Mưa tầm tã, mưa dai dẳng, mưa liên miên. Ngôi trường cũ năm xưa, Trường Trung học cơ sở Năng khiếu Quỳ Hợp bây giờ trở thành Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện nhà đang chìm trong màn mưa trắng xoá. Mặc trời đất. Các cô cậu học trò ngày ấy, lớp đầu tiên của trường Năng khiếu, vẫn đội mưa đến lớp với lời hẹn hội ngộ để cùng ngắm nghía tấm bảng xi măng cũ kĩ đã lỗ chỗ dấu thời gian. Vẫn chiếc bàn giáo viên đan dày vết xước màu năm tháng. Ba dãy bàn học sinh trở nên quá nhỏ trước những học trò tuổi xấp xỉ tứ tuần. Hai mươi hai năm chưa thể xoá nhoà những kí ức của miền thiêng áo trắng. Bằng chứng là tất cả mọi người vẫn ngồi vào đúng vị trí mà khi xưa lớp học đã sắp đặt cho mọi người.
    Hình như nghe tiếng trống vọng về từ miền kí ức xa xăm nên tất cả đã xúc động ngoan ngoãn vào lớp chờ bước chân quen thuộc của người thầy. Hôm nay, cô chủ nhiệm cũ Nhật Thành cũng thướt tha trong tà áo dài vương mùi hoa cúc. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thi, mới nghỉ hưu, thầy Hiệu phó Phan Đình Đạt, nay là Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, cùng các thầy cô giáo bộ môn và cả bác bảo vệ ngày nào cũng đã nghiêm chỉnh ngồi vào chỗ ngồi đúng vị trí dự giờ thăm lớp. “Các em thân mến!” Cô chủ nhiệm dịu dàng lên tiếng: “Tiết học hôm nay cô sẽ cùng các em đến với tác phẩm bất hủ, Truyện Kiều của Nguyễn Du”.
Cả lớp im phăng phắc. Chỉ nghe tiếng mưa ràn rạt ngoài cửa sổ. Cô nhìn khắp lượt các em trong niềm thương mến với hồi ức đang trỗi dậy trong lòng, rồi tiếp tục: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” Nguyễn Du đã thốt lên ai oán những tiếng kêu thương từ thế kỉ XVIII. Sau hai mươi hai năm xa mái trường, nay các em đã có đủ thời gian để trải nghiệm, để chiêm nghiệm, để suy xét trong nỗi dâu bể cuộc đời. Giờ đây, cô muốn nghe ý kiến của các em về đoạn thơ trên?
Sau phần giới thiệu, cuộc hội ngộ như một lớp học thực sự giống ngày xưa, chiếc micro lần lượt chuyền tay. Từng người đứng dậy tự giới thiệu tên mình và nhắc lại một vài kỉ niệm. Và sau đó là sự báo công với thầy cô về quãng đường hai mươi năm có lẻ. Có người nghẹn ngào đứt quãng từng câu, có người giọng ướt nhoè nước mắt, có người cố tỏ ra hài hước để che đi nỗi xúc động dâng trào. Các thầy cô ngồi lặng đi. Những đôi mắt già nua lấp lánh niềm hạnh phúc. Lứa học trò của trường Năng khiếu khi xưa giờ là những doanh nhân thành đạt, những cán bộ năng động tháo vát, những nhà chuyên môn uy tín, những nhà giáo dành trọn niềm tin yêu trong mắt học trò… Ở tuổi ba mươi sáu, mọi “học sinh” trong lớp học hôm nay đang căng tràn sức sống và tràn đầy bầu nhiệt huyết cống hiến cho đời. Đợi cho hết lượt các em ý kiến xong, cô giáo tổng kết bài dạy: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là thân nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều nghe thấy xiết bao vui mừng.” Điểm khác nhau giữa xã hội phong kiến thế kỉ XVIII và xã hội hôm nay chính là chỗ đó. Tài năng sẽ làm thay đổi số phận. Tài năng có sức mạnh để “thắng thiên”. Các em có đồng ý như vậy không?
Tiếng vỗ tay rào rào át cả tiếng mưa đang xối xả ngoài trời. Lớp học rộ lên, sôi nổi hồi lâu. Những khuôn mặt rạng ngời tươi rói. Những tiếng cười thánh thiện. Những lườm nguýt trêu nhau. Những chí choé cãi lộn… Phút giây này, trước mắt cô, dường như cái áo của nhà doanh nghiệp, áo của nhà nghiên cứu, áo của nhà lãnh đạo… đều đã rơi ra hết, chỉ còn lại tinh khôi chiếc áo học trò với sự hồn nhiên nghịch ngợm. Cô nghiêm mặt: “Nào! Tất cả trật tự. Chúng ta sẽ chuyển sang tiết Toán. Mời cô giáo Trần Thị Lương”.
Cô giáo Lương bật đứng dậy trong sự ngạc nhiên. Một phút bối rối vì chưa chuẩn bị giáo án. Nhưng rồi cô tự tin bước lên bục giảng. Tiếng vỗ tay rào rào giòn giã như một sự khích lệ. Cô nhìn xuống lớp, thấy hình ảnh mình ngày xưa qua học trò hôm nay. Vâng, hồi đó cô cũng đang ở cái tuổi mà bầu nhiệt huyết căng tràn trong trái tim, trong mạch máu. Cả lớp lặng đi trong dòng tâm sự của cô về cuộc đời mình. Ngoài ba mươi, xuân thì đang phơi phới, phải chia ly chồng vì cách trở âm dương, một mình bươn chải nuôi con trong bộn bề khốn khó. Việc nhà việc trường lũi lầm tần tảo, nhưng niềm mê say trong nghề dạy học chưa một phút buông lơi. Những thành tích trong nghề như giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cô luôn dành được một cách đầy thuyết phục. Cảm động hơn khi cô đã trở thành nguyên mẫu trong một truyện ngắn được đăng ở tập san ngành Giáo dục. Đó không chỉ là nguồn động viên tinh thần to lớn để cô vững vàng chống chọi với dâu bể cuộc đời mà còn làm cho bao đồng nghiệp có thêm bản lĩnh vượt khó trong một thời đồng lương nhà giáo cực kỳ eo hẹp. Nuôi hai con lớn khôn, học xong đại học, lo công ăn việc làm cho chúng. Niềm vui đến với cô khi con trai xây dựng gia đình. Những tưởng thế là hết vận long đong, ngờ đâu con tai nạn. Qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật, cuối cùng cũng đành chấp nhận trí não của con trai gần ba mươi giờ chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba. Người ta bảo “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng về hưu, cô vẫn phải là chỗ dựa cho con… “Nhưng các em ạ, cuộc đời trải qua nhiều thử thách thì mới khẳng định được bản lĩnh con người. Mỗi lần vượt qua thử thách thành công, niềm vui sướng chẳng khác gì ta vừa tìm ra đáp số cho một bài toán hóc búa. Vâng, cô xin kết thúc tiết toán bằng kết luận như vậy nhé”.
Cô Lương cúi chào. Cả phòng học lặng đi, rồi một tràng pháo tay thật dài lại vang lên.
Để cho cảm xúc của các em lắng xuống, cô Nhật Thành  hỏi cả lớp:
-Em hãy so sánh giờ học Văn của cô và giờ học Toán của cô Lương hôm nay có
gì khác với những giờ học ngày xưa?
– Thưa cô, không bị hỏi bài cũ ạ! – Một ai đó nhanh nhảu.
Trời ạ, trong cái phát hiện này cô đọc thấy sự sung sướng của trò khi cô bỏ qua bước kiểm tra bài cũ nó lớn đến độ nào.
– Thưa cô, hôm nay có rất nhiều thầy cô dự giờ ạ. Cô vẫn chưa ghi điểm.
– Thưa cô, giờ học hôm nay rất xúc động ạ.
Cô vẫn lắc đầu. Cả lớp nhìn nhau. Cái gì nhỉ? Hay là hôm nay cô dạy không có giáo án? Hay bài này không có trong sách giáo khoa? Hay là hôm nay cô không phải dừng lại gõ thước nhắc trò im lặng? Cô mỉm cười, âu yếm nhìn cả lớp rồi cất giọng trầm trầm:
“Các em ạ. Dạy Văn ngày xưa, cô bày bảo các em cảm nhận những tác phẩm văn chương để từ đó các em hiểu cuộc đời. Giờ Văn hôm nay, từ trải nghiệm cuộc đời các em soi vào tác phẩm văn chương. Giờ Toán ngày xưa, cô dạy các em giải phương trình đại số hay chứng minh hình học bằng việc vận dụng qui tắc, định lí, công thức. Còn bây giờ, cô đang dạy các em giải bài toán cuộc đời. Bài toán ấy không vận dụng định lí này, công thức nọ mà sử dụng nghị lực và ý chí. Bản thân các cô đã giải bài toán cuộc đời mình bằng một nghị lực phi thường, một ý chí và lòng quyết tâm dũng cảm.”
Oà…
Kết thúc buổi học bằng tiết âm nhạc của cô giáo Lê Thị Thanh Xuân, nay đã nghỉ hưu, cô thật sự ngạc nhiên khi các trò đọc đều, đọc to bài tập đọc nhạc từ thời lớp sáu.
– Đồ rê mi fa son la si đố…
Thầy Phan Đình Đạt, Phó Bí thư Huyện uỷ, nguyên là phó hiệu trưởng Trường năng khiếu, xung phong hát. Tất cả cùng hoà nhịp :
“Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước ơ…” Một vùng cọ xanh xoè tán mát dịu tuổi thơ!
    Ngoài cửa sổ, những hạt mưa xiên chéo. Hạt mưa nào của kí ức và hạt mưa nào của hôm nay? Những hạt mưa đan nhau tạo nên một miền thiêng mà trong đời người ai cũng muốn có được tấm vé để trở về sống cùng hồi ức.

Nhật Thành

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/Tháng 8+9/2020)