Hồ Thung Mây nằm giữa trung tâm huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Phan Tất Lành

LTS: Nhận lời mời của UBND huyện Quỳ Hợp về việc phối hợp tổ chức hoạt động sáng tác VHNT hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện Quỳ Hợp (19/4/1963 -19/4/2023), các văn nghệ sĩ của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã có nhiều ngày đi thực tế tại địa phương. Tại đây, các văn nghệ sĩ đã được thăm một số địa chỉ văn hóa – tâm linh, danh lam thắng cảnh và một số mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương như: hang Pựn Pang – Nang Ni, đền Le, đập Bản Muộng, đền Choọng, thác Bản Bìa, bản du lịch cộng đồng Chọong Bùng, đồi chè xã Minh Hợp, thủy điện bản Mồng…

110 tác phẩm thuộc 06 chuyên ngành được nghiệm thu và đánh giá cao trong đợt sáng tác lần này. Sông Lam điện tử trân trọng giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Quỳ Hợp. Dưới đây là bài ký của nhà văn Võ Ngọc Sơn “Có một mối tình như thế”

Trung úy Mạc Văn Phương đang loay hoay tìm mấy tờ giấy pơ-luya trong ba lô để viết thư về thăm gia đình thì liên lạc vào:

– Báo cáo thủ trưởng, Trung đoàn trưởng mời anh lên gặp ạ!-
Có việc gì thế cậu?
– Em không rõ ạ!
– Thế à? Vậy mình lên ngay.

Anh vội vàng thu xếp ba lô, chỉnh đốn lại quân phục và bước ra khỏi văn phòng đại đội. Vừa đi anh vừa băn khoăn: “Có việc gì nhỉ? Đi nhận nhiệm vụ mới chăng? Sau giải phóng anh được điều ra đảo Phú Quốc này phụ trách quản giáo lớp tù lính Việt Nam Cộng hòa mới được 6 tháng thôi, nay lại có nhiệm vụ mới gì đây?”

Vào đến phòng chỉ huy trung đoàn, anh đã thấy Trung đoàn trưởng ngồi đợi với thái độ vui vẻ hồ hởi. Anh đứng nghiêm:

– Chào thủ trưởng! Tôi, trung úy Mạc Văn Phương, Đại đội trưởng Đại đội quản giáo có mặt ạ!
Trung đoàn trưởng tươi cười đứng dậy bắt tay và ôn tồn bảo:
– Đồng chí ngồi xuống đi. Có nhiệm vụ mới giao cho đồng chí đây.
– Vâng ạ!

Phương đáp, từ từ ngồi xuống ghế đối diện, lòng hồi hộp chờ đợi.
Cảm nhận được tâm trạng của Phương, Trung đoàn trưởng cười, nheo mắt:
– Lo lắng à? Là người lính thì cần luôn đĩnh đạc, tự tin, bình tĩnh trước khi nhận nhiệm vụ chứ. Mà cậu còn là một chỉ huy…
– Dạ, em biết rồi ạ!

Trung đoàn trưởng nhấn nhá cho trà vào ấm, thong thả rót nước, rồi lại cũng thong thả bày chén ra. Trong lúc đợi trà ngấm, anh lại nheo mắt nhìn Phương:
– Là thế này, sắp tới, đồng chí phải rời đơn vị một tháng.
– Dạ thưa thủ trưởng, em bị điều đi đâu ạ?
– Sao lại “bị”? Nói như thế có tiêu cực trong tư tưởng quá không?
– Dạ, thưa thủ trưởng…
– Thôi thôi, anh không phải cuống lên thế.

Nói rồi Trung đoàn trưởng rót nước vào hai chén:
– Cậu uống nước đi và nghe cho rõ đây: xét thành tích của cậu, Trung đoàn đã quyết định cho cậu về phép một tháng.
Phương mở to mắt ngạc nhiên. Chao ôi! Như bọc nước căng cứng được cắt đột ngột, niềm vui vỡ òa. Phương nói như reo:
– Em cảm ơn thủ trưởng ạ! Nhiệm vụ này em chờ đợi đúng mười năm rồi!  Niềm vui đến bất ngờ quá thủ trưởng ơi!
Niềm vui của Phương như lan sang thủ trưởng của mình. Ông bắt tay Phương thật chặt:
– Ừ, mười năm rong ruổi khắp các chiến trường, phần thưởng này cũng rất xứng đáng với cậu! Chúc mừng, chúc mừng! Về quê đợt này cưới vợ luôn đi nhé, đã ba mươi mốt tuổi rồi đấy nhỉ?
– Dạ, em sẽ cố gắng!
– Ngày mai, tàu của Cục sẽ vào bờ, cậu về lo chuẩn bi tư trang hành lý để theo tàu vào luôn. Nhớ qua tài vụ ứng lương và quà Tết của đơn vị gửi về thăm gia đình nhé!
– Dạ, các thủ trưởng chu đáo quá!
– Mình dặn này. Chiến đấu ở chiến trường B bao nhiêu năm nay thì đồng chí nào cũng khao khát được về thăm quê hương, gia đình. Tuy nhiên, nhiệm vụ trực chiến ở đây cũng vô cùng quan trọng, Dù chiến tranh đã kết thúc nhưng chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Đây là niềm vui, niềm vinh dự của các đồng chí được thưởng phép. Tuy nhiên khi trở về với quê hương, với gia đình mong các đồng chí luôn thông cảm và sẻ chia với các đồng chí đang ở lại chiến trường đã và đang sẵn sàng chiến đấu. Khi về quê thăm nhà, đồng chí nên dành thời gian đến thăm hỏi và động viên các gia đình đồng đội, gia đình thương binh liệt sỹ để ấm lòng người hậu phương.

Trung đoàn trưởng bắt chặt tay anh và vui vẻ tiễn anh ra cửa. Phương vừa đi vừa nhảy chân sáo như đứa trẻ nhận được quà. Dưới chân anh, cỏ hoa hai bên đường dường như đẹp hơn, thơm hơn. Thế là sau mười năm chiến đấu gian khổ xa nhà biền biệt, tham gia khắp các mặt trận, hôm nay anh mới được trở lại quê hương. Quê hương anh, một vùng quê miền núi của huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, nơi có dòng Nặm Huống trong xanh, mát rượi, chiều chiều lũ trẻ con ào xuống vùng vẫy thỏa thuê; nơi có những mái nhà sàn đơn sơ nhưng ấm áp bên những bếp lửa hồng; nơi có những người thân yêu đang ngày đêm ngóng đợi người con của bản Nguông trở về.

***

Năm 1965, hậu cần mặt trận Tây Nguyên tổ chức binh trạm Nam, bệnh viện 2, hình thành nên căn cứ hậu cần Nam Tây Nguyên đảm bảo cho các lực lượng chiến đấu ở Nam – Bắc quốc lộ 9 và chuẩn bị tổ chức binh trạm ở phía bắc đồng thời tổ chức bộ phận S8 ở nam sông Sê Sụ để nhận hàng của Sư 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Thế là anh lính binh nhì Mạc Văn Phương sau ba tháng huấn luyện được điều về Cục Hậu cần mặt trận B3 này. Mười năm lăn lộn trên khắp nẻo đường Tây Nguyên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh được điều ra đảo Phú Quốc. Đến hôm nay được về thăm quê, thăm gia đình bè bạn anh không vui sao được!

Đinh ninh lời dặn dò của đồng chí Trung đoàn trưởng, sau khi đã thăm gia đình và anh em trong xã, Phương tìm đến các gia đình có người thân đang ở chiến trường để thăm hỏi, động viên. Một hôm, đồng chí Bí thư chi bộ bản bảo:

– Trưởng trạm y tế xã là cô Lô Thị Ngoan, tuy không phải là người bản mình nhưng cô ấy công tác ở đây đã mấy năm, phục vụ và chăm sóc sức khỏe bà con trong xã rất tốt. Cô ấy có chồng là liệt sỹ hy sinh ở mặt trận thành cổ Quảng Trị đấy. Một nách nuôi hai con còn thơ dại nên hoàn cảnh lắm, anh nên đến thăm hỏi chút.

Sáng hôm sau Phương mua một ít bánh kẹo cho các cháu nhỏ và đến trạm xá xã thăm hỏi chị Ngoan. Căn nhà lá đơn sơ mà Ủy ban Hành chính xã Châu Cường dựng tạm cho ba mẹ con chị kề ngay cạnh trạm xá, chật hẹp và trông tuềnh toàng, bề bộn. Bé Ngân Thị Hồng 5 tuổi và bé Ngân Thị Hà chưa đầy 4 tuổi  quấn quýt sau lưng mẹ, hai mắt tròn xoe tò mò ngắm nhìn chú bộ đội mà chúng chưa hề quen biết. Bé Hà thỏ thẻ hỏi mẹ:

– Bố của con đó phải không mẹ?
Trong lúc Phương đang bối rối vì sự ngộ nhận rất ngây thơ của bé Hà thì Ngoan nói vui:
– Ừ, bố đó!
Nghe lời xác nhận của mẹ, bé Hà ào đến ôm lấy chân Phương:
– Bố… bố… bố!

Bé Hồng ngần ngừ một lát rồi ngước cặp mắt tròn to nhìn Phương, cái nhìn như trách cứ xen lẫn nỗi buồn tủi, giọng hờn dỗi:
– Bố, sao bây giờ bố mới về?
Anh ngồi xuống, giang hai tay ra:
– Nào, lại đây hai con!

Hai đứa trẻ ào vào lòng anh, dụi đầu vào ngực anh, vừa khóc vừa lấy tay ôm cổ anh thật chặt. Anh cảm nhận hơi thở ấm áp của chúng sao mà thân thương đến thế! Một tình yêu trào lên, anh cũng ôm chặt hai đứa trẻ trong vòng tay của mình.

Chị Ngoan chẳng biết nói gì. Chị xấu hổ quay mặt đi giấu những giọt nước mắt đang thánh thót rơi trên hai gò má ửng hồng. Tình thế quá bất ngờ làm Phương cũng chẳng biết nói gì hơn, đành nói nhỏ:
– Hai con ngoan nào! Chú chỉ ghé qua được một lát, giờ chú đang bận…
Anh đứng dậy trong sự ngơ ngác của hai đôi mắt ngây thơ:
– “Thế ra… chú…”, bé Hồng hết nhìn Phương lại nhìn sang mẹ nó,  “là chú, chứ không phải bố hả mẹ?”

Còn bé Hà khóc giẫy lên:
– Con không biết đâu! Con không gọi chú, con gọi bố cơ! Con không cho bố đi đâu! Hu hu… con bắt đền mẹ!
Chị Ngoan thấy lòng tê tái. Nước mắt giàn dụa, chị ôm bé Hà:
– Nào, nín đi con, nín đi mẹ thương!
Phương bỗng cười thật to:
– Ô, hai con gái bị bố trêu rồi! Bố giả vờ xưng chú đấy! Bố đây mà. Giờ bố phải đi có việc, mai bố về, nghe chưa?
Chị Ngoan tròn mắt nhìn anh, đôi mắt vẫn còn ngấn nước:
– Anh đừng…
– Ơ hay, em bảo đừng là đừng cái gì? Anh đi rồi mai về nói chuyện với ba mẹ con sau nhé.

Nói rồi anh quay bước thật nhanh. Anh không ngờ mình lại xử trí gọn gàng như thế trước tình huống này. Anh chợt mỉm cười: ”mình là người lính mà!”

Minh họa: Hải Thọ

Sáng hôm sau anh quay lại trạm xá, trên tay là hai bộ quần áo mới của trẻ con được gói cẩn thận trong một tờ báo cũ. Nhác thấy bóng anh ngoài sân, hai chị em Hồng và Hà lại ào ra ôm lấy anh trong niềm hân hoan:
– Mẹ ơi, bố lại về, bố lại về rồi mẹ ạ!

Lúc này chị Ngoan thực sự ngỡ ngàng và bối rối không biết sẽ nói với anh như thế nào để anh thứ lỗi cho mình vì câu trả lời với các con hôm qua. Rằng đó là câu nói vô tình buột miệng thôi chứ không phải cố ý như vậy, mong anh đừng hiểu nhầm.
Rất tự nhiên, anh nói:
– Nào, quà Tết cho hai con đây!
Hồng và Hà ríu rít:
– Con cảm ơn bố!

Trong lúc hai con xăng xái mở gói báo và ồ lên, vui sướng úp mặt hít hà mùi vải mới thơm tho thì Ngoan chỉ biết nghẹn ngào:
– Sao anh lại làm thế? Phiền anh quá!
Anh nháy mắt với Ngoan rồi nhìn hai đứa trẻ cười thật tươi:
– Tết nhất đến nơi rồi, bố phải có quần áo mới cho các con chứ, nhỉ?
– Bố là nhất quả đất!
Bé Hà hét lên.
– Vậy bây giờ hai con vào nhà mặc đồ mới xem có vừa không nào, có xinh gái không nào!

Nhìn hai đứa trẻ ríu rít như hai chú chim non, lòng anh ấm áp lạ.
– Anh làm tôi áy náy quá, không biết cảm ơn anh như thế nào đây. Tôi thật có lỗi với anh quá!
– Có gì đâu Ngoan, chỉ là món quà nhỏ thôi. Sự hy sinh của anh chị còn lớn gấp ngàn lần kia mà! Ngoan đừng áy náy thế.
Nói rồi anh hạ giọng:
– Tôi phải đi đây, Ngoan tìm lý do nói với hai con hộ tôi nhé.
Nói rồi anh vội vàng bước ra. Nhưng vừa ra đến ngõ, anh nghe tiếng bé Hà khóc gào lên:
– Mẹ, sao mẹ không giữ bố ở lại, thế bây giờ bố lại đi à? Bố không ở lại với các con à mẹ?

Mũi anh cay xè và tự nhiên đôi mắt anh nhòa lệ. Anh quyết định quay vào.
Thấy anh quay lại, hai đứa trẻ cùng lao đến ôm chầm lấy anh. Vẫn giọng ngây thơ của bé Hà:
– Bố! Bố đừng đi nữa, bố ở lại với các con đi bố!
Anh ngồi xuống ôm lấy bé Hà và một tay đặt lên vai bé Hồng, âu yếm:
– Bố sẽ không đi nữa, được chưa?
– Bố có hứa không? – Bé Hà phụng phịu.
Anh đứng dậy, nắm chặt tay giơ lên:
– Tôi, trung úy Phương, xin hứa sẽ ở lại với ba mẹ con!
Anh cười sảng khoái, hai đứa trẻ cũng cười ngặt nghẽo. Mặt Ngoan đỏ nhừ như gấc chín.
– Thôi, giờ thì hai đứa đi chơi để bố mẹ còn bàn công chuyện nhé.
– Vâng ạ – hai đứa trẻ đồng thanh và tung tăng chạy ra cổng. Chúng nóng lòng khoe đồ mới với bọn trẻ con trong bản.
– Tôi sẽ ở lại đây với Ngoan, với các con!
Ngoan nghẹn ngào:
– Anh cho tôi xin lỗi, tôi không cố ý thế đâu. Anh nghĩ gì mà lại nói những lời như vậy?
– Tôi phải có trách nhiệm với sự hy sinh của đồng đội. Tuy không cùng đơn vị với anh Huyền, nhưng chúng tôi vẫn là những người lính. Ở chiến trường nào thì chúng tôi vẫn là đồng đội, tôi nghĩ thế đấy.
– Anh hãy về và suy nghĩ lại đi! – Ngoan kiên quyết.
– Vâng, bây giờ thì tôi sẽ về. Tôi sẽ nói với gia đình và xin phép gia đình để cưới Ngoan và sẽ cùng Ngoan nuôi dạy các con!

Lòng Ngoan rối bời và hoang mang đến tột độ. Cô không ngờ vì lời nói vô tình của mình làm các con ngộ nhận, đẩy Phương vào một tình cảnh oái oăm như vậy. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau, sao anh ấy lại hồ đồ quyết định vậy chứ? Thực lòng, cô chưa hề có ý định tái giá với bất kỳ ai, cô quyết tâm ở vậy để nuôi dạy hai con dù biết sẽ phải trải qua nhiều vất vả khó khăn trong cảnh mẹ góa con côi.

Và rồi, chị đã im lặng ngồi nghe anh giãi bày hoàn cảnh của mình. Anh mồ côi cha từ thuở nhỏ, mẹ đi bước nữa, anh và người em sống trong cảnh côi cút. Giờ đây, dù đã là một quân nhân dạn dày trong quân ngũ, nhưng nỗi trống vắng tình cha nghĩa mẹ nhiều khi vẫn làm anh đau nhói. Vì thế, anh hiểu nỗi khao khát của hai đứa trẻ. Anh thương chúng như thương chính bản thân mình. Anh không hề gợn chút băn khoăn, không một mảy may ân hận dù quyết định đến với anh là quá nhanh chóng.  Đêm ấy Ngoan không sao ngủ được. Chị đã khóc rất nhiều vì cảm động trước tấm chân tình của anh bộ đội mới lần đầu gặp mặt. Chị sợ không xứng đôi vừa lứa với anh, anh là trai tân, còn chị thì… Chị sợ tình cảm của anh là thứ tình cảm bột phát trước hoàn cảnh của chị mà thôi. Chị sợ tình yêu của anh là xuất phát từ lòng thương hại. Chị sợ phía gia đình anh không chấp nhận, rồi lại khổ. Chị sợ làng xóm dị nghị…  Bây giờ anh nói thế, nhưng biết đâu sự đời dâu bể… Chị lại sợ anh vẫn còn trong quân ngũ, đang tham gia mặt trận biên giới phía Tây Nam, tên rơi đạn lạc, biết đâu… Cả trăm nỗi lo, ngàn nỗi sợ làm chị không thể nào chợp mắt. Chị mong trời mau sáng để nếu anh có sang thì chị phải dứt khoát chối từ như đã từng chối từ bao đám lại qua đánh tiếng…

***

Cuộc họp gia đình Phương diễn ra với nhiều sự phản đối. Có người ậm ừ qua chuyện, nhưng phần nhiều cho rằng, dù chị Ngoan tốt người tốt nết thật đấy, nhưng chị đã có một đời chồng và có hai con nhỏ, Phương mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn, lấy gì để nuôi hai đứa con của Ngoan còn thơ dại? Chú Ngộ thẳng thắn nói:

– Cháu suy nghĩ lại đi, cháu yêu cô ấy thật hay là chỉ thương hại hoàn cảnh của cô ấy thôi. Cháu đừng nhầm lẫn giữa tình yêu và lòng thương cảm. Cháu đừng tỏ ra cao thượng kiểu “yêng hùng” như vậy. Chỉ sợ bây giờ cháu quyết tâm thế nhưng khi về sống với nhau, cháu sẽ so sánh này kia, rồi chán, rồi bỏ người ta làm tội cô ấy một lần nữa.

Phương kiên quyết:

– Cháu thực sự yêu cô ấy. Ban đầu cũng chỉ là tình thương thôi, thật đấy, nhưng bây giờ thì cháu xác định được rồi. Cháu yêu cô ấy và rất thương hai đứa trẻ. Cháu đã cảm nhận được tình cảm giữa cháu và các con của cô ấy như tình cha con. Dù khó khăn gian khổ, dù thiên hạ dị nghị và đàm tiếu không hay cháu vẫn sẽ thủy chung với cô ấy, cùng chung tay với cô ấy nuôi dạy các con nên người.

Mọi người thở dài, biết làm sao bây giờ? Số phận nó thế thì đành chiều theo thế. “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, cha ông chẳng đúc kết còn gì.

Chiều hôm đó Phương thông báo với Ngoan:

– Sáng mai anh sẽ cùng em về ngoại để anh thưa chuyện với gia đình.

Ngoan hoảng hốt lắc đầu:

– Không được đâu anh ơi, em xin anh, anh nghĩ lại đi. Em hoàn toàn không xứng với anh đâu, em đã một đời chồng…

Phương chặn lại:

– Em đừng nói thế. Anh không có suy nghĩ ấy đâu. Anh thương yêu em thật lòng đấy. Anh quyết tâm cùng em xây dựng gia đình và nuôi dạy các con. Hãy tin tưởng anh!

– Anh hãy về đi, cho em suy nghĩ thêm chút đã. Em thật sự bối rối quá, anh hãy cho em thời gian!

Phương âu yếm bế bé Hà vào lòng và nói giọng kiên quyết:

– Không! Em đừng băn khoăn nữa. Anh yêu em thật lòng và nguyện sẽ chung thủy cùng em, dù khó khăn gian khổ anh cũng quyết tâm đem lại hạnh phúc cho em và các con. Sáng mai chúng ta sẽ cùng các con về ngoại để thưa chuyện, gia đình anh cũng đã đồng ý rồi. Thế nhé, bây giờ anh sẽ đi sắm một vài thứ sửa sang lại nhà cửa chút ít.

Quay sang bé Hà anh âu yếm hỏi:

– Các con có đi chơi với bố không nào?

Hà nhảy cẫng lên, miệng líu lo nhanh nhẩu đáp như sợ chị Hồng tranh mất phần:

– Có ạ! Có ạ! Con đi với bố!

– Con cũng đi với bố ạ! – Bé Hồng cũng sung sướng reo lên.

Ngoan ngồi bần thần trên chiếc ghế gỗ mộc, mắt rưng lệ nhìn theo bóng ba người dần khuất sau bờ dậu xương rồng đang nở những nụ hoa vàng đón xuân. Chị bối rối đến nỗi không biết chuyện gì đang xẩy ra với mình và với hai đứa trẻ còn ngây thơ trong trắng. Chị không hình dung nổi cái hạnh phúc ngọt ngào ấy tự dưng ào đến với chị như cơn lốc. Chị không hiểu tại sao lại có một thứ tình yêu bất thường như vậy. Nó nhanh quá! Nó đột ngột quá! Nó bất thường quá! Hình như ông trời sai ông tơ bà nguyệt nối sợi chỉ tình duyên? Chị không biết nên vui, nên buồn hay nên ngờ vực, cảnh giác. Sáng hôm ấy chị không làm được việc gì, chỉ suy nghĩ vẩn vơ.

Mồng Hai Tết năm 1976, bản Nguông đón Tết như vui hơn, dân bản và đại diện chính quyền xã đã tổ chức đám cưới cho hai người. Người vui vẻ góp vào nhiều lắm nhưng cũng không ít người cào ra. Họ bàn tán. Họ ngờ vực. Họ phân vân. Họ nghi ngại.

***

Bốn mươi bảy năm trôi qua, anh lính trẻ ngày ấy đã thành một cựu chiến binh ở tuổi bảy tám. Chị Ngoan một thời xinh đẹp giỏi giang giờ đã là cụ bà bảy mươi bảy tuổi. Hồng đã là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳ Hợp,  Hà  là Hiệu phó Trường trung học cơ sở xã Châu Thành. Sau Hồng và Hà, ông bà còn có thêm ba người con nữa, người nào cũng học hành thành đạt và phương trưởng trong cuộc sống. Ngôi nhà sàn đơn sơ mà gia đình hai bên chung tay xây dựng cho anh chị ngày ấy nay vẫn còn nguyên. Tấm ảnh chụp chung cả đại gia đình được lồng kính, đóng khung treo trang trọng ở gian ngoài.

Trước sân, cây đào cổ thụ đã nở hoa đón Tết. Nó là chứng nhân cho mối tình đẹp đẽ, thủy chung của người lính trẻ với cô trạm trưởng trạm y tế xã.

Võ Ngọc Sơn