Ở tộc người nào thì phụ nữ cũng có vai trò quan trọng trong sự kiến tạo văn hóa gia đình và cộng đồng. Sự kiến tạo đó vừa là thiên chức trời ban, vừa là trách nhiệm của con người, và cũng là sự hi sinh. Điều này cũng đúng khi ta ngẫm về người Ơ Đu, một cộng đồng thiểu số ít ỏi và đang đứng trước những nguy cơ mai một về văn hóa.

   Trong khi sự hi sinh của đàn ông cho cộng đồng hay chỉ vì những điều giản dị nào đó thường được nhắc đến nhiều thì sự hi sinh thầm lặng của phụ nữ lại ít được lưu tâm. Đó là điều thiệt thòi của phái nữ nói chung và những người phụ nữ đang sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương – Nghệ An), nơi chúng tôi đã nhiều lần đến khảo sát khi tìm hiểu về tộc người Ơ Đu. Và đầu tháng 3, khi quay lại đây, trong đầu chúng tôi không khỏi những suy tư. Bản Văng Môn và cộng đồng Ơ Đu gần đây được báo chí xướng tên nhiều. Nhưng chẳng vui gì khi sự nổi tiếng đó đến từ những thiếu sót, sai phạm trong đề án phát triển của nhà nước chứ không phải từ những nét đặc sắc về văn hóa cộng đồng. Nói vậy để thấy rằng, người ta thường quan tâm đến bề nổi, cho dù nó tiêu cực. Còn những điều tốt đẹp vẫn ẩn sâu đâu đó trong cuộc sống thường nhật, hay trong những người phụ nữ, vốn là hồn của văn hóa cộng đồng thì không phải ai cũng để ý.

Văng Môn là bản tái định cư của người dân tộc Ơ Đu, và cũng là nơi tập trung dân cư đông nhất của cộng đồng này. Ấy vậy mà, khoảng một nửa dân cư trong bản lại không phải người Ơ Đu, mà là người Thái, Khơ Mú(!?). Đó tưởng như là một điều ngạc nhiên lớn với những ai chưa biết về cộng đồng này. Những người không phải dân tộc Ơ Đu ở Văng Môn thường là phụ nữ về làm dâu. Và dĩ nhiên có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội và kiến tạo văn hóa cộng đồng.

 

Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương thì tính đến cuối năm 2020, dân tộc Ơ Đu có 135 hộ gia đình với 383 nhân khẩu. Trong đó, bản Văng Môn tập trung 99 hộ với 273 nhân khẩu, chiếm 73,3% số hộ và 71,3% nhân khẩu Ơ Đu. Phần còn lại cư trú rải rác ở các xã Xá Lượng, Tam Đình, Thạch Giám, Lượng Minh (Tương Dương), Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Văng Môn là bản tái định cư dành cho cộng đồng Ơ Đu được thành lập từ năm 2006 khi Chính phủ cho phép xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Ban đầu có 73 hộ thuộc 8 bản (Kim Hòa, Bản Com, Xốp Pột, Xốp Cháo, Bản Củng,  Tạ Xiêng, Bản Mã, Cha Coong) ở 4 xã là Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương, Hữu Khuông tái định cư về. Đến năm 2007, có thêm 5 hộ gia đình Ơ Đu di cư tự phát đến đây. Sau đó có nhiều hộ gia đình được tách ra khi con cái trưởng thành. Một điều đặc trưng là cũng như nhiều cộng đồng thiểu số khác, người Ơ Đu cũng tuân thủ quy tắc ngoại tộc hôn. Nhưng trong bối cảnh đặc thù, họ là một cộng đồng có số dân ít, chủ yếu thuộc về một họ là họ Lo nên quan hệ hôn nhân ngoại tộc cũng có nghĩa là họ phải kết hôn với dân tộc khác. Vì hầu hết người Ơ Đu ở đây mang họ Lo, mà anh em cùng một họ là cùng chung một tổ tiên nên không được kết hôn với nhau. Vậy nên người Ơ Đu chủ yếu kết hôn với người Thái và người Khơ Mú. Nó tạo thành một tình trạng phổ biến ở Văng Môn là phụ nữ Ơ Đu trong bản thì đi lấy chồng ở các nơi khác còn làm dâu trong bản Ơ Đu lại là phụ nữ Thái và Khơ Mú. Hiện nay, trong bản có 99 hộ Ơ Đu thì có 52 phụ nữ Khơ Mú và 44 phụ nữ Thái làm dâu. Chỉ có 3 trường hợp đặc biệt là người Ơ Đu lấy nhau mà thôi. Những trường hợp này cũng phải trải qua nhiều khó khăn, bằng tình yêu thương thật sự mới vượt qua được rào cản văn hóa để đến được với nhau.

Một số phụ nữ Thái làm dâu ở bản Ơ Đu ngồi dệt may và trò chuyện.

Những người phụ nữ Thái và Khơ Mú về làm dâu ở bản Ơ Đu có nhiều nét đặc biệt. Họ không chỉ quán xuyến việc gia đình mà còn tham gia nhiều vào việc kiến tạo nên diện mạo văn hóa làng bản. Và cũng chính những người phụ nữ này đóng vai trò văn hóa kép, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống của tộc người mình, vừa tìm hiểu và thực hành một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Ơ Đu bên nhà chồng. Chị Mạc Thị Tím là một trong những cô dâu như thế. Là người Thái lấy chồng người Ơ Đu, chị phải vượt qua nhiều khó khăn mới đảm bảo được hạnh phúc gia đình. Không những vậy, chị còn từng là một trưởng bản được nhiều người biết đến và được báo chí ca ngợi vì có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Ơ Đu: từ việc tìm hiểu để khôi phục một số phong tục tập quán Ơ Đu đến việc tổ chức biểu diễn văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân…

Trong căn nhà nhỏ nơi đại ngàn, nghe chị Tím tâm sự mới biết, để làm được một số việc có giá trị như vậy chị phải phấn đấu rất nhiều. “Về làm dâu nhà chồng, tôi phải học hỏi phong tục tập quán bên chồng. Mà thành viên trong nhà cũng không biết nhiều nên tôi phải đi hỏi những người khác. Phải biết để chăm lo, thu xếp cuộc sống gia đình. Muốn làm một cái lễ cúng vía cho gia đình thì mình cũng phải biết chuẩn bị như thế nào. Vậy nên phải đi hỏi. Rồi khi làm trưởng bản thì phải tìm hiểu nhiều hơn. Phải đi tìm những người lớn tuổi để hỏi, để ghi chép lại, vừa để thực hành trong gia đình, vừa để làm tốt công việc làng bản giao phó. Có những lúc mệt mỏi, cảm thấy uể oải, muốn từ bỏ. Nhưng rồi khi thấy mọi người vui thì chính mình được an ủi phần nào nên lại cố gắng”. Chẳng vì vậy mà nhiều người đến bản Văng Môn làm việc vẫn cứ tưởng chị là người Ơ Đu.

Ở Văng Môn, những cô dâu như chị Tím không ít. Ngay khi bước chân vào đầu bản, chúng tôi đã bắt gặp một số người phụ nữ đang ngồi thêu thổ cẩm trong một quán tạp hóa nhỏ bên đường. Đó là nhà của bà Lo Thị Nga. Nghe qua họ tên cứ tưởng bà là người Ơ Đu. Nhưng thực ra bà là người Thái chính hiệu lấy chồng là người Ơ Đu, sinh sống ở bản Pủng, xã Kim Đa (cũ) chuyển về đây từ năm 2006. Bà là một trong những người làm dệt may lâu năm và được nhiều người ở bản, ở xã biết đến. Hàng ngày bà Nga cùng một số phụ nữ khác tập trung tại nhà dệt vải hoặc thêu thổ cẩm để may trang phục truyền thống. Bà làm cả trang phục truyền thống Ơ Đu lẫn trang phục truyền thống người Thái. “Là con gái Thái thì từ nhỏ đã được mẹ dạy cho thêu thùa. Lớn lên là phải biết tự may trang phục cho mình. Khi về làm dâu Ơ Đu, tôi phải tìm xem trang phục truyền thống của dân tộc bên chồng để học cách làm. Khi chuyển đến Văng Môn, diện tích nương ít, lại không có việc làm khác nên phải tập trung dệt may trang phục truyền thống để tăng thêm thu nhập cho gia đình.”. Đó là lời chia sẻ của bà Lo Thị Nga. Hiện nay, cả bản vừa được Ban Dân tộc tỉnh cấp cho 20 khung cửi để dệt may nhưng mới có 8 khung cửi đi vào hoạt động. Chủ nhân của 8 khung cửi này là người Thái làm dâu ở đây. Hay như việc làm rượu cần để bán cho người trong và ngoài bản cũng vậy. Hai người làm rượu cần ngon nhất bản cũng là con dâu Ơ Đu. Những người phụ nữ mang trên mình những bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu, tham gia biểu diễn văn nghệ trong những dịp lễ tết cũng là những người phụ nữ Thái và Khơ Mú làm dâu Ơ Đu. Họ là một phần quan trọng của văn hóa cộng đồng ở Văng Môn. Một điều đáng trân quý là những người phụ nữ này, dù phải lo việc nhà chồng quanh năm suốt tháng, nhưng không vì vậy mà họ quên lãng văn hóa truyền thống của chính mình. “Mình luôn có một bộ trang phục truyền thống của người Thái và một bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu. Khi về quê ngoại hay tham gia các sinh hoạt truyền thống dân tộc mình thì mặc đồ Thái, còn khi tham gia các sinh hoạt văn hóa trong bản thì mặc đồ Ơ Đu…”. Đó là chia sẻ của bà Vi Thị Hòe, và cũng là tình trạng “văn hóa kép”, phổ biến ở bản Văng Môn.

Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn nói rằng người Ơ Đu đã bị mai một và mất mát hết các yếu tố văn hóa truyền thống. Đến ngôn ngữ cũng đã bị mất đi, hiện nay chỉ còn một hai người biết nói một số từ cơ bản. Thậm chí có người còn cho rằng, người Ơ Đu đã bị đồng hóa, giờ thành người Thái, người Khơ Mú cả rồi. Đó là một nỗi lo của nhiều người. Nhưng xét cho cùng thì bản sắc văn hóa không phải là cái gì đó bất biến, mà nó luôn biến đổi qua giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Văn hóa Ơ Đu, cũng như nhiều nền văn hóa khác luôn luôn biến đổi qua những giai đoạn khác nhau. Một cộng đồng chỉ còn lại chưa đầy bốn trăm người lại phải sinh sống xen kẽ bên cạnh các cộng đồng có dân số lớn hơn thì không thể tránh khỏi những ảnh hưởng về mặt văn hóa. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, thì chưa hẳn đó là quá trình đồng hóa, mà có thể là sự tích hợp, hòa hợp văn hóa. Cộng đồng nào cũng muốn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của mình. Nhưng mong muốn đó cũng phụ thuộc vào những bối cảnh lịch sử cụ thể khác nhau. Điều quan trọng là cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn, ấm no hơn thì có nghĩa rằng những giá trị văn hóa mà họ tiếp nhận là phù hợp với họ. Mà trong quá trình tiếp nhận đó, người phụ nữ luôn giữ vai trò quan trọng. Ở Văng Môn, những người phụ nữ Thái, Khơ Mú về làm dâu đã và đang làm những điều đó. Vậy nên, dù nói thế nào đi nữa thì khi nói về văn hóa Ơ Đu, về bản Văng Môn, không thể không đề cập đến vai trò của họ. Vì họ là những người giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên văn hóa Ơ Đu, kiến tạo sự phát triển ở Văng Môn.

Trang Tuệ

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 11/2021)