Lão đứng trên bục nhìn xuống, cả trời sao mắt phía dưới đang rọi lên những tia sáng đầy háo hức. Lão chưa kịp nói gì thì “reng…reng…reng…” chuông báo hết thời gian phát biểu. Giật mình. Hóa ra là âm thanh báo thức phát ra từ chiếc điện thoại. Giấc mơ bị cắt. Vẫn nhắm nghiền mắt, quờ tay chếch bên trái, lão cầm điện thoại lên, hé mắt nhìn màn hình, nhấp vào ô sáng có chữ “dừng” rồi buông tay cho nó rơi phịch xuống giường. Xoay người vào trong, lão cố chắp nối giấc mơ dang dở.

– A lô, a lô! Xin mời bà con nghe thông báo! Thông báo của ban cán sự xóm à Cồn…

Tiếng loa cheo chéo nghe đến váng cả óc. Lão trùm chăn lại, lấy hai tay bưng tai, người co như con tôm rang dở. Vậy mà tiếng cheo chéo, the thé chua loét kia vẫn tấn công liên tục vào màng nhĩ. Thì ra là ban cán sự xóm đang thông báo về việc tổ chức ngày hội đoàn kết toàn dân tộc. Trời ơi! Chẳng thà cứ đọc cho nó trôi chảy, ngắt nghỉ cho nó đúng chấm phẩy thì cái the thé, chua loét kia còn chấp nhận được phần nào. Đằng này đang đọc lại đệm “à” vào, người nghe có cảm giác như đang đi mà vấp phải cục đá! “Theo bàn bạc thống nhất trong các tổ tự quản, chúng ta đã quy à định, đến ngày lễ là phải vệ sinh đường làng ngõ à xóm…” “Qua các tổ báo cáo, chúng tôi đã nắm bắt được tình à hình là bà con trong xóm Cồn ai cũng thống nhất tổ chức ăn mặn nhân ngày hội đoàn à kết…”

Trước đây, nếu dự một hội nghị, gặp kiểu đọc diễn văn hay bản tổng kết mà ê a ngắc ngứ thì đến phần phát biểu chỉ đạo, lão sẽ chấn chỉnh, nhắc nhở đến nơi đến chốn. Rằng làm lãnh đạo thì phải có cái uy, “nói dân nghe, đe dân sợ”. Muốn nói dân nghe thì phải nói cho hay. Các đồng chí phải luyện, phải rèn, phải tự điều chỉnh, tự học hỏi cách để nói. Nói hay mới lọt tai dân. Lọt tai dân thì dân mới ủng hộ. Dân ủng hộ thì việc mới thành. Việc thành thì mới thể hiện năng lực cán bộ lãnh đạo… Mỗi lời lão nói ra, cán bộ dưới quyền cứ là gật lia gật lịa như thể được thưởng thức một món ăn khoái khẩu vậy. Lão thở dài nghĩ đến tình cảnh con tôm co quắp của mình hôm nay.

Thông báo đã đọc sang lần thứ hai. Giờ thì lão nhận ra đây là giọng của bà Canh. Nhớ hôm mới về, mụ vợ lạnh lùng nói trống không:

– Nếu đã xác định về đây sống thì mang giấy tờ đến bác Canh xóm trưởng mà xin chứng nhận để lên xã nhập hộ khẩu.

Lão khựng lại một chút, ngạc nhiên. Ai chứ Canh thì lão còn lạ gì! Ấn tượng của lão về nó cho đến bây giờ là một con bé đen đúa, áo quần vá víu, bẩn thỉu. Gần như hai lỗ mũi nó lúc nào cũng sẵn thứ nước nhờn nhờn, sền sệt, xanh xanh. Hai dòng “của quý” ấy cứ thong thả chảy xuống tận môi. Lúc đó, hoặc là nó hít một cái thật mạnh cho chúng chui tọt trở lại vào hai lỗ đen ngòm ấy, hoặc là nó lấy ống tay áo quệt ngang một cái. Má nó nhờn nhờn, ống tay áo nó nhờn nhờn, đen kịt, khô lại, cứng đét. Một lần, lão bắt gặp nó lấy tay móc cứt mũi rồi bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Lão bêu chuyện ấy với đám bạn, nó bảo: “Minh ăn thử coi, vừa dẻo vừa thơm như kẹo ấy!”. Rồi nó cười khì khì, chẳng hề thấy xấu hổ tí nào. Đã vậy, mấy đứa con gái còn hưởng ứng: “Canh nói đúng đó, tớ cũng ăn rồi. Dai dai. Béo béo. Ngon!”

Cùng học với nhau, nhưng Canh chỉ học vỏn vẹn bảy năm, lấy bằng cấp hai rồi đi công nhân nhà máy chè. Lão kéo dài sự học thêm bảy năm nữa, lấy được bằng đại học và đi lập nghiệp, lấy vợ xa quê. Oái oăm thay, cuối đời, lão – nguyên là một giám đốc sở, lại phải đi trình giấy tờ với nó – con bé ăn cứt mũi ngày xưa – để được chấp nhận làm con dân nơi miền quê mình sinh ra và lớn lên.

Minh họa: Đình Truyền

Thông báo đọc sang lần thứ ba…

Lão bật dậy, quẳng chiếc chăn xuống chân giường và vùng vằng đi ra. Lão cũng chẳng biết vùng vằng với ai và đi ra để làm gì. Mụ vợ đã khăn áo chỉnh tề, xách chiếc làn nặng trịch cột lên gác ba ga xe đạp. Vừa cột, mụ vừa nói, một chuỗi thông tin không có chủ ngữ:

– Cơm rang ủ trong bát đó, ăn rồi lát nữa ra làm vệ sinh công cộng ngoài sân bóng với xóm. Chiều tối nhớ đóng cửa chuồng gà.

– Bà đi mô? – Lão hỏi với theo khi mụ vợ đã lạch cạch đạp xe đi.

– Sang con Chiên coi nhà cho hấn đi tập huấn ở tỉnh. – Mụ vợ trả lời mà không thèm nhìn lại.

Từ khi lão về đến nay, mụ vẫn lạnh lùng như thế. Nhiều lúc lão có cảm giác mình như kẻ vô hình trong ngôi nhà này. Mụ vợ cứ làm vườn, cứ cho gà ăn, cứ chợ búa nấu nướng, cứ quét tước dọn dẹp. Đến bữa dọn mâm ra rồi lão tự biết đến ngồi mà ăn, mụ cứ lẳng lặng, chẳng mời, chẳng đợi. Có gì cần nói, mụ cứ trống không, cứ khinh khỉnh, cứ nhát gừng, cứ lạnh tanh mà nói. Và lão cứ thế mà nghe, bằng lòng hay không cũng mặc. Nhưng lão không dám bực, không dám trách, không dám đòi hỏi. Vâng, lão không có quyền!

Tiếng loa đã lặng hẳn. Ngoài ngõ, xe máy, xe điện, xe đạp ngược xuôi. Người lớn đi làm, trẻ con đi học, ai cũng vội vã, ai cũng hối hả. Lão bần thần đứng trước hiên nhà, tự nhiên thấy một sự trống rỗng đến rợn người.

Thời gian của đông đã gần một tháng nhưng có vẻ thu chưa muốn ra đi. Nắng vẫn vàng ươm, vẫn rực rỡ từ sáng sớm, làm bừng sáng cả khoảng vườn trước sân đang nở rộ những đóa hồng nhung. Phải nói mụ vợ là người rất biết chăm sóc vườn tược, cây cối. Vườn trước, vườn sau sạch sẽ và thoáng mát. Mỗi vị trí trên vườn đều được sử dụng hợp lý và không bỏ phí một tấc đất nào. Vườn rau từng luống vuông vức, nào cải, nào đậu, nào rau khoai, nào xà lách,… cứ mơn mởn, cứ xanh um, cứ cuộn trào sức sống. Vườn cây ăn trái được quét dọn lá khô hàng ngày, dưới mỗi gốc cây đều được xây bồn và đắp đất đẹp mắt. Một khoảnh nơi góc gần chỗ rửa ráy là các loại cây thuốc Nam: diếp cá, hương nhu, mã đề, rau má… cũng làm thành từng ô, từng luống xinh xắn. Chả trách mụ cứ luôn tay, cứ bận bịu suốt ngày, biến lão thành một sinh vật thừa trong ngôi nhà rộng rãi.

Mỗi khi chỉ một mình thế này, lão đâm ra suy nghĩ vẩn vơ. Giờ thì lão đã thấm thía thế nào là hạ cánh an toàn. Thứ nhất, đó là “hạ” đúng thời gian sau khi đã hoàn thành việc “bay” chứ không phải do lỗi chủ quan hoặc do tác động xấu của khách quan. Thứ hai, “hạ” đúng điểm cần hạ trong sự hân hoan chờ đón của người thân, của bạn bè. Thứ ba, điểm “hạ” xuống chính là nơi đem đến sự nghỉ ngơi an nhàn, thanh thản cuối đời. Với tài năng của lão, với sức khỏe của lão, điều ấy có khó gì? Thế nhưng, chắc cái số của lão ông trời bắt phải vậy. Nếu không thì tại sao đã xấp xỉ ngũ tuần, “ông” còn để rơi độp trước mặt lão một cô bé nõn nà nhường ấy? Và “ông” đã xui lão mê cặp giò mười tám để sa vào cạm bẫy. Lão mụ mị đi, lú lẫn đi như ăn phải bùa ngải. Vì cô bé, lão sẵn sàng ly hôn với người vợ đã đồng cam cộng khổ với mình ngót một phần tư thế kỷ. Vì cô bé, lão không gửi tiền hàng tháng cho hai cô con gái đang học đại học vì chúng đòi từ bố! Chính ông trời đã xui khiến để lão vướng vào vụ lùm xùm đất đai, rồi lại vướng vào việc cho khai thác cát bừa bãi ở lòng sông làm sụt lún mố cầu. Cơ quan đã thống nhất giải quyết nội bộ để lão về hưu trước tuổi cho trong ấm ngoài êm. Vậy chẳng phải ông trời đã cướp mất sự hạ cánh an toàn của lão hay sao? Mỗi lần chua chát nghĩ lại, lão chỉ biết trách số mình đen đủi mà thôi!

                                                                ∗

Bảy giờ sáng, sân bóng của xóm râm ran. Tiếng trẻ em chí chóe trêu ghẹo nhau. Tiếng các bà nói chuyện hài, cười hô hố, cười ha ha. Người quét, người nhặt rác, người đốt lá khô… Nhìn chỉ thấy các bà và kèm theo mấy đứa trẻ chưa đi mẫu giáo, lão hơi ngại, định quay lưng thì nghe tiếng gọi:

– Ồ, ông Minh à? Muộn rứa? Ra làm với bầy tui cho vui. Tổ bốn của ta chỉ có dọn vệ sinh sân bóng ni thôi!

Đó là bà Khoát, hàng xóm sát tường nhà lão. Lão dợm chân định bước đến thì bà Song lại kêu lên:

– Ơ mà này, đi lao động mà tay không à? Ông về cầm cái cuốc ra đây ta cuốc đám cỏ góc bên tê!

“Trời ơi là trời! Hàng chục năm rồi, lão chỉ biết, mỗi khi có lão xuất hiện ở đâu thì ở đó đường sá, cơ quan, trường học, thôn xóm sạch như lau như ly, băng rôn khẩu hiệu, cờ quạt rực rỡ, đẹp mắt. Lão nện giày trên đường, khoan thai, đường bệ. Máy ảnh, máy quay không bỏ sót một cử chỉ nào của lão. Một cái gật đầu đủ làm cán bộ cơ sở sướng rụng tim. Một cái nhăn mày, nhíu trán đủ làm đám cán bộ dưới quyền toát mồ hôi hột. Còn bây giờ, lão đang phải tự tay đi quét dọn, lại còn bị các bà sai khiến nữa chứ! Thật không thể tưởng tượng được cuộc đời lão lại đến nông nỗi này!” Nghĩ thế nhưng lão vẫn lững thững quay về lấy cuốc.

Cũng may, mấy chục năm trời xa quê, lão vẫn chưa quên kỹ năng cầm cuốc, cầm chổi. Ừ thì làm. Mình giờ là ai cơ chứ!

– Mấy bà tổ bốn tích cực quá!

Nghe tiếng the thé, chua loét, lão giật mình quay lại. Từ xa, dáng điệu nhanh nhẹn có phần hấp tấp của Canh không lẫn vào đâu được. Mấy bà nhao nhao:

– Chào cán bộ! Bọn tui mần từ lúc hơn sáu giờ sáng.

– Tổ bốn bọn tui khi mô nỏ gương mẫu. Mà chỉ có mấy bà già ở nhà trông cháu mới rảnh giờ ni thôi, còn nữa đi mần hết trơn rồi.

– Bọn tui có cả ông Minh nì, đàn ông mà chịu khó khiếp!

Bà Canh cười rổn rảng rồi nói:

– Thì khi mô đến dừ tổ bốn cũng tích cực mà. Trẻ xông pha, già gương mẫu! Tuyên dương! Tuyên dương!

Nói rồi bà Canh trải rộng cái vỏ bì, nhanh tay cầm xẻng xúc mấy bãi phân trâu, rồi nhìn lão, cười cười:

– Ông Minh, ông đến khiêng giúp mình một đầu đi.

– Vâng, thưa cán bộ – Giọng lão vừa mỉa mai, vừa chua chát.

– Ông hai góc, mình hai góc. Ngày xưa đi lao động ta cũng bưng đất a ri, đúng không? Ta bưng lại đổ góc vườn nhà bà Tý.

Nói rồi bà Canh đi trước, lão theo sau. Mùi phân trâu bốc lên thối khăm khẳm, lão hứng hết. Chao ôi, nếu lúc này có một chiếc xe hơi láng bóng bỗng dừng lại, cửa kính hạ xuống, cái đầu thằng cha từng lái xe cho lão ngó ra: “Chào sếp! Sếp khiêng phân ạ?” thì lão chỉ ước có phép Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không, lộn một phát lên mây! Bà Canh vẫn vô tư phăm phăm bước, vừa đi vừa thanh minh:

– Cán bộ chi mô ông, mình công nhân về hưu đang có sức khỏe thì giúp địa phương thôi. Làm cán bộ cấp cao như ông thì chỉ việc nói cho dân làm; còn cái anh cán bộ xóm ấy mà, mình nói rồi mình cũng phải làm với dân, rồi nghe ngóng coi dân họ nói răng. Mình không trực tiếp làm thì nói dân không nghe. Mình không nghe dân nói để hiểu dân thì dân không tin, không mến. Chắc ông còn nhớ bài thơ “Anh chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông chúng mình học thời phổ thông chứ? “Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Đó, cái anh xóm trưởng cũng rứa.

“Làm cán bộ cấp cao như ông thì chỉ việc nói cho dân làm”. Lão bỗng tự cảm thấy xấu hổ. Lão đã nói gì nhỉ? “Nếu đánh giá một con người mà chỉ qua học vấn, qua bằng cấp của họ thì vô cùng phiến diện. Hãy nhìn để biết họ làm gì, làm bao nhiêu và hiệu quả ra sao. Hãy lắng nghe họ nói, họ tâm sự để hiểu họ nghĩ gì, họ ý thức trách nhiệm với cuộc đời này thế nào. Hãy quan sát xung quanh xem mọi người nhận xét gì, tầm ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng đến đâu. Và như thế, giá trị của mỗi người là ở chỗ họ đã làm được gì cho cuộc đời này chứ không phải họ đã vơ vét được gì từ cuộc đời này!” Vâng, lão đã từng diễn thuyết hay như thế trước hàng mấy trăm người. Vâng, dân chúng đã từng tin yêu lão khi nghe những lời vàng ngọc ấy. Nhưng rồi… Một tiếng thở dài thật khẽ.

Thấy lão im lặng, bà Canh hỏi:

– Sao cậu không nói gì?

– Tớ đi sau nói để hớp hết mùi phân trâu vào họng à? – Lão đáp.

Người bạn học cũ cười phá lên, lão cũng mỉm cười.

Trước khi tất bật đến Nhà văn hóa để lo việc tổ chức buổi chiều, bà Canh còn nán lại trò chuyện với lão thêm một lúc.

– Mình biết, từ làm quan xuống làm dân sẽ cảm thấy hụt hẫng đấy, khó chịu đấy, nhưng rồi sẽ quen cả thôi Minh ạ.

– Mình thấy bình thường mà! – Lão chống chế.

Bà Canh không thèm cãi lại mà nhìn sâu vào đôi mắt người bạn học cũ:

– Cậu quá sai. Vợ cậu giận là phải lắm, nhưng Tâm vẫn thương cậu, biết không?

– Mụ ta cả ngày lầm lỳ như cái máy, lạnh tanh như cục đá đông. – Lão làu bàu.

– Ha ha… Con Tâm nó như cái phích nước thì đúng hơn. Bên ngoài vỏ lạnh bao nhiêu thì bên trong ruột giữ nóng được lâu bấy nhiêu!

– Có nóng đâu mà giữ! – Lão cấm cẳn.

– Mình hỏi cậu, bữa cơm hàng ngày Tâm nấu theo đúng khẩu vị của cậu không?

– Cô ấy toàn nấu những món mình thích. – Lão xác nhận.

– Mỗi tối Tâm luôn chuẩn bị thuốc, nước và lặng lẽ đặt đầu giường cậu, đúng không?

– Cậu đặt camera ở nhà mình đấy à? – Lão bỗng đỏ mặt.

– Ha ha… mình là… ma xó mà, chuyện chi nỏ biết! Nói thật, cậu là người thông minh, nhưng việc ly dị với Tâm thì cậu ngu mất phần thiên hạ. Cũng may Tâm là người có tâm, còn người khác ấy à, họ đuổi cậu thẳng cẳng!

– Biết rồi! Nói chi lắm! – lão gắt.

– Phải nói chứ. Giờ cậu phải tìm cách làm tan cục đá đông đó, hiểu chưa? Nghe bảo cậu nói trước đám đông hay lắm, trình độ diễn thuyết tốt lắm. Vậy sao trước người vợ biết hi sinh, biết nhẫn nhịn mà cậu không nói được?

Lão cúi đầu im lặng.

– Chiều ni nhớ đến Nhà văn hóa đúng giờ nha!

-…

– Và từ nay trở đi, sáng ra đây chơi bóng hơi với các cụ nha. Vui lắm!

-…

                                                        ∗

Mới một rưỡi chiều, loa xóm đã lại inh ỏi.

Lão mặc xong áo trắng, tần ngần trước tủ, rồi nhìn thấy cái cà vạt sọc xanh vàng. Bất ngờ, lão giật xuống, vò mạnh, giận dữ ném vào thùng rác. Mặt lão đỏ nhừ lên trong cơn tức giận đột ngột. Sực nhớ lời bác sĩ dặn hôm bị nhồi máu cơ tim, lão cố dằn lòng, đến bàn uống một cốc nước lọc to tướng. Lão cố uống như để nuốt trôi nỗi hận, nỗi nhục mà dù cố quên đi, nó vẫn như bóng ma ám ảnh. Tiên sư chiếc cà vạt! Nó làm lão nhớ đến con đĩ khiến lão trắng tay!

Đã bao lần lão tự hỏi, tại sao lòng người lại có thể thay đổi dễ dàng như lật bàn tay vậy nhỉ? Hỏi rồi lão lại tự trả lời, rằng không phải nó thay đổi, mà vốn xưa nay nó vẫn thế, chỉ là do lão ngu dại, lão u mê, lão ảo tưởng nên không nhận ra mà thôi! Lão ảo tưởng địa vị của mình, tiền bạc của mình có thể giữ chân cô gái mười tám tuổi. “Dù anh có nhiều tuổi hơn bố em, kể cả anh đáng tuổi ông em chăng nữa, tình yêu em dành cho anh vẫn vẹn nguyên, vẫn nồng nàn, vẫn thủy chung như nhất. Hãy tin em, thần tượng của lòng em!” Khi cô nàng rót vào tai lão những lời ngọt lừ như vậy, kèm theo vòng tay mát rượi và đôi môi căng mọng, bộ ngực nóng bỏng thì lão như bị bỏ bùa mê. Và khi nàng mang thai, sinh cho lão đứa con trai đẹp như thiên thần thì lão bị nàng thôi miên mất rồi! Lời của nàng là lời vua, ý của nàng là ý trời! Nàng bảo, “con chúng mình dù chưa được pháp luật công nhận nhưng trong dòng họ, nó là cháu đích tôn đấy. Đúng quá còn gì! May ông trời còn thương mà cho anh mụn con trai!” Nàng lại dẩu cái môi đỏ chót căng mọng mà trách, “trời thương anh mà anh không thương con sao?” “Ôi em, anh không thương nó thì thương ai? Đời anh giờ chỉ có em và con là có ý nghĩa nhất thôi!” Lão hôn chụt lên má nàng. “Thế sắp tới chẳng lẽ con đi học, em chở nó bằng xe máy để hứng gió, hứng bụi, hứng nắng, hứng mưa à?” “Ồ không! Anh đã đặt chiếc xe Camry màu đỏ hợp mệnh em rồi đó.” Nàng vít đầu lão xuống, ép vào bộ ngực căng nhức của mình. “Em yêu anh!” Lão nghe tim nàng đập rộn ràng ngay bên má. Mùi cơ thể nàng thơm đến rạo rực! Nàng bảo, “con chúng ta khi lên phổ thông là phải có nhà cửa đàng hoàng, đầy đủ tiện nghi để tạo môi trường học tập tốt”. “Tất nhiên rồi!” Lão dứt khoát. “Anh sẽ xây hẳn một căn biệt thự, mẹ con em về ở trước, khi nào hưu anh cắt hộ khẩu về luôn”. Nàng bảo, “biệt thự của chúng mình hãy để tên em. Làm lãnh đạo như anh bây giờ, kê khai tài sản lòi ra căn biệt thự vài chục tỉ ở thành phố thì có mà vào lò sớm! Lúc đó mẹ con em biết trông cậy vào ai?” “Em nói thế thì đúng quá rồi’, lão lại khẳng định. “À mà này, anh đã xong thủ tục ly hôn với mụ vợ rồi, mai mốt chúng mình đi đăng ký kết hôn nhé”. “Từ từ thôi anh, kết hôn nhanh thế người ta nói ra nói vào ảnh hưởng uy tín của anh, em không cam tâm!” Lão ôm ghì cô người tình bé bỏng yêu kiều dễ thương mà hôn, mà vuốt ve, mà vùi vào cuộc mây mưa bất tận.

Chao ôi! Cách một tháng trước khi lão từ voi xuống chó, nàng còn mua chiếc cà vạt sọc xanh vàng kia rồi thắt vào cổ lão mà bảo, em trói anh vào cuộc đời em nhé. Thế mà khi lão ngã ngựa, cô ta biến thành một con người khác. Ả công khai đưa người tình trẻ về ăn ở trong ngôi biệt thự. Bạn bè bảo, nó vốn là gái gọi, tại ông khẳng định là ông sẽ làm nó ngoan cơ mà. Ông bảo, vì tình yêu, ông sẵn sàng lấy đĩ về làm vợ cơ mà! Lão uất lắm! Lão nổi điên nổi khùng. Cô ả trâng tráo ngọt nhạt đấu dịu: “Thôi anh, em còn trẻ, người yêu em cũng còn trẻ, bọn em thương nhau từ hồi học cấp hai cơ, tại anh ấy bị vào tù nên bọn em phải xa nhau, nhưng em vẫn còn thương anh ấy lắm! Em xin anh hãy thương bọn em như thương hai đứa cháu…” Lão nắm tay cô ả lôi xềnh xệch ra ngõ:

– Cút! Mày cút ngay với cái thằng mất dạy của mày đi! Cút!

– Nhà của tôi, ông có quyền gì mà đuổi? – Cô ta cũng nổi khùng.

– Nhà của mày sao? – Lão trợn mắt quát.

– Ôi, ông già lẩm cẩm ơi, ông có cần xem giấy tờ đất đai không?

– Mày cút! Để cu Bin đó cho tao! – Lão gào lên.

– Này – cô ta chìa tờ giấy xét nghiệm ADN ra trước mặt lão – đọc đi ông già, Bin có phải là con ông đâu mà giữ!

Lão thấy khó thở, đau thắt cả vùng ngực. Nghe lão ú ớ mấy tiếng rồi ngã khuỵu xuống, mấy người đứng xem vội vã gọi cấp cứu. Cơn nhồi máu cơ tim chưa kịp cướp đi sinh mệnh lão. Trong mê man, lão nghe tiếng mẹ mình vọng từ cõi xa xăm: “Về quê thôi con!” “Ôi, mẹ không giận con nữa ư? Mẹ đã từ con rồi cơ mà? Khi sắp mất, mẹ bảo không cho thằng Minh thắp hương cho mẹ, cho dù nó là con trưởng mà? Mẹ bảo mẹ không coi thằng Minh là con trai mẹ nữa, nhưng mẹ vẫn coi Tâm là con dâu mẹ. Mẹ lo Tâm bị tổn thương nên sau khi bọn con ly hôn, mẹ chạy cho cô ấy chuyển trường về quê dạy học và ở cùng mẹ. Giờ mẹ lại bảo con về quê ư? Mẹ đã nhận lại con trai của mẹ rồi ư?” Người mẹ cúi xuống đặt tay lên trán lão, bàn tay mát lạnh: “Mẹ lo cho con dâu tức là lo cho con đấy, ngốc ạ! Con u mê lầm lạc nhưng mẹ thì tỉnh táo lắm, biết không?” Lão đưa tay định nắm lấy bàn tay mẹ thì bà đã biến mất. Lờ mờ trước mắt lão là đôi mắt sáng lên của Tâm. Tâm chạy vội ra cửa: “Bác sĩ ơi, ông ấy tỉnh rồi!”

                                                      ∗

Giờ lão đã về quê! Về quê tập làm lại dân lành. Rồi lão sẽ làm quen với nhịp sống mới. Sáng cùng các cụ ra sân vui mấy trận bóng hơi. Chiều thả bộ trên triền đê lộng gió. Gió quê mát lành, sông quê trong vắt. Rồi lão sẽ thay đổi theo lối suy nghĩ mới. Thôi đừng com-lê, cà vạt. Thôi đừng giày tất bó chân. Ta về làm dân với áo may ô quần đùi và dép tổ ong thoải mái. Hạnh phúc là mỗi sáng ngắm những bông hoa trong vườn tỏa hương thơm ngát. Hạnh phúc là mỗi trưa nghe tiếng gà cục tác đếm được hôm nay có mấy quả trứng hồng. Hạnh phúc là mỗi chiều bốn đứa cháu ngoại đi học về ghé qua ông bà giành nhau khoe điểm tốt. Hạnh phúc là mỗi tối hai ông bà cùng ngồi xem phim, rồi trước khi đi ngủ tiếng bà lại nhắc: “Ông nhớ uống thuốc, nghe không?”

Lão Minh vui vẻ lẩm nhẩm theo bài hát đang phát trên loa: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…”. Vừa hát, lão vừa rảo bước đến Nhà văn hóa xóm Cồn để cùng vui Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc.

Nhật Thành