Từ một giáo viên Tâm lí – Giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, ông xin nghỉ hưu sớm để sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, phong tục các dân tộc thiểu số. Với ông “viết xen kẽ nghiên cứu là một thú vui kì lạ”. Mặc dù đã xuất bản 4 vạn trang sách với 49 giải thưởng (không kể các khen thưởng là bằng khen, giấy khen), đăng hàng trăm bài báo nhưng ông vẫn sợ “không còn quỹ thời gian để viết hết những gì về bản mường mà mình đam mê”.

  Ông là nhà văn La Quán Miên (Quán Vi Miên), quê ở bản Chiêng Đôn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, miền Tây Nghệ An.

Lời đầu tiên ông bộc bạch: “Năm nay mình 69 tuổi mà việc sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu đang chồng chất bởi tư liệu của đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu… ở Nghệ An đang còn mênh mông lắm”.

Sách – chân trời mới lạ của tuổi thơ

Ở tuổi 69, ông chỉ ấm ức một điều là mắt thường đau nên khá vất vả khi ra phố huyện “lùng sục” sách cũ hoặc vô rừng đi điền dã để bổ sung “không khí” cho trang viết mới. Mắt bị đau bởi trong một chuyến vào  rừng tìm đến một bản xa, ông bị cành cây rừng đập vào sau một cú ngã do bị trượt chân khi  trèo lên dốc núi cao.

Chân dung nhà văn La Quán Miên. Tranh: Tạ Tâm

Hồi 8 tuổi, bắt đầu biết đọc là cậu bé Miên đã biết “tầm” sách. Hồi đó, hiệu sách nhân dân ở dốc Lụi dưới thị trấn huyện Nghĩa Đàn cách xa bản Chiêng Đôn 50 cây số nhưng khi biết có sách thiếu nhi miền núi mới về là mờ sáng cậu bé Miên rủ bạn học đèo nhau bằng xe đạp xuống mua đến tối mịt mới về đến bản. “Sách mở ra trước tâm hồn trẻ thơ nơi góc rừng xa xôi này một chân trời mới lạ mà bản thân mình chưa biết. Tâm trí tôi vẫn còn cảm giác ôm cuốn sách bé nhỏ về bản mà ngực mình cứ thơm thơm mùi giấy mới”- ông nói giọng bồi hồi.

Học cấp 1, cậu bé ở bản Chiêng Đôn đã biết ghi lại vào từng cuốn vở những câu chuyện do già làng kể bởi chuyện nào cũng hay và lạ. Những đêm đi theo người lớn để nghe cho được điệu hát nhuôn, hát xuối, hát lăm rồi đánh cồng, nhảy sạp, thổi khèn. Kể cả đám cưới, đám tang cậu bé Miên vẫn bám theo chân dân bản. Tất cả đều khiến tâm hồn cậu học trò mê đắm, thức đến mờ sáng ngồi chép lại hàng trăm câu hát, cảnh diễn xướng và phong tục bản mường. Những kí ức ấy cứ theo tuổi đời thơ trẻ với sự tò mò “không hiểu những câu chuyện kì lạ ấy có thật hay không”. Năm đang học cấp 2 rồi cấp 3, bao câu chuyện cũ ấy thôi thúc chàng trai lục từng cuốn vở ra để viết lại thành truyện “Hổ báo thù”; “Tình yêu của  hổ”; “Hai người trở về bản”… đậm màu sắc dân gian. Niềm đam mê viết lại những câu chuyện như thế tiếp tục đeo đuổi chàng sinh viên trường Sư phạm miền núi Nghệ An những năm 1969-1972.

Đang say viết thì thiếu hụt vốn sống. Đây lại là bước ngoặt của chàng sinh viên lưu học sinh Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (1982) khi anh đạt điểm ưu kì thi đi du học ở trường đại học Vongagrát – Nga (Liên Xô cũ). Những kì nghỉ hè, nghỉ đông anh đóng cửa phòng ngồi dịch những tác phẩm của nhà văn một số nước viết bằng tiếng Nga (từng đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác kỉ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad ở Nga). Trước khi rời nước Nga trở về làm giáo viên tâm lí giáo dục Trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An, anh đã dịch và đăng 17 tác phẩm từ nguyên bản tiếng Nga. Đây là vốn kiến thức mới giúp anh có thêm kinh nghiệm nghiên cứu vốn cổ và phong tục tập quán các dân tộc thiểu số ở mường Khủn Tinh (mường là địa danh của nhiều xã gộp lại) rộng lớn quê anh.

Nơi nào có “mỏ” là đến

 Sinh ra, lớn lên trong cái nôi phong tục của bản mường nên La Quán Miên hiểu già làng, thầy mo là một “kho” văn hóa cổ sống động. Chính họ là tri thức thứ thiệt của người Thái.

Sau khi về hưu sớm, ông có thời gian rong ruổi khắp các bản làng mà ông biết ở đó có “mỏ” văn hóa dân gian qua những hoạt động và văn bản của người bản địa để sưu tầm, nghiên cứu và viết sách. Những mo hồn, mo vía đã làm nền, cấu thành những sử thi, truyện thơ dân gian nặng kí. Cuốn “Khủn Chưởng – sử thi Thái” dày gần 1000 trang; “Mo hồn” (mo tang lễ), “Mo vía” (mo buộc vía) cũng ngót nghét 1000 trang được ông xem như “nguồn sữa mẹ” nuôi lớn sự nghiệp sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu của mình. Ông quan niệm: “Cuộc sống của bản mường tuy nghèo nhưng cao đẹp nhờ đức tính thật thà và những nét rất riêng của người miền núi. Tôi cảm tình với người bình thường nhưng họ sống rất chân thật. Đó là những nhân vật nhỏ bé nhưng nếu nhà văn có “bộ lọc kí ức” tinh tế và lối viết chân thực, sống động thì cuộc đời của họ sẽ trở thành dấu ấn thú vị trong lòng bạn đọc”.

Một số tác phẩm của nhà văn La Quán Miên.

Vào bản xa, người ta thích tìm rượu uống còn ông rẽ lối đi tìm thầy mo để nghe kể chuyện, tìm kiếm văn bản. Thấy trẻ con hát đồng dao là ông “sấn” vào chơi như thêm một lần sống lại thời trẻ để viết cho trẻ. Cuốn đồng dao Thổ, Thái ra đời xuất phát từ những lần đi điền dã như thế. Ông bảo, viết là để trả ơn bản quê nơi đã sinh ra mình và nuôi dưỡng mình lớn lên nên những câu chuyện về phong tục cưới, phong tục tang lễ, câu đố, đồng dao, sử thi, truyện cổ, như “Vùng đất hoa Cờ Mạ”, “Lai Khủn Chưởng/Truyện Khun Chương”, “Tục ngữ Thái giải nghĩa”, “Mường Bôn huyền thoại”, “Chim Yểng”, “Trời đỏ”, “Đẻ giấu”… cùng với những truyện “Xuống núi”, “Trông mường”, “Đám cưới trên núi”, “Con đường bản Đôn” lần lượt ra đời từ năm 1996. Những vùng bản dân tộc Thổ xa xôi nơi ông từng đến vận động và dạy học con em của họ ở làng Đò, làng Mặm, làng Rục, làng Sợi cũng để lại nhiều kí ức thú vị. Cuốn “Văn hóa dân gian dân tộc Thổ” dày 282 trang do NXB Văn hóa – Thông tin Hà Nội ấn hành năm 2013 là ước nguyện “trả ơn dân bản đã cưu mang mình thời chiến tranh để đi dạy chữ cho con em vùng cao”. “Năm 1996 là thời điểm “bùng nổ” việc xuất bản những tác phẩm này của tôi”- ông nhớ lại.

Ông nói: “Càng già thì càng yêu, càng già thì duyên đời càng nhiều nên sau sáng tác, sưu tầm ông chuyển sang viết nghiên cứu để làm cho chất văn về người miền núi sâu đậm hơn”. Nói đoạn, ông vào căn phòng nhỏ trong ngôi nhà đơn sơ ở bản Châu Định, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) mở máy vi tính, dẫn ra cho tôi xem những trang nghiên cứu về luật tục người Thái Nghệ An, người Thái Tây Bắc để trả lời câu hỏi họ từ đâu đến; từ phía Bắc xuống hay từ Lào sang; thời điểm nào thì họ tiếp xúc với người Kinh; những tín ngưỡng còn sót lại của người Thái. Ông nói như một chiêm nghiệm quý: “Đây là cả một thế giới bí ẩn, đầy sức hút nhưng chưa chắc ai cũng hiểu trọn vẹn”.

Ông mở sang tệp file các tác phẩm đã chuẩn bị “xuất xưởng”, gồm: tập sách “Lễ hội người Thái ở Nghệ An” (200 trang); “Trò chơi dân gian người Thái ở Nghệ An” (200 trang); “Lễ hội buộc vía lớn của người Thái” (500 trang). Ông cho hay, 3 tác phẩm này thuộc Đề án bảo tồn các tác phẩm văn học nghệ thuật DTTSVN thuộc Hội VHNT các DTTSVN đã ký hợp đồng năm 2019 nhưng “vấp” phải đại dịch Covid – 19 nên đang bị chậm lại.

Tôi nhìn những chồng sách đã xuất bản và tủ tư liệu quý giá của nhà văn người dân tộc Thái, hỏi ông: “Sau đợt xuất xưởng này chắc nhà văn không còn miệt mài với chiếc máy vi tính nữa”. Nhà văn cười thật thà như nụ cười bao đời nay của người miền núi: “Khi viết mình không run tay vì đó là sự tái hiện cuộc sống và con người của bản mường quê mình. Viết xong được chồng sách này thì thấy hạnh phúc vô cùng. Còn sắp tới ư? Ngừng sao được. Vốn cổ của đồng bào dân tộc thiểu số riêng ở Nghệ An vẫn còn nhiều, còn mênh mông lắm. Mệnh của mình là người hướng nội. Mình đang hướng vào sự mênh mông giàu có đó”.

 Lao động đáng nể của nhà văn

Đã in 12 tác phẩm văn xuôi: Hai người trở về bản (truyện và ký), Nxb Văn học, 1996. Vùng đất hoa Cờ Mạ (truyện và ký), Nxb Văn học, 1997. Trời đỏ (truyện và ký), Nxb Nghệ An, 1998. Bản nhỏ tuổi thơ (truyện vừa), Nxb. Kim Đồng, 2000. Năm học đã qua (truyện vừa), Nxb Nghệ An, 2003. Xuôi bè (tập truyện vừa), Nxb Nghệ An, 2014. Loạn rừng (tập truyện vừa), Nxb Nghệ An, 2015. Tiếng gọi bản mường (tập truyện vừa), Nxb Nghệ An, 2016. Bên dòng Nặm Huống (truyện dài), Nxb Nghệ An, 2016; Rẻo cao vào thu (tản văn), Nxb Nghệ An, 2018. Mùa quýt rừng (tập truyện), Nxb Nghệ An, 2019. y hồn vía (thơ), Nxb Nghệ An, 2020. Tổng tập La Quán Miên (quyển 1), Nxb Nghệ An, 2020.

Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc: 28 tác phẩm. Viết chung 11 cuốn.

Giải thưởng: 47 giải thưởng của Hội VNDGVN và Hội VHNT các DTTSVN. Nhiều Bằng khen UBND tỉnh Nghệ An; giải thưởng Hồ Xuân Hương của Hội VHNT Nghệ An…

Vũ Toàn

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 9/Chào năm mới 2021)