Chuyên mục “Sổ tay nghề Văn” của tạp chí Sông Lam xin gửi đến độc giả những bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về vấn đề sử dụng từ nhiều âm tiết và chữ số La Mã hy vọng góp thêm kinh nghiệm để sử dụng loại từ/chữ này đúng và hay trong quá trình sáng tác.

Từ nhiều âm tiết – nên thận trọng

Nhiều người viết có được giọng văn thú vị nhờ sử dụng từ láy, từ điệp, từ lặp. Một từ có hai âm tiết trở lên. Nhưng loại từ này có khi dùng không đúng chỗ thì lại thành ra vụng:

Ông ấy làm kinh ngạc vì sự ngu xuẩn lớn lao của mình (tiểu thuyết Moon Palace, tr. 286).

Trước hết phải thấy rằng câu Tây An Nam này có thể chuyển thành một cấu trúc khác: ông ấy làm kinh ngạc vì quá ngu xuẩn, ông ấy quá ngu xuẩn khiến người ta kinh ngạc, người ta kinh ngạc vì ông ấy quá ngu.

Sau nữa là việc dùng từ láy từ điệp. Lớn lao, xuất phát từ chữ lớn. Ngu xuẩn, xuất phát từ chữ ngu. Lạm dụng loại từ hai âm tiết này rất nhiều khi làm cho việc diễn đạt trở nên trịnh trọng, cứng (nhắc), vụng (về). Nhiều người viết văn nghiện dùng loại từ này. Nhiều người biết cách tránh, ngôn ngữ của họ linh hoạt hơn, uyển chuyển hơn, chính xác và gọn hơn. Cũng gây ấn tượng hơn.

Như chữ lớn lao ở trên. Lớn lao được dùng nhiều cho sắc độ khẳng định, xưng tụng, khen. Nói về sự ngu xuẩn hoặc mưu sâu kế độc mà dùng từ lớn lao, e rằng muốn giễu cợt. Mà câu trên lại trong một văn cảnh không giễu cợt, không hài hước.

– Chốc chốc lại thấy những chiếc xe chở rất nặng nề đi qua, trẻ con tránh rất khéo léo.

Nặng và nặng nề. Khéo và khéo léo. Ở câu trên, không dùng từ hai âm tiết thì hơn. Chiếc xe chở nặng. Trẻ con tránh rất khéo. Chính xác và thông tin truyền đến thật gọn, thật trực tiếp. Chữ nặng nề hoặc khéo léo có thể dùng vào trường hợp khác. Ví dụ: Tâm trạng bà đang rất nặng nề. Cô ấy là người khéo léo.

– Lẽ ra tôi đã bán chiếc đàn rồi nếu như việc xa nó không làm cho tôi buồn bã quá.

– Tôi nghe nói con đường này đầy những bụi cây gai góc.

Buồn và buồn bã. Gai và gai góc. Hai câu trên nếu không dùng từ hai âm tiết thì vẫn hay hơn, cả về độ chính xác gọn gàng, cả về âm điệu câu văn. Việc xa nó không làm cho tôi buồn quá. Con đường này đầy những bụi gai.

Từ láy dùng vào hai câu như thế này, hợp hơn: tôi buồn bã nhìn theo chiếc đàn bị đưa đi xa dần. Đấy là một vấn đề gai góc.

Còn ở câu sau, những từ kép và láy làm cho câu văn trở nên trịnh trọng một cách không cần thiết:

Người phụ nữ ấy đã nhìn thấy khuôn mặt của tôi. Thế là tôi hoàn toàn bị lộ.

Chỉ cần chữ “mặt” là đủ, không cần viết “khuôn mặt”. Chữ “người phụ nữ ấy” cũng quá trịnh trọng trong một văn cảnh như vậy. Không cần từ sở hữu “của”. Chữ “hoàn toàn” khô cứng có thể thay bằng một chữ ngắn gọn, uyển chuyển hơn:

Bà ấy đã nhìn thấy mặt tôi. Thế là lộ hết.

Có khi từ láy, từ điệp, từ lặp có nhiều hơn hai âm tiết:

Thùng gạo trong nhà đã sạch sành sanh.

Đôi khi lại có cách dùng khác, một cách tạo văn: nhà đã sạch sành sanh gạo.

Vở kịch ấy hay ơi là hay.

Cũng có cách tạo văn khác: hay ơi là hay cái vở kịch mới của nhà hát Tuổi Trẻ.

Nhưng nhìn chung, biết dùng thì đạt hiệu quả, không biết dùng thì nên thận trọng với những từ láy từ điệp nhiều âm tiết.

Xin nhắc lại, khéo dùng thì từ chỉ một âm tiết đã đủ gây ấn tượng.

Hồi hộp và thiếu tự tin

Hồi hộp và thiếu tự tin. Đấy chính xác là tâm trạng của tôi khi đang viết mà đến chỗ phải dùng một chữ số La Mã.

Có cảm tưởng người đọc đại trà bây giờ không quen với chữ số La Mã nữa. Có vị cử nhân cầm tài liệu đọc trước cả cơ quan: theo nghị quyết đại hội Vi. Anh ta phát âm hẳn hoi là vờ i vi, như chữ vi trong cụm từ vi vu. Như là gió thổi vi vu trên cái đại hội ấy.

Từng có chuyện đùa như thật rằng một ông cán bộ dõng dạc diễn thuyết trước quần chúng rằng cách mạng tháng mười Nga dưới sự lãnh đạo của ông Năm La Mã Một Lênin (V. I. Lenin) và rằng hai nước Một Răng và Một Rắc (Iran và Iraq) ở cạnh nhau.

Từ đấy viết những câu có chữ thế kỷ XXI, hoặc vua Louis XIV, người viết này có cảm giác hồi hộp, không dám chắc người đọc có hiểu chữ nghĩa mình đang viết đây không. Rất nhiều báo chí và tài liệu đã chuyển những con số này sang chữ số Arab cho nhanh: thế kỷ 21, vua Louis 14.

Rất nhiều khi cứ tự hỏi, hay là mình cũng chấp nhận là thiếu tự tin, mình cũng thỏa hiệp như báo chí bây giờ mà viết bằng chữ số Arab cho xong? Ngay cả ở những chỗ nhất thiết phải dùng con số La Mã.

Tiện thì nói thêm: ta vẫn gọi những con số hay dùng là chữ số Arab. Nhưng chính người Arab thì gọi nó là chữ số Ấn Độ. Nó không phải là sáng tạo của người Arab. Vậy có nên cứ theo họ mà gọi đấy là chữ số Ấn Độ được hay không?

Báo Telegraph đưa tin, ngày 18-9-2014 phát thanh viên đài truyền hình toàn Ấn Độ Doordarshan đọc bản tin về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) đến Ấn Độ đã đọc nhầm họ Tập (Xi) thành số 11 và gọi ông là Ngài 11 (Mr. Eleven). Nói cho công bằng, cách phiên âm danh từ riêng Trung Quốc sang chữ Latinh là sự đánh đố với hầu như cả thế giới. Vì cái lỗi này mà phát thanh viên đã bị sa thải, để tránh sự cố lặp lại và nhằm “cải thiện bộ máy làm việc”.

Nhưng mà phát thanh viên Ấn Độ ấy đã tỏ ra thành thạo con số La Mã, và nếu có thể, ta nên mời người ấy sang Việt Nam để ôn luyện chữ số La Mã cho thế hệ người đọc hôm nay.

Hồ Anh Thái