Có vài đại từ nhân xưng không hẳn đã chính thống, nhưng dùng khá rộng rãi trong đời sống, hình như là từ ngoại đã được Việt hóa.
Chẳng hạn, nghe nói từ gã, chỉ một anh chàng, một người đàn ông, một thằng cha nào đó, có nguồn gốc từ tiếng Pháp: gars.
Chẳng hạn từ y, cũng chỉ một anh chàng, một người đàn ông, một thằng cha nào đó, đâu như có nguồn gốc từ tiếng Anh: he. Tiếng Anh phát âm là hi, nhưng dân ta thời trước có xu hướng phát âm từ này theo kiểu tiếng Pháp, chữ h câm, tức là không đọc chữ h. Rốt cuộc nó được đọc là y.
Chẳng hạn chữ thị, chỉ một cô nàng, một người phụ nữ, một con mụ nào đó, cũng có nguồn gốc từ tiếng Anh: she. Phát âm chính xác phải là si, nhưng đã được đọc chệch thành ra thị.
Vậy trong khi còn đợi luận bàn, ta cứ tạm coi gốc của từ như sau:
Gã = gars
Y = he
Thị = she
Riêng chữ thị, trên thực tế nó đã có trong một câu thơ gán cho Hồ Xuân Hương, khi nói về quan thị, không còn cái cơ quan giới tính nam mà vẫn thèm ước: Thị thấy lạ thị đứng thị xem / Thị cũng thấy thèm thị không có… ấy. Chữ thị được cho là một từ Hán – Việt, gốc từ chữ nữ. Còn chữ gã, có người bảo nó có từ trước khi người Pháp đến, từ trong thơ của Nguyễn Du. Truy nguyên nữa, có thể thấy gốc từ còn rất phong phú.
Thế rồi trong ngôn ngữ của ngành hình sự, mấy chục năm qua xuất hiện một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít chỉ phụ nữ: y thị. Nó chỉ một cô, một nàng, một mụ, phần nhiều là đối tượng xấu hoặc bị tình nghi. Rõ ràng là giới tính nữ, vậy mà lại ghép cả y lẫn thị. Đã y rồi còn thị. Tất nhiên chữ thị ở đây có thể mang ý nghĩa khác, nhưng khi dùng hai âm tiết này cứ thấy vương vướng. Tôi có lần nhắc đến cái đại từ nhân xưng ghép này trong truyện ngắn Cây hoàng lan hóa thành cây si (2002):
“Ông kể hơn ba chục năm nhà ông đã trải qua mấy lần bị kiểm tra hành chính. Tư thương buôn bán vàng bạc. Có lần vừa mới bê mâm cơm lên thì công an đến, ông nhanh trí trút hết được chỗ vàng bạc vào nồi canh. Cơm xới cho mỗi người một bát rồi vùi đồ trang sức xuống đáy nồi. Người ta sục sạo khắp nơi, đào cả vườn lên mà không tìm được gì. Lần khác ông ném được mấy túi tài sản xuống cái hồ gần đó. Lần nữa, vợ ông mang đồ đi tẩu tán. Ngày ấy Hà Nội chưa có xe máy, bà đã sở hữu một cái xe tay ga 103 của Pháp. Nữ anh hùng xa lộ phóng xe vèo vèo qua cầu Long Biên. Báo đăng hẳn hoi chuyện phá án: thấy thị ích xì i dét chạy xe ra khỏi nhà, trinh sát ta bí mật bám theo. Y thị (đại từ nhân xưng lưỡng tính báo công an ưa dùng) đi ngoắt ngoéo cố tình cắt đuôi, nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn. Sang đến bên kia cầu, y thị rẽ vào ba nhà quen biết, nhà biếu cân cam, nhà gói bánh, gói mứt tết. Tất cả đều chỉ là động tác giả. Tại điểm cuối cùng y thị bị bắt với đầy đủ tang vật trị giá hàng trăm cây vàng…”
Bây giờ truy ngược nguồn gốc tiếng Anh của cái đại từ ghép này (biết đâu gốc của nó là tiếng Anh), ta sẽ được một đoạn văn như sau:
“Thấy thị ích xì i dét chạy xe ra khỏi nhà, trinh sát ta bí mật bám theo. He she (đại từ nhân xưng lưỡng tính báo công an ưa dùng) đi ngoắt ngoéo cố tình cắt đuôi, nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn. Sang đến bên kia cầu, he she rẽ vào ba nhà quen biết, nhà biếu cân cam, nhà gói bánh, gói mứt tết. Tất cả đều chỉ là động tác giả. Tại điểm cuối cùng he she bị bắt với đầy đủ tang vật trị giá hàng trăm cây vàng…”
Ai bị bắt nhỉ? He hay she?

Hồ Anh Thái

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30 bản in, tháng 1+2/2023)