Sáng ngày 15/4, tại Tp. Thanh Hóa, Tạp chí văn nghệ xứ Thanh đã tổ chức hội thảo Tạp chí Văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung với chủ đề “Văn học trẻ Bắc miền Trung – Những thách thức và trách nhiệm”. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức luân phiên tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật 6 tỉnh Bắc Trung Bộ; các nhà báo, nhà văn, nhà thơ đến từ Tạp chí xứ Thanh, Tạp chí Sông Lam, tạp chí Hồng Lĩnh, tạp chí Nhật Lệ, tạp chí Sông Hương cùng đông đảo các hội viên hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan thông tấn báo chí.

Các đại biểu tham dự hội thảo – Ảnh: Hoàng Nguyên

Sau màn văn nghệ với nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của 6 tỉnh Bắc miền Trung, ông Phạm Duy Phương – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đã có phát biểu chào mừng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của văn học nghệ thuật cũng như các tạp chí văn nghệ hiện nay và khẳng định hội thảo là dịp để các tạp chí văn nghệ cùng nhìn lại, đánh giá kết quả hoạt động của một năm; cùng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn để tìm ra cách thức hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Họa sĩ Phạm Duy Phương – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nguyên

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Nhà phê bình, Tổng biên tập tạp chí Xứ Thanh Thy Lan đã có những đánh giá chi tiết về các tham luận. Bà chỉ rõ các tham luận tập trung bám sát nội dung trọng tâm, thể hiện được những suy tư, trăn trở về thách thức và trách nhiệm của người viết trẻ, sự trăn trở nghề nghiệp, những giải pháp thiết thực để có nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc về nội dung và giàu giá trị về nghệ thuật; để tác phẩm nghệ thuật ghi dấu, lan tỏa đến nhân dân trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.

Bà Thi Lan – Nhà lý luận phê bình, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, Tổng Biên tập tạp chí xứ Thanh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Hoàng Nguyên

Hội thảo được lắng nghe 7 tham luận với nhiều nội dung sắc sảo, góp tiếng nói chung về sự cần thiết kết nối, liên kết góp phần tạo động lực làm nên sức mạnh chung của các tạp chí địa phương nói chung và tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền trung nói riêng. Đồng thời, các tham luận đã mang đến cái nhìn toàn diện, sâu sắc về đội ngũ những người trẻ và tầm quan trọng cũng như hướng đi cho công tác phát triển văn học trẻ hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, nhà thơ Lâm Bằng khẳng định “Ở thời đại nào, ở giai đoạn nào, xứ Thanh cũng có những tài năng trẻ, rất trẻ, rất đáng tự hào.” Bên cạnh tự hào giới thiệu những gương mặt trẻ tiêu biểu của xứ Thanh, ông cũng thể hiện niềm suy tư về sức vươn ra biển lớn của họ. Ông nhấn mạnh: “Chốn văn chương không hề có nhung lụa. Con đường đến với văn chưng cũng không hề có thảm đỏ mà đầy khắc nghệt, đầy gian lao và phải chấp nhận sự nghiệt ngã sàng lọc của bạn đọc và thời gian. Không dấn thân, thiết quyết liệt, thiếu đam mê….khó mà đến đích.” Cũng theo ông, các bạn trẻ hôm nay được trang bị khá đầy đủ về kiến thức, có đủ các điều kiện phát triển nhưng lại thiếu đi sự rèn giũa, ít có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Do đó thiếu đi những cá tính sáng tạo, những giọng điệu và phong cách riêng.

Với tham luận “Phát triển văn học trẻ – Bài toán khó hay chưa quan tâm tìm lời giải?”, nhà báo Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam) đã chỉ ra thực trạng thiếu hụt những tác giả trẻ trong các hội VHNT, nguyên nhân của thực trạng này cũng như đề xuất một số giải pháp trước mắt. Chị nhấn mạnh: Người trẻ một khi đã đam mê điều gì thì khó lòng từ bỏ. Chính vì thế, thay vì phàn nàn, chê trách họ thì trước hết hãy lắng nghe để thấu hiểu, để đồng hành và thổi bùng ngọn lửa đam mê trong họ. Hãy tôn trọng cá tính, sự sáng tạo và mở ra nhiều sân chơi hơn cho người trẻ để họ có điều kiện phát huy tài năng của mình.

Trang Đoan – PV tạp chí Sông Lam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nguyên

Nhà lý luận – phê bình Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ) lại trình bày những trăn trở về lĩnh vực phê bình; làm sao để đội ngũ phê bình trẻ ở các tỉnh Bắc miền Trung thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, đáp ứng thực tiễn sáng tạo văn chương và xu thế toàn cầu hóa. Trong tham luận của mình, ngoài chỉ ra thực trạng thiếu hụt các nhà phê bình trẻ, bà còn đề xuất một số vấn đề như: các tạp chí nên dành nhiều không gian hơn cho phê bình; cởi mở, linh hoạt, tránh định kiến vùng miền, dành sân chơi cho các bài viết có hàm lượng học thuật, tạo đà cho phê bình trẻ phát triển; xây dựng cơ chế thù lao hợp lý, cần cân đối giữa phê bình văn học với phê bình nghệ thuật,….

Nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh – Tạp chí Nhật Lệ trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Nhà văn Nhụy Nguyên (Tạp chí Sông Hương) lại đề cập đến năng lượng và trách nhiệm của người viết trẻ thông qua nhiều loại hình giữa cơn đại dịch Covid – 19 và thiên tai trong thời gian qua. Anh nhấn mạnh, trong nỗi khốn khó chung của đất nước, các tác giả trẻ đã có cái nhìn mới và đầy nhân văn.

Tổng kết hội thảo, bà Thy Lan – TBT Tạp chí xứ Thanh ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, sâu sắc từ các tham luận và cam kết sẽ có những thay đổi để bước đầu giải quyết những thách thức đặt ra đối với đội ngũ người viết trẻ và khơi dậy niềm đam mê sáng tác trong họ.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội VHNT Thanh Hóa cũng đã tặng hoa, cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia. Các đoàn cũng sẽ có chuyến đi thực tế thăm các di tích lịch sử – văn hóa và trải nghiệm khu du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa.

Ông Phạm Duy Phương – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia.

PV