LTS: Năm sắp hết, Tết lại đến gần, người ta lại náo nức chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán. Trong muôn ngàn màu sắc, hương vị Tết mới, có những hoài niệm, nhớ nhung hương vị Tết xưa mà đọc lại chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu tản văn “Sắc màu hoa pháo” của tác giả Trương Quang Thứ, viết về cây hoa pháo, như một sự hồi nhớ Tết xưa.

                                                     *******

Dọc những cồn cát trắng như bao cồn cát nóng ở miền Trung quê tôi mọc lên cơ man là những thảm cây hoa pháo, (có nơi còn gọi là cây lá bỏng hay cây sống đời) đứng trụ chân bên những cụm cỏ chông gai góc hoặc dây muống biển dẻo dai
Cây hoa xác pháo thân thảo vỏ dày, cao tối đa khoảng chừng trên một mét. Không hiểu chúng chắt lọc ở đâu ra nhiều nước trên vùng sa mạc cát này mà chứa đầy ầng ậng trong cành lá. Những chiếc lá dày mậm mạp như bàn tay trẻ con, hình răng cưa khi rơi xuống đất không héo tàn đi mà lại bám chặt chờ dịp đâm rễ. Từ mép lá ấy nảy nở lên vô số cây con lưỡng tính để sinh tồn phát triển thêm nòi giống. Lá cây hoa pháo là thứ thuốc nam dân dã, tính mát, chữa bỏng chữa đau mắt khá thông dụng và công hiệu. Lũ trẻ con chúng tôi ham chơi mê mải, suốt ngày bêu nắng về có khi bị ấm đầu. Mẹ thấy vậy liền chạy ù ra bãi hái nắm lá hoa pháo về giã nát vắt lấy nước cho uống, bã đắp vào trán, bệnh sẽ lui liền.
Không giống như nhiều loài cây khác, thường tàn lụi vào mùa Đông, ngược lại, cây hoa pháo vào tiết này lại phát triển và cao lên rất nhanh. Từ các đốt cây liền trong nách lá đâm ra những nhành, những chùm nụ nhỏ. Nụ càng lớn, sắc độ cũng tăng dần từ cuống đến cánh hoa một màu hồng phơn phớt. Nụ hoa hình ống khép kín thon thon như búp ngón tay xinh. Chỉ khi vòi nhụy màu huyết dụ dài mở bật ra thì đầu cánh hoa như những làn lụa hồng xòe theo, trông hoa hệt như những chiếc đèn lồng tí hon. Cữ đó chính là vào dịp tết Nguyên đán. Trẻ chăn bò ngoài bãi tha hồ hái hoa kết thành vương miện, hoặc đơn giản và phổ biến hơn là ngắt từng bông hoa, túm đầu cánh lại dập nhẹ đài hoa vào tay, vào trán mình. Hoa kêu lên những tiếng “bép, bép”, ngộ nghĩnh như âm thanh của “anh” pháo tép. Có lẽ thế nên cây được mang tên “hoa pháo” kèm với câu hát đồng dao mà chúng tôi đứa nào cũng thuộc:
“Hoa pháo có hoa
Nhà ta có Tết
Con nít thì mừng
Người lớn thì lo…”

Ảnh minh hoa: Sưu tầm

Tuổi thơ cứ lớn lên rộn rã vô tư. Nào mấy ai biết được cái lo của người lớn, của mẹ cha về nhu cầu tiêu dùng cho gia đình trong dịp Tết-trong đó có cả hoa tươi. Chỉ biết rằng mùa Xuân ở quê tôi hoa đào rất hiếm. Nhất là những năm tháng chiến tranh: Nhà cửa, cây vườn bị bom đạn cày xới nên hoa đào càng vắng bóng. Riêng loài hoa pháo đồng nội thì dường như càng bị vùi dập, giày xéo càng mang sức sống mãnh liệt đua nhau mọc lên tươi tốt!…Và đã thành lệ, cứ chiều 30 Tết là anh em tôi lại rủ nhau ra cồn Đền Thánh hái những bó hoa pháo đẹp nhất về để mẹ cắm vào chiếc lọ độc bình cổ có chữ nho bên hình ông Lã Vọng ngồi câu cá. Cha tôi điểm xuyết thêm mấy cành hoa chè mẫu đơn vào rồi nhìn hoa, nhìn vợ con cười mãn nguyện. Nụ cười ấy như xóa đi vẻ âu lo khắc khổ sau một năm tất bật và truyền niềm vui sang mọi người. Anh em tôi thích thú nhận từ tay mẹ những đồng tiền 5 xu mừng tuổi mới tinh rồi xâu vào dải rút đi khoe khắp bạn bè trong xóm…
Cho đến hết tháng Giêng ta, hoa pháo trong lọ vẫn chưa tàn. Chỉ cần thay thêm nước – hoặc chuyển sang chậu đất trồng trong nhà là cây vẫn đơm chồi non lộc biếc và ra thêm hoa mới. Như thế, dư âm cùng sắc màu của Tết vẫn còn hiển hiện quanh đây.
Thời nay, khi cuộc sống văn minh hiện đại hơn thì nhu cầu thưởng thức về hoa của con người cũng tăng lên. Nhiều giống hoa mới lạ, sắc hương phong phú được phát triển và nhân ra rộng rãi để đem sắc xuân đến với muôn nhà. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn không sao quên được loài hoa pháo mộc mạc thân thương gắn liền với kỷ niệm và niềm vui xốn xang tuổi nhỏ:
“Hoa pháo có hoa
Nhà ta có Tết
Con nít vui mừng!…”

 

Trương Quang Thứ