Văn chương rất nhiều khi không nhất thiết phải chi li chiết tự, chẻ sợi tóc làm tư, căn vặn thật chính xác như khoa học tự nhiên. Nhưng ở nhiều trường hợp, nếu hiểu chính xác đến mỗi chữ thì cũng tránh được những ngôn từ có thể khiến người tỉnh táo bật cười.
Ta đọc những câu như thế này: Chỉ có hai người một mình với nhau (tiểu thuyết Xứ cát, Trần Tiễn Cao Đăng dịch). Nó cũng tương tự câu: chỉ có hai người duy nhất với nhau. Duy nhất là chỉ có một. Một mình cũng chỉ có một. Viết như thế, một thói quen, kèm vào đấy cụm từ một mình hoặc duy nhất, hàm ý ngoài hai người ra thì chẳng còn ai nữa. Hiểu ý của dịch giả thôi, nhưng vẫn khó tránh cho được một tiếng cười.
Không phải chỉ trong tiếng ta. Một nhà ngôn ngữ học người Mỹ cũng từng nêu ví dụ cùng loại trong tiếng Mỹ. Chẳng hạn ở câu đồng dao mà trẻ con Mỹ hay hát: Lady Bug, Lady Bug, go home! Your house is on fire and your children are alone. Tính từ alone là đơn độc, cô độc, một mình. Nhưng your children lại có nghĩa là lũ con của bà, là số nhiều. Cả một lũ, mà lại đơn độc, mà lại một mình. Tôi thử chuyển câu đồng dao này sang tiếng Việt: Cô Bọ ơi cô Bọ, cô hãy về nhà ngay, nhà cô đang bị cháy, lũ con cô đơn thay. Tôi muốn thay chữ cô đơn bằng chữ bơ vơ: lũ con bơ vơ thay.

Ảnh minh họa, nguồn: igeenglish

    Ngôn ngữ khác với toán học, nhưng cũng rất nhiều khi nếu ngôn ngữ không chính xác thì sẽ ra một đáp số cọc cạch, sai lệch, không hiệu quả. Ta hãy đọc một câu như thế này: Vồ lấy 20.000 yên bằng cánh tay phải mất ngón út (tiểu thuyết 69, Hoàng Long dịch, trang 214). Bàn tay phải thì chính xác hơn chứ nhỉ. Cánh tay thì dài quá, khoảng cách đến với chỗ ngón út bị mất là cả một khoảng thiếu chính xác dài dằng dặc.
Bản tin thời sự hay có câu đại loại: bạo động làm 42 người chết và hơn 500 người khác bị thương. Số người bị chết không bao giờ được tính là người bị thương. Cho nên người bị thương chắc chắn là người khác, viết “người khác bị thương” là thừa. Người ta cũng từng phê phán cách viết tương tự trong bản tin ở Anh – Mỹ: 42 persons were killed and 500 others wounded. Thừa chữ others (khác).
Sự thiếu chính xác còn ở động từ đổ trong câu sau: mưa phùn cứ đổ xuống từng chặp (Kẻ trộm sách, Cao Xuân Việt Khương dịch, tr. 223). Người dịch ơi, mưa phùn không đổ như mưa rào đâu. Nó như bụi, nó lay phay, nó lây rây, nó lướt thướt. Nó rải như bụi, nó rắc nhẹ, nó bay như phấn hoa. Nó cũng không thể tuôn rơi hoặc đổ xuống từng chặp, vì nó như có như không và dai dẳng. Người dịch nghĩ ngợi thêm một tí là sẽ tìm được động từ chính xác cho nó thôi.
Cũng là độ chính xác, lần này lại ở một tính từ: mặt mũi tôi hơi đỏ gay chút xíu (Kẻ ích kỷ lãng mạn, Phùng Hồng Minh dịch, tr. 36). Đỏ gay là đỏ lắm rồi, đỏ rần lên, đỏ rực lên, đỏ gay gắt. Thế thì chẳng phải là hơi đỏ. Hơi đỏ và đỏ gay là hai sắc độ khác hẳn nhau. Sau chữ đỏ gay lại còn chữ chút xíu. Ta dám tin rằng bộ mặt lúc này mới hơi đỏ thôi, chứ chưa đến mức đỏ gay. Còn nguyên bản mà viết là cực kỳ đỏ, rất đỏ, thì mới có thể dịch thành đỏ gay được.
Nhân tiện, cũng nên nói, lâu nay nhiều ông Tây An Nam đã bê nguyên con số trong văn Anh – Mỹ để áp vào chính tả tiếng Việt. Thử nêu ví dụ này: khoản tiền còn thiếu là 200,000 đô la. Viết thế này, người Việt sẽ hiểu là chỉ có 200 đô la. Dấu phẩy trong tiếng Anh khi chuyển sang tiếng Việt phải chuyển thành dấu chấm, phải là 200.000 đô la thì mới đúng là hai trăm nghìn hoặc hai mươi vạn đô la. Tôi thấy cách đặt dấu sai này xuất phát từ nhiều bảng biểu kế toán của các cơ quan. Đành phải tự bảo rồi một lúc nào đó, từ điển tiếng Việt cũng phải chấp nhận nó. Cũng coi thay đổi chính tả như thay đổi một thói quen mà thôi.
Cũng là chuyện con số, nhưng là cách viết liên quan đến năm tháng. Lấy một ví dụ: quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa năm chín lăm. Có người còn viết là năm 95. Đọc thì hiểu là năm 1995, vì cái năm ấy chưa xa lắm. Cũng như câu: sau năm bảy lăm, đất nước thống nhất, thì hầu như đều hiểu đó là năm 1975. Tuy vậy, sang đầu những năm 2000 rồi, nói 95 đây thì phía trước là năm 2095, còn xa, nhưng nhân loại đã đi qua nhiều năm 95, chẳng hạn 1895, 1795, hoặc chính là năm 95 Công nguyên. Không nên viết tắt là năm 95, nếu viết tắt thì nên thêm cái dấu chứng tỏ mình viết tắt: ’95. Nhưng nhìn chung là nên viết đầy đủ: 1995.
Thêm nữa, tôi muốn tham khảo tiếng Anh về cách dùng số nhiều để xác định thập kỷ, và vẫn viết: những năm 1990. Người phản biện sẽ bảo, chỉ có một năm 1990 thôi. Đúng vậy, nhưng những năm 1990 là hàm ý một thập kỷ bao gồm năm 1990 đến 1999, là số nhiều, là “những năm”. Tiếng Anh viết: 1990s, chữ s đằng sau hàm ý số nhiều, đúng nghĩa là những năm 1990. Chỗ này thì nên tham khảo tiếng nước ngoài. Còn nói là những năm chín mươi thì không chính xác, không rõ nó thuộc về thế kỷ nào. Nếu không viết thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thì viết những năm 1990 cũng là được.
Cũng là một cách dùng quen mà không chính xác: năm 30 sau Công nguyên. Ta đang sống trong Công nguyên mà, kỷ nguyên ấy đã hết đâu mà gọi là sau Công nguyên. Tôi thì vẫn viết là năm 30 Công nguyên, để phân biệt với năm 30 trước Công nguyên.
Người ta còn quen dùng một cụm từ theo kiểu: lễ kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước. Đã năm lại còn ngày. Vẫn hiểu ý tứ chỗ này: kỷ niệm 44 năm vào đúng ngày thống nhất. Tôi từ chối lối hành văn này, mà viết: lễ kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước, sau đó ghi chính xác cái ngày. Đủ. Và chính xác.
Nói tiếp về sự thiếu chính xác. Ta còn gặp những thành ngữ ví von: tình trạng học sinh ngồi trong lớp mà bụng đói meo xảy ra như cơm bữa. Trời ơi đang nói chuyện học sinh nghèo bị đói thường xuyên mà lại dùng thành ngữ như cơm bữa. Như cơm bữa là cứ đến bữa sẽ được ăn, ngày đủ mấy bữa, thường xuyên, đúng giờ. No quá rồi còn gì, nào có thiếu đói gì đâu.

Sách “Hãy chăm sóc mẹ” (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch), ảnh: Elead

Rồi trong cuốn Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch), ta nhặt được thêm một câu: vừa tháo cái khăn đang đội trên đầu ra phủi bụi bám trên quần áo, tôi vừa nhìn ông cùng chiếc xe đạp đang dần mất hút…Gánh nặng trên đầu đã biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường (tr. 258).
Tôi nhớ thời sinh viên, một cô bạn mới bước chân về nông thôn có vài lần, còn ở thành phố cô chỉ vài lần thấy con bò kéo xe. Một hôm, đang đi trên đường phố Hà Nội, cô bất ngờ thấy một con bò không kéo xe. Thốt lên: Ô, bò đi bộ. Cả đám bạn bè được một trận cười. Cô mới chỉ thấy bò kéo xe, tức là bò đi xe, bây giờ lần đầu tiên cô thấy bò không đi xe. Nó đi bộ.
Kể lại chuyện cũ để thấy rằng người dịch có thể cũng giống cô bạn kia, có thể chưa bao giờ thấy người ta gồng gánh trên vai. Một chiếc đòn gánh đặt trên vai, hai đầu đòn gánh móc vào hai cái dây quang, dây quang mang mỗi bên một cái thúng hoặc rổ hoặc bồ, thậm chí là hai cái sọt. Gánh nước thì hai đầu đòn gánh là hai thùng nước. Tóm lại, gánh là gánh bằng vai. Nặng hay nhẹ thì cũng cũng gánh trên vai. Chẳng ai đặt đòn gánh lên đầu mà gánh cả.
Thêm câu này nữa để cười cho vui, nếu như có thể cười được: Con chó vẫy đuôi khi được anh vuốt ve trên người nó.
Đùa một tí thôi nhé, không hề có ý nặng lời: chó mà lại là người được hay sao? Lại vẫn là viết quen tay. Trên mình nó chứ nhỉ. Trên thân nó chứ nhỉ. Hay là người viết còn hàm ý nào khác?

Hồ Anh Thái
(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)