Chuyên mục sổ tay nghề Văn trên Tạp chí Sông Lam tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết của tác giả Hồ Anh Thái xung quanh vấn đề dịch thuật trong các tác phẩm văn học và giới tính của ngôn ngữ.  Trân trọng!

 *    *    *

Vật thể lạ

Nói về chữ “nó”, có ngay mấy ví dụ sau đây:

Trong cuốn Kẻ trộm sách (Cao Xuân Việt Khương dịch, 2011):

– Cậu có muốn hay không? (tr. 337)

– Tớ có một cái xe đạp ở đây, trong trường hợp cậu muốn có (tr. 337)

– Hãy ghi nhớ lại . Sau đó hãy viết ra cho anh ấy (tr. 339)

Trong cuốn Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, 2015):

– Cô để con bạch tuộc lại trong bếp vì hai mẹ con chẳng biết cách làm (tr. 37).

Xem ra người dịch bám sát ngôn ngữ gốc quá, tác giả viết thế nào mình dịch như thế. Câu tiếng Việt thành ra cũng thiếu tự nhiên. Những chữ “nó” này có thể bỏ đi mà tiếng Việt vẫn trọn nghĩa. Tất nhiên bỏ đi thì cần thêm chút thao tác để mài giũa lại câu văn, gọn gàng hơn, hay hơn. Hoàn toàn có thể làm được.

Trường hợp khác, ngoảnh đi ngoảnh lại, các cây bút cứ theo nhau mà dùng một cấu trúc văn nước ngoài, bắt đầu bằng động từ to be:

Điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Là anh.

– Chào chị. Là tôi đây.

Không nói tôi đây, tôi đây mà. Là tôi đây, nghe mới ngộ, mới khoái. Không nói, đó là anh, anh đấy. Là anh, nghe mới hay mới sướng. It’s me. It’s him. Dịch bám sát thì thế là đúng, thắc mắc gì. Người dịch sẽ nói vậy.

Nhưng không chỉ còn là bản dịch nữa, người Việt viết văn Việt hẳn hoi, vậy mà vẫn viết những đoạn đối thoại như thế này: – Anh vừa mới được điều đi công tác – Cần Thơ à? – Ừ, anh đi một tuần – một tuần đó anh.

Tôi có để ý, người viết những câu văn như vậy phần nhiều lại không thạo ngoại ngữ. Họ đọc những tác phẩm dịch chưa thoát, thấy những câu ngồ ngộ Tây Tây thì thích, rồi dùng, mà không biết gì về ngữ pháp của ngôn ngữ gốc, vì vậy không cân nhắc đối chiếu được với tiếng Việt.

Nhân nói cái chữ “là” nhiều khi cứ cọc cạch bật ra khỏi một câu, không sao ráp nối vào dòng văn cho trôi chảy, ta thử nhặt ra dăm ba câu trong bản dịch cuốn Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch, 2009):

– Lời xác nhận về người mà anh (tr. 229)

– Hình ảnh một người mà tôi đã thôi không còn (tr. 240)

– Bác sĩ Havel không còn là người đàn ông từng nữa (tr. 247)

con người đúng như anh ta (tr. 287)

Thêm một câu không có “là”, nhưng đặt giới từ ở cuối, cũng rất Tây An Nam: Trong tâm trạng u ám ông đang ở vào (tr. 230).

Trong cuốn Kẻ ích kỷ lãng mạn (Phùng Hồng Minh dịch, 2013): Tuy nhiên ông quên mất hạng mục xã hội mà tôi thuộc về: những kẻ ký sinh trơ xương (trang 244). Và: Dám chỉ trích nơi chốn ta thuộc về (trang 253).

Trong cuốn Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch, 2013), chỉ trong một trang 39:

Orhan mà tôi từng .

– Trở lại với con người tôi từng .

– Như thể chúng biến tôi thành con người mà tôi không bao giờ muốn .

– Những nỗi hãi hùng của con người mà tôi từng nghĩ tôi đã .

Còn ở cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… (Tiết Hùng Thái dịch, 2018): thế giới chỉ đơn giản là cái mà nó là (trang 30). Ta là cái mà ta là (trang 135).

Không ai áp ai phải khuôn vào công thức. Tuy nhiên, cái cấu trúc câu này bây giờ dường như đã bắt đầu quen mắt quen tai, không loại trừ một lúc nào đấy sẽ được người ta dùng đại trà. Nhưng không hẳn nó sẽ làm giàu thêm cho tiếng Việt đang trên đường phát triển. Chỉ là thứ ngôn ngữ thời trang thời thượng, nạp vào mà chưa tiêu hóa kỹ. Và người viết văn có bản lĩnh, có cá tính thì luôn biết từ chối sử dụng những ngôn ngữ thời trang, trừ khi muốn giễu nhại.

Ảnh minh họa, nguồn: etfovoice.ca

Giới tính của chữ

    Danh từ tiếng Việt xem ra không phân loại theo giống. Động từ, tính từ cũng không biến đổi theo giống theo số như ở vài ngôn ngữ khác. Nhưng cũng có những từ mặc nhiên có giới tính.

      Người đàn ông lấy vợ mới, không gọi là đi bước nữa, mà là tục huyền. Coi như cái đàn đã một lần đứt dây, giờ nối lại. Tục huyền. Còn đi bước nữa là chỉ người đàn bà tái giá. Một lần chồng chết, chồng chê, chồng chạy, bây giờ đi lấy chồng khác. Ngày xưa, lấy chồng là chắc chắn ra khỏi nhà cha mẹ đẻ về nhà người, là đi một bước. Người đời gọi là ván đã đóng thuyền. Đi lấy chồng xa thì coi như đò đã sang sông, con sáo sang sông. Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò. Gần hay xa thì cũng đã đi một bước. Vậy lấy chồng lần nữa được coi là đi thêm một bước. Đi bước nữa. Đàn bà đi bước nữa. Đàn ông tục huyền. Đàn ông lấy vợ không hề ra khỏi nhà mình, trừ trường hợp ở rể chó chui gầm chạn, cho nên đàn ông không bước một bước nào cả, càng không phải là đi bước nữa. Để chỉ tình trạng tái hôn của cả hai người, dân gian nói: rổ rá cạp lại. Cái rổ cái rá đã cũ, bị bung bị tuột, bây giờ người ta cạp lại, dùng lại.

     Tập quán Ấn Độ, một cô gái phải có của hồi môn mang về nhà chồng. Không có hồi môn khó lấy chồng. Nhà trai có quyền thách cưới, tùy theo gia cảnh nhà trai, tùy theo trình độ của người con trai, ví dụ anh này gia đình khá giả, bằng cấp cao, công ăn việc làm tốt, thì càng có quyền thách cưới cao, phù hợp với địa vị. Như vậy là người con gái Ấn Độ phải cưới chồng. Còn tập quán Việt Nam hầu như đàn ông phải cưới vợ. Một cô gái Việt Nam mà phải cưới chồng, thì chắc là theo cách nói dân gian, phải các thêm vàng mới được người ta rước đi cho. Cũng có khi là xu thế giải phóng phụ nữ ngày nay, cô gái chủ động cưới chồng, chứ không chờ anh ta phải đến rước đi.

      Một người đàn ông đa tình, đưa đẩy, dền dứ, người ta gọi là trai lơ. Phụ nữ mà đong đưa như vậy, gọi là lẳng lơ. Cô Thị Mầu trong chèo Quan Âm Thị Kính hát: Thế mà Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ… Thành ra cứ thấy vướng mắc khi có người dùng chữ lẳng lơ để chỉ một người đàn ông. Cũng như có người viết vẫn cứ viết rằng nhân vật đàn ông nọ là người đanh đá, nanh nọc.

      Trong quân ngũ, người lính khi đứng nghiêm dưới cờ thường được nhắc: quân dung tươi tỉnh. Dung mạo trong hàng quân phải tươi tỉnh. Đám lính nghĩa vụ chúng tôi thời ấy đùa, đổi thành: dung nhan tươi tỉnh. Cứ như cả đám lính đã hóa thành nữ quân nhân hết lượt. Dung nhan.

      Nhan sắc cũng là từ để nói về phụ nữ, ai mà lại nói là chàng trai ấy có nhan sắc bao giờ. Còn nói về vẻ ngoài của đàn ông, từ ngữ cũng chẳng thiếu: dáng vẻ, dung mạo, dung tướng, tướng mạo.

     Đi viếng một người vừa qua đời, người ta hay viết vào sổ tang hoặc băng tang trên vòng hoa: kính viếng hương hồn. Dùng mãi thành quen đến mức nhiều từ điển đã phải chấp nhận mà định nghĩa chữ hương hồn không phân biệt giới tính. Nói cho đúng, hương hồn là dành cho người phụ nữ quá cố. Người đàn ông mới lìa trần, người ta sẽ viết: kính viếng linh hồn, kính viếng vong hồn.

      Dạo còn bé, tôi nghe một bà láng giềng kể chuyện: Cái hồi tôi còn con gái… Buồn cười mãi. Chẳng nhẽ bây giờ bà ấy đã thành con trai? Nhưng mà lớn lên mới hiểu dùng từ như thế là đúng. Thời còn con gái được hiểu là khi chưa lấy chồng. Người phụ nữ chưa chồng được gọi là con gái, lấy chồng rồi thì trở thành đàn bà. Tạm quy ước: một thiếu nữ chưa chồng, coi như còn trinh tiết thì không gọi là đàn bà, mà là con gái. Còn nghe phải câu: Cô này đã thành đàn bà rồi, thì có thể hiểu đang nói về tình trạng trinh tiết của cô ta đấy. Cũng như vậy là câu: anh chàng ấy đã trở thành đàn ông.

Hồ Anh Thái

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)