Cụ Hà Văn Sửu, sinh năm 1925, quê xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nay thường trú tại thị trấn Nam Đàn. Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình cụ thuộc thành phần bần cố nông nên cụ Sửu phải đi làm thuê, ở đợ kiếm sống. Những năm sau Cách mạng tháng Tám, theo tiếng gọi của Đảng, cụ Sửu tham gia bộ đội, được biên chế về  Đại đội 501, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Cụ Hà Văn Sửu luôn nâng niu, trân quý những kỷ vật và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Cụ treo giấy khen, huân huy chương ở nơi trang trọng nhất và thường xuyên chăm sóc.

 

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, trong một trận đánh giao tranh với địch tại đồi A1, cụ Sửu bị thương nặng, mất một cánh tay và nhiều mảnh đạn ghim vào sườn, vào đầu. Cụ ra quân và trở về địa phương với thương tích loại 2/4.

Trở về địa phương, nhờ kỹ năng bơi lội giỏi trong những năm tháng làm nghề chèo đò thuở nhỏ, cụ Hà Văn Sửu tiếp tục phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ với công việc chèo đò tại bến đò Vạn Rú để đưa bộ đội qua sông vào Nam chiến đấu. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn với người lành lặn, là thương binh chỉ còn một cánh tay như cụ, sự khó khăn càng lớn hơn nhiều lần. Nhưng trong thời kỳ mà bao thanh niên trai tráng đã phải cầm súng ra trận, thì người thương binh ấy vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cụ Sửu kể, những lần Máy bay Mỹ bay qua, chúng thả pháo sáng rồi rải bom tọa độ ngăn chặn đường tiếp viện của ta, bộ đội trên thuyền nằm xuống, cụ Sửu và một đồng đội nữa nhảy xuống nước đẩy thuyền.

 

Những dịp lễ trọng như ngày 30/4; 7/5; 27/7; 22/12 cụ thường đến nghĩa trang xã, nghĩa trang huyện để thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ địa phương, nơi đó có những người bạn, người đồng đội và cả người trong dòng họ.
Người cựu chiến binh già rưng rưng bên mộ liệt sỹ Hà Văn Quỳnh, cháu gọi cụ Sửu là bác.

 

Những năm sau chiến tranh, cụ Hà Văn Sửu tích cực tham gia vào các tổ chức, đoàn thể địa phương như cán bộ thông tin, quản lý thị trường, công an xã, Hội Cựu chiến binh… ở nhiệm vụ nào cụ cũng năng nổ và tâm huyết. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Hà Văn Sửu vẫn còn rất minh mẫn, cụ vẫn thường xuyên nghe đài radio để biết được thông tin thời sự trong nước và quốc tế.

 

Trở về giữa đời thường, cụ Hà Văn Sửu sống an yên với niềm vui bé nhỏ là thành tích học hành của con cháu, cụ vẫn góp phần giáo dưỡng con cháu nên người.

 

Ảnh: Quốc Đàn. Nội dung: Hữu Vinh