Nàng ngồi đấy, đôi mắt dõi nhìn vào khoảng không vô định trong buổi chiều thẫm tím, ánh nhìn của nàng hướng về đàn chim đang bay thật nhanh để tránh cơn gió lớn tràn về và lẩm nhẩm câu hát: “Chiều đi qua làm gì chiều ơi? Mùa đi qua làm gì mùa ơi? Cho tôi nghe lạnh giá từng chiều, từng mùa…”[1]
Gió. Gió tốc vào đôi cánh của những chú chim đang rướn mình đối chọi, lấy hết sức lực còn sót lại để vượt qua cơn bão. Chúng yếu dần, yếu dần. Nàng nhìn thấy rõ vài ba con trong đàn tụt lại phía sau, chới với. “Cố lên, cố lên!” Nàng vội buột câu động viên như đã từng động viên anh những ngày cuối cùng trong cuộc kháng chiến.
Những ánh chớp bắt đầu lóe lên ở phía cuối trời. Ráng chiều trong cơn gió đen thẫm. Đám mây ùn ùn kéo đến, những hình thù kỳ quái hiện dần trên đầu nàng. Nàng thây mặc. Ánh mắt nàng vẫn găm vào đàn chim đang di trú. Nàng nhìn thấy rất rõ những đôi cánh trễ dần xuống, xơ xác. Chao đảo. Nghiêng ngả. Sấm động vang trời. Mưa ào ào. Mưa nhỏ vào mắt nàng. Nàng chớp mắt. Ngước nhìn, đàn chim đã mất hút. “Đâu? Đâu rồi?” Tiếng nàng rin rít phát ra từ trong cổ họng, đùng đục, khàn khàn. Không phải tiếng của nàng. Đó là tiếng rung của những dây thanh quản va đập vào nhau tạo nên chuỗi âm thanh như của loài vịt đực kêu quang quác khàn khàn.
Bỗng nhiên, nàng ngơ ngác, hoang hoải khi biết tiếng vừa phát ra không phải tiếng mình. Nàng chới với. Mưa mỗi lúc một to hơn. Gió mạnh hơn. Mưa, gió quất vào mặt nàng bỏng rát như đá. Nàng ngây người.
– Mẹ ơi! Mưa rồi kìa. Ướt hết rồi. Vào nhà đi mẹ!
Tiếng con gái nàng từ phía chân dốc vọng lên. Nàng vẫn dõi nhìn về phía ấy. Phía sau những vạt rừng đang rỉ máu, loang lổ đen trắng trồi lên rồi lại tụt xuống sau những quả núi nhấp nhô là quê hương của nàng, nơi chồng nàng đang ở đó.

***

Nàng mười tám. Chiến tranh. Nàng tình nguyện lên đường. Những vạt rừng Quảng Trị xơ xác, chập chờn ẩn hiện những hình hài trắng bay lơ lửng.
Chiều muộn. Nàng gặp chàng. Nàng trân trân đứng nhìn con người mà biết bao ngày nàng và cả toán con gái trong khu rừng thăm thẳm này chưa được nhìn thấy.
Nàng đã mười chín, đã tròn đầy, vòm ngực săn chắc nõn nà. Chàng như từ bùn đất ngoi lên trong câu chuyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Vạt áo đẫm mùi thuốc súng. Cái nhìn nẩy lửa trong khi nàng trần truồng bên khe suối. Khao khát. Thèm muốn. Như điên dại. Không ngượng nghịu. Không vơ vội quần áo. Không la hét. Chỉ có ánh trăng sáng vàng trùm kín hai cơ thể trơn nhẵn. Gió mơn man da thịt mát lạnh. Hai cơ thể vàng rực trong trăng mười sáu quằn quại. “Cô làm cái quái gì thế? Không nghe thấy tiếng máy bay à?” Tiếng quát của chàng khiến nàng tỉnh cơn mộng. Vơ vội quần áo che lấy thân thể ngọc ngà mà tạo hóa đã tạo ra cho nàng.
– Em xin lỗi, vì nóng quá nên em… em.
– Nhanh lên, em… em cái gì!
Nàng lầm lũi theo sau chàng như một tín đồ. Tiếng máy bay phản lực. Tiếng pháo cao xạ. Tiếng súng liên thanh. Tiếng sói tru. Tiếng hổ gầm. Tiếng chim nháo nhác. Bom xối xả dội xuống khu rừng như mưa. Chàng vội kéo nàng xuống căm hầm mà toán trinh sát của chàng phát hiện ra khi đi qua. Chật chội. Mùi khét lẹt bốc ra từ chiếc áo đã rách do phải lăn lê, bò trườn và bị gai đâm xé. Hơi thở phía sau. Nhột nhột sau tai. Nàng dường như gần tan thành nước. Khẩu súng trên người chàng trượt khỏi vai. Tiếng máy bay trên đầu nàng vẫn ầm ầm ù ù. Không có ánh trăng giát vàng như nàng mơ. Chỉ có bóng tối bao bọc lấy chàng và nàng nơi căn hầm chật chội, trong buổi chiều muộn giữa khu rừng già lạnh tanh, chỉ còn tiếng gầm rú của những chiếc máy bay. Cơ thể nàng bịn rịn, run rẩy, nóng rẫy. Tiếng máy bay xa dần, xa dần. Những ngón tay lùa vào mái tóc nàng hít hà mùi trinh nguyên. Hai mái tóc ngắn dài trộn lẫn vào nhau. Những lớp áo được tách khỏi cơ thể một cách cuống quýt. Chàng chạm khẽ vào khuôn ngực tròn căng mẩy. Bàn tay run run, dường như cả cơ thể chàng cũng run lên vì lần đầu chạm vào một cơ thể có những đường cong mềm mại. “Chiến tranh kết thúc em tìm theo địa chỉ này nhé. Chút nữa bọn anh phải lên đường vào chiến trường Tây Nguyên, quân ta đã bắt đầu đánh chiếm Tây Nguyên rồi”. Nàng áp đôi môi của mình lên khắp thân thể chàng mà ngấu nghiến, – “Em sẽ chờ và em sẽ tìm”. Nàng và chàng ra khỏi căn hầm. Chàng đi về hướng nam, trở lại với toán trinh sát. Nàng ngược lên hướng bắc, trở về với đơn vị của mình.

***

Buổi chiều mưa giữa vùng biên cương, con gái nàng mở cho nàng nghe một đoạn nhạc: “Người đến đời tôi một chiều rồi người đi. Tình đến đời tôi một mùa rồi tình xa. Để rồi một chiều tôi nghe hoang vắng. Để rồi một mùa quanh tôi quạnh hiu. Người đi qua làm gì người ơi? Chiều đi qua làm gì chiều ơi? Mùa đi qua làm gì mùa ơi? Cho tôi nghe lạnh giá từng chiều, từng mùa…” Nàng lẩm nhẩm hát theo.
– Buồn quá mẹ nhỉ – tiếng con gái thì thào – anh Thắng biết con mê nhạc Phú Quang nên thu âm lại vừa gửi cho con theo đường bưu điện lên đấy. Anh Thắng bảo hôm nào anh ấy sẽ đưa bố anh ấy lên trên này thăm mẹ. Ngày xưa bố anh Thắng cùng trong đội trinh sát với bố con đấy. Mẹ ngồi dịch vào trong này kẻo mưa hắt, ướt, ốm rồi lại đau. Mà dạo này lâm tặc nhiều lắm, cứ như rươi ấy mẹ ạ. Mấy anh kiểm lâm hôm qua vừa bắt được một toán, có một thằng bắn anh Nam vào chân phải xuống bệnh viện tận dưới trung tâm nằm. Con nghe đâu hình như anh ấy phải cắt bên chân bị dính đạn hay sao ấy. Tội cho anh ấy quá mẹ nhỉ? Anh ấy mới lấy vợ hồi đầu năm. Chẳng biết ở nhà vợ anh ấy có biết tin này không. Mẹ ngồi đây nghe nhạc nhé. Con đi nấu cơm. Hôm nay anh Bình mới từ dưới xuôi lên thay anh Nam có mang một ít rau cải xoong, con luộc ăn cho mát mẹ ạ. Với lại nó lành cho vết mổ ở cổ của mẹ.
Người mẹ vẫn ngồi sát mé cửa sổ, vẫn lẩm nhẩm hát mãi một câu hát: “Chiều đi qua làm gì chiều ơi? Mùa đi qua làm gì mùa ơi? Cho tôi nghe lạnh giá từng chiều, từng mùa…” Trời tối mau hơn. Cơn mưa rừng xối xả hơn, át cả tiếng bài hát phát ra từ chiếc đài mà Đông Hà vừa được Thắng gửi từ dưới xuôi lên.

Minh họa của Hồ Thiết Trinh

Nàng mở mắt, thấy toàn thân đau ê ẩm. Nàng muốn nhấc cơ thể dậy nhưng không thể. Toàn bộ cơ thể nàng một màu trắng toát. Đầu đau như búa bổ. “Tây Nguyên chiến thắng rồi! Nhóm trinh sát của chàng chắc đang tiến vào Sài Gòn. Cố lên! Cố lên!” Nàng khẽ mấp máy đôi môi khô khốc, tái đi vì mất quá nhiều máu. Lúc này nàng mới vội đưa tay xuống bụng quấn đầy những lớp băng bó.
– Nhài tỉnh rồi à? Cố lên em nhé! Chiến tranh hết đến nơi rồi. Hà Nội đang chào đón chúng ta trở về.
– Con em? – Nhài buột vội. Chị y tá khẽ đặt bàn tay của mình vào bàn tay băng gần kín, chỉ còn để lộ ra năm đầu ngón tay của Nhài.
– Chiến tranh mà em. Còn sống là sẽ còn có những đứa con – Chị quay đi tránh những giọt nước mắt nóng rẫy đang lăn xuống chạm vào lớp băng băng kín khuôn mặt, chỉ còn hở hai con mắt và miệng. Nhài nằm đấy bất động. Mi mắt nàng chỉ chực cụp xuống. Thân thể nàng như những rừng cây bị bom xé toác làm đôi.
Nàng ra khỏi bệnh xá thì cũng là ngày đất nước thống nhất. Nàng nghe nói đội trinh sát của chàng bị trúng bom. Không ai còn sống sót. Vết thương khiến nàng đau đớn. Viên đạn trong đầu nàng thi thoảng lại âm âm u u như tiếng máy bay phản lực. Nàng được điều về trại thương binh ở phía bắc. Gần nửa năm thì gia đình đón nàng về. Một năm sau, mẹ nàng qua đời. Hai nỗi đau vật thân thể nàng xuống chỉ còn như xác ve. Hai chị dâu tránh ngược tránh xuôi, “Còn phải kiếm tiền để mà hốc, thời gian đâu chăm sóc người chẳng ra người, điên điên khùng khùng ấy”. Nàng quay trở lại trại thương binh. Nàng bắt đầu có da có thịt. Nước da bắt đầu hồng trở lại. Nhưng có một vật gì đó cứ đọng lại trong cổ nàng khiến nàng khó chịu.
Một hôm, Thanh, người y tá năm nào, tìm được đến khu điều dưỡng thương binh. Mừng mừng tủi tủi. Nàng mở lại cái ba lô con cóc mà lâu lắm rồi đã lãng quên. Tấm ảnh và dòng địa chỉ rơi ra. Nàng nhìn nó trân trân rồi đưa tay xuống bụng. Mắt ngân ngấn lệ. Thanh ngó sang:
– Ơ… anh Quang, anh Quang trinh sát đây mà.
– Chị… chị biết anh… anh… ấy à?
– Anh ấy một thời là bệnh nhân đặc biệt của chị đấy! Hòa bình, vô tình hai chị em lại gặp nhau trên một chuyến tàu. Giờ chú ấy được điều lên phía bắc đảm bảo an ninh vùng biên giới.
Nàng ngước nhìn chị Thanh: “Anh ấy còn sống à? Anh ấy chưa chết? Anh ấy còn sống. Anh ấy chưa chết”. Nàng cứ bám vào tay chị Thanh mà lắc mà giật. Nàng cười như man dại. Tiếng cười va đập vào không trung theo gió lan xa xa mãi.
Tháng Sáu, trời nóng như đổ lửa. Chàng tìm đến nàng sau quãng đường dài hàng trăm cây số. Nàng ngỡ ngàng như không phải. Nàng nhìn thấy phía trước mình là cánh rừng già trong buổi chiều thẫm tím, tiếng máy bay quằn quại trên đầu. Lại vẫn là tiếng sói tru. Tiếng hổ gầm. Tiếng quạ kêu quang quác. Một vật gì đó ứ nghẹn trong cổ nàng. Nàng đau. Nàng quằn quại. Chàng ghì chặt nàng. Hơi ấm dần dần lan tỏa. Nàng dịu đi trong vòng tay chàng.

***

Chiến tranh. Bệnh xá. Sẩy thai. Trại điều dưỡng thương binh Hà Bắc. Tình yêu của anh dành cho nàng dường như đã khiến bệnh tật trong người nàng tan biến.
Con nàng đã hai mươi sáu. Tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp, ngành Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng. Con bé xin về vùng biên cương phía Bắc theo dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, lại được gần bố và mẹ. Viên đạn trong đầu nàng thi thoảng vẫn âm âm u u. Cái bướu ở cổ nàng cứ to dần, to dần theo từng mùa trăng. Kiểm lâm vẫn truy sát lâm tặc. Đồn biên phòng vẫn rượt đuổi hàng buôn lậu vượt biên.
Mưa rừng xối xả. Mọi người cùng chồng nàng về. Bất động trong vài giây. Đầu nàng lại âm âm u u tiếng máy bay phản lực. Nàng khuỵu xuống bên chồng nàng. Con gái nàng về hớt hải lay chồng nàng và nàng. Mí mắt nàng động đậy. Khuôn mặt nàng nhòe nhoẹt thứ nước nhờ nhợ như máu cá, thấm ướt từ thân thể của chồng nàng. Chồng nàng vẫn bất động. Đội trinh sát vùng biên lặng đi trong tiếng gào thét của nàng. Con nàng lay lay một trinh sát gần nhất, “Bố cháu làm sao thế? Hồi sáng bố cháu hứa cuối tuần này đưa cháu và mẹ về dưới xuôi kia mà? Bố cháu…”
– “Bọn chúng đông quá, mà bố cháu thì…” Người trinh sát mái tóc đã bắt đầu có những sợi bạc ngắt quãng, giọng run run.

***

Cơn mưa rừng vẫn chưa tạnh. Con gái nàng gọi, “Mẹ ơi, lại ăn cơm nào. Ngon lắm. Hồi sáng bác cả gọi điện lên bảo sắp đến Tết rồi, con lên đưa mẹ về, không đâu bằng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hồi con với bố về quê đúng vào cái ngày 19 học sinh tử nạn. Vậy mà, thấm thoát 6 năm cũng trôi qua rồi mẹ nhỉ? Cầu Chôm Lôm đã được xây dựng nhưng mỗi khi nghĩ lại cái ngày định mệnh ấy, trong con lại hiện hữu tiếng gào thét đến xé lòng của những người cha người mẹ; rồi nhiều người dân ngồi cúm rúm bên bờ sông nhìn xa như không thể chấp nhận nổi. Tiếc rằng… bố con không được nhìn thấy cây cầu ấy…”
“Mới đó mà quê mình thay đổi nhiều thế mẹ nhỉ. Bác cả không bảo thì con tính đầu tháng 12 này sẽ đưa mẹ về dưới xuôi và cũng vì anh Thắng muốn xin cưới đầu năm sau mẹ ạ. Với lại, đường sá thì xa mà sức khỏe của mẹ thì không còn như trước nữa. Bố cũng được mang về quê rồi. Dự án trồng rừng của con cũng sắp hết hạn rồi. Anh Thắng bảo con cứ định mãi xa nhau như vậy à.” Nàng quay lại ngước nhìn con gái, rồi lại về bên cửa sổ dõi nhìn phía phương trời xa lắc. Nàng nhẩm nhẩm: “Chiều đi qua làm gì chiều ơi? Mùa đi qua làm gì mùa ơi? Cho tôi nghe lạnh giá từng chiều, từng mùa…”.

***

Con nàng đã hết kỳ hạn đi theo dự án trồng rừng. Nàng cũng đã khỏi cái bệnh ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Chồng của con gái nàng đã xin cho vợ về làm bên kiểm lâm của thị trấn Hòa Bình. Còn nàng, ngày ngày chơi đùa cùng cháu và chăm sóc những gốc đào phai để chúng nở đúng dịp Tết. Những gốc đào phai không cần chăm bón, cắt tỉa cầu kỳ nhưng cứ xuân về, trên những cây đào lại căng tràn nhựa sống với dáng vẻ tự nhiên, hoang sơ, cành chen lá, lá chen hoa. Một thứ hoa mộc mạc, giản dị, chỉ có vài cánh đơn nhưng với nàng đó là niềm vui giữa âm u núi rừng, nhắc nàng nhớ đến những gì đã đi qua trong đời.
Buổi sáng mùa xuân, những cành đào phai qua một đêm đã nở bung. Trên khắp các triền đồi, nơi đâu cũng được tô điểm bởi những nụ hoa e ấp làm lòng người thêm rạo rực. Nàng nhẹ bước và thấy tâm hồn mình thật thanh thản.

[1]. Bài hát “Cho một người tình xa” của nhạc sỹ Phú Quang

Lý Thu Thảo