Trò chơi nói ngược

Nhiều người viết có được giọng văn thú vị nhờ sử dụng từ láy, từ điệp, từ lặp. Một từ có hai âm tiết trở lên. Nhưng loại từ này có khi dùng không đúng chỗ thì lại thành ra vụng:
Đứa cháu tôi, dạo mới qua tập nói, thỏ thẻ như trẻ lên ba, đang ở độ thấy từ mới là tiếp nhận, và có khi tiếp nhận ngược. Cu cậu có một từ làm cả nhà buồn cười mãi đến tận vài chục năm sau. Mẹ đang bận, đã bảo đừng đến gần, cu cậu cứ rón rén đến. Mẹ đe: Lại mon men đến đấy. Cu cậu lấy được từ mon men. Nhưng vài ngày sau, cậu lại lảng vảng đến gần mẹ, vừa cười cười làm thân, vừa nói, nhưng nói ra thì lại thế này: Mẹ ơi, con men mon đến mẹ.
Men mon. Rõ là một cách nói ngược.
Tôi cứ hình dung, khi ở trường tiểu học, cu cậu và các bạn có lúc sẽ chơi đùa với chữ. Chúng sẽ bày ra trò tìm những từ có thể nói ngược. Bên A sẽ xướng lên một từ, nếu có thể nói ngược thì bên B phải đáp lại bằng từ nói ngược đó. Nếu đấy là từ không thể nói ngược mà bên B cứ liều đáp thì B thua một điểm. Rồi đến lượt bên B xướng lên một từ cho A đáp. Cứ thế.
Nó sẽ tương tự thế này:
A: Bảo đảm. B: Đảm bảo.
A: Trò chuyện. B: Chuyện trò.
A: Yêu thương. B: Thương yêu.
A: Mơ mộng. B: Mộng mơ.
Đấy là những từ có thể đảo ngược vị trí mà ý nghĩa vẫn tương tự. Giống như từ mênh mông sau đây:
Để chiều buồn mông mênh mênh mông
Thôi còn còn gì ước mong?
(Lời bài hát Sang sông, Phan Huỳnh Điểu)
Còn đây là những từ mà nếu đảo ngược vị trí thì bên đáp sẽ bị mất điểm:
Sâu sắc – Sắc sâu.
Lâm ly – Ly lâm.
Kể ra mấy ví dụ như vậy, để dẫn đến việc tôi đã được một trận bất ngờ thế nào khi thấy phụ đề tiếng Việt trong một bộ phim ca nhạc, dựng theo tác phẩm kinh điển của Pháp. Người dịch đã cố ép từ để cho hợp với nốt nhạc, họ tự lý sự rằng lời ca phải chấp nhận ép vào khuôn của giai điệu:
Trước gian nan em không hề núng nao…
Em với anh một lời kết cam…
Trong khoảnh khắc đầy hân hoan, sướng sung…
Có thể có độc giả phải cau mày. Còn tôi thì vừa xem phim ấy vừa cười phá lên, dù trên màn ảnh các nhân vật đang rên rỉ khóc than (than khóc). Sự làm mới từ ngữ của người dịch này đúng là theo kiểu tạo chữ của chú bé kể trên: men mon con đến bên mẹ.

Nhân tiện nói chuyện lời ca ép vào nốt nhạc. Tiếng Việt phức tạp ở chỗ nhiều dấu nhiều thanh, rất nhiều khi làm khó cho nhạc sĩ. Lời ca không chỉ biểu đạt nội dung, không chỉ biểu đạt cảm xúc và tư tưởng, mà lời ca còn phải hợp với thanh với dấu. Không thế thì sẽ thành ngọng như ông Tây nói tiếng Việt. Hãy cùng nhau nhớ lại một số lời ca không khớp dấu, chỉ là nhân chuyện cho vui:
Đoàn Vế Quốc quân một lần ra đi…
Hàng Đào ríu rít Hàng Đương, Hàng Bạc, Hàng Gái (làm gì có Hàng Đương và Hàng Gái nhỉ).
Thôi ngù đi em, mưa ru em ngù, tay em kết nù, nuôi trọn một đời…
Chi tai cai dong sông quê suốt tháng năm cứ rọi núi Hồng… (bốn âm tiết đầu giống như một cô Tây ngòng ngọng tiếng Việt: chỉ tại cái dòng sông quê).
Cũng chỉ cần gợi ra đến thế, người đọc sẽ nhớ lại và nối dài một danh sách những câu ca có thể làm ta cười, có thể làm ta ưu tư, tùy theo.

Ngắn dài

Nói chuyện ngôn từ, chữ “ngắn” và chữ “dài”, tôi thấy ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội có lần đã phát minh ra khái niệm “phim dài”. Lâu nay ta biết trong điện ảnh chỉ có khái niệm phim và phim ngắn, để phân biệt thời lượng dung lượng và tính chất phim. Phim điện ảnh là phim có thể được trình bày ở rạp, thường là trong khuôn khổ một buổi chiếu. Theo định nghĩa tối giản ấy, phim truyền hình không tính là điện ảnh. Cũng vậy, phim ngắn không phải là phim, nào có ai đến rạp để xem một bộ phim ngắn trên dưới mười lăm phút bao giờ, cũng nào có ai phát hành nổi một bộ phim ngắn hoặc một chùm phim ngắn tại rạp. Có lẽ chỉ trừ trường hợp thật đặc biệt. Phim ngắn chỉ là một dạng bài tập của sinh viên điện ảnh hoặc người chập chững vào nghề. Cùng lắm, nó được nâng đỡ theo kiểu ái ngại cảm thông ở các liên hoan phim, hết liên hoan thì chẳng ai đoái hoài đến nữa. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ: đôi khi các nhà sản xuất có thế lực bỏ tiền ra mời những đạo diễn danh tiếng bậc nhất làm một chùm phim ngắn, mỗi người một phim không quá mười phút, rồi tập hợp lại theo một chủ đề, quảng bá cho một thành phố chẳng hạn. Đấy là trường hợp của những phim Paris, ta yêu người hoặc New York, ta yêu người (Paris, I love you 2006; New York, I love you 2008).

Thực ra phim truyện chỉ có một khái niệm là phim. Về sau có thêm khái niệm phim ngắn, để phân biệt như đã nói. Thế rồi mấy nhà tổ chức liên hoan phim ở Việt Nam lại đưa vào khái niệm “phim dài”. “Dài” để phân biệt với ngắn, nhưng “phim dài” chỉ là khẩu ngữ, là cách nói nôm na bên lề với nhau. Đưa cái nôm na ấy lên thành ngôn ngữ chính thức của một sự kiện, chà, chỉ còn biết cười với chữ nghĩa của các nhà điện ảnh.

Ngày xưa, đất nước tiểu nông, nhà nông thấy mấy anh học trò chỉ dùi mài kinh sử chữ nghĩa là vô tích sự. Có nhà nho tự trào: Ai ơi đừng lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Dài lưng, chân ngắn, đấy là đặc điểm chung của người Việt chứ đâu phải chỉ có chú học trò. Nhưng dài lưng ở đây như biểu tượng của một thứ lười biếng, chỉ nằm ườn xác, chẳng động chân động tay vào việc gì.

Có truyền thuyết: một lần Napoléon kiễng chân đưa tay với một cuốn sách ở trên cao. Viên phụ tá cũng đứng bên cạnh giá sách bèn nhanh tay lấy hộ cuốn sách và nói: Tôi cao hơn, để tôi giúp ngài. Napoléon lập tức đáp trả: Không, cậu không cao hơn, cậu chỉ dài hơn mà thôi.

Chuyện cao thấp ngắn dài thường liên quan đến Napoléon, vốn bị đồn đại là thấp lùn. Về sau một hội chứng tâm sinh lý được đặt tên là hội chứng Napoléon. Người thấp bé không phải tất cả đều mắc hội chứng này, nhưng có thể nói là đa số. Đi đứng khuềnh khoàng kềnh càng như muốn chứng tỏ ta đây chiếm nhiều chỗ trong không gian chứ không thấp. Có anh chàng bé tí nhưng toàn đi xe máy khủng phân khối lớn. Nói năng ồn ào, qua lại bước chân giậm thình thịch, khua giày như muốn chứng tỏ ta đây không nhẹ cân. Tính tình hiếu chiến hung hãn thích gây hấn. Đấy là hội chứng Napoléon, hội chứng của những người mặc cảm mình thấp, không chỉ ở người thấp về hình dáng, mà còn thấy ở người mặc cảm mình thấp về trí tuệ.

Có lẽ nhà văn Đức Erich Maria Remarque đã nêu ra một ca mắc hội chứng này khi ông luận: “Mọi thứ tai vạ trên đời thường là do hạng người thân hình loắt choắt gây ra: chúng nó cương quyết và quá quắt hơn những người thân hình cao lớn rất nhiều. Bao giờ tôi cũng cố tránh những trung đội có những tay chỉ huy tầm vóc bé nhỏ: những tay ấy thường là bọn độc ác đáng nguyền rủa” (tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ).
Ta đang nói chuyện ngôn ngữ ngắn dài, cứ coi đây là chuyện đùa bên lề, cho vui.

Hồ Anh Thái