Đã quá nửa đêm… cái rét đài như muốn cắt vào da vào thịt người ta… Giờ này chắc không còn ai dại dột ngồi thức cùng chai rượu với vài hạt lạc sống như ông Lượng nữa.

Bà Lượng nằm giường trong cũng không chợp mắt được. Bà biết ông đang giận, cái ông chồng cần cù, chịu lam chịu lũ ấy thương vợ thương con lại hiền như cục đất và cũng rất nhẫn nhịn. Tính ông trầm, hình như trong ông có một chút tự ti, mặc cảm vì điều gì đó mà khó nói ra, nhưng khi nóng giận thì cũng ghê gớm lắm. Sống với ông tròn ba mươi năm, bà biết, khi ông đã nổi cơn điên thì đừng có ai xía vào can gián mà mang họa. Hình như cái “ngất bom” của ông mang về từ chiến trường vẫn dai dẳng bám theo ông từ nhiều năm nay. Người ta bảo “Máu nhập tim nhà lim cũng nhỏ” quả không sai. Phải chờ cho cơn “hỏa diệm sơn” của ông ấy hạ xuống mới can thiệp vào được. Rồi bà tự phân vân: Không biết thằng Phục, đứa con trai duy nhất của ông bà vẫn nổi tiếng là ngoan ngoãn thông minh và có hiếu với bố mẹ ấy đã viết gì trong thư gửi về cho ông mà khi xem xong ông hầm hầm nổi giận. Mặt đỏ tía tai, ông xé nát lá thư đến hàng chục mảnh, vứt tung tóe khắp sân rồi quát:

– Thế à? Thế à? Mày về đây, mày về đây tao xé xác mày ra!

Bà hốt hoảng:

– Gì thế ông, gì thế? Nó viết những gì mà ông giận dữ thế?

Ông trợn mắt:

– Không việc gì đến bà, để nó về đây, nó về đây tôi bằm nó ra!

Biết tính ông, bà nhịn, không hỏi han gì nữa. Ruột để ngoài da ấy mà, ngày mai là ông ấy hạ hỏa thôi. Nghĩ miên man một lát rồi bà cũng thiếp đi trong chăn ấm.

Sau bữa cơm sáng, ông Lượng ngồi bên bàn với ấm nước chè chát do tay bà Lượng om, thấy ông đã bình tĩnh trở lại, bà nhẹ nhàng hỏi:

– Hôm qua có việc gì mà ông nổi đóa lên thế?

Nét mặt ông Lượng nghiêm lại, dằn mạnh bát nước chè xuống bàn, nhìn bà chằm chằm rồi nói:

– Cái con Thảo!

– Con Thảo làm sao? Nó là con dâu tương lai của nhà này, nó làm sao?

– Dâu dâu dọt dọt gì! Đồ phản phúc!

– Ơ kìa ông, sao ông lại nói thế? Nó là đứa ngoan hiền, ông đã từng hết lời khen dạo nó về tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” đó thôi. Dẫu về tham gia công tác xã hội có hơn nửa tháng, nhưng cả xã này ai cũng khen nó là đứa con gái đẹp người đẹp nết. Hôm áp Tết, khi thằng Phục đưa nó về ra mắt gia đình, ông vẫn còn khen nó mà.

– Tôi không nói nó!

– Thế ông nói ai?

– Tôi nói là nói cái thằng ông nó kia!

– Ông nó làm sao?

– Bà ra đây! Bà ra đây tôi chỉ cho! – Nói rồi ông hùng hùng hổ hổ cầm tay bà lôi ra chuồng trâu.

– Bà có thấy cái gì không?

Bà Lượng ngơ ngác:

– Thấy cái gì? Cái cổng chuồng trâu à?

Như một lão khùng, ông Lượng vừa chỉ sát vào một vết chém to tướng trên thân cột vừa hét toáng lên:

– Bà có thấy cái gì đây không?

– Thấy, nhưng nó làm sao?

– Bà có nhớ tôi đã nói với bà điều gì khi bà mới về làm dâu nhà này không?

Bây giờ thì bà Lượng láng máng nhớ ra, nhưng vẫn băn khoăn:

– Chẳng nhẽ nó là…nó là…

– Cháu nội của cái thằng khốn nạn ấy đấy!

Bà Lượng hiểu ra mọi nhẽ…

Minh họa: Hồ Thiết Trinh

Bà nhớ!

Năm ấy bà lên tám, vào dịp cuối hè, có một gia đình, hai vợ chồng và một cậu con trai trạc tuổi bà tay xách nách mang, dắt díu nhau từ miền xuôi lên, họ vào bản tìm đến nhà bà, vì hồi đó bố của bà làm trưởng bản. Họ trình bày nguyện vọng muốn xin đất để làm ăn sinh sống do ở miền xuôi không có đất sản xuất. Hồi đó HTX mới được thành lập, đất đai rừng núi thì bát ngát mênh mông nên được bố bà chấp nhận ngay. Gia đình ấy chọn một khoảng đất phía cuối bản, sát với bìa rừng để khai khẩn. Gia đình bà đã giúp đỡ họ chặt nứa, chặt tre, dựng tạm một mái nhà tranh ở đó. Bà và ông Lượng kết thân từ đó, bà thua ông một tuổi.

Năm 1968, lúc đó bà vừa tròn mười bảy tuổi, được ông Lượng cầu hôn, năm sau thì bà về làm dâu nhà ông bà Phan Văn Độ. Đây là đám cưới trai miền xuôi lấy gái miền núi đầu tiên của bản, tính đến nay đã tròn ba mươi năm.

Vợ chồng ở với nhau được năm tháng thì có lệnh tổng động viên. Ông ấy lên đường nhập ngũ để lại cho bà thằng Phục, lúc ấy đang nằm trong bụng.

Trước hôm lên đường, ông nắm tay bà tâm sự hết mọi điều cần nói. Cuối cùng ông ngập ngừng:

– Còn một việc rất hệ trọng nữa mà em cần phải biết… Anh vào chiến trường không biết may rủi thế nào. Chiến tranh mà, nơi mũi tên hòn đạn chẳng nói trước được điều gì…. Ở nhà, nếu sinh con, bất kể là trai hay gái thì em đều đặt tên cho nó là Phục.

– Sao lại Phục mà không phải là Phúc hả anh? Tên Phúc cũng đẹp mà!

– Em biết đấy, quê anh ở Thanh Chương, năm 1959, gia đình anh bỏ quê lên đây. Gia đình anh không thuộc diện khai hoang, cũng không dắm dân, không còn thích ở đó thì rủ nhau lên đây thôi. Hồi đó, bố đã gần 50 tuổi, mẹ thì 40, nhà chỉ có mỗi mình anh là trai, lúc đó anh mới chín tuổi thôi.

– Tại sao phải bỏ quê mà lên trên này hả anh?

– Từ từ, để anh kẻ hết cho em rõ… Bố mẹ anh có anh rất muộn bởi vì ông bị 6 năm ở tù.

– Sao lại ở tù, bố là lão thành cách mạng mà anh?

– Bố đi tù là do hoạt động cách mạng, bị giặc Pháp bắt vào năm 1930, mãi đến năm 1936 mới được tha. Ra tù ông lại tiếp tục hoạt động. Bố cứ đi hết nơi này đến nơi khác liên miên nên mãi đến năm 1949 mới xây dựng gia đình, đến 1950 mới có anh. Thế mà em biết không, năm cải cách ruộng đất, chỉ vì ông bà nội để lại ba gian nhà ngói mà gia đình anh bị quy là địa chủ. Bố bị đấu tố hết sức nhục nhã. Chửi bới có, đập đánh có, ruộng nương thì chả có đâu nhưng ba gian nhà ngói thì bị tịch thu làm quả thực để chia cho người khác. Người đấu tố ông nhiều nhất, làm nhục ông nhiều nhất lại là người bạn nối khố chăn bò của bố. Nhờ tích cực đấu tố mà hắn ta được đội chia cho nửa ngôi nhà của bố đấy. Những ngày trong thời gian cải cách, bố mẹ bị cô lập và quản thúc không được đi ra khỏi làng, không được lân la sang nhà hàng xóm, ăn thì nhặt từng cọng rau má để nấu với vài mậm khoai lang sót ngoài đồng, cơ cực lắm em ạ. Mãi đến năm 1957 gia đình ta mới được sửa sai, trả lại thành phần… Thành phần thì được trả lại, nhưng nỗi ô nhục mà bố mẹ chịu đựng oan ức ba năm trời thì không ai trả lại được. Gia tài mất sạch cũng không ai trả cho… Buồn chán và cảm thấy nhục nhã quá, bố mẹ bỏ quê đưa anh lên đây. Khi làm cái nhà này, gỗ trên này bạt ngàn, tha hồ chọn, tha hồ chặt. Cái cột nơi bức thuận kia kìa, đẹp là vậy thế mà bố đã chém vào đó một nhát rìu thật mạnh, mai em chú ý xem sẽ thấy. Mẹ anh thấy vậy hốt hoảng: “Sao ông lại chém hỏng mất cái cột ấy thế?” Bố hằm hằm nét mặt bảo: “Tôi với bà bỏ làng bỏ xóm, bỏ mồ mả tổ tiên ông bà lên đây cũng chỉ vì cái thằng chó má đó. Tôi phải chém vào cây cột này một nhát để mối hận thù này không bao giờ phai mờ được. Thằng Lượng sau này lớn lên, có vợ, có con rồi có cháu dù nó đi nhặt phân hay làm ông nọ ông kia thì cũng không bao giờ được quên nhát chém này! Tôi thề không đội trời chung với cái thằng khốn nạn đó! Thằng Lượng thì lớn rồi, tên nó đã được đặt từ hồi nó mới lọt lòng tôi không đổi tên nữa, nhưng sau này nó mà có vợ có con thì phải đặt tên con nó là Phục. Phục là phục hận cái mối thù này, bà hiểu chưa? Cái vết chém này là lời nguyền muôn đời của cái gia tộc này đấy. Bà nhớ cho kỹ!” Đấy, bố anh là người hiền lành nhưng rất gia trưởng và cực đoan như vậy đấy, vì vậy khi sinh con, em cứ đặt tên cho con là Phục theo ý nguyện của bố em ạ!

Nhớ lại chuyện cũ, bà Lượng chợt ngẩn người…

Hóa ra con bé Thảo đẹp người đẹp nết ấy, cô gái mà ông bà định chọn làm con dâu ấy lại là con cháu nhà kẻ đã bỏ tình nghĩa bạn bè để ton hót với đội cải cách, đấu tố bạn thành địa chủ để chiếm đoạt tài sản của ông bà.

Thằng Phục lớn lên trong tình thương của bản làng, trong điệu lăm, điệu nhuôn của bà ngoại. Nó thông minh và ngoan ngoãn, cả bản ai cũng yêu mến và thương nó. Khi ông Lượng xuất ngũ về địa phương thì nó đã được 6 tuổi, ông Độ đã mất được 4 năm, bà Độ ba năm sau cũng đi theo ông. Năm sau, ông gom góp tiền nong, lại được ông bà ngoại hỗ trợ, cất ngôi nhà mới, cái nhà cũ thì giỡ ra làm chuồng trâu, bởi vậy cái cột nơi bức thuận bị chém một nhát to tướng ấy đã chuyển thành cái cột ràn trâu. Hai năm sau, bà mang thai đứa thứ 2, nhưng do ông Lượng nhiễm chất độc dioxin nên vừa lọt lòng nó đã vội đi theo ông bà nội mà không ở với bố mẹ. Từ đó, ông bà quyết không sinh con nữa. Tất cả tình thương yêu, từ vật chất đến tinh thần đều dành cho thằng Phục. Mặc dù chăm bẵm, nuông chiều nhưng ông lại rất nghiêm khắc nên thằng Phục không hư hỏng như con em các gia đình khác. Nó ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Tốt nghiệp đại học, nó được huyện nhận về làm cán bộ huyện đoàn, ba năm sau thì được bầu làm Bí thư huyện đoàn. Sau ba năm công tác ở huyện đoàn nó lại được Tỉnh đoàn rút về làm Phó Bí thư tỉnh đoàn. Cấp trên luôn khen nó là cán bộ có năng lực, có nhiệt huyết và có tâm trong công tác. Không biết nó quen con bé Thảo lúc nào, bà chỉ biết hè năm ngoái, con bé Thảo cùng đoàn sinh viên của Đại học Vinh về tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” tại xã, nó ở gần nhà nên thi thoảng lại sang chơi, nói chuyện cùng ông bà. Cả xã ai cũng khen nó đủ mọi chuyện. Mãi đến áp Tết, thằng Phục đưa nó về giới thiệu với ông bà, ông bà bất ngờ và cảm thấy mãn nguyện vì vẫn ước ao một mẫu người như con bé Thảo về làm dâu trong nhà. Hôm ấy, vì nó lên chơi có một ngày, lại trong lúc quá vui nên ông Lượng cũng chưa tiện hỏi gốc gác con bé. Chỉ biết nó là người thành phố, bố mẹ đã nghỉ hưu và ông bà nội đã mất. Thế thôi.

Hết Tết, trước khi thằng Phục về Vinh, ông Lượng nhắn nhủ:

– Cái con bé ấy được đấy, bố mẹ ưng rồi, nhưng con phải tìm hiểu nó kỹ thêm một tí.

– Tìm hiểu thêm về cái gì hả bố?

– Ừ, người ta vẫn nói lấy vợ chọn tông lấy chồng xem họ, con cũng phải tìm hiểu nguồn gốc, bố mẹ nó, quê hương bản quán nó thế nào cho bố mẹ biết để khi gặp nhau mà biết đường ăn nói với người ta chứ con!

– Dạ, con hiểu rồi.

Ai ngờ…

Sự đời thật oái ăm, bây giờ biết tính sao đây? Ông ấy là người quyết đoán, tuy hiền lành nhưng rất mãnh liệt và gia trưởng. Làm sao nói cho ông ấy “thủng” đây? Với bà, bà không nặng nề về quá khứ lắm, bản tính người Thái vốn thế, cái gì đã qua thì cho qua đi, ôm lấy cái hận cái thù mãi làm gì cho mệt. Nhưng còn ông thì sao?

Hôm sau, trong lúc đang băn khoăn về cái chuyện thằng Phục với con Thảo, bà bỗng nhớ đến một người…. Bà “ồ” lên một tiếng như chết đuối vớ được phao. Bà lật đật đội nón ra đi…

Ông Lượng đang ngồi chuốt lại mấy nắm đót để chuẩn bị kết chổi thì nghe tiếng chó sủa, ngẩng đầu lên, ông “ồ” lên một tiếng, buông nắm đót đứng dậy giọng hồ hởi:

– Chào Bí thư, cơn gió nào đưa anh tới đây thế?

– Bí thơ thì có chứ bí thư gì bây giờ nữa, nghỉ bảy tám năm rồi còn gì!

– Cho là anh nghỉ tám mươi năm thì với em, anh vẫn là Bí thư. Hôm nay anh thong thả nhỉ, lâu lắm chưa qua nhà em!

– Ừ, lâu rồi không lên thăm chú tôi thấy nhớ!

Ông Lượng vồn vã:

– Vào đi anh, vào nhà đi, anh chị lâu nay vẫn mạnh khỏe chứ?

– Cảm ơn, vợ chồng tôi vẫn khỏe!

Bà Lượng trong nhà chạy ra chào ông Mai, rót nước mời hai ông xong bà lại vào nhà trong, làm như không liên quan đến việc hôm nay ông cựu Bí thư Huyện ủy đến nhà.

Uống xong hớp nước, ông Mai chậm rãi:

– Đầu xuân năm mới đã có gì mới chưa chú?

– Có gì đâu anh, em đang bện mấy cái chổỉ để bà ấy mang ra chợ thôi!

– Có thế thôi à?

– Dạ!

– Thế mà tôi nghe người ta bảo chú sắp cưới dâu, định giấu tôi à? Nghe nói con bé ấy cũng khá lắm?

Như đụng đến nỗi đau, ông Lượng trút bầu tâm sự. Trong cái huyện miền núi này, ông Lượng chỉ thán phục mỗi ông Mai. Đó là một người đứng đầu huyện có đủ mọi phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên. Ông là trung tâm đoàn kết của cả huyện này. Ông là người Thái, vừa thông minh vừa nhân hậu, với công việc thì tận tụy, với bạn bè thì thủy chung, ân cần và độ lượng.

Nghe xong bầu tâm sự uất ức của ông Lượng, ông Mai cười hiền lành:

– Cái thằng này!

– Sao anh?

– Chú cổ hủ lắm, sao chú lại ôm cái cục hận ấy lâu đến thế?

– Hận chứ anh, em hận lắm, tức nổ ruột nổ gan anh ạ!

Ông Mai trở lại giọng nghiêm túc, ôn tồn:

– Chú Lượng ạ, quá trình cách mạng làm sao tránh được hết mọi sai lầm hả chú. Thời kỳ đó, cách mạng tuy đã thành công nhưng vẫn còn non trẻ lắm, cán bộ chúng ta lúc ấy trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức đều còn yếu nên sai lầm cũng là điều dễ hiểu thôi. Giá – lương – tiền cũng là một cuộc cải cách sai, khư khư ôm mãi cái cơ chế quan liêu bao cấp cũng là một cái sai… Biết sai mà biết sửa là được rồi, đừng mang định kiến lâu dài như vậy làm gì.

– Anh nói thế thì em biết thế, chứ em thì chưa nguôi được đâu anh. Tức nghẹn ruột nghẹn gan anh ạ!

– Chú đừng cực đoan như vậy. Chúng ta là bà con láng giềng của nhau, không ai không có lúc lầm lỡ hồ đồ. Đây thực ra là sai lầm, là sai lầm từ trên, còn dân thường thì trình độ dân trí lúc đó còn thấp, lại thêm cái nạn thực dân phong kiến đè nén lâu rồi, khổ cực nhiều rồi. Nhiều người khi ấy chỉ có tầm nhìn thiển cận mới để lòng tham chế ngự. Vì ngu muội mà sai lầm, cái ấy có thể tha thứ được. Đảng và Nhà nước có nhìn đến, có thấu hiểu, thì như tôi mới làm đến chức Bí thư Huyện ủy, như thằng Phục mới làm đến Phó Bí thư Tỉnh đoàn, đúng không? Ông bà con bé ấy có sai lầm mới làm những điều trái đạo ấy, nhưng họ cũng ân hận rồi, họ cũng phải rời bỏ quê hương để tránh tiếng, hơn nữa họ cũng đã chết rồi. Các ông bà ấy gặp nhau ở dưới kia chắc cũng đã tha thứ cho nhau rồi. Như vậy mình tha thứ, bỏ qua được rồi. Tôi nói để chú biết, con bé Thảo ấy là báu vật trời ban cho cô chú đấy, đừng nặng nề với cái quá khứ tai hại ấy mà để lỡ mất duyên phận của con. Thằng Phục năm nay cũng ba mươi rồi đấy! Tôi cũng khen cho chú, chuyện như vậy mà nén chịu chừng ấy năm, không thấy khổ, không thấy mệt à?

– Chuyện có vui đâu mà giãi bày với ai làm gì anh? Nỗi đau riêng mình thì riêng mình chịu thôi!

– Bây giờ giãi bày rồi có nguôi được tí nào không chú?

Ông Lượng cười bẽn lẽn như người có lỗi:

– Cũng nhẹ đi đôi phần, nhưng em còn nặng lòng với chuyện này lắm!

– Trong huyện này chú tin ai nhất?

– Từ ngày xuất ngũ đến nay, em tin anh nhất!

– Thế thì chú hãy nghe tôi đi. Hóa giải cái lời nguyền ghê người ấy mà sống cho vui, sống cho tốt, xã hội đổi mới nhiều rồi, mình cũng nên thay đổi chú ạ!

– Dạ! Em nghe anh!

Ông Mai cười khà khà:

– Có thế chứ!

Bà Lượng từ nãy đứng trong buồng lắng tai nghe câu chuyện, bà hởi lòng hởi dạ bước ra, rót nước mời hai ông rồi nhẹ nhàng:

– Hôm nay bác Mai ở lại ăn cơm thăm với nhà em chứ?

Ông Mai chưa kịp đáp thì ông Lượng đã nhanh nhẩu:

– Ở lại chứ! Hôm nay bà phải làm cho anh em tôi một bữa thật hậu!

– Phải đấy, tôi ở lại để uống vài chén rượu mừng chú đã bước qua lời nguyền!

Võ Ngọc Sơn