Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024, chiều ngày 7/3, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp với các nghệ nhân làng Thanh Tài (xã Đồng Văn, Thanh Chương) tổ chức cho học sinh trường THCS Quán Bàu (TP.Vinh) tham gia chương trình trải nghiệm “Giữ hồn nón lá quê hương”.

Các nghệ nhân, giáo viên và học sinh Trường THCS Quán Bàu (thành phố Vinh) tham gia chương trình trải nghiệm “Giữ hồn nón lá quê hương”

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân làm nón làng Thanh Tài, các em học sinh  đã được trải nghiệm các khâu trong quy trình hoàn thiện một chiếc nón như: vê bóc lá dừa, là thẳng lá, chằm nón, quét dầu lên nón, xâu quai nón…

Nghệ nhân hướng dẫn học sinh thực hiện công đoạn vê bóc lá dừa

Sau khi sản phẩm được hoàn thành, những chiếc nón càng thêm đẹp bởi đã được các họa sỹ nhí đến từ xưởng vẽ nghệ thuật TA tô điểm lên đó những bông hoa sen, hoa cúc, hay phong cảnh của quê hương.

Học sinh say sưa cùng nghệ nhân khâu nón

Thật thú vị, khi tham gia trải nghiệm, các em học sinh có thể chọn cho mình một chiếc nón lá thật đẹp để dành tặng cho mẹ, chị, em, cô giáo và những người bạn gái mà mình yêu thương trong dịp lễ này.

Những chiếc nón lá được “thổi hồn” bằng những hình ảnh sinh động của các loài hoa

“Giữ hồn nón lá quê hương” là chương trình trải nghiệm hấp dẫn và ý nghĩa được Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức từ 03 tháng 3 đến 08 tháng 3 năm 2024 cho các em học sịnh THCS trên địa bàn thành phố Vinh tham gia trải nghiêm. Hoạt động văn hóa này sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn về làng nghề truyền thống; nhắc nhở các em biết trân trọng, yêu quý những sản phẩm văn hóa quê hương và bồi dưỡng trong các em tình yêu quê hương, đất nước.

Theo chia sẻ của nghệ nhân làm nón Hoàng Thị Dung: nghề làm nón lá làng Thanh Tài đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Tuy chỉ là một nghề phụ của bà con lúc nông nhàn nhưng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống cho người dân nơi đây. Để làm được một chiếc nón, người làm phải thực hiện rất nhiều công đoạn tỉ mỉ: vê – là -nén lá cho phẳng; làm vành xong quay nón, may nón; dỡ nón ra khỏi khuôn thì cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón được lợp 3  lớp lá (gồm 2 lớp lá dừa, ở giữa lót thêm 1 lớp lá măng cho nón thêm dày và cứng). Mặt trong của nón được luồn những sợi chỉ màu để buộc làm quai. Để chiếc nón bền, có màu trắng đẹp, không thấm nước người ta sẽ quết một lớp dầu lên mặt ngoài của nón.
Hiện nay do sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng trong xã hội hiện đại khiến việc tiêu thụ những chiếc nón dần trở nên khó khăn. Đáng nói, thế hệ trẻ hầu như không còn hào hứng với việc sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống, trong đó có nón lá. Vậy nên, mong rằng qua hoạt động này sẽ  khơi dậy niềm yêu thích của các bạn trẻ với nghề thủ công truyền thống; đồng thời góp phần quảng bá, phát triển  làng nghề làm nón Thanh Tài.

Kiều Nga