1. Lựu không biết mình đang ở đâu nữa. Một vùng biển lạ. Không có lăng ông Nam Hải. Không có miếu thủy thần tọa lạc bên gành đá hoang sơ và huyền bí. Không có rặng dừa xanh. Không nghe mùi tanh nồng của cá phơi chưa đủ nắng. Biển đầy trăng. Trăng tràn ngập khắp nơi. Cứ rời rợi, mê hoặc và đưa Lựu đi trong vô thức. Biển mùa trăng…! Lưu khẽ thốt lên. Bãi cát trắng mịn chìm trong tĩnh lặng. Có ông già ngồi trên tảng đá to đăm đắm nhìn ra biển, vẻ suy tư lộ rõ trên gương mặt khắc khổ. Ông đang nghĩ về ngày trước, thuở còn trai tráng, lênh đênh trên biển hay đang lo lắng cho hiện tại, lớp con cháu ngày đêm gắn bó với cái nghề đầy bất trắc này? Dưới rặng dừa, sau một ngày ngược xuôi chạy chợ, các chị, các mẹ tranh thủ vá chằm những tấm lưới rách và nhỏ to chuyện trò. Trong câu chuyện của họ là chuyến đi biển vừa rồi của chồng, con. Đôi lúc giọng chùng xuống, ngậm ngùi khi nhắc về một vụ mất tích trên biển do giông bão đánh chìm tàu… Ngoài bãi cát, những đứa trẻ da rám nắng bày trận giả, rượt đuổi nhau. Tiếng cười giòn tan, tinh nghịch lẫn cùng tiếng sóng biển, vang xa khuấy động không gian khiến cho mọi lo lắng, bất an trong lòng những người lớn tuổi dường như tan biến. Biển mùa trăng là không gian yên tĩnh tuyệt đối mà thiên nhiên ban tặng cho những ngư dân. Sau khoảng thời gian đánh bắt vất vả là những giây phút hiếm hoi họ được nghỉ ngơi và tận hưởng làn gió khuya mát lạnh cùng nhịp sóng bồng bềnh. Bữa nhậu được bày ra, chai rượu trắng và mấy con khô. Cũng dưới trăng, có người nhớ về mối tình thời trẻ. Những lần tình tự trên bãi biển, nụ hôn ngọt ngào trao vội, đắm say sau gờ đá.

Tiếng cu Bi chạy đi tìm mẹ tan trong trăng, bóng con nhỏ dần rồi chìm vào không gian ngờm ngợp ánh sáng. Lựu vẫn còn lạc dưới ánh trăng, cảm giác bồng bềnh trôi trong mê mải về con đường đầy cát dẫn ra bến cá lúc bình minh. Người mua kẻ bán xôn xao. Rổn vừa thả dây neo, vẫy tay ra hiệu cho vợ. Rảng khệ nệ vác bó lưới, người cứ chúi về đằng trước. Rảng gật đầu chào Lựu chứ không nói gì cả. Người em chồng cố tránh nhìn về phía chị dâu đang lấy vạt áo lau mồ hôi cho chồng. Sóng biển vỗ vào bờ êm dịu. Nắng bắt đầu lên cao. Bãi cát nóng dần, người ta tản ra rồi nhanh chân đi vào xóm…

Lựu vẫn đắm chìm trong suy tưởng, dòng hồi ức đưa chị đi qua con đường dẫn ra biển đầy trăng. Trăng mờ phủ lên mặt nước, lóng lánh. Trăng dát vàng trên mái lăng rêu phong, trầm mặc. Khói nhang lập lòe, ma mị. Tiếng mõ đều đều, khô khan. Cây bàng vuông cổ thụ trùm xuống cát một vùng bóng tối.

– Đi chuyến này về là nhằm mùa bấc. Ở nhà dài ngày lo kiếm thằng cu!

Rổn hôn lên tóc vợ, rất tình tứ. Lựu khẽ nghiêng người, mái tóc buông xõa bay theo chiều gió, dưới ánh trăng trông rất lãng mạn. Họ ngồi bên nhau, nhìn biển, nói về những dự định. Sóng biển liếm nhẹ vào bờ, bọt trắng đuổi nhau rồi tan trên cát. Trong xóm, thanh niên trai tráng tụ tập uống rượu, hát karaoke vui vẻ trước ngày ra khơi.

“Không, không được, cứu cứu… anh Rổn!”, mưa xối vào mặt, vào đầu, quần áo Lựu ướt nhẹp, lạnh cóng. Biển động ầm ào. Gió lạnh táp từng đợt, cuồng nộ, đẩy người đàn bà bươn bả tìm chồng ngã dúi dụi…

Thì ra Lựu đang mơ. Những cơn ác mộng cứ trở đi trở lại hành hạ người đàn bà mất chồng trong trận cuồng phong cách nay hơn năm năm. Cu Bi giật mình nhìn mẹ, ngơ ngác. Rảng ngồi ở bậc thềm, đốt thuốc. Anh quá quen với việc Lựu mê sảng, đau khổ như thế này. Anh cố gắng làm mọi cách cho Lựu nguôi ngoai nhưng có lẽ vị trí của anh chỉ là tạm thời trong trái tim còn rỉ máu bởi sự mất mát quá lớn của người chị dâu mà bây giờ là vợ mình.

– Em xin lỗi, em…! – Lựu nhìn Rảng tức tưởi, đầy hối lỗi.

– Chị dâu, à mình này… – Rảng ngập ngừng, quay mặt. Anh nhìn ra ngoài, mắt hướng lên ngọn dừa xác xơ tàu lá bởi trận giông vừa rồi mà thầm ước, có một phép màu nào đó đưa anh trở về ngày xưa. Ánh trăng trong trẻo, rạng rỡ sau cơn mưa cầu vồng nhô lên từ phía biển. Hai anh em dắt nhau ra bến chờ thuyền cha về. Tiếng chân rượt đuổi nhau trên cát mịn, tiếng cười khúc khích, vô tư. Cha mang về mấy con cá, con mực to. Cá mẹ nấu canh chua. Mực mẹ nướng cho cha nhắm rượu. Mùi thơm dậy khắp căn bếp mang cái vị ngọt ngào của biển cả. Rảng ngậm ngùi nhớ lại. Lần đầu tiên bước chân lên thuyền để ra khơi đánh bắt cá, lòng đầy cảm xúc, vừa háo hức, đam mê vừa nghĩ suy, lo lắng. Bởi cái nghề ăn sóng nói gió, đối mặt với bao hiểm nguy này cha anh đã dạy tận tường. Những hạnh phúc, khổ đau, những trầm luân của kiếp người, anh đã chứng kiến, đã đón nhận khiến Rảng thêm động lực và nung nấu bản lĩnh để đối mặt. Thế nên hai anh em nối nghiệp ông cha truyền lại một cách tự hào và đầy tự giác. Những chuyến đi biển dài ngày. Những lần say sóng ói đến mật xanh. Ngày nọ Lựu xuất hiện ở bến cá. Anh Rổn thương người đàn bà trải một lần đò này và đưa về nhà làm vợ sau đó mấy tháng. Thường cả ba người chia nhau công việc ra làm. Vui nhất là nhiều đêm anh trai, chị dâu và Rảng cặm cụi vá cho xong đống lưới. Bữa nhậu đơn sơ mà ấm cúng. Chị dâu nấu thêm nồi cháo cá cho hai anh em ăn khuya. Thực sự, trong cuộc đời này, có những giây phút đi qua rồi mới nhận ra đấy là bình yên, là hạnh phúc. Anh trai và chị dâu thương nhau lắm. Trông họ chăm sóc, quan tâm nhau, Rảng lờ mờ nghĩ đến tương lai mình cũng có một người vợ như thế, để yêu thương khi gần, để nhớ nhung, mong đợi khi xa. Nhưng rồi biến cố đau lòng đã cướp đi ngày tháng êm đềm và niềm ước mong giản đơn của Rảng. Anh trai đã chìm sâu dưới đáy biển. Chị dâu ngày nhớ đêm đau. Cu Bi được sinh ra ngỡ đâu bù đắp phần nào sự trống vắng trong tâm hồn chị dâu và cả anh nữa nhưng chính dáng dấp, khuôn mặt của đứa con giống tạc anh, đồng nghĩa là bản sao của Rổn đã khiến chị dâu khó lòng quên đi ngày tháng cũ.

2. Lựu đột ngột bỏ nhà đi vào một buổi sáng. Khi cơn mưa trái mùa từ nửa đêm qua chưa tạnh hẳn. Rảng ôm cu Bi đứng lặng đầu ngõ. Không nói gì, mắt nhìn dọc trục đường xóm nối dài tít tắp. Hàng xóm nghe tin, tạt ngang hỏi thăm vài câu chiếu lệ rồi lắc đầu ái ngại quay đi. Cu Bi còn nhỏ quá, chưa hiểu chuyện, cứ nghĩ mẹ đi chợ. Trưa mẹ về thế nào cũng mua đồ chơi hay bịch bánh phồng.

Lựu nghe tin Rổn còn sống nên đã đi tìm? Hay Lựu bỏ cha con Rảng mà đi vì lo sợ Rổn về thì bẽ bàng, khó xử? Lựu cảm thấy có lỗi khi sống ở hiện tại mà lòng cứ nghĩ về quá khứ, để dằn vặt, đau khổ, để cho Rảng nhiều lần sau ngày dài lênh đênh trên biển không dám tìm hơi ấm bên vợ, phải trải manh chiếu dưới sàn, suốt đêm thao thức, đốt hết gần gói thuốc?

Suy nghĩ mông lung luôn quấn lấy tâm trí Rảng. Ngần ấy năm sống với nhau, dù biết Lựu vẫn còn nặng lòng với Rổn, Rảng vừa thương nhớ anh trai vừa muốn bù đắp cho Lựu. Anh luôn cố gắng làm lụng, kiếm tiền, thể hiện sự yêu thương, che chở. Anh chưa một lần to tiếng. Lựu sinh cu Bi, niềm hạnh phúc vỡ òa. Con giống anh, dĩ nhiên không thể khác bác Rổn. Cõng con dạo xóm, nhiều người đùa quá trớn, lắm lúc anh bị tổn thương. Nhưng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, khiến người trong cuộc thấy lòng thanh thản. Lựu đối xử với anh cũng không còn gượng gạo nữa. Chị dồn tình yêu vào cu Bi, chăm sóc yêu thương con vô cùng. Người ngoài nhìn vào, gia đình anh rất hạnh phúc, bình yên.

Vậy sao Lựu đường đột bỏ đi? Anh nghĩ suy mất ngủ nhiều đêm liền. Cu Bi nhớ mẹ khóc hoài. Anh dỗ dành con, trong lòng quặn đau nhưng lại có niềm tin chỉ nay mai thôi Lựu sẽ quay về.

3. Rảng nhìn lên bàn thờ anh trai. Cây nhang vừa thắp lửa lập lòe, khói bay quyện vòng, lãng đãng. Cu Bi ôm chân cha, đòi mua kẹo. Nhìn cặp mắt buồn buồn của con chờ đợi mà lòng anh xa xót. Anh cõng con ra hiệu tạp hóa. Cu Bi sà xuống đống đồ chơi, nhặt lên để xuống mấy lần mới chọn được món yêu thích. Bà chủ cho cu Bi thêm mấy que kẹo mút rồi nhìn Rảng như muốn hỏi điều gì đó. Anh lúng túng bảo con chào bà rồi bước nhanh về phía biển.

Mặt trời đã ngả bóng, buông ráng chiều rực rỡ. Đây là khoảnh khắc lộng lẫy cuối cùng để nhường không gian cho màn đêm bao phủ. Gió biển thổi từng đợt tràn qua vai Rảng, hình như trong gió có chứa đầy hương vị nồng nàn của yêu thương. Đó là vị của biển mang phù sa lắng đọng, ngai ngái. Rảng mở căng lồng ngực đón lấy hương vị từ lâu ngấm vào da thịt, trở thành một phần ký ức không thể quên. Rảng nhìn quanh như cố thu vào mắt mình những điều thân thuộc nhất. Biển đối với anh, với tâm hồn và trái tim người dân xóm chài, là hơi thở, là sự sống. Cả cuộc đời người dân nơi đây không bao giờ muốn xa biển một ngày nào cả. Biển đã lặn sâu vào lòng, in trên da thịt họ. Chất mặn của biển đã tạo nên dáng dấp, tinh thần và bản lĩnh của họ.

Cu Bi tuột khỏi tay cha, lon ton chạy dọc mép nước, đuổi theo mấy con còng gió. Rảng mỉm cười, nhìn theo con. Bãi biển như thể nới rộng, cát dưới chân mềm mát khi thủy triều rút xuống. Dáng ai như Lựu đang vội vã đi về, lưng ướt đẫm mồ hôi mà niềm vui hiện trên gương mặt đã điểm mấy tàn nhang. Rảng nghe tim mình loạn nhịp. Mùi mồ hôi mằn mặn, vị tanh nồng của biển, Rảng không thể trục xuất ra khỏi giác quan của mình được. Anh mụ mị, hít lấy hít để mùi vị ấy mỗi đêm nằm ru con ngủ, khi nhớ thương vây kín.

Gió biển tạt vào mắt hay nỗi đau cứa lẹm vào lòng mà khiến mắt Rảng cay xè, đầy nước? Cu Bi níu tay cha. Anh quay mặt đi, lau vội dòng nước mắt lăn dài trên má.

– Cha ơi, sao cha lại khóc? – Rảng ngồi thụp xuống ôm con vào lòng rồi vụng về đưa tay theo những cánh thiên di lũ lượt bay về chân trời tít tắp.

4. Cu Bi bị sốt cả đêm. Người cứ hầm hập nóng, có lúc nói sảng. Rảng cho cu Bi uống thuốc rồi dỗ con ngủ. Lòng anh như ai cào ai xé, tủi thân vô cùng. Căn nhà nhỏ, từng đầy đủ các thành viên, sớm tối có nhau, rất sum vầy, ấm cúng. Vậy mà giờ đây, trống trước vắng sau, chỉ có anh và con thui thủi vào ra. Chiếc áo cũ của vợ làm tấm đắp cho con, mùi mồ hôi quen thuộc còn đây. Mỗi ngóc ngách trong căn nhà, vật dụng thân quen nằm yên cũng khiến cho Rảng thêm rầu lòng, nhung nhớ.

– Ở xóm chài phía cù lao có người mất tích mấy năm đã trở về! – Cụ già coi lăng ông Nam Hải đường đột vô nhà báo tin, mục đích bảo Rảng nên cầu nguyện và có niềm tin rằng anh trai vẫn còn sống, đang lưu lạc đâu đó, nay mai cũng sẽ tìm về. Rảng giật mình, xúc động, một luồng lạnh vuốt dọc sống lưng. Anh lại thắp nhang, khấn vái. Di ảnh Rổn lờ mờ sau làn khói trắng, hư ảo, cuốn hút.

“Biết đâu chừng, nay mai Lựu đưa anh Rổn trở về”, nghĩ rồi, Rảng ôm con đi ra biển. Trăng giữa tháng treo đầu ngọn sóng, dát ánh sáng bạc trên mặt nước bao la. Rảng nhìn ra khơi, xa xăm. Những chiếc thuyền câu gần bờ đèn giăng ngang, kéo dài. Cu Bi bớt sốt, chạy lon ton dọc mép nước. Trông cái dáng lủn củn của con mà Rảng thấy chạnh lòng. Trẻ con dễ nhớ nhưng mau quên. Đến ngày thứ năm thì nó không đòi mẹ nữa. Nó bảo mẹ đi đánh cá thay cha. Nay mai mẹ mang cá to về cho nó. Tối, ôm chặt con vào lòng, Rảng không sao ngăn được dòng nước mắt. Có nhiều khi kìm nén không nổi, anh khóc thành tiếng. Uất ức và khổ đau. Rảng thương anh trai và lo lắng cho Lựu không biết giờ đây lưu lạc chốn nào, có gặp bất trắc, hiểm nguy không? Ngẫm ngợi bao đêm khiến tóc Rảng bạc nhanh và rụng nhiều. Cuộc đời ngư dân lênh đênh trên biển cả chứa đựng muôn vàn hiểm nguy. Kế tục cái nghề cha ông truyền lại này chưa bao giờ dễ dàng, thuận buồm xuôi gió cả. Những ngư dân ra khơi, không một ai có thể biết được điều gì đang chờ họ ở phía trước. Bởi biển khơi thường ẩn giấu trong lòng nhiều rủi ro, bất trắc. Những mất mát, tang thương do biển cả mang lại đã phủ lên bao gia đình trong xóm Mồ Côi và cả xóm Cô Đơn này. Đã có ngày giỗ chung để dân xóm chài không thể nào quên trận cuồng phong định mệnh năm ấy, điệp trùng những ngôi mộ gió lẩn khuất dưới rừng dương, đêm ngày âm vang tiếng sóng; biết bao người con mất cha, người vợ trẻ mất chồng, cha mẹ già mất con,… Biển có khi ấm áp, dịu êm nhưng rồi bỗng chốc bão giông, điên cuồng khiến con người trở tay không kịp. Có những người may mắn được trở về còn những người xấu số thì nằm lại giữa mênh mông. Đại dương đầy bí ẩn đã đón lấy họ khiến bao người thân ở nhà mong ngóng, khổ đau.

Minh họa: Hải Thọ

5. Đúng như dự đoán, Lựu đã trở về. Chị ra đi tìm chồng vì tin vào một giấc mơ. Ngủ vùi suốt một ngày đêm, Lựu trở dậy soạn mâm cỗ cúng Rổn. Lặng thầm như chiếc bóng. Chỉ có cu Bi hỏi cha rồi hỏi mẹ hết chuyện này đến chuyện khác. Rảng vui trong lòng nhưng mắt anh nhìn Lựu đầy u ẩn.

Lựu bỗng tươi tỉnh lạ thường. Vui vẻ kể đủ chuyện khiến bà con lối xóm ngạc nhiên, tò mò. Hay chị đã gặp được chồng? Nhưng mà sao Rổn không về cùng với vợ? Có người mạnh dạn hỏi Lựu, chị khẽ cười, nhớ lại… Đó là một buổi chiều như bao buổi chiều khác ở xóm chài Cô Đơn. Chị rảo nhanh về nhà cho kịp nấu bữa tối. Cu Bi được cha đón về từ lớp mẫu giáo đã đói lắm rồi. Hoàng hôn như tấm lưới khổng lồ dần buông xuống trảng cát phía làng. Lựu cũng đã nấu xong bữa cơm, ra trước nhà nghe tiếng lá dừa cọ vào gió xào xạc, lắng tai nghe rõ tiếng sóng vỗ ầm ào vào bờ. Một chiếc thuyền lênh đênh, ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Bất ngờ, niềm nhớ lại bao trùm, có tiếng ai đấy gọi, dẫn Lựu đi. Chị đã băng qua biết bao bãi cát, chân giẫm lên biết bao gành đá, ngoảnh lại miếu thủy thần thâm u chỉ là một chấm nhỏ, đơn độc. Lựu mệt quá, ngồi nghỉ bên bờ cát, xung quanh mọc đầy hoa muống biển. Chị nhìn ra khơi. Trên chiếc thuyền đã buông neo, một dáng người đang bủa lưới kéo ánh trăng lên, thân hình vạm vỡ, đôi tay săn chắc, cuồn cuộn những đường gân và mùi thân thể nghe quen thuộc lắm. Lựu bị hút về hình ảnh ấy. Là Rổn. Gương mặt anh đầm đìa, hiển hiện dưới ánh trăng, những giọt mồ hôi mặn mòi cứ rơi xuống, phảng phất…

6. Lựu bị ám ảnh, tâm lý trở nên nặng nề, lúc vui, lúc buồn bởi nỗi đau quá lớn. Vị sư trụ trì ở ngôi chùa nhỏ mé xóm Mồ Côi bảo thế. Rảng sắm lễ vật, hương hoa mang ra lăng ông Nam Hải và miếu thủy thần. Đêm vừa sập xuống, Rảng theo con đường nhỏ ngập đầy cát và bụi xương rồng để ra lăng. Cụ già coi lăng lặng lẽ phụ anh sắp xếp mâm lễ. Rảng cảm thấy lòng mình chùng xuống. Vọng trong không gian là tiếng chuông ngân dài, tiếng ốc u, mùi nhang trầm bảng lảng, lời khấn nguyện thì thầm…

Đợi cháy hết tuần hương, Rảng cúi đầu chào cụ già để đi ra miếu thủy thần. Bóng trăng choàng lên vai anh, trăng chảy tràn theo bước chân anh. Rảng vừa đi vừa nhẩm lại bài cúng mà anh sẽ khấn. Biển hiện ra sáng lòa trước mắt anh. Biển mùa trăng đằm dịu. Những chiếc thuyền chờ ngày ra khơi đậu san sát nhau, dập dềnh trên sóng, yên tĩnh lạ kỳ, chỉ có tiếng gió thổi u u và ánh trăng lấp loáng. Rảng thường có nhiều cảm xúc đan xen mỗi khi đứng trước biển, nhưng trong thời khắc này anh cảm nhận biển rất hiền hòa và tâm hồn anh rất đỗi bình yên.

Có hai bóng người lờ mờ từ xóm chài đi ra phía miếu thủy thần. Chắc là người trong xóm đi thắp hương. Thường sau một chuyến đi dài, những ngư dân đều làm lễ tạ ơn ở lăng ông Nam Hải và thành tâm khấn lạy ở miếu thủy thần. Rảng không vội đến đấy mà dừng lại lặng ngắm biển đêm. Những hồi ức đẹp, những hình ảnh thân quen lần lượt hiện về trong lòng anh.

– Ba… – Tiếng cu Bi mừng rỡ khi Rảng vừa đặt chân lên gờ đá để bước lên miếu. Lựu châm lửa vào bó nhang, gió phần phật khiến ngọn lửa vừa lóe lên đã tắt. Rảng vội vàng che chắn. Lựu nhìn anh không nói gì cả. Khi vái lạy xong, Rảng ôm con đi xuống bãi. Lựu lò dò theo sau.

Một đám mây lạc từ chốn nào bay đến che trùm vầng trăng. Cả bãi biển bỗng chốc chìm vào mờ ảo. Lúc này, mới nhìn rõ những ngôi sao khuya lấp lánh trên nền trời sẫm tối. Mặt biển nhuốm màu nhung huyền. Ngọn đèn trên chiếc thuyền câu mực ngoài xa trông sáng rõ hơn.

Cu Bi đã ngủ say trong lòng cha. Rảng và Lựu ngồi nép vào nhau, hướng mắt ra biển. Cảm giác một trong hai người mở lời cũng rất khó khăn…

Sơn Trần