Từ một người nông dân chỉ quen với trồng trọt, chăn nuôi, trải qua các lớp tập huấn và hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức xã hội khác, anh Vừ Tồng Pó đã dấn thân vào con đường phát triển du lịch cộng đồng. Trải qua một thời gian khó khăn bước đầu cũng như do dịch bệnh, đến nay, các hoạt động du lịch đã bắt đầu khởi sắc. Những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông ở cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn) cũng được nhiều gia đình phát huy vào các hoạt động du lịch. Điều đó không chỉ giúp các giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, mà Vừ Tồng Pó là một ví dụ.

Anh Vừ Tồng Pó trong một buổi biểu diễn văn nghệ cho du khách tại homestay Vừ Tồng Pó

Vừ Tồng Pó sinh ra trong một gia đình người Mông, thuộc thế hệ 7X. Trước năm 1996, cũng như bao gia đình khác ở Mường Lống, gia đình anh tham gia trồng cây thuốc phiện. Nhưng khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện để trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ và chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nhiều ý tưởng đã được người dân tiếp nhận, nhiều gia đình đã thoát nghèo từ mô hình nuôi gà đen, trồng mận, trồng đào, chăn nuôi bò và làm homestay.

Đầu năm 2020, nhờ tham gia các lớp tập huấn của chính quyền địa phương, tham khảo, học hỏi trên mạng Internet, anh Vừ Tồng Pó dựng ngôi nhà sàn gỗ hơn 700 triệu đồng để bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Tôi khá bất ngờ vì ở một nơi xa xôi, hẻo lánh lại có thể dựng được ngôi nhà gỗ đẹp và hoành tráng đến như vậy. Anh Vừ Tồng Pó cho biết: “Ban đầu với số vốn 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tìm mua 50 con gà đẻ giống gà đen bản địa và 01 máy ấp trứng về để phát triển chăn nuôi. Dần dà đàn gà tăng lên từ 300 – 700 con, có thời điểm lên đến hơn 1.000 con, cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Thấy mô hình nuôi gà đen phát triển, nhiều hộ gia đình đã tìm đến, mình không giữ làm của riêng mà hướng dẫn để những gia đình khác trong bản, trong xã làm theo. Năm 2020, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ xã, mình vận động thành lập Chi hội Nông dân chăn nuôi gà đen với 15 hộ, 36 thành viên tham gia. Đến năm 2021 thì tuyên truyền thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Mường Lống với 07 thành viên. Đến năm 2022 thì có tới 10 thành viên tham gia làm du lịch cộng đồng và đã có 7 ngôi nhà hoàn thiện còn 3 ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện”.

Những ngày đầu làm du lịch, Vừ Tồng Pó gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ cũng như cách quảng bá, kết nối tour du lịch, trình độ năng lực hạn chế, còn tò mò, chưa có nhà nào đi trước để có tầm nhìn mà làm theo. Bà con dân bản cũng chưa hiểu nhiều về phát triển du lịch, nguồn vốn chưa đảm đương được, vì vậy bày trí nội thất chưa được đầy đủ,… Nhưng với quyết tâm học hỏi, lại được chị Vi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm điều phối du lịch kết nối cộng đồng miền Tây xứ Nghệ (TNT) hướng dẫn cách làm và đi học tập các mô hình ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong nên anh không nản lòng, không bỏ cuộc.

Năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 mà lượng khách đến Mường Lống có hạn chế nhưng từ đầu năm 2022 thì bình quân mỗi tháng homestay Vừ Tồng Pó đón tiếp từ 150 – 200 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Các ngày thứ Bảy và Chủ nhật luôn chật kín người.

Phát triển lên hợp tác xã sẽ mở hướng đi lâu dài vừa phát triển nông nghiệp với các mặt hàng đặc sản như gà đen, bò địa phương, rau sạch, bên cạnh đó cải tạo và trồng thêm vườn mận, vườn đào, phát huy lợi thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Với mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống được xây dựng điểm, từ đó nhân rộng ra các bản khác nhằm phát huy hết lợi thế và tiềm năng của vùng đất Mường Lống gắn với việc lưu giữ được những ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp với những nét truyền thống của ngôi nhà người Mông, được bổ sung thêm những tiện ích hiện đại, tạo sự thoải mái cho du khách. Đây cũng là cách làm ta vẫn gọi là “hoà nhập chứ không hoà tan” bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng của người Mông trên cổng trời Mường Lống!

Với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào người Mông, và giữ gìn an ninh trật tự để mang lại sự bình yên, no ấm ở phía sau “cổng trời” Mường Lống thì Vừ Tồng Pó và các gia đình làm homestay ở đây đã và đang cố gắng dựng lại những ngôi nhà truyền thống, những lễ hội, những lễ cúng của người Mông để du khách có thể cùng tham gia trải nghiệm. Nhìn vào tổng thể không gian ngôi nhà, sẽ bắt gặp những không gian thiêng, với những ma nhà, ma cửa, ma buồng, ma bếp, ma sàn gác,… Nếu gạt bỏ đi những lớp màn huyền bí mang màu sắc mê tín, thì có thể thấy được ở đó những dữ kiện “biết nói” về lịch sử, văn hóa, xã hội của người Mông. Trong đời sống tín ngưỡng người Mông đặc biệt chú trọng lễ cúng ma bản, là thần bản mệnh của bản, người phù hộ độ trì cho dân bản mạnh khỏe, tránh bệnh tật, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt,… Vì quan niệm mọi vật đều có linh hồn nên ngoài cúng ma bản, đồng bào còn cúng nhiều loại ma như: ma trâu, ma nhà, ma cửa, ma lợn, ma bếp,… Với nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc như vậy mà Vừ Tồng Pó cùng với các homestay ở Mường Lống cố gắng bảo tồn và duy trì những phong tục tập quán có từ lâu đời của người Mông. Không những thế du khách sẽ được đắm mình trong những câu chuyện nổi bật trong kho tàng truyện kể của đồng bào Mông, đó là tác phẩm “Tiếng khèn của Gia Ba Sử”, “Vừ Lin Thoong và Lỳ Ta Xa”, “Truyện Vừ Lông Pốc”… được hòa âm với các giai điệu cử xia, lù tẩu, vàng hủa, lệ lệ lệ tù lệ, xến, xằng lề,…

Mùa xuân Mường Lống. Ảnh: Trung Hà

Rất mừng cho anh Vừ Tồng Pó cũng như bà con dân bản Mường Lống 1, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 7 tháng 7 năm 2022 phê duyệt danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, có 04 huyện (Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Anh Sơn) được hỗ trợ 720 triệu đồng, 04 bản (trong đó có bản Mường Lống 1) được hỗ trợ 220 triệu đồng và 12 hộ gia đình được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Gia đình Vừ Tồng Pó cũng có trong danh sách này. “Với sự hỗ trợ này, chắc chắn sẽ có những lớp dạy sáo, dạy khèn truyền lại cho thế hệ sau, để các con, các cháu biết tự mình sáng tác những bài hát riêng của dân tộc mình, biết thổi khèn, thổi sáo… Dân giàu thì nước sẽ mạnh thôi”. Anh Vừ Tồng Pó vui mừng chia sẻ.

Bắt nhịp với thời đại công nghệ 4.0, Vừ Tồng Pó có thể lập trang facebook cá nhân của mình, lập thêm tài khoản nữa là “Homestay Vừ Tồng Pó – Mường Lống” hoặc “Homestay Mường Lống – Kỳ Sơn” để quảng bá những hình ảnh đẹp, những món ăn ngon đặc sản của người Mông trên cổng trời thì chắc chắn những ý tưởng, những dự định của anh sẽ sớm được hoàn thành và sẽ bay xa thoát ra khỏi “cổng trời” quanh năm mây mù bao phủ.

Còn muôn vàn khó khăn đang hiện diện ở phía trước đòi hỏi những gia đình như anh Vừ Tồng Pó cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều lắm. Nhưng, tôi tin với ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, với nếp nghĩ, nếp làm mới này đã mang đến màu sắc tươi sáng hơn cho các bản làng sinh sống dọc triền núi bên dãy Trường Sơn hùng vỹ với những nếp nhà sàn xinh xắn thấp thoáng dưới những vườn đào, vườn mận nên thơ và yên bình ở vùng bình nguyên xanh này.

Với phương châm dám nghĩ dám làm, nắm bắt cơ hội, với sự nhanh nhẹn, nhạy bén, Vừ Tồng Pó là một tấm gương sáng về ý chí vươn lên làm giàu nguồn vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên không chỉ ở Mường Lống nói riêng mà còn của Nghệ An nói chung. Từ đây đã mở ra nhiều loại hình dịch vụ du lịch, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Lý Thu Thảo

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)