1.
Mặt trời đã quá đỉnh đầu. Nắng chói chang, dội từng vốc xuống khoảng đất trống, một bên sát dãy nhà trọ, bên còn lại thì giáp với công ty. Chỗ này, ngày trước cũng có vài ba cây mù u, hàng bạch đàn cụt ngọn. Người ta mắc võng ngủ trưa hay chằng níu một đầu dây buộc vào khung lều để căng bạt lên làm quán nước tạm bợ. Nhưng trận bão lớn năm kia đã khiến mấy cây cao gãy đổ hết rồi. Từ dãy trọ nhìn ra, bãi đất trống huơ, chỉ lúp xúp mấy bụi cây dại và vạt cỏ gà bị giẫm bừa, xơ xác.

Ông chủ công ty, tên Thông, ngồi ở góc sân nhìn vơ vất. Ngày nghỉ nên công ty không một bóng người. Lòng ông lửa đang thiêu đốt có thể bất thần bùng lên dữ dội nếu cái nắng rát mùa hè này không sớm hạ nhiệt. Sao ông không lo nghĩ, buồn rầu cho được. Đã gần hai năm, sau trận đại dịch kéo dài, công ty sản xuất cầm chừng, có khi phải ngừng hoạt động. Nguy cơ phá sản đến nơi. Anh chị em công nhân lương không đủ sống, bí bách quá, rời công ty phân nửa, đi tìm việc khác làm hay trở về quê.

Ông chủ lại thở dài, ngó quanh. Công ty trụ lại những người thực sự quý mến, hoặc không còn sự lựa chọn nào khác. Ông thấy thương họ vô cùng. Mỗi người một số phận, mưu sinh ở thành phố, kiếm tiền gửi về lo cho gia đình là điều họ luôn trăn trở. Trong đó, Dung là một trường hợp đặc biệt. Cô rời gia đình, tìm đến công ty ban đầu như một cách trốn chạy và mong đổi đời. Ông đón nhận Dung bằng tình thương và sự chia sẻ. Ban ngày, Dung là một công nhân siêng năng và thỉnh thoảng vào ban đêm hay ngày nghỉ cô phụ việc cho quán nước ở góc phố.

2.
Dung vừa bước ra khỏi phòng trọ thì trời bắt đầu mưa, kèm theo gió lạnh. Nhìn ra khoảng đất trống trước mặt, cô không nén được tiếng thở dài. Đoàn hát về diễn mấy hôm nay lèo tèo chưa đầy trăm khán giả, lại gặp mưa trông thảm hại làm sao.

Mưa mỗi lúc nặng hạt, cứ sầm sập. Sân khấu dã chiến có lẽ không chống đỡ nổi trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên nên cứ rung lên bần bật. Mấy tấm màn trang trí chưa kịp kéo lại bị gió cuốn, phần phật bay. Ông bầu hớt hải nhảy lên sân khấu thu dọn, áo quần, tóc tai ướt nhẹp. Nhìn các diễn viên ngồi co cụm, nước mưa nhỏ tong tong trên đầu mà xót xa.

Những lúc này Dung lại nhớ kép Bình da diết. Anh rời đoàn đã hơn hai tháng. Vì đoàn khác tiền cát xê cao hơn, vì anh muốn chuyển nghề, không muốn rày đây mai đó, bấp bênh mà thu nhập lại không đảm bảo. Vì một người con gái khác… Nhiều nguồn tin quá khiến Dung buồn rầu và thao thức nhiều đêm. Cô yêu anh, một thứ tình cảm khó lòng cưỡng được. Anh đối xử với cô rất tốt. Sau mỗi đêm diễn, anh hay lân la đến chỗ quán nước cô phụ bán chuyện trò. Cô rất vui vì điều này. Bởi họ khó gặp nhau, do công việc và anh lại luôn di chuyển.

Dung rất yêu cải lương và cô thuộc nhiều trích đoạn. Được xem kép Bình biểu diễn cô cảm thấy hạnh phúc. Nhưng vốn nhạy cảm, lại sợ mất người yêu nên khi thấy anh quá nhập tâm với bạn diễn nữ là Dung thấy khó chịu, suy nghĩ vẩn vơ. Người ta thường nói phim giả tình thật, càng làm Dung lo lắng, bất an. Đôi lúc cô lại cầu toàn rằng kép Bình không chỉ là người yêu mà là người ơn, giúp cô vượt qua những tháng ngày khốn khó. Dung yêu kép Bình ngay từ ngày đầu gặp mặt. Anh chân thành và từ tốn. Nhiều lần trái tim nhạy cảm bắt đầu loạn nhịp khi có sự va chạm trong lúc ngồi cùng anh. Đêm về, Dung hình dung lại, mỉm cười và lâng lâng bao cảm xúc. Mỗi khi đoàn về thành phố biểu diễn, cô thường tìm cớ gặp anh, chăm sóc anh từng đường kim khi trang phục biểu diễn bị rách, bị xổ chỉ. Dung muốn được trò chuyện cùng anh, được anh nở nụ cười… Nhưng, có lẽ Dung quá ảo tưởng, xây đắp cho mình mối quan hệ mà bản thân chưa kiểm chứng được tình cảm của đối phương như thế nào. Kép Bình vẫn ân cần và nồng ấm. Anh được lòng anh chị em cùng đoàn, được ông bầu săn đón, ưu ái. Nghĩ đến lúc được sà vào lòng anh như những diễn viên trên sân khấu mà Dung cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

“Phải biết thân biết phận em ơi! Đừng quá mong đợi bất cứ điều gì từ họ mà hãy biết chấp nhận mọi thứ, ngay cả việc anh ta đã có người yêu. Nếu không, em sẽ tự rước khổ vào mình. Quá hy vọng sẽ thất vọng bởi vì mọi thứ xảy ra trong đời này khó lường trước được”. Người chị lớn tuổi cùng dãy trọ khuyên nhủ. Dung im lặng, ngẫm nghĩ. Chị ấy nói đúng, mình chỉ là một cô gái bình thường, ngoài trái tim yêu dại khờ thì không còn gì để người ta mong ước, kiếm tìm. Kép Bình là người như thế nào? Bản thân anh có khi nào suy nghĩ nghiêm túc về tình cảm của cô dành cho anh chưa? Hay chỉ thương hại, hay chỉ xem cô là một người em gái đáng thương nên thông cảm, sẻ chia?

Minh họa: Đình Truyền

3.
Miên man nghĩ suy, Dung để ký ức trôi về cái ngày định mệnh cách nay đã bốn, năm năm. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở quê, không mấy khá giả. Ngay từ nhỏ, Dung nghe người ta bảo cô là con nuôi, cứ nhìn cô chị thì biết, chị em ruột mà chẳng giống nhau tẹo nào. Dung rất buồn vì điều này, nhưng hỏi cha mẹ thì chỉ nhận lấy câu trả lời ậm ờ, lảng tránh.

Cha mẹ Dung sống bằng nghề nông và tích cóp vốn liếng từ mấy vuông tôm. Nhưng rồi vàm sông bị xói lở, xâm thực do mấy xà lan hút cát giữa dòng. Một đêm nọ, cả mấy chục vuông tôm của người dân trong vùng bị dòng sông nuốt chửng. Gia đình rơi vào túng quẫn, nợ nần. Cha sinh tật rượu chè. Mẹ tảo tần chạy chợ ngược xuôi. Chị Hai đòi bỏ học. Cô là đứa con gái có thân hình gầy gò, yếu đuối, không làm việc nặng được càng khiến cho cha chướng mắt. Hễ uống rượu vào là ông tìm cớ chửi rủa, mắng nhiếc. Dung ý thức sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, nhất là người cha mà cô luôn yêu quý nên càng cố gắng. Nhưng cô không thể tránh khỏi những trận đòn vô cớ nên rất đau khổ, dằn vặt bản thân.

Dung lờ mờ hiểu mọi chuyện. Chị Hai hiểu và thương em gái nhưng không thể xóa được sự tổn thương đau đớn trong tâm hồn cô. Cha thì luôn chì chiết, nguyền rủa, “Mày đi chết đi cho tao nhờ”. Lời lẽ độc địa rin rít qua kẽ răng. “Con ơi, sao lại khổ thế này?” Mẹ chỉ biết ôm Dung vào lòng. “Mày đi đâu thì đi đi, chứ nhà này khổ với mày lắm rồi”, mẹ khóc nghẹn, tức tưởi khi cha một mực xua đuổi và không thèm nhìn mặt Dung. Chỉ có chị Hai ôm chặt cô vào lòng. Nước mắt hai chị em ngắn dài, lã chã. Phải làm gì đây? Cô làm gì nên tội? Nhiều suy nghĩ đan xen, chồng chéo, tự vấn và hành hạ quá sức chịu đựng cộng với sự bốc đồng vốn dĩ của tâm hồn nhạy cảm, Dung đành bỏ nhà ra đi trong một đêm trời mưa như trút. Ngậm ngùi nhớ lại, Dung nước mắt lưng tròng. Nhiều đêm cô thấy lòng chông chênh và luôn giày vò bản thân. Nhưng cô chưa một lần oán trách cha mẹ. Hẳn có điều gì đấy đã khiến cha mẹ không hài lòng về cô. Thỉnh thoảng, hình ảnh ngày xưa êm đềm tạt ngang nỗi nhớ, vừa lạ lẫm, xa vời, vừa yêu thương, day dứt. Chị Hai thì cứ đứng ở cây ô môi bên bờ kinh xáng nhìn cô buồn rười rượi. Dung cảm giác thương chị Hai, không biết chị có nhớ nó hay không?

4.
Anh Thịnh và chị Hai học chung lớp từ thời cấp một. Hai nhà lại chỉ cách nhau dòng kinh xáng, rặng dừa nước và cây cầu khỉ. Anh Thịnh hiền, ít nói, học rất giỏi, lại ca hay. Chị Hai xinh gái, trắng trẻo, chỉ tội chậm hiểu, học trước quên sau. Anh Thịnh thường qua nhà kèm chị Hai học. Những lúc ấy, Dung cũng đến ngồi bên. Cô hay lén nhìn anh Thịnh, cảm giác vô cùng thích thú. Cuối cấp ba, anh chị bắt đầu hò hẹn nhau. Con kinh xáng nước lờ đờ quanh năm, lục bình giăng kín, hoa tím đến nao lòng là nơi anh Thịnh và chị Hai ngồi tâm sự trong những mùa trăng. Người lớn hai bên không ngăn cản, cũng không ủng hộ. Dung hỏi chuyện tình cảm giữa hai người khi theo chị Hai ra đồng hái mớ bông điên điển về nấu canh chua. Chị Hai ậm ừ bảo gặp nhau là duyên, bên nhau là nợ. Anh Thịnh đẹp trai, giỏi giang lắm người mê, lên Sài Gòn học nữa thì chị khó mà giữ được…

Một dạo, nghe anh Thịnh về đã hai ngày rồi nhưng chưa thấy mặt mũi ảnh đâu cả, chị Hai bồn chồn, ra vô sốt ruột. Dung cũng bồi hồi, chờ mong không kém. Chị Hai kéo nó ra hiệu tóc mé lộ cắt tóc. Mẹ ngồi ở hiên nhà thấy hết nhưng giả đò ngó mông lung, trời chiều đang sa xuống với những đụn mây xám. Lúc hai chị em về vẫn không thấy anh Thịnh đâu cả. Dung buồn bã ra sau nhà, mở điện thoại. Cảm giác ai đó đứng sau lưng, cô quay lại. Mẹ nhìn cô lạ lắm. Dung giật mình, lúng túng giấu ngay chiếc điện thoại vừa hiện lên hình anh Thịnh. Không biết mẹ thấy gì chưa? Hay là mẹ biết tất cả rồi? Ngay cả chuyện cô rủ anh Thịnh đi cắm câu tít ngoài đồng chỉ là cái cớ… Không ai biết gì đâu! Cô trấn an rồi đi thẳng ra ao nhặt ốc bươu vàng. Chị Hai thì mặt buồn xo, chẳng nói chẳng rằng, đi thẳng vô buồng. Cha ném ly rượu xuống sàn gạch, văng tục, nhìn cô. Mẹ rầu lòng, thở dài, rồi vô buồng dỗ dành chị Hai. Kệ nó đi con, người ta đã như thế nhớ nhung làm gì cho cực tấm thân… Cô vừa cảm thấy bực cho bản thân vừa cảm thấy lòng dạ xốn xang, khó diễn tả.

Tối đó anh Thịnh qua nhà. Con chó đang rúc mõm dưới chân bàn nghe hơi người quen chạy ra vẫy đuôi rối rít. Mẹ ngạc nhiên nhưng chỉ nói vài ba câu rồi qua nhà hàng xóm coi phim. Biết thái độ của mẹ như thế, anh Thịnh không nói gì, lúng túng hai tay đan lấy nhau, mặt hơi cúi xuống. Chị Hai nghe anh Thịnh qua mừng lắm. Đèn trong buồng bật sáng, cánh cửa mở toang, và chị xuất hiện trước mắt anh Thịnh trong bộ dạng không còn gì thiểu não hơn nữa.

Khuya lắm chị Hai mới về. Mẹ đợi cửa. Dung thì buồn ngủ ríu cả mắt nhưng cố gắng thức, để nghe chị Hai nói gì sau khi gặp anh Thịnh. Tóc chị Hai đẫm sương, lòa xòa trước mặt. Chị lướt nhanh qua chỗ mẹ ngồi nhưng mẹ đã “e hèm”, khiến chị quay đầu lại. Đứng trước mặt mẹ, chị Hai không nói gì cả. Mẹ cũng không nói gì, chỉ dò xét thái độ của chị. Dung lén nhìn chị Hai qua liếp cửa đan bằng lá dừa. Không biết chuyện gì đã xảy ra. Chị và anh Thịnh đã chấm dứt đêm nay hay còn điều gì lấn cấn mà mắt chị Hai long lanh nước? Mẹ nói rất nhỏ, hình như để mỗi mình chị Hai nghe. “Con liệu mà tính, đàn bà con gái miệt này xưa nay chịu thiệt, chịu khổ chứ không bao giờ chịu nhục”. Nghe mẹ nói vậy, chị Hai xô chạy vào buồng khóc nức nở.

Tiếng bìm bịp kêu thương ngoài vàm sông vẳng vào thê thiết. Nhìn ra cánh đồng sau mùa gặt trống huơ, loang loáng ánh trăng, Dung thấy buồn nẫu ruột. Mối tình của chị Hai với anh Thịnh gặp trục trặc liệu có phải do mình gây ra hay không? Chắc chắn là có rồi, mấy dòng tin nhắn thổ lộ cảm xúc, cái nắm tay cố tình, sự va chạm thân thể vội vã… Anh Thịnh bảo chỉ xem cô là đứa em cần chia sẻ, cảm thông. Anh nói vậy nhưng cảm giác khi ngồi bên anh, cô thấy lạ lắm, ánh mắt anh nồng nàn và say đắm, anh nói năng với cô nhẹ nhàng, hiểu biết. Thân hình chắc khỏe, vạm vỡ của anh khiến cô có cảm giác yên bình nếu được tựa vào. Dung nghĩ ngợi mông lung rồi nhìn lên vách, nơi chiếc đàn kìm treo lủng lẳng và nghĩ đến anh Thịnh.

5.
Ngày anh Thịnh lên Sài Gòn học, lưng đeo chiếc đàn, rảo nhanh trên bờ kinh hoa dại mọc đầy. Chị Hai lấy cớ mệt không ra tiễn. Dung thì không dám, chỉ nấp sau rặng dừa nước ngó theo chiếc ghe trôi ngược dòng. Chị Hai bất ngờ ngậm ngùi cất lên lời ca “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi, qua khúc sông này bờ bụi tối tăm”. Rồi lặng lẽ khóc…

“Hãy biết học cách không để bản thân dựa dẫm tất cả vào một điều gì, cũng như dừng ngay việc đặt toàn bộ cảm xúc mà mình có được lên một ai đó. Hãy chia nhỏ hạnh phúc, để nếu lỡ khi mất đi, trái tim không phải chịu những tổn thương quá lớn…” Dung đọc được đâu đó và nghĩ là có lý. Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Ông chủ công ty biết chuyện cũng góp vài lời an ủi, động viên. Dung tự hứa sẽ mạnh mẽ bước qua vùng cảm xúc tiêu cực nhanh nhất có thể. Hạnh phúc là ở nơi mình, đừng tìm kiếm ở người khác. Bởi nếu bản thân không thấy thoải mái và hạnh phúc, thì cũng đừng tốn công tìm kiếm hạnh phúc lâu dài ở một ai khác. Kép Bình là người Dung yêu, thứ tình cảm sâu nặng khác xa với thứ cảm xúc đầu đời cô dành cho anh Thịnh trước kia. Nhưng điểm gặp gỡ giữa họ là tình cảm có thật sự dành cho cô hay không? Mù mờ và khó nắm bắt. Dung lắc đầu, nghĩ ngợi, cần tạo cho bản thân sự ổn định trong cảm xúc rồi hãy nghĩ tới chuyện chia sẻ cảm xúc đó với người khác. Trong đời, có những thứ dù tốt đẹp đến mấy nhưng biết không có kết quả thì đừng nên vương vấn… Cô sẽ tỉnh táo, sẽ kiểm soát tình cảm của mình dù nước mắt từng đêm có thể rơi vì nhung nhớ.

6.
Dung ngồi thừ ở mé sông, nhìn dòng nước êm đềm mang theo mấy giề lục bình nở hoa tím biếc. Cảm giác lâng lâng, niềm xúc động còn đong đầy trong mắt. Cô đang nghĩ về nhân vật nữ trong vở diễn tối qua.

Mới đấy mà mùa thu đã sắp hết. Tháng Mười đang về. Dọc sông, nhiều chiếc ghe chở đầy hàng hóa, nông sản xuôi ngược. Trong sương mai, những hạt nắng sớm treo mình trên nhánh cỏ. Gió mát lạnh quyện cùng hương đất, hương phù sa tạo thành không khí dễ chịu lúc sang mùa. Cảm giác mùa đang trôi miên man, khiến lòng người cũng trở nên dịu đằm, cảm giác nhớ nhung trỗi dậy, bất chợt mỉm cười với những người ta từng gặp và cũng dễ dàng bỏ qua những giận hờn, cố chấp.

Dung bỗng nhớ nhà. Nhớ mẹ ngồi trong bếp cứ gạt đống tro tàn qua một bên. Nhớ nồi kho quẹt treo trên vách lá. Nhớ mấy lần điện thoại cho mẹ, chưa nói dứt câu hai mẹ con đã khóc ròng. Mẹ thương Dung, thương cho đứa con gái bé bỏng, nhưng tin vào lời thầy bói là sinh cô ra là gặp toàn vận rủi. Dung không hờn trách mẹ vì mẹ đã mặc kệ để cha xua đuổi cô. Nhưng cô biết mẹ cũng tổn thương nhiều khi phải che chắn, bảo vệ Dung. Cô nhớ chị Hai, người chị hiền lành, yêu mà không đủ niềm tin vào người mình lựa chọn. Nhớ những lúc chị ngồi chải tóc và khe khẽ hát một đoạn dân ca buồn. Rồi hình ảnh nhạt nhòa lướt qua nhưng cô vẫn nhận ra đấy là anh Thịnh. Anh đứng chờ chị Hai bên hàng so đũa. Anh sắp trở lại Sài Gòn để học thêm nhạc cụ dân tộc và vài năm nữa mới ra trường. Chị Hai cũng sẽ lên thành phố tìm việc làm để được gần anh.

7.
Sự cao thượng trong tình yêu là mong người mình thương được hạnh phúc, để rồi còn nhớ, để rồi còn gặp lại nhau. Dung thương anh Thịnh, và sau này là kép Bình, vừa hạnh phúc, vừa khổ đau nhưng cô biết trân trọng để gửi gắm tình cảm mà không cần đối phương đáp lại. Bản tính ích kỷ vốn có của con người không khuất phục được sự thiện lành và niềm tin đã giúp Dung hoàn toàn nghĩ tốt, để bản thân được thoải mái, yên bình. Chị em cùng dãy trọ và nhất là mấy bạn công nhân cùng chuyền đã động viên, chia sẻ buồn vui với Dung. Sau thời gian ngưng trệ, công ty bắt đầu hoạt động trở lại, có nhiều hợp đồng lớn, năng suất tăng nhanh. Nhiều ngày trong tháng phải tăng ca nên Dung tạm gác việc phụ quán. Ông chủ công ty rất vui khi thấy Dung đã biết sắp xếp cuộc đời mình, biết kiềm chế cảm xúc trước những xô bồ đúng sai, được mất. Sơ kết năm, công đoàn tổ chức bình xét công nhân xuất sắc, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Hầu hết anh chị em công nhân đều đề cử Dung là một trong vài cá nhân được tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Đón nhận bó hoa và bằng chứng nhận từ giám đốc công ty, Dung rưng rưng xúc động.

Dung mặc cho dòng cảm xúc vuốt ve khi đi dọc con đường quen để ra quán nước. Buổi sáng trong lành, những tia nắng vàng mơ được lọc qua tán lá xanh non, chập chờn trước mặt. Dung ngẩng lên nhìn để nhận ra thứ nắng báo hiệu sự giao mùa dịu dàng chứ không rời rạc, hanh hao nữa. Bất ngờ Dung nghe ai gọi tên mình. Giọng nồng nàn và vang ấm. Là kép Bình. Sau anh là cha mẹ cô cũng vội vã bước chân. Dung bất ngờ, lâng lâng trong niềm hạnh phúc.

Sơn Trần