Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong xứng đáng được giải thưởng Nhà nước với những đóng góp cho kịch hát dân ca xứ Nghệ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: P.V

Sáng 19/10, tại TP Vinh diễn ra Hội thảo “Vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm”.

Tham dự hội thảo, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và thân nhân gia đình nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: P.V

Đã có rất nhiều bài tham luận được gửi tới và trình bày tại hội thảo của những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng, những nghệ sỹ đã từng tham gia biểu diễn các tác phẩm kịch của Nguyễn Trung Phong… Các tham luận không chỉ bày tỏ tình cảm, sự tri ân mà còn làm rõ công lao và tài năng của ông, khẳng định ông là người đặt nền móng quan trọng cho kịch hát dân ca xứ Nghệ. Những tác phẩm của ông để lại đã là những dấu ấn sâu đậm, trở thành máu thịt trong lòng dân xứ Nghệ.

Các đại biểu tham sự hội thảo cùng tham quan gian ảnh trưng bày nói về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trung Phong. Ảnh: P.V

Nếu như nhạc sỹ Hồ Hữu Thới đánh giá nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong ở nhiều vai trò của nhà quản lý và nhà biên kịch mà vai trò nào cũng xuất sắc, thì nhà thơ Nguyễn Thụy Kha lại nhớ về ông như một “huyền thoại ví giặm” và tự nhận đã học được ở Nguyễn Trung Phong rất nhiều trong cách xử lý âm nhạc khi ông phổ nhạc cho trường ca Trầm tích của nhà thơ Hoàng Trần Cương.

Nhà thơ Thạch Quỳ kể lại những kỷ niệm đáng nhớ khi ông được ở gần với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong và trân trọng ông bởi tính cách mộc mạc, gần gũi và phong cách sáng tác độc đáo. Các nghệ sỹ Hồng Lựu, Minh Ngọc là những người đóng vai cô Nghệ (nhân vật chính của tác phẩm nổi tiếng Cô gái Sông Lam) thế hệ thứ nhất và thứ 3 đã xúc động khi nhắc về những vai diễn giúp họ trưởng thành và họ tự hào vì đã được hóa thân vào những nhân vật ấy trên sân khấu…

Điều hành hội thảo gồm có NSND Lê Tiến Thọ, đồng chí Hồ Mậu Thanh và ông Nguyễn Minh Đức. Ảnh: P.V

 

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, lớn lên tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh (huyện Diễn Châu). Chỉ là một người nông dân, trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, bằng tài năng và đam mê, ông đã trở thành một tác gia, tham gia sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng; năm 1952, ông vào làm việc tại Ty Tuyên truyền Nghệ An. Sau này, ông là Phó Ty Văn hoá Nghệ – Tĩnh.

Hơn 40 năm cống hiến cho văn hoá xứ Nghệ, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm dân ca từ hoạt cảnh đến những vở kịch hát. Trong đó, có nhiều tác phẩm giàu giá trị, được công chúng nhiều thế hệ đón nhận, như vở chèo “Cô gái sông Lam”, vở kịch “Khi ban đội đi vắng” mà trong đó có làn điệu “Giận mà thương”đã có một đời sống độc lập ra khỏi tác phẩm sân khấu, Hạt lúa quê ta, Vẫn còn ra trận… Những tác phẩm của ông đã đóng góp vào kho tàng dân ca ví, giặm xứ Nghệ – di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng đã nhớ lại những kỷ niệm, dấu ấn về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với riêng mình suốt thời ấu thơ. Ông đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN,Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo

Ông mong mỏi để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục có các hoạt động phù hợp để đánh giá toàn diện, xác đáng tác giả, tác phẩm của Nguyễn Trung Phong. Sở VH&TT, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cần quan tâm, học hỏi, dàn dựng, có thể làm mới các vở kịch, làn điệu dân ca do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác.

UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo huyện Diễn Châu tạo điều kiện xây dựng không gian nghệ thuật dân ca ví, giặm gắn với nhà tưởng niệm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại quê hương; tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của ông…và đề nghị Sở VH&TT Nghệ An kết hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong

P.V