Ấn tượng đầu tiên của người đọc tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là cuốn sách được viết bởi một người dành tình yêu sâu sắc cho Hà Nội, hiểu Hà Nội như hiểu chính trái tim mình. Có thể nói, đây là cuốn tiểu thuyết có chiều sâu văn hóa, không phải là chất văn hóa hàn lâm được khái quát bằng các lý thuyết văn hóa học, mà là văn hóa từ sự trải nghiệm của một con người trong chính cái sinh quyển ấy.

Chân dung nhà văn Hồ Anh Thái và tác phẩm.

Phảng phất trong trang sách là những khái quát về văn hóa, vùng đất và con người Hà thành mà nếu vội vàng, người đọc sẽ không thể nhận ra. Nếu đọc thật chậm cuốn tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, ta sẽ phát hiện ra những vẻ đẹp văn hóa của một Hà Nội bình dị và nên thơ trong mỗi tháng ngày, mỗi không gian tưởng như dễ chìm vào quên lãng. Điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn trong tiểu thuyết khởi đi từ cuộc sống thường nhật, ở đó, có những không gian rất đỗi thân quen, bình dị, tưởng như có thể lướt qua, nhưng đó lại là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa.

Không gian quán bia hơi vỉa hè là trường hợp điển hình. Đó không chỉ là nơi con người dừng chân để giải khát. Ngược lại, tác giả đã chỉ ra rằng, quán bia hơi trên vỉa hè Hà Nội là nơi giúp mỗi người lao động dịu xoa “những cơn nhức mỏi” và cả đắng cay của cuộc mưu sinh, là nơi mỗi người tìm đến để được tham gia vào không gian của tiếng cười giải thiêng, tái sinh đời sống. Đây là chuyện uống bia rồi… đi tiểu vào gốc cây sấu ở vườn hoa Cổ Tân: “Từ sáng đến tối xèèèèè. Quanh năm xèèèèè… Cánh bia bọt còn truyền nhau rằng, nghe đâu quả của cây sấu ấy cũng có vị bia, ăn mấy quả là say”. Thậm chí, ngay trong những phút giây kinh hoảng bởi B-52 kẻ thù, người ta cũng gợi nhắc đến không gian quán bia như để khơi lên niềm lạc quan, tiếp thêm động lực vượt qua nghịch cảnh: “- Chú có uống bia hơi không. – Lúc này nói chuyện bia bọt gì… – Ừ thì bia. Chiều mai năm giờ nhé”. Và, giữa chiến tranh, giữa thương đau, người ta đến quán bia vỉa hè như để được sống lại với ký ức hòa bình tươi đẹp, để mong ngóng một ngày mai yên bình, sạch bóng loài xâm lăng. Như vậy, không gian quán bia hơi vỉa hè tưởng như bình dị, mộc mạc, dễ dàng khuất lấp trong những cơn biến động của lịch sử, của thời đại, lại chính là không gian mà ở đó dung chứa những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc sống đời thường của người Hà Nội.

Một điều rất đặc biệt trong không gian nghệ thuật của tác phẩm là tiểu thuyết đã hé mở cho người đọc thấy một Hà Nội với những góc khuất mà trước đây hiếm thấy tác phẩm nào phản ảnh một cách đủ đầy, chân xác như thế. Góc khuất đầu tiên được hé mở đầy chi tiết và ấn tượng là góc không gian nhạc vàng. Dọc theo hành trình nghe hát của Phan, người đọc phát hiện ra rằng, Hà Nội cũng có một không gian của những bản nhạc vàng với những con người “ôm đàn ghi ta rền rĩ nỉ non một bài ca lạ”. Tác phẩm đã trưng ra trước mắt ta những cái nhìn có chiều sâu văn hóa. Đầu tiên, khẳng định đi chiến đấu mà nghe thứ nhạc ảo não, ủy mị, khiến cho cái sự chán chường cứ theo ta mãi ấy “chắc sẽ thua trận mà thôi” không phải là nhận định mới. Cái độc đáo của nhà văn là ở ý tưởng cho rằng những giai điệu da diết, sướt mướt ấy là hoài niệm về một quá khứ thanh bình của quê hương, và “thời thanh bình ấy có khi ở thì tương lai chứ không hẳn chỉ là thì quá khứ”. Và, phải chăng đó cũng là một dạng thức tâm lý của những con người khao khát hòa bình cho quê hương, xứ sở.

Hà Nội trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái còn dành chỗ cho những anh “bê quay” vì không vượt qua được nỗi hoảng sợ nơi chiến trường mà “quay đầu ra Bắc”. Họ bị “chộp như chộp gà”, bị “cạo trọc đầu, cải tạo lao động, thậm chí bị đưa trở lại chiến trường” hoặc “sung vào các đơn vị pháo phòng không”. Trong tác phẩm, nhà văn đã thể hiện một cái nhìn nghệ thuật về con người rất thực và đậm tính nhân văn khi thấu hiểu những yếu đuối ở người đào ngũ: “Phỉ nhổ bọn B quay, nói thì dễ, nhưng cứ thử ngồi giữa bãi bom B-52 ấy mà xem”… Nhà văn cũng lột tả chân xác nỗi đau mà những chàng “bê quay” phải chịu đựng bởi sự yếu mềm của mình: “Sau này các chú đánh cũng hăng, cách đánh cũng sáng tạo”, nhưng “họ tự cảm thấy rằng mình không còn được coi là bộ đội nữa” bởi đã một lần rời bỏ hàng ngũ, đào thoát khỏi chiến trường. Thấu hiểu tâm lý bên rìa lịch sử của thiểu số những người rời bỏ hàng ngũ, nhìn thấy những nỗi đau từ sự day dứt trước trách nhiệm công dân của họ sẽ phần nào giúp người đọc hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh cùng quá khứ oai hùng anh dũng của Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù.

Không gian văn hóa Hà Nội qua những trang sách của Hồ Anh Thái còn là không gian mở, không gian của sự giao lưu và tiếp biến các giá trị, dẫu cho thủ đô đang ở trong cao điểm cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Hà Nội có không khí rộn ràng của những đêm Giáng sinh tại nhà thờ lớn với “đèn đuốc trang hoàng lộng lẫy, tranh tường tranh kính sặc sỡ”, có sự hiện diện của những nhà ngoại giao Bắc Âu trong một lễ thành hôn trang trọng của giáo dân Hà Nội. Hà Nội cũng là không gian chứng kiến cái ôm nồng nhiệt của một sĩ quan tên lửa Liên Xô và người đánh xe bò Việt Nam; Hà Nội cũng là nơi Nhân dân cả nước hội tụ, mang theo những đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền để dung hợp, giao thoa.

Nhưng, vượt lên tất cả, ấn tượng mạnh mẽ nhất từ tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là một Hà Nội đau thương, Hà Nội anh hùng. Hà Nội đau thương hiện lên qua những hồ sơ, con số biết nói: “Nhập ngũ tháng Hai, hy sinh tháng Tư, mới có gần hai tháng… Đăng ký kết hôn ở ủy ban nhân dân xã tháng Giêng, chắc là vào dịp Tết, tháng Hai đã lên đường… Hơn một năm sau đã hy sinh… Giấy báo tử gửi về địa chỉ vợ. Như vậy là cha mẹ anh không còn… Mỗi ngày hàng chục cái giấy báo tử, mỗi cái giấy báo tử đều gợi lên những băn khoăn, day dứt, phân vân”.

Qua ngòi bút của Hồ Anh Thái, Hà Nội còn sáng rực với vẻ đẹp, phẩm chất anh hùng, của lòng dũng cảm và tinh thần quật khởi. Đó là quyết tâm của chàng phi công sẵn sàng xông vào hỏa lực của máy bay địch để đánh đuổi chúng ra khỏi bầu trời Hà Nội, là hàng nghìn cô sinh viên mặc quần lụa xa-tanh sẵn sàng đào đất xắn bùn xây dựng thành phố, là những chàng công tử lột xác khi vào quân ngũ, đeo vài chục cân đá trong ba lô và chạy vài mươi cây số…

Ở tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, Hồ Anh Thái vẫn thể hiện khá toàn diện những điểm mạnh trong bút pháp của mình, như liên văn bản, nghịch dị, sử dụng có chừng mực yếu tố kỳ ảo để gia tăng cảm giác và sức hấp dẫn cho tiểu thuyết, sự kết hợp nhuần nhuyễn cái hài và cái bi… Nhưng, có một điểm khá khác biệt trong tác phẩm lần này là chất thơ trong tiểu thuyết. Giọng văn của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu man mác một chất thơ và có sức lay động sâu xa đến cõi lòng người tiếp nhận. Những dòng văn đậm chất thơ và giàu cảm giác như: “vỉa hè dưới chân. Chỉ có vài cái lá sấu rụng, lá xanh chứ không vàng. Bây giờ là đầu mùa đông”, hay: “mưa phùn lây rây như bụi trắng bám trên tóc, trên áo. Như một lớp tuyết nhung. Hàng cây hoa sữa bên phố Ấu Triệu trầm mặc trong ánh đèn đùng đục mưa lay phay. Hoa sữa nở cuối thu cơ. Bây giờ đã là mùa đông. Mùi hương ấy đã tan đi từ lâu rồi”… thật sự tỏa lan vào lòng người đọc những tình cảm sâu sắc và sự rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp của một Hà Nội được tác giả dụng công tái hiện.

Tác phẩm cũng đặc biệt thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng. Trong đó, hai hình tượng trở thành bộ đôi đối ngẫu, vừa tương phản nhưng vừa bổ sung cho nhau, đó là bộ đôi tầng hầm – đài quan sát. Nếu tầng hầm, nơi lưu trữ hồ sơ những liệt sĩ, nơi có tiếng nói thầm thì của những người lính đã hy sinh tượng trưng cho ký ức, quá khứ của dân tộc thì đài quan sát trên trời cao là khát vọng, là niềm tin cao đẹp về tương lai đất nước, là ước vọng đánh tan quân thù. Khi ở dưới tầng hầm, Phan thấy thổn thức, xót xa thì khi lên đài cao anh thấy thanh thản, thấy đất nước mình nên thơ, tươi đẹp, Phan nhận ra khi nhìn xuống thành phố: “Nhìn từ trên cao, người ta chỉ nhìn thấy sự sống chứ không phải là những vết thương”. Vậy có nghĩa là, người ta phải hướng lên trên cao, hướng về sự sống, hướng đến tương lai, nhưng không bao giờ được quên đi mối liên hệ với ký ức dân tộc. Trên con đường đến với tương lai, những vết thương phải được chữa lành, những mầm sống phải được ươm xanh, nhưng không được cắt đứt sợi dây kết nối tương lai và quá khứ, hoài vọng về tương lai và ký ức của dân tộc.

Lối hành văn đậm chất thơ cùng chiều sâu văn hóa, Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu của Hồ Anh Thái là cuốn sách mà chúng ta không thể đọc nhanh nếu muốn bổ sung cho mình những trải nghiệm về văn hóa và lịch sử dân tộc.

Phan Trần Thanh Tú