Chuông điện thoại réo rắt, Kim bốc máy. Định, bạn học hồi phổ thông, cho biết: “Tuệ ở nước ngoài về tổ chức hội lớp 2 ngày tại khách sạn biển miền Trung, các bạn trong Nam, ngoài Bắc đều về cả, Kim nhớ đến đúng hẹn”. Kim vội hỏi: “Anh Tuệ có đưa vợ về không?” Định dằn giọng kéo một hơi dài: “Vợ… Đâu mà vợ… Hỏi vớ vẩn”. Kim dạ rồi tắt máy. Kim sửng sốt âu lo: Đến bây giờ Tuệ vẫn chưa cưới vợ? Ai chăm sóc khi đau yếu cuối đời?

Đúng hẹn, sáng hôm đó các bạn về đông đủ, Kim vắng mặt dù nhà Kim cách điểm hẹn độ 10 cây số. Thực ra, năm trước Kim ngã từ trên cầu thang xuống, suýt chết, nay chưa khỏe hẳn, Kim không muốn tiết lộ sợ bạn bè thăm hỏi rườm rà. Đêm đó, các bạn gọi điện đòi đưa xe đến đón Kim về khách sạn. Kim từ chối bảo mai sẽ đến sớm. Sáng hôm sau, Kim có mặt tại khách sạn. Tuệ hơn Kim 1 tuổi nhưng trai chưa vợ ở cái tuổi 60 vẫn còn trẻ trung, thanh thoát. Kim cũng không thua kém: cao ráo, cân đối, nét duyên đằm thắm vẫn còn lưu lại trên khuôn mặt. Tuệ đến ngồi gần Kim nhưng không bắt chuyện bởi trong anh vẫn còn nổi chìm triền miên thương hận….

Các bạn cho biết một bất ngờ là sẽ gả Kim cho Tuệ, lớp đứng ra tổ chức để Tuệ đưa Kim ra nước ngoài chung sống đến hết đời. Tuệ đã thống nhất ý kiến này với mấy người cầm cái trong hội nên anh cứ ngồi im lặng. Còn Kim giãy đành đạch từ chối. Nhiều lời chen vào áp đảo, Kim bèn đánh trống lảng: “Được rồi… được rồi… Em sẽ tìm cho anh Tuệ một đám trẻ trung mà kiếm đứa con. Em già rồi, anh Tuệ cưới làm gì”. Suốt ngày hôm đó chỉ xoay quanh một chủ đề gả Kim cho Tuệ. Kim thầm nghĩ: “Mọi người điên mất rồi. Tuệ cao ráo, đẹp trai, con nhà gia giáo, lại là tiến sỹ bách khoa du học nước ngoài, định cư luôn bên đó, chưa một lần cưới vợ. Còn mình là một giáo viên, là thiếu phụ lỡ duyên, đã có hai con, già nua xấu xí. Cả lớp đồng lòng vun vén nhưng họ hàng, gia tộc thì sao? Anh em, bạn bè trong và ngoài nước thì sao? Cả hai đã 60 tuổi rồi, ra nước ngoài liệu Kim còn sống được bao lâu nữa?” Kim vô cùng cảm ơn Tuệ đã hết lòng yêu thương Kim, cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm đến hai đứa, nhưng hai mảnh ghép này vô cùng khập khiễng, không thể nào hàn gắn được. Kim quen rồi với cuộc sống cũ, dù chỉ là mặt nước ao tù nhỏ xíu nhưng êm đềm. Hội tan, Tuệ đứng trước Kim chần chừ, Kim liền chìa tay ra giã biệt. Lần đầu tiên tay trong tay nên chẳng muốn rời, Tuệ xiết chặt nhưng vẫn lúng túng, không nỡ chia xa.

Thời thơ ấu, Kim và Tuệ cùng quê. Kim ở xã trên, liền kề thị trấn. Cha mẹ Kim hành nghề y chữa bệnh. Tuệ ở xã dưới. Cha mẹ Tuệ làm nông nhưng nhà có gần mười mẫu ruộng, có tá điền, cận kề địa chủ. Lớn lên, hai đứa chung lớp, chung trường cấp 3. Chiến tranh chống Mỹ, trường sơ tán vào núi cách nhà năm cây số. Học trò chủ yếu đi bộ. Lớp Kim có độ mười lăm người đi xe đạp, trong đó có Kim và Tuệ. Ngày nào cũng vậy, trên đường quốc lộ về nhà, bọn con trai con gái vượt xe đạp lên trước vòng vèo, cản đường những bạn khác, đứa này ngã, đứa kia cười. Quần áo rách tước, sách vở tóe tung, có lúc về muộn hơn cả người đi bộ. Tuy đạn dội bom rơi, ô tô đều phải núp vào các lùm cây, tối đến mới bật đèn gầm mò ra đường vì máy bay địch trinh sát liên tục nhưng lũ quỷ học trò đâu biết sợ là gì. Mẹ Kim rất nghiêm nên Kim không dám tham gia, chỉ biết lùi lại phía sau. Tuệ lặng lẽ đi bên Kim không nói một câu nào. Thỉnh thoảng, hai đứa lén nhìn nhau rồi thẹn thùng quay mặt và cười ồ lên khi có người bị ngã. Tuệ có răng khểnh trông rất duyên, Kim nhớ mãi. Cạnh nhà Kim và cũng ngồi học bên Kim từ nhỏ đến lớn là một cô bạn gái rất tốt bụng, rất thân, nó tồ và nghịch ngợm hơn cả con trai nên Kim gọi nó là Tiểu quỷ. Tiểu quỷ luôn giám sát Kim để chọc ghẹo, nó phát hiện ra Tuệ và Kim có tình ý nên rêu rao, gán ghép trước lớp, làm Tuệ và Kim xấu hổ, không dám cận kề nữa. Có lần tan học các bạn lấy xe đạp về hết, còn hai xe của Kim và Tuệ bị khóa dây móc lại với nhau, không sao về được. Kim lùi vào góc lớp ngồi lặng yên, còn Tuệ luống cuống không tìm ra hướng giải quyết.

Tuệ vội bước ra sân ngoái nhìn hai chiếc xe. Còn Kim không hề lo sợ, cô đoán nhất định là Tiểu quỷ đã bày cái trò này, hắn đang núp đâu đó để bắt quả tang hai đứa tán tỉnh, sáng mai đưa ra lớp chọc ghẹo. Một lúc, không có động tĩnh gì, Tiểu quỷ chịu không nổi liền chui ra khỏi lùm cây, mặt mày lem luốc, đầu tóc rối bù dính đầy lá khô bị vỡ nát, áo quần xộc xệch. Hắn cười toe toét đến mở khóa, giải thoát cho Kim và Tuệ, rồi chạy ra phía sau lôi chiếc xe đạp cũ rích của hắn giấu dưới hào lên. Cái cặp sách da bò thô kệch của hắn buộc sau xe bám đầy đất sét. Hắn nhảy vội lên xe, áp sát người vào ghi đông, ưỡn ra trước tạo đà rồi đạp lia lịa dồn sức phóng nhanh, quay mặt lại nhìn Kim và Tuệ cười khanh khách. Hắn không biết rằng ống quần lanh đen hắn đang mặc bị đĩa xích xe đạp xé rách tua rua như tàu lá chuối mắc bão. Từ đó, Kim và Tuệ thận trọng hơn nhưng hai đứa vẫn để ý đến nhau. Cứ vậy, ba năm trôi đi, tình đầu là một mối tình câm sâu đậm trong lòng hai đứa. Rồi Tuệ bẵng biệt người thầm yêu đi du học nước ngoài. Chiến tranh tàn khốc, chẳng ai còn kịp gặp ai. Lớp Kim tốt nghiệp năm 1970, sáu người đi du học trong đó có Tuệ. Số còn lại thi vào đại học và chuyên nghiệp. Đến ngày thi, Kim bị ốm nặng, đành bỏ lỡ mộng làm kiến trúc sư, Kim chua xót vô cùng. Nước mắt giàn giụa, Kim chỉ biết khóc như một đứa trẻ mà không sao vơi đau đớn trong lòng. Kim biết làm gì khi cha mẹ cứ phải bán dần vàng bạc để nuôi sống gia đình, lại còn hai em nhỏ? Kim đành chấp nhận thi đợt hai vào trường Sư phạm năng khiếu Trung ương, nơi đào tạo giáo viên dạy các môn năng khiếu cho những trường cấp 3 và chuyên nghiệp. Mẹ Kim khuyên: “Thôi vào đó học, đừng mơ ước cao xa nữa mà hẫng hụt, rồi kiếm một thằng nào đó chưa vợ, con nhà nông quê thuần túy, ra trường cho nó cưới là xong”. Kim học rất chắc cả môn tự nhiên và xã hội, lại cầm kỳ thi họa, một chỗ đứng công danh như thế này Kim đành nhắm mắt cho xong. Ra trường, Kim được phân về dạy ở thành phố. Chồng Kim là Hán, dạy thể dục, được phân lên miền núi. Nghỉ hè, nghỉ Tết, hai đứa lại về nhà chồng để đoàn tụ. Hán đòi đưa xe đạp mới của Kim lên miền núi để Chủ nhật về thị trấn huyện cho vui. Kim đưa xe cũ nát của Hán ra thành phố ít đi lại. Cưới vợ thì không hề có lễ cưới, vậy mà cưới hai tháng Hán đã đòi đổi xe. Kim thấy buồn chán, không chấp nhận. Hết phép, trường ai nấy đi, Hán không bao giờ đến nơi Kim công tác.

Khu nội trú trường Kim nằm ở phía sau. Bên phải là khu độc thân, mỗi phòng hai giáo viên. Kim lấy chồng rồi nhưng chưa có con nên vẫn ở lại khu độc thân cùng một chị bạn. Một buổi sáng, vừa về phòng, chị bên cạnh gọi: “Kim có khách”. Kim ló đầu ra cửa thấy một thanh niên cao ráo, mặc quần Jean, áo phông đang dựng chiếc xe đạp ở góc phòng phía trước. Thấy Kim, anh vội quay lại cười và hỏi: “Còn nhớ ai nữa không?” Kim nhận ra Tuệ ngay bởi nụ cười có răng khểnh, cho dù Tuệ phong độ hơn thời đi học rất nhiều. Trò chuyện một lúc, Tuệ rủ Kim đi nơi khác đánh bóng bàn. Kim dắt xe đạp của mình cùng đi theo Tuệ. Tuệ rất vui, anh càng đánh càng thắng, còn Kim thua liểng xiểng vì tâm không tịnh một chút nào. Chờ lúc quả bóng lăn sang phía chân Tuệ, Kim cúi nhặt và bảo “Em cưới chồng tháng trước rồi”. Tuệ như vỡ nát con tim, lặng người một lúc lâu rồi bảo: “Chúng ta về thôi!” Tuệ rẽ lối khác, Kim quay về trường. Mối tình đầu Tuệ vùi chặt trong tim, biết bao lần nơi xa xứ Tuệ muốn biên thư nhưng không biết Kim ở nơi nào. Chiến tranh vừa dứt, Tuệ vội về nước tìm nhưng Kim đã phụ tình. Tuệ hận đến bầm gan. Tình yêu là vậy! Kim ngẩn ngơ, Tuệ đã đến rồi đi, gieo vào lòng Kim nỗi nhớ. Kim làm tan nát trái tim lành của một chàng trai trẻ khi mới bước vào cửa ngõ ái tình. Kim oán ghét chiến tranh khiến Tuệ không về được, không biết Kim nơi nào mà biên thư rồi lại trách mình lấy chồng sớm làm gì, trách mẹ ép con gái vội lấy chồng cho yên phận.

Hán, chồng Kim có máu gia trưởng, xuất thân nghèo nàn nhưng lại thích đua đòi ăn diện, chải chuốt, trà thuốc, rượu chè, trăng hoa. Lúc nào Hán cũng tự cho mình là đẹp trai, cao giá. Trong con mắt Kim, Hán chỉ là một kẻ bất tài, một tảng đá lớn đang đè nặng lên người phụ nữ yếu đuối. Kinh tế ngày càng túng quẫn, đồng lương thời bao cấp không đủ chi tiêu. Kim lao vào làm thêm nghề phụ thợ may nhưng vẫn túng kiệt vì phải nuôi thêm chồng. Kim hỏi tiền lương, Hán bảo:

– Đây không có cái kiểu đưa tiền cho vợ rồi khi cần ngửa tay xin đàn bà, tiền ai nấy tiêu.

Vậy thì được rồi. Đàn ông lo nhà cửa sự nghiệp con cái, còn lại đàn bà.

– Đừng có nằm mơ! Ở nhà tập thể, về hưu thì ở  nhà ông bà trong quê. Con cái nuôi đến 18 tuổi tự kiếm mà sống. – Hán chỉ tay vào cái máy khâu nói – Tiêu vặt ở đó, kiếm đi mà dùng. Hồi sinh viên cô nổi tiếng là nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi nữ công gia chánh, chịu khó. Có vậy tôi mới tranh giành, cưới vội để cô gánh vác gia đình, nếu không tôi lấy vợ sớm làm gì.

Hán dỗ dành Kim bán hết đồ nữ trang để mua xe Honda tiện về thăm nội ngoại. Mua xe được hai tháng, Hán bỏ đi mấy ngày, lúc về tay không. Kim hỏi xe đâu, Hán tỉnh bơ trả lời: “Bán mua bò cho ông bà rồi, của chồng công vợ, tôi là chủ cái nhà này, thích làm thì làm cần gì phải hỏi đàn bà”. Hán đi không ai biết, về không ai hay. Hán lầm lì, ít nói to nhưng lại vô địch về nói dai và vũ phu thì chẳng ai bằng. Tiền Kim dành dụm trong tủ cũng bị mất sạch. Đứa nhỏ đau bụng đi ngoài cấp cứu, Kim phải gửi đứa lớn cho cô giữ trẻ rồi ôm đứa nhỏ vào viện. Tiền không có một xu, rất may thời đó bao cấp hoàn toàn, lại có nhiều phụ huynh quen biết nên Kim đã nhanh chóng nhập viện cho con. Con phải truyền thuốc, Kim ngồi ôm con mà nhịn đói cả ngày. Hôm sau, bè bạn đến thăm Kim mới có cái mà ăn. Hán tưởng Kim có quỹ đen nên đã dọn hết tiền trong tủ. Ra viện, Kim đòi ly dị, mẹ Kim ngăn: Cố gắng ít năm nữa các cháu lớn, con sẽ đỡ thôi mà. Bây giờ hai em còn nhỏ, con mới lấy chồng đã ly dị, thiên hạ hiểu nhầm, làm sao hai em lấy được con nhà tử tế. Kim đành cố nuốt hết cay đắng vào lòng mà cam chịu. Hồi sinh viên, Hán đã che đậy hết tất cả xấu xa để tìm một cô vợ tử tế, càng ngày Hán lại càng tòi ra những thói hư tật xấu. Kim xuất thân gia giáo, đi thưa về trình, tu chí làm ăn, không quen lối sống buông thả đó. Nay gặp phải chồng như vậy, Kim ngán đến đỉnh đầu. Kim mặc kệ xem như không có cho xong, bận lòng thêm mệt. Hán có nhiều dư luận trăng hoa, ái ân chồng vợ nhạt dần và liên tục vũ phu với vợ vì nghi ngờ Kim đang cất giấu nhiều tiền, không đưa ra chi tiêu, ăn uống cho đã. Mấy ông chú lại xúi Hán: Bảo con Kim bán máy khâu đưa tiền về sửa nhà cho ông bà, rồi chuyển về dạy trong đó. Một buổi đi dạy, một buổi làm ruộng hỗ trợ ông bà bây giờ yếu rồi, mấy sào ruộng khoán lo không nổi. Cháu chắt học phổ thông trong đó giao cho con Kim lo liệu. Thằng Hán ở ngoài phố để lo cho các cháu vào chuyên nghiệp và là nơi ăn ở lưu trú. Kim nghĩ đã chấp nhận lấy chồng thì phải chung vai gánh vác gia cảnh, thiếu gì cách để cưu mang ông bà mà mình phải về trong đó làm ruộng, để Hán ở lại thành phố phè phỡn rồi lo cho con các chú. Con mình đưa về quê sau này làm gì mà sống? Cha mẹ ruột của Hán, Hán không lo, lại đùn đẩy cho mình gánh vác, làm trụ cột gia đình, lâu lâu một vài tháng Hán lại về một lượt. Hán đang biến vợ thành một vại cà hôi nước để dùng trong những ngày mưa bão đó sao? Hán ngồi đó mà chờ. Sao trước đây, Hán không cưới một cô giáo trường làng? Đúng rồi, thời sinh viên lần nghỉ hè Hán đi chơi nhà các bạn, Hán thấy Kim cổ đeo kiềng vàng, tay đeo lắc, nhẫn và hoa tai lại có xe đạp Phượng Hoàng xích hộp mới tinh, bọn con gái còn kháo: Con Kim có cả máy khâu Sing rê chân tủ của Pháp. Chừng đó tại thời điểm ấy đã hơn bốn cây vàng. Hán đã cố tình tán tỉnh bằng được và thủ đoạn bòn rút hết của. Con gái lấy chồng sinh hai con rồi thì ai nhìn nữa. Bây giờ Kim chỉ là cái vỏ ốc hoen ố lăn lóc ngoài bãi cát, ai thèm nhặt. Tử tế tuân thủ theo lệnh Hán thì có chồng, nếu không suốt đời bị cấm vận ở chốn quê mùa ấy, có chồng cũng như không. Mình là thân đàn bà, đông đúc bạn trai giàu sang phú quý, đang công tác ở cái thành phố này, chưa bao giờ mình có một mảy may suy nghĩ bòn rút của đàn ông vì lòng tự trọng lớn hơn tất cả. Hán là nam nhi lưng dài, vai rộng lại đi tính chuyện bòn rút của đàn bà, rồi trói buộc làm người ở không công cho gia đình Hán. Đúng là một trai bao hiện đại. Kim xót xa cho thân phận mình như một bông hoa rơi vào bãi rác. Hán không hề có một chút tình yêu thương   với vợ con. Hán là một kẻ ích kỷ, chỉ biết lợi dụng tất cả để lo cho chính bản thân mình. Hán đã biến tình yêu thành thủ đoạn, một kẻ vô tình vô nghĩa.

Kim quyết định ly hôn, không nghe bất cứ một lời bàn bạc, góp ý nào nữa vì sức chịu đựng đã cạn kiệt rồi. Đây là lối thoát duy nhất mà xã hội và pháp luật đã dành cho Kim. Ai cười thì họ là người không hề biểu biết về pháp luật, bận tâm làm gì. Mấy chị ở cơ quan Hán đến may đồ bảo rằng: Xưa nay đã chịu chơi thì không chịu khó, đã chịu khó thì không chịu chơi. Còn Kim vừa chịu chơi lại vừa chịu khó, thằng Hán để nó ly dị rồi tao đố mày kiếm được cô vợ nào như vậy. Hồi đó, mới kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Bộ đội nữ, TNXP về nhiều. Họ chuyển vào thương nghiệp, lương thực, thực phẩm để bán hàng. Thời bao cấp, tem phiếu, giáo viên nghèo xơ xác còn các nhân viên này thì tha hồ ăn uống thoải mái. Ai cũng bảo con gái thừa đầy. Hán đã đồng ý ký vào đơn cho Kim ly dị, nhưng ra điều kiện Kim phải nuôi cả hai con và không được đòi phụ cấp của chồng. Kim đồng ý. Hán hy vọng sẽ lấy một cô vợ bán hàng giàu có. Tài sản phân chia. Nhà tập thể, hai người, hai cái xe đạp là xong. Hán đòi chia đôi máy khâu vì đó là tài sản bà ngoại cho vợ chồng. Tòa điều tra đó là tài sản thừa kế của Kim trước khi xuất giá, pháp luật không cho phép phân chia của hồi môn. Hán lại kháng án: Vợ chồng Hán và Kim nuôi mười ba con gà và một con lợn sáu mươi cân. Kim đã bán tẩu tán, đề nghị tòa tính theo giá thị trường buộc Kim phải chồng cho Hán một nửa số tiền đã bán lợn, gà. Tòa điều tra: Chị thư viện phòng cạnh Kim xác nhận: Lúc cô Kim nạp đơn lên tòa, cô yêu cầu chồng đưa đồ đạc về cơ quan mà ở, chờ tòa xử còn lâu. Chú ấy ra đi, trong chuồng cô Kim có một con gà mẹ, mới ấp nở mười hai con gà con. Và cô Kim mua con lợn năm cân thả vào đó. Một tuần sau mưa bão, chuồng gà bị đổ, cáo lôi sạch, tôi nhặt về nấu cho lợn nha tôi ăn. Còn con lợn thì cô Kim bảo: Chị đưa về nuôi đi trả đồng nào thì trả. Tôi hoàn lại vốn cho cô Kim con lợn năm cân. Chuông lợn, chuồng gà cô Kim cho tôi dỡ sạch mang về. Chỗ đất đó cô Kim trồng chuối, đã tám tháng nay chuối sắp trổ buồng. Cô Kim không bán gà và lợn 60 cân nào cả. Chú ấy ở miền núi về, đồ đạc đưa hết vào nhà cha mẹ chồng, đến đây chỉ có mấy bộ đồ gói trong tấm ni lông buộc sau xe đạp. Vậy mà lúc ra đi, cái chăn bông mới cũng giằng xé lấy đi, để lại cho mẹ con cái chăn rách, bông dồn bốn góc ở giữa, chỉ có hai lớp vải màn. Nhà chỉ mỗi cái xô xách nước, cái chậu rửa mặt cũng lấy luôn. Hai đứa nhỏ phải mang cái chậu gang sứt mẻ ra hứng nước ở vòi công cộng khiêng về. Bây giờ lại thêm phi vụ này nữa. Tôi bảo: Chú không nghĩ cho hai đứa con sao? Chú ấy bảo: Lấy vợ khác, đẻ con khác. Không có con trai thì “lá rụng về cội”. Chúng nó là huyết thống của tôi. Chúng phải tự tìm về. Tôi có tệ khi tôi sắp chết, già nua chúng cũng phải cưu mang. Bây giờ đã giao cho mẹ nó rồi thì tôi không quan tâm nữa. Tôi thả cho hai đứa con đó, rồi vét cạn kiệt kinh tế. Gia cảnh như vậy, có thằng nào dám nhảy vào mà đa mang. Cô ấy sẽ chết sầu, chết héo vì không có tình yêu đến tận già. Là phật tử, Kim nghĩ rằng: Luật nhân quả, gieo thiện gặp thiện; gieo ác gặp ác. Người tính không bằng trời tính. Tòa dứt điểm Kim nuôi hai con, không nhận phụ cấp. Hai vợ chồng, hai xe đạp, lúc này cả Kim và Hán đều 30 tuổi. Người ở cơ quan của Hán cứ hỏi rằng: Tại sao cái thằng đẹp trai như vậy mà con Kim lại bỏ. Kim chỉ trả lời: Không hợp.

Ly hôn xong, cô không bao giờ dám nghĩ đi bước nữa. Kim quyết định vùi đầu vào công việc để nuôi con ăn học tử tế, không thua chúng kém bạn. Những lúc buồn, Kim lại nhớ tất cả những kỷ niệm của thời học sinh có Kim và Tuệ. Thỉnh thoảng Kim đến chùa trút bỏ phiền muộn và cầu nguyện để lấp chỗ trống trong lòng. Những đêm đông lạnh giá, Kim lắng nghe từng giọt sương rơi, tự hỏi lòng: Đào hoa chịu tiếng làm chi mà quạnh quẽ như người đã quy y chốn cửa thiền. Tuệ là trai chưa vợ lại lòng đầy căm hận Kim là kẻ phụ tình, mãi mãi Tuệ không bao giờ gặp lại. Tuệ yêu Kim, một tình cảm chân thành không hề tính toán. Càng nghĩ Kim lại càng luyến tiếc. Những chiều hoàng hôn vây tím trời, Kim lại ngóng về Tây phương xa thẳm rồi đắm chìm trong tuyệt vọng, mắt biếc màu thương nhớ nay đã nhuộm sầu vì đằng đẵng ngóng trông. Giữa phố vui xa xôi ấy, Tuệ biết chăng Kim đang miên man trong nỗi nhớ khôn nguôi?

Mười năm lại trôi, Kim vào tuổi 40, các con đã lớn. Kim có nhà riêng mặt phố, là tổ trưởng chuyên môn và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Kim nghe tin Tuệ vẫn chưa lấy vợ. Những khi chiều xuống, Kim lại vấn vương cõi lòng chỉ biết ngóng về Tây phương biền biệt, đa mang một nỗi nhớ, và cứ mãi lẻ loi trong xót xa.

Mười năm nữa lại trôi, Kim vào tuổi 50. Tuệ quyết định về nước mua nhà Hà Nội và cưới vợ là cháu của anh bạn cùng lớp ngày xưa. Tuệ sẽ mời Kim dự hôn lễ nhưng càng gần Kim, Tuệ lại càng đớn đau, cố quên đi càng nhớ, muốn hững hờ khăng khít lại nhiều hơn. Tuệ không thể lu mờ hình ảnh của Kim để thay thế một cô gái khác trong lòng. Tuệ đành bỏ lại tất cả quay ra nước ngoài định cư tiếp. Nghe tin Tuệ về nước cưới vợ, Kim nhẹ nhõm vô cùng. Vậy mà đang chờ thiệp cưới, Kim lại nghe tin Tuệ bỏ ra nước ngoài rồi.

Các con của Kim học xong đại học, đi làm và cưới vợ. Kim làm lại nhà, những việc cần giải quyết, Kim đã thực hiện xong. Bây giờ, Kim chỉ lo cho chính bản thân mình. Kim vào tuổi sáu lăm, Tuệ lại về nước, đến khách sạn biển miền Trung hội lớp 2 ngày. Sáng hôm sau Kim đến, Tuệ ngồi im, Kim cũng im lặng rồi xin phép ra về dù hội chưa tan. Tuệ vội nắm tay Kim kéo ngồi sát bên cạnh. Tuệ rất mong gặp Kim nhưng đến gần Tuệ lại lạnh lùng.

Năm năm nữa lại trôi, Kim vào tuổi 70, Tuệ lại về hội lớp. Đêm ấy, Tuệ gọi điện ngay cho Kim dặn Kim sáng mai đến đúng hẹn. Tuệ lắng nghe Kim to tiếng: “Em bỏ chồng từ khi 30 tuổi chẳng có anh nào thèm nhìn ngó, bây giờ già rồi, em không gặp ai nữa”.

Tuệ nghĩ, “Kim đang trách mình nhiều lắm, tại sao vậy?” Kim nói em bỏ chồng lúc 30 tuổi, Kim có hai đứa con. Vậy khi Tuệ đến cầu hôn Kim nói em lấy chồng rồi là thật? Tại sao Định, bạn học của Tuệ, lại nói Kim kén chọn mãi mới lấy chồng, có hai con còn nhỏ, chồng để nhà cho 3 mẹ con đi theo người đàn bà khác, mới ly hôn? Tuệ mong cho đến sáng mai để ba mặt một lời trước bạn bè làm rõ sự thật.

Vào hội lớp, Định yêu cầu từng người giới thiệu gia cảnh. Định vội gọi độ bốn, năm người có máu mặt giới thiệu xong, rồi vội chuyển sang Kim. Kim từ từ giới thiệu. Em công danh thấp kém, lấy chồng vội cho xong lúc 21 tuổi. Có hai con trai, đến 30 tuổi ly hôn vì vợ chồng không hợp, em nuôi cả hai con. Em là giáo viên đã nghỉ hưu. Hai con trai là công chức nhà nước, đã ngoài 40 tuổi. Hai con dâu là giáo viên,  có hai căn hộ nhà tầng liền kề mặt phố. Tuệ lặng người vì sự thật đã phơi bày. Từ xưa đến nay, Kim chưa hề nói dối Tuệ một câu nào, Tuệ ân hận và càng thương Kim nhiều hơn. Tuệ không ngờ rằng Định lại là tình địch đã che giấu người yêu của mình để tán tỉnh trong suốt mấy chục năm nay.

Tuệ tuyên bố trước bạn bè cả cuộc đời Tuệ chỉ yêu mình Kim. Nếu biết Kim bỏ chồng lúc 30 tuổi, Tuệ sẽ quay lại với Kim ngay lúc đó, không để đến tận bây giờ. Tuệ chỉ biết yêu Kim, mong được chung sống với Kim, không quan tâm đến công danh cao thấp của Kim và cũng không bận lòng khi Kim là một thiếu phụ có hai con. Kim an ủi, “thôi duyên phận số trời. Em tin còn có kiếp sau. Em sẽ nguyện cầu để chúng ta còn gặp lại”. Từ đầu đến cuối cuộc đời, có một người tình như vậy, Kim thỏa mãn lắm rồi, không cần nghĩ đến chuyện lấy chồng làm gì nữa. Một chữ yêu đã làm điên đảo hai kẻ dại khờ trong suốt cả cuộc đời. Tuệ với Kim còn hẹn còn thề, còn ôm mộng ước, dù họ đang trên hai lối rẽ đi về cõi hoang vu. Họ cảm ơn nhau một đời đã cho nhau một người để nhớ. Cứ như vậy, họ đeo đẳng mãi tận bây giờ. Theo thời gian, trong lòng họ đã chở nặng bao muộn phiền, thương nhớ, trái ngang nhưng vẫn vẹn nguyên một mối tình trắng trong như trang vở mới học trò.

Đò anh neo mãi trong trái tim buốt giá, chưa một lần đưa đón người tình qua sông ái bến yêu để một đời lòng trai luôn trống lạnh nơi xa xứ, đành lặng nhìn hồng nhan tri kỷ mang nặng nợ tình lẻ loi trên chiếc thuyền quyên lạc lõng giữa dòng đời cho phong ba dội, dạt trôi mãi tận cuối trời mà không sao níu lại. Chỉ còn vang vọng một câu hẹn ước: Nợ tình anh, kiếp sau em sẽ trả khi còn trắng trinh nguyên vẹn.

Dương Kinh Thi