Sáng ngày 11/6/2023, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Hội thảo tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung, 5 vùng kinh đô xưa và nay với chủ đề “Gìn giữ, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ” do Tạp chí Sông Hương tổ chức.

Dự hội thảo có: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương; ông Ngô Hòa – nguyên UV BTV Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Thành Nhân – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; nhà thơ Mai Văn Hoan – Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế.

Về phía LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế có: nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế; nhà thơ Lê Tấn Quỳnh – Phó Chủ tịch thường trực LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế; cùng đại biểu của 6 tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung, 5 vùng kinh đô xưa và nay (Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ); các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan thông tấn báo chí.

Chương trình ca Huế mở đầu Hội thảo

Hội thảo được mở đầu bằng chương trình biểu diễn của CLB Ca Huế do nhà thơ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế – Võ Quê chủ nhiệm. Tiết mục như một bài tham luận sống động về việc bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản ca Huế. Nhà thơ Võ Quê nhấn mạnh: “Chúng tôi tin và mong các di sản của Việt Nam sẽ tiếp tục được lan tỏa trên các trang báo, tạp chí văn học nghệ thuật; các văn nghệ sĩ sẽ có trách nhiệm hơn đối với di sản trên quê hương mình.”

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà thơ Lê Vĩnh Thái – Phó Chủ tịch LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương khẳng định: Văn hóa, di sản luôn là nền tảng của dân tộc. Hội thảo lần này đề cập đến một chủ đề hết sức thiết thực; vừa là dịp nhìn nhận lại vai trò của tạp chí văn nghệ trong việc góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương; đánh giá những mặt được, chưa được và đưa ra những giải pháp để tuyên truyền, quảng bá di sản trên các tạp chí tốt hơn trong tương lai; vừa là trách nhiệm của các tạp chí với những giá trị di sản của quê hương. Hội thảo nhận được 11 tham luận, bên cạnh những vấn đề chung trong cách tiếp nhận và gìn giữ, bảo tồn di sản, văn hóa, các tham luận cũng nêu bật lên nhiệm vụ, tâm huyết và phương cách để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và di sản của vùng đất quê hương.

Nhà thơ Lê Vĩnh Thái – Phó Chủ tịch LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu đề dẫn

Trình bày tham luận “‘Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa’”, đề tài cần ưu tiên “đặt hàng” của tạp chí văn học nghệ thuật địa phương”, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh cho rằng: “Có thể thấy sứ mệnh văn hóa, bản sắc địa phương ở ngay cái tên mà chúng ta đặt cho các tờ tạp chí. Mỗi tờ văn hóa văn nghệ địa phương đang gánh vác sứ mệnh biểu đạt, truyền tải, lan tỏa những đặc trưng văn hóa của xứ mình. Từ đó, tham luận đã nêu lên vấn đề cần phát huy đặt bài, kích thích lượng bài vở ở hai mảng chính là nghiên cứu văn hóa và bút ký về đề tài văn hóa.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh trình bày tham luận

Trong tham luận “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trên Tạp chí Sông Lam”, nhà báo Đào Thị Thúy Hoa – Phó TBT Tạp chí Sông Lam đã trình bày những nỗ lực của Tạp chí Sông Lam trong việc thực hiện các nhiệm vụ của một cơ quan tạp chí văn nghệ, trong đó có bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Với 2 hình thức tạp chí in và tạp chí điện tử, BBT Tạp chí Sông Lam đã xây dựng hệ thống các chuyên mục, nội dung và hình thức thể hiện phù hợp để truyền tải, quảng bá con người – vùng đất, những sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán xứ Nghệ. Bên cạnh các chuyên mục “Đất Nghệ – Người Nghệ”, “Dặm dài xứ Nghệ” thiên về nghiên cứu, tư liệu, ghi chép, thì phương diện văn hóa và di sản vùng đất còn được gửi gắm, thể hiện qua các loại hình nghệ thuật, đặc biệt như nhiếp ảnh, bút ký, phóng sự, video,…

Nhà báo Đào Thúy Hoa – Phó TBT Tạp chí Sông Lam trình bày tham luận tại Hội thảo

Các tham luận đến từ Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ cũng đã chỉ ra những nỗ lực của từng tờ tạp chí trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương mình. Nhà báo Vương Minh Huệ – TBT Tạp chí Người Hà Nội cho biết Tạp chí Người Hà Nội có nhiều chuyên mục về văn hóa, di sản Hà Nội như: “Thăng Long – Hà Nội”, “Dấu xưa chuyện cũ”, “Tục hay lệ lạ Thăng Long – Hà Nội, “Ký ức Hà Nội”, và trên tạp chí điện tử nguoihanoi.com.vn có thêm các chuyên mục như “Hà Nội xưa và nay”, “Văn hóa di sản”, “Đời sống văn hóa”… đã “khơi dậy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội trong dòng chảy lịch sử, với truyền thống văn hiến, văn minh thanh lịch. Nhà văn Phạm Thị Duyên – TBT tạp chí Văn nghệ Ninh Bình lại cho biết Văn nghệ Ninh Bình đã tích cực trong việc tạo dựng cầu nối giữa văn nghệ sĩ với di sản; đồng thời quảng bá, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm VHNT có chất lượng đến với công chúng. Cũng nhờ vậy, văn học nghệ thuật của vùng đất này đã “thẩm thấu vào các lĩnh vực xã hội của Ninh Bình, đồng thời là động lực nội sinh của sự phát triển văn hóa, kinh tế và công bằng xã hội”…

Nhà báo Vương Minh Huệ – TBT Tạp chí Người Hà Nội trình bày tham luận

Sau phần trình bày tham luận, hội thảo đã được lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận sâu sắc, tâm huyết, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ: Vấn đề mà hội thảo đặt ra càng ngày càng quan trọng vì văn hóa nước ta đang có dấu hiệu đi xuống, bắt theo những trào lưu không mấy hay ho của thế giới; nặng về vật chất, hưởng thụ và nghèo nàn về giá trị tinh thần. Chúng ta đang đứng trong một khúc quanh lịch sử mà việc lo “no cơm ấm áo” là quan trọng và quên đi những giá trị tinh thần. Một bộ phận thế hệ trẻ hiện thờ ơ với văn hóa và di sản; bắt đầu chứng kiến một thế hệ “mù” đi và không đọc được những lớp ngữ nghĩa sâu xa của di sản, chỉ đọc được lớp vật chất bề ngoài. Đây là một sự đứt gãy rất nguy hiểm trong văn hóa. Gần đây chúng ta đã nói nhiều về văn hóa nhưng làm thì chưa. Các tạp chí văn nghệ phải hết sức cố gắng để các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng tham gia vào thúc đẩy văn hóa đất nước đi lên. Phải làm sao để văn hóa đánh thức phần sâu trong con người, từ đó nhận ra lẽ phải của đời sống, tôn trọng những giá trị đã trở thành di sản của dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên UV Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, TBT đầu tiên Tạp chí Sông Hương chia sẻ tại Hội thảo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – nguyên PTBT Tạp chí Sông Hương đã chỉ ra những mối liên kết giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh Bắc miền Trung trong dòng chảy văn hóa, lịch sử. Ông nhấn mạnh niềm tự hào khi Tạp chí Sông Hương là tạp chí đi đầu về văn hóa. Nhà nghiên cứu cũng đề xuất: Chúng ta là tờ báo văn nghệ chứ không phải nghiên cứu văn hóa nên phải làm sao để truyền tải được văn hóa Huế, hồn Huế trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ông cho rằng những gì chúng ta giữ được mới chỉ là cái gốc trong khi xã hội không ngừng vận động, tiến lên nên phải tìm cách để phát huy các giá trị di sản và hy vọng tạp chí Sông Hương thời gian tới sẽ phát triển xứng đáng với sứ mệnh, trọng trách của mình.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – nguyên PTBT Tạp chí Sông Hương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, nhà thơ Lê Vĩnh Thái nhận định: các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo đã cho thấy văn nghệ phải hướng tới cái đẹp, phải hướng tới gìn giữ các giá trị di sản do cha ông để lại. Việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong hội thảo cần nhiều thời gian hơn nên thời gian tới các tạp chí sẽ tiếp tục đăng tải những bài viết, ý kiến đóng góp sâu sắc hơn về nội dung này. Ông cũng hy vọng thời gian tới các tạp chí văn nghệ sẽ đẩy mạnh việc quảng bá các giá trị văn hóa qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo Tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung năm 2024 sẽ được Tạp chí Nhật Lệ đăng cai tổ chức tại tỉnh Quảng Bình.

Tin: Trang Đoan
Ảnh: Hoàng Nguyên