24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Kỷ vật ngày cưới của phụ nữ Thái ở Nghĩa Thái

Về với làng Mồn, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, chúng ta sẽ có dịp khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái. Dù rằng người Thái ở Nghĩa Thái không còn mang đậm bản sắc văn hóa như các vùng Thái tập trung ở huyện Quỳ Châu, huyện Quế Phong, nhưng họ cũng giữ được những yếu tố văn hóa quan trọng của mình. Một trong những yếu tố đó là phong tục liên quan đến hôn nhân, nhất là đối với người phụ nữ Thái trong ngày lễ trọng đại này.

Bà Lô Thị Chung chia sẻ những câu chuyện về kỷ vật trong ngày cưới của mình

Để tìm hiểu về một số phong tục tập quán của người dân nơi đây, chúng tôi đã đến nhà ông Lô Văn Minh và bà Lô Thị Chung trò chuyện. Ông Minh hiện tại là thầy mo và là nghệ nhân được người dân trong làng kính trọng. Bà Chung là một nghệ nhân và là người còn lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến cuộc sống gia đình bà. Khi nói về những phong tục trong hôn nhân, bà Chung mang một cái lớp cặp cũ cùng một chiếc màn và chăn cũ chia sẻ: “với người phụ nữ Thái ở làng Mồn và vùng quanh đây thì ngày cưới có thể thiếu rất nhiều thứ, nhưng những thứ này nhất thiết phải có. Đây là của hồi môn mà gia đình cha mẹ đẻ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng”.

Bà rưng rưng chỉ vào những kỷ vật: “Ông nhà tôi sinh năm 1951, còn tôi sinh 1952, chúng tôi cưới nhau năm 1972. Mẹ đan cho một bộ chăn, màn, còn cha đan cho một cái lớp cặp để đựng chăn màn. Gia đình nghèo khó nên của hồi môn cũng chỉ vậy thôi. Cùng với đó là một số gối, đệm mà tôi tự làm để làm quà cho nhà chồng. Những thứ khác có thể cho đi hay để mất nhưng riêng bộ đồ là của hồi môn của cha mẹ thì vợ chồng phải giữ cẩn thận. Vậy nên, sau hơn 50 năm, cái lớp cặp và chăn màn vẫn còn.”

Bà Lô Thị Chung giới thiệu về chiếc màn được mẹ đan cho khi về nhà chồng

Tiếp theo lời vợ, ông Lô Văn Minh cũng cho biết: “Bản sắc văn hóa của người Thái ở Nghĩa Lạc hiện nay đã thay đổi nhiều. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đã bị mai một theo thời gian. Và có lẽ người Thái ở những nơi khác hay các cộng đồng khác cũng vậy thôi. Có những cái mình không giữ nổi thì cũng phải chấp nhận. Còn cái gì có thể giữ được thì cố gắng, nhất là các phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến đời sống gia đình”. Cũng vì suy nghĩ như vậy nên ông luôn cùng vợ gìn giữ từ những bài hát, bài múa đến những bài mo, các nghi lễ trong đời sống gia đình. “Thời gian trước, có người bên Bảo tàng tỉnh lên đây sưu tầm tư liệu đã đến gặp bà nhà tôi, họ muốn sưu tầm lại bộ hiện vật gồm lớp cặp, chăn và màn. Bà ấy cứ phân vân mãi, rồi hỏi ý kiến tôi. Tôi thì bảo nó là kỷ vật của bà nên tùy bà quyết định. Bà ấy bảo sau này sẽ tặng cho bảo tàng cái lớp cặp và cái màn, còn cái chăn phải giữ lại để khi bà qua đời thì liệm theo cho bà. Tôi tôn trọng quyết định của bà vì biết bà rất là quý những kỷ vật bố mẹ để cho”, ông Minh tâm sự.

Trong bộ hiện vật này, lớp cặp được đan bằng tre và mây, khá to và sâu để đựng được chăn, màn và một vài đồ đạc khác. Màn được làm bằng bông hoặc gai dệt thành sợi rồi đan lại, sau đó lấy cây rừng nhuộm phần lớn phía dưới, chỉ để lại phía trên. Màn được nhuộm đen phần dưới giúp tạo thành không gian kín đáo, như một căn phòng nhỏ để sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến không gian chung trong nhà.

Lớp cặp là vật không thể thiếu của phụ nữ người Thái ở Nghĩa Thái khi về nhà chồng (hiện vật của bà Lô Thị Chung và bà Lương Thị Hường)

Cũng giống như gia đình ông Minh bà Chung, vợ chồng ông Lô Văn Toàn và bà Lương Thị Hướng cũng còn giữ được những kỷ vật ngày cưới như vậy. Hai ông bà tổ chức đám cưới năm 1990, khi đó mới ngoài 20 tuổi. Bà Hướng về nhà chồng cũng được bố mẹ tặng một lớp cặp và một bộ chăn màn làm của hồi môn. Chăn và màn do mẹ đan, còn lớp cặp được cha đặt mua của một người thợ trong làng. Chị Hướng còn nhớ: “Khi tôi lấy chồng thì việc đan lớp cặp hay làm chăn, màn vẫn còn khá phổ biến. Trong làng vẫn còn nhiều người biết làm nên cần thì tìm mua vẫn dễ. Mẹ tôi cũng dạy tôi thêu may nhưng sau này ít làm nên quên dần. Vợ chồng tôi sử dụng những đồ này trong hơn hai mươi năm, gần đây mới cất đi, dùng các đồ khác”.

Ngày nay, chuyện cưới của người Thái ở làng Mồn đã có nhiều thay đổi. Trong ngày cưới, những người trẻ tuổi được cha mẹ, anh chị em tặng nhiều đồ có giá trị, nhất là vàng bạc, trang sức. Tuy nhiên, với nhiều gia đình thì việc tặng con gái bộ lớp cặp, chăn và màn để mang về nhà chồng vẫn còn được coi trọng bởi đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái.

Bài và ảnh: Trang Tuệ

VIDEO