Xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là một xã miền núi vùng biên, có 90% người Thái sinh sống. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây là môi trường tốt cho nhiều thảo dược tự nhiên sinh sống và phát triển. Trên địa bàn xã hiện nay, có đến hơn 30 gia đình theo nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Điều đặc biệt là những người theo nghề bốc thuốc tại đây, từ xa xưa đã có tổ chức với các quy định rất rõ ràng, trong đó, có một phong tục mang tính tâm linh cũng được các thầy thuốc tuân thủ nghiêm ngặt. Đó là tục cúng thần Cây thuốc.

Tục cúng thần Cây thuốc (Phỉ hạc may) là phong tục truyền thống của đồng bào Thái ở xã Hạnh Dịch, đến nay vẫn còn được bảo lưu. Theo quan niệm của người Thái nói chung, người Thái ở xã Hạnh Dịch nói riêng: vạn vật hữu linh, ngoài con người thì cây cối, vạn vật xung quan đều có linh hồn, cũng vì vậy, các thầy bốc thuốc Nam ở xã Hạnh Dịch cho rằng: các cây thuốc Nam tại địa phương tồn tại và phát triển được là do linh hồn – chính là thần Cây thuốc, bảo vệ, che chở. Mọi hoạt động của các thầy thuốc đều được Phỉ hạc may quan sát, theo dõi. Thầy thuốc có chữa được bệnh hay không, thuốc có phát huy tác dụng hay không đều do Phỉ hạc may quyết định. Phỉ hạc may cũng không phải là một vị thần mà theo quan niệm của người Thái ở khu vực này, mỗi vị thuốc là một vị thần cai quản. Theo đó, ở Hạnh Dịch có đến 22 vị thần cây thuốc như thần Nha Tả Đảnh, thần Ta Be (Mắt Dê), thần Chưa Mươi (dây Đười Ươi), thần Chưa Le, thần Chưa Đưa Khả (dây Cửa Gà), v.v…

Người Thái ở Hạnh Dịch quy định, việc thờ cúng thần Cây thuốc được thực hiện trong phạm vi từng gia đình hành nghề bốc thuốc Nam. Thần được thờ trang trọng trên bàn thờ chung với gia tiên của họ. Dù không có ngày cúng riêng nhưng vào các dịp lễ trọng đại của dân tộc (ngày Quốc khánh 2/9), Tết, hay làm vía, mừng nhà mới và các dịp trọng của các gia đình làm nghề, bên cạnh mâm cúng tổ tiên, bắt buộc phải có mâm cúng thần Cây thuốc.

Lễ vật của mâm cúng gồm: gà, bánh chưng, váy, áo, khăn, bạc. Sau khi lễ lạt đã chuẩn bị chu tất, đặt ngay ngắn trên bàn thờ, chủ nhà – cũng là người hành nghề bốc thuốc bắt đầu làm lễ cúng. Nội dung lời cúng đại loại như sau: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tổ tiên gia chủ đã thụ hưởng lễ vật. Đến lượt  để tưởng nhớ công ơn của thần thuốc, gia đình chúng tôi có mâm cơm gồm có gà, bánh, áo váy, tiền bạc, chúng tôi xin tạ ơn 22  vị thần thuốc, mong các vị về hưởng lễ vật và phù hộ cho nghề thuốc của gia đình”. Hành lễ xong, lễ vật được hạ xuống, các thành viên trong gia đình phấn khởi thụ lộc với một niềm tin về sự chở che, phù hộ của Phỉ hạc may cho nghề bốc thuốc của gia đình mình.

Ông Vi Đình Văn, một trong những thầy lang ở Bản Chiếng, xã Hạnh Dịch, vẫn duy trì tục cúng thần cây thuốc

Ngoài ra, mỗi lần vào rừng hái thuốc, gia đình, nhất là người trực tiếp đi lấy thuốc phải làm lễ xin lấy thuốc trước bàn thờ, mong gia tiên và thần Cây thuốc cho phép vào rừng hái được cây thuốc tốt. Khi vào rừng, gặp cây thuốc đầu tiên, người hái phải đi 3 bước chân về phía bóng cây, đọc lời khấn xin, sau đó mới được lấy thuốc về. Thuốc chỉ được hái với số lượng vừa đủ, không hái quá nhiều, không được giữ trữ, để ai cũng được hưởng lộc của rừng và cũng để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Pù Xưa (thần Rừng, thần Núi) ban tặng. Nếu người hái không nghe lời sẽ bị thần quở trách.

Các thầy thuốc còn phải tuân thủ một số quy định sau: trong bất cứ hoàn cảnh nào, thầy thuốc cũng không được để rượu cần nhỏ lên đầu mình; không ăn bát canh đã múc lần hai; phải cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, tránh mạo phạm đến thần Cây thuốc. Quy định thứ ba còn phải áp dụng cho cả những người đến xin thuốc.

Ngày nay, khi đến với người Thái ở Hạnh Dịch vào những ngày lễ, Tết, du khách không khó để bắt gặp hình ảnh thầy thuốc bên mâm cúng Phỉ hạc may. Đây là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo còn lưu giữ được của những người Thái hành nghề bốc thuốc ở Hạnh Dịch. Trong bối cảnh sự giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ giữa người Thái và các tộc người khác trên địa bàn, đặc biệt là người Kinh, không ít nét văn hóa Thái đã bị mai một, hòa tan thì tục cúng thần Cây thuốc tồn tại như một minh chứng cho sự trường tồn, bất khả xâm phạm về bản sắc văn hóa truyền thống của một bộ phận người Thái ở miền Tây xứ Nghệ.

Lâm Thy – Linh Nhâm