao tặng 100 tập thơ “Đi tìm lời ru” cho Trường THPT Mai Hắc Đế

Theo nhà thơ Cẩm Thạch, đây là tập thơ thứ 14 mà chị muốn gửi tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Thơ chị viết từ sâu thẳm tâm hồn, chị đặt mình vào vô vàn hoàn cảnh, số phận khác nhau… để bày tỏ cảm xúc ở mọi cung bậc, từ thiên nhiên đến con người cũng như tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa một cách tự nhiên, mộc mạc.

“Càng viết, tôi càng thấu hiểu thơ là người. Tôi yêu từ bông hoa, thiên nhiên cây cỏ, từ con người, mảnh đất quê hương cho đến các vùng miền tôi đã đi qua trên đất nước này. Tất cả những tình cảm, những trải nghiệm, những cảm xúc đó hun đúc lại, thấm vào trong tôi, tích tụ rồi trả lại qua con chữ. Tôi cứ viết để giải tỏa những nỗi niềm trong mình; viết để cân bằng tâm hồn, cuộc sống; viết như một sự trả nợ với những gì mà con người, cuộc đời, cảm xúc mang đến cho tôi”, nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch bộc bạch.

Nhà thơ Tùng Bách chia sẻ về nữ nhà thơ và tập thơ tại buổi lễ

Nhà thơ Tùng Bách chia sẻ, gần 20 năm, Cẩm Thạch đã xuất bản được 14 tập thơ là một nỗ lực phi thường. Sau khi nghỉ hưu, Cẩm Thạch “khát thơ” hơn “khát nghề” bởi thơ không phải là “nghề” mà chính là “nghiệp”. Chị đã đi nhiều, viết nhiều. Đi đến đâu, vùng đất nào, gặp ai cũng đều gây được cảm xúc, cảm hứng sáng tạo cho thơ. “Đi tìm lời ru” là lời ru của mẹ nhưng cũng chính là lời ru của chính tác giả bởi chị từng là người con, người vợ, người mẹ đi tìm lại lời ru ấy. “Đi tìm lời ru” có cánh cò, cánh vạc, cánh buồm nâu….. “Đi tìm lời ru” không áp đặt giáo điều, không dạy dỗ ai. “Đi tìm lời ru” là tìm lại chính mình. Đọc thơ Cẩm Thạch, tôi thấy chị là nhà thơ không có nhiều điều trắc ẩn. Thơ Cẩm Thạch man mác, dung dị, không có nhiều sóng gió.

Nhà thơ Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam phát biểu tại buổi giới thiệu tập thơ

Phát biểu tại lễ giới thiệu, nhà thơ Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam đã cảm ơn các các thầy cô, học sinh trường THPT Mai Hắc Đế đã dành thời gian, tâm huyết để giới thiệu sách, tôn vinh thơ, tôn vinh nhà thơ Cẩm Thạch. Đó là một niềm hạnh phúc cho cá nhân cô giáo – nhà thơ Cẩm Thạch nói riêng và những người làm văn chương nói chung.

Nhà văn Bùi Ngọc – Giám đốc NXB Nghệ An tặng hoa chúc mừng nhà thơ Cẩm Thạch

Nhà thơ Phạm Thùy Vinh chia sẻ về chính bản thân mình khi ở tuổi học trò như các em học sinh bây giờ đã đến với thơ ca và tìm thấy ở văn chương những “chỗ dựa tinh thần” thế nào. Đồng thời cảm ơn nhà thơ Cẩm Thạch đã có tình yêu bền bỉ với văn chương, được bù đắp bởi chính văn chương và các tác phẩm của nhà thơ cũng mang lại những xúc cảm tốt đẹp trong lòng bạn đọc, giúp con người sống yêu thương, nhân ái hơn.

Nhà thơ Thùy Vinh tặng hoa chúc mừng nhà thơ Cẩm Thạch

Tại buổi giới thiệu tập thơ “Đi tìm lời ru”, nhà thơ Cẩm Thạch đã nhận được sự chúc mừng của bạn bè, người thân, độc giả yêu thơ Cẩm Thạch, các thầy cô giáo và các em học sinh. Nhiều ca khúc được phổ nhạc từ tác phẩm của nhà thơ Cẩm Thạch được trình bày, nhận được sự yêu mến của bạn bè văn nghệ sĩ.

Tin: Hoàng Nguyên
Ảnh: Võ Khánh