Năm tôi đến tuổi 60 thì mẹ tôi về trời, tôi mới thấu nỗi bơ vơ, đơn côi của người mất mẹ. Tôi mất mẹ khi đã có cháu nội. Con gái út của tôi đã 17 tuổi mà tôi không chịu nổi cảnh bơ vơ, trống trải, lạc lõng khi mồ côi mẹ. Nghĩ thương và nhớ mẹ đến vô cùng. Hàng đêm, không sao ngủ được, tôi Chong đèn ngồi nhớ mẹ như bài hát của Trịnh Công Sơn.

   Khi mẹ tôi chưa bỏ bú thì bà ngoại qua đời vì bệnh tả. Nhà bà ngoại mấy chị em gái đều yểu mệnh, chỉ có một người lấy về Đôn Nhượng, sau này là xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) là thọ. Ấy là bà Cu Khoáng, người đã cho mẹ tôi bú và mang mẹ tôi qua xứ Triệu Voi khi bà cùng chồng sang làm ăn buôn bán bên đó.

Vùng quê tôi không chỉ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo mà còn cả Đạo Mẫu. Chúng tôi phải gọi người sinh ra mình là chị mà không được gọi Mẹ để tránh “húy”. Mẹ chỉ dành cho Mẫu Thượng Ngàn Liễu Hạnh. Quanh vùng tôi có nhiều đền và chùa thờ đức Bà và Hưng Đạo Đại vương. Cũng vì vậy mà không ai được gọi người sinh ra mình là cha, mà phải gọi là thầy, là chú hoặc dượng. Bởi Cha là để gọi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ai cũng biết, cũng nhớ “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, là ngày giỗ của Đức thánh Trần và Đức mẹ Liễu Hạnh. Vì vậy, mẹ tôi không chỉ mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng mà đời bà không được gọi “Mẹ” lấy một lần từ khi chưa biết nói đến khi về trời. Sau này, khi chúng tôi hỏi đến bà ngoại thì mẹ vẫn nghẹn nghào chua xót: “Tau có biết chi về mẹ tau mà kể”.

Bà ngoại tôi mất, ông ngoại phải lấy vợ khác có nghĩa là mẹ tôi lại phải vất vả, cơ cực hơn. Bà ngoại kế của tôi là người rất tốt, độ lượng, thương con chồng nhưng nhà nghèo lại đông con, những 4 đứa con toàn gái, gối đầu nhau nên cũng không thể nuôi dạy mẹ tôi chu đáo được. Mẹ tôi nhờ sữa của bà dì Đôn Nhượng và ngô khoai của bà mự Thiển và bà cố cho ăn. Sau này chúng tôi hay theo mẹ về bên ngoại của bà ở làng Dương Phổ và gắn bó với bà dì Đôn Nhượng.

 Bà dì Đôn Nhượng là người tài giỏi, từ trẻ đã cùng chồng buôn bán tận bên Lào. Ông bà dì dượng  có 4 đứa con nhưng 2 đứa con đầu đẻ ở bên đó. Con gái tên là Xiêng, con trai tên là Khoáng để kỷ niệm tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Theo phong tục gọi nhường nên bà dì có tên là bà Cu Khoáng. Nhờ buôn bán tần tảo bà dì giàu có, nhà ngói, sân gạch, trâu bò, kẻ ăn người ở nhưng đến cải cách ruộng đất thì mất sạch, trắng tay.

Ngay cả khi cửa nhà mất trắng trong cải cách ruộng đất,vài tháng bà dì Đôn Nhượng cũng lại về thăm mẹ con tôi. Mười lăm, mười bảy cây số hồi ấy cũng là xa lắm. Bà đi bộ, không có phương tiện giao thông nào khác cả. Cái lưng gù, tay nách mủng vịnh đi chợ, có cái mẹt đậy trên, bao giờ cũng có quà bánh cho cháu. Những bánh đúc, bánh ngô, kẹo kéo, kẹo vừng đến bánh đa, bánh kê đủ thứ… Không chỉ mẹ tôi lớn lên trong sự chăm sóc của bà mà sau này khi đã có chúng tôi, bà dì Đôn Nhượng vẫn y như vậy. Từ làng tôi ra sông, có bến đò cố Xin Khuồi phải hơn 2 km là bãi cát trắng. Đoán đến cữ bà sang thăm là chúng tôi đứng đợi cả ngày.Vẫn cái lưng gù, hàm răng đen nhánh hạt na, quết trầu lúc nào cũng nâu sậm môi, bà ôm từng đứa chúng tôi rồi chia quà bánh như trước đây 20 năm ôm mẹ tôi vào lòng khi đang còn trẻ nít.…

Ảnh minh họa: Cao Đông

Bà Cu Khoáng nuôi mẹ tôi đến năm lên 7 tuổi thì ông ngoại bắt về vì cần người chăm sóc đàn em và giúp đỡ mẹ kế. Mẹ tôi từ giã tuổi thơ từ đó. Là con gái lớn nên tất cả công việc lớn nhỏ trong nhà, ngoài đồng đều đổ lên đầu mẹ tôi.

Ông ngoại tôi nghèo lắm. Nhà tranh vách đất như mọi người trong xóm.  Quanh năm thiếu ăn, nhất là tháng ba, tháng tám mùa giáp hạt. Những tháng bão lụt thì ngô, khoai cũng không có mà ăn. Cả năm chỉ được vài bữa cơm độn vào ngày giỗ tết.

Từ khi cầu Yên Xuân bị phá, đầu cầu bỏ hoang (1946), những toa tàu bị đánh đổ lâu ngày han rỉ dần. Cây cối mọc trùm lên xanh um trông rất bí hiểm và ghê sợ. Chim chóc về làm tổ, cầy cáo rắn rết tung hoành. Hàng ngày mẹ tôi vẫn chui trong khu rừng ấy đây chăn bò, cắt cỏ, nhặt cây khô về làm củi đun…

 Mùa đông giá rét căm căm, gió bấc hun hút thổi như rứt da, rứt thịt nhưng từ sớm tinh mơ mẹ tôi không ra cầu thì cũng phải ra đồng chăn bò, cắt cỏ, hái rau dền cho lợn. Đôi quang cao quá đầu người hôm nào cũng phải đầy cỏ. Ra đồng là cặm cụi, lúi húi mặc cho bụng đói meo. Những hôm mưa phùn gió bấc, cái tơi rách không che kín tấm thân gầy guộc với mớ áo mấn (váy) rách bươm. Nước mưa chảy từ cổ xuống, thấm qua tơi rách rét run cầm cập nhưng vẫn không dám ngơi tay. Hết ngày, gánh cỏ không đầy, về nhà sợ không được ăn dù là ngô, khoai trừ bữa. Lại phải lần mò sang đứng bậu cửa nhà thím Thiển chờ thím cho cái gì đút miệng.

Cứ như vậy, mẹ tôi lầm lũi sống, không được cắp sách đến trường dù chỉ một ngày, không được chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm … như bạn bè cùng trang lứa. Ngày lại ngày mái tóc khô cứng, không gương lược chải chuốt, quăn queo, bê bết bùn đất. Cắt cỏ nuôi bò; cuốc cỏ cho ngô, lạc; bóc tranh; trồng mía, chặt, gánh mía về nấu mật; vun khoai, nhổ rau…theo mùa vụ một mình mẹ tôi làm hết, không lúc nào kịp ngước mắt lên. Giỗ tết, hội hè đình đám mẹ tôi không được biết.

Mẹ tôi cũng không biết bà sinh năm nào. Bà là người không có tuổi. Vùng quê tôi chẳng ai có giấy khai sinh. Ngày giỗ thì từ đời cụ kỵ ai cũng nhớ. Ngày sinh ai cũng lấy phiên chợ làm chuẩn nhưng trong vùng có những chợ Đò, chợ Đình, chợ Rồng, chợ Vực, chợ Cồn…mỗi tháng nhiều phiên nên chẳng ai nhớ chính xác mình sinh bao giờ. Kỷ niệm bà nhớ nhất là cướp chính quyền năm 1945 và trước đó là được đi đón vua. Nhờ vậy mà tôi tìm ra năm sinh của mẹ. Ấy là năm đó mẹ cao từng này này, nặng từng này này…Thức dậy từ sáng sớm, lại được mặc áo mấn lành lặn, có thêm nắm cơm mang theo ra đường xe lửa sắp hàng chờ đón vua. Mẹ tôi nhớ mãi lời khen của người hàng xóm với ông ngoại tôi đứng cạnh: “Con cháu nhà ông cùng tuổi với con gái tui, năm nay lên mười mà lớn và xinh ghê ông nhỉ”. Mẹ tôi nhớ đến già bởi xưa nay có nghe ai khen bà đâu. Như vậy cái đận đi đón vua mẹ tôi đã lên 10. Lớn lên tôi tra sách vở biết, đức vua đi qua quê tôi dừng lại thăm cầu Yên Xuân rồi ra Vinh là Bảo Đại. Chuyến đi ấy là vào năm 1934,. Cũng có nghĩa là mẹ tôi sinh năm 1924. Sau này tôi hỏi bà dì Đôn Nhượng, bà xác nhận đúng như vậy.

Cũng như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam khác trong chế độ phong kiến, Nho giáo đè nặng. Mẹ tôi được sinh ra trên đời nhưng vô danh. Ngày sinh tháng đẻ không có. Tên mẹ tôi là Cháu, Cháu Yển. Yển là tên ông ngoại tôi, nhưng Cháu là tên gọi phổ biến ở quê tôi cho bất cứ ai sinh con gái đầu lòng, là tên chung. Lớn lên gả chồng “con gái là con người ta” thì “Tại gia tòng phụ/ Xuất giá tòng phu…” phải gọi nhường tên chồng chứ mình không có tên riêng. Sau này, khi lấy cha tôi thì mọi người gọi mẹ tôi là ả Chắt Liêm. Khi bố tôi thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng lấy tên là Hương, mẹ tôi được mọi người gọi là ả ( chị, bà) Hương. Con gái tôi thì vẫn gọi là bà Liêm nội.

Mẹ tôi còn có một cái tên nữa nhưng chúng tôi không nỡ nhắc đến. Ấy là vào năm mẹ tôi lên tuổi 15. Vốn phúc hậu, hay lam hay làm, cần cù chịu khó nên mẹ được nhiều gia đình để ý. Ông ngoại tôi là lái buôn bò nên quen biết rộng. Ông quen một gia đình khá giả, có của ăn của để ở làng Quảng Xá kề bên. Trong cơn chén tạc chén thù nào đó ông đồng ý gả con gái mình cho con trai ông bạn. Mẹ tôi nào có biết, nhưng cái thời ấy “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” là nguyên tắc và đạo đức. Mẹ tôi khăn gói về làm dâu nhà người mà không biết một tí ti gì về chồng mình. Đám cưới tổ chức linh đình suốt mấy ngày bà mới hoảng hồn biết chồng là một người bị bệnh thần kinh, dở tính, suốt ngày nằm một chỗ gào rú thê thảm. Người đó tên là X, cũng từ hôm đó mẹ tôi có tên là ả Nho X.

Sau lễ vu quy là những ngày đau đớn u uất của nàng dâu. Mẹ tôi trở thành đứa ở không công. Suốt ngày công việc ngập đầu. Ra đồng chặt, gánh mía về nhà, cầm che, hốt bã từ 3-4 giờ sáng cho kịp nấu mật. Rét cóng người vì ngâm nước mía cả ngày đêm, chỉ được nghỉ tay mỗi đêm vài tiếng đồng hồ bên cạnh người chồng gào rú vật vã. Còn có cái may là mẹ tôi chưa thành đàn bà, gần 2 năm làm dâu, chưa có con cái gì cả thì một lần chồng mẹ tôi lên cơn động kinh, nhảy vào chảo mật đang sôi, bị bỏng nặng, không cứu chữa được đã qua đời. Mẹ tôi được giải thoát, lại khăn gói quả mướp bỏ nhà chồng về với ông ngoại và cái tên Nho X người đời cũng quên từ đó.

Khi mẹ tôi dang dở chuyện tình duyên cũng là lúc bố tôi gặp hoạn nạn. Năm 1945, trước ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra, cả vùng Nghệ  Tĩnh quê tôi chìm trong tang tóc của nạn đói Ất Dậu. Làng xóm điêu tàn, người chết đói khắp nơi không chôn kịp. Trong khi đó, hàng ngày, tàu hỏa Đông Dương vẫn kìn kìn chở thóc gạo qua đây, đến cầu Yên Xuân phải chạy chậm lại vì tàu dài, nhiều toa lại chở nặng. Gạo từ các toa tàu rơi vãi ở sân ga và hai đầu cầu. Người làng tôi đói quá, rủ nhau ra quét  thóc, gạo rơi vãi lẫn sỏi, đá mang xuống sông Lam đãi về cứu đói. Bố tôi mới cưới vợ chưa trọn năm. Lúc này ông mới 18 tuổi. Vợ ông người xóm Mai Sơn. Nghe nói bà đẹp lắm, là con thứ 6 trong gia đình nên có tên là Lục. Về làm dâu ông bà nội tôi chưa kịp quen hơi bén tiếng thì nạn đói ập đến. Một chiều tháng Ba, rét Nàng Bân còn cắt da cắt thịt, cô dâu mới đã phải ra cầu Yên Xuân quét gạo rơi vãi và bị lính Nhật đánh đập, đá ngã nhào xuống sông Lam. Cả rổ, rá và chổi quét gạo cùng cô dâu trôi theo dòng nước ngầu máu. Khi bà con vớt được cô dâu lên chỉ còn thoi thóp thở. Thuốc thang chạy chữa cũng chỉ kéo dài sự sống thêm một tháng. Tháng Tư, bố tôi đau đớn đưa tang vợ.

Tuy chưa có con nhưng người vợ đầu của bố tôi mãi mãi là thành viên của gia đình tôi. Mẹ tôi hết lòng trân trọng yêu kính bà. Hàng năm, ngày giỗ bà, ngay cả khi nghèo đói, túng thiếu nhất, trong nhà mẹ con tôi không còn lấy một bơ gạo thì ngày đó vẫn đỏ hương, đèn dù chỉ có bát canh đỗ giải (đậu đũa). Lũ chúng tôi, anh em trai gái đứng sắp hàng, vái lạy hương hồn bà, suốt mấy chục năm nay, kể cả những năm tháng bố tôi đi xa, ngày giỗ bà không về được. Sau này, khi gia đình tôi cùng họ hàng, làng xóm di cư lên huyện Nghĩa Đàn, mẹ con tôi bốc mộ bà mang theo. Bố tôi mất, mẹ tôi đặt mộ bà bên cạnh bố. Sau 25 năm, khi đã lên tuổi 80, mẹ tôi trở về quê cũ, làng Kiều Thượng, chúng tôi đưa bà về. Lên xe, mẹ tôi ngồi bên cạnh tôi mãn nguyện nhìn con trai bà một bên nách ôm tiểu sành đựng hài cốt bố và tay kia ôm tiểu sành đựng hài cốt bà Lục. Về quê, anh em tôi xây cất lăng mộ rất đẹp cho bố và bà Lục, để sẵn chỗ cho mẹ tôi. Ba năm sau (2008) lại đặt tiếp mẹ tôi bên cạnh. Ba ngôi mộ thẳng hàng nép vào nhau, che chở cho nhau, lưng tựa rú Giăng Màn và núi Thiên Nhẫn xa xa, trước mắt là dòng sông Lam hiền hòa chảy.

Bố mẹ tôi lấy nhau khi cả hai đã một lần đổ vỡ. Mẹ tôi cậy nhờ gia đình mẹ Lục rất nhiều. Chúng tôi được mẹ thường xuyên đưa về thăm bà ngọai và các cậu mự, dì Mai Sơn (đến nỗi sau này mới biết nhà ngoại chính thức của chúng tôi là ở làng Kiều Hạ). Cái tâm, cái đạo làm người của mẹ tôi đã dạy dỗ chúng tôi tình nghĩa thủy chung từ tấm bé. Tết năm nào cũng vậy, mẹ tôi dắt chúng tôi về chúc tết họ hàng và bà ngoại Mai Sơn (bà Thụ Mai) trước khi về Kiều Hạ.

Cái lòng chảo quê tôi, lọt thỏm giữa Ngã Ba Phủ, giữa hai bờ sông Lam và sông La quanh năm đói, vì hầu như­ chẳng năm nào không bị nhấn chìm trong vài cơn lụt.  Nhà mẹ con tôi ở đầu làng, ba gian ọp ẹp, lợp lá mía, thưng phên nứa, trống huếch trống hoác. Nhà chỉ có một cái giường tre, mùa hè nắng nóng như thiêu như đốt, mùa đông rét thấu xương, ngủ không có lấy chiếc chiếu mà đắp. Sợ nhất là mùa mưa lụt.  Mùa lụt  nước lên cao ngập mái nhà. Nước trắng bạc, đục ngầu, lềnh bềnh củi rều, rác r­ưởi, xác súc vật và cả xác ng­ười trôi lập lờ rồi tấp vào bụi tre, ngọn cây, bốc mùi hôi thối. Mẹ tôi biết bơi lội từ bé. Trong cơn mưa và gió bão, mẹ tôi vẫn một mình ngụp lặn, kê dọn từng cái ghế, cái chõng tre. Năm ấy, tháng 8 năm 1954, đêm tối đen, nghe tiếng ào ào từ xa vọng về trong m­ưa gió. Nhà tôi nước đã ngập chạn, mẹ tôi phải kê đòn lên nóc và dỡ mái gianh ngoi lên. Sau mấy ngày vật lộn một mình với gió bão, mẹ tôi kiệt sức. Thức ăn đã cạn kiệt trong nhà. Gió vẫn ào ào, nước vẫn mênh mông và lên không ngừng. Mẹ tôi nghĩ chắc không sao thoát chết. Với 2 mảnh ván ghép không quá chục gang tay, mẹ tôi lấy cái yếm buộc hai anh em tôi mỗi đứa một bên và nằm đè lên giữa. Sợ bão, sợ n­ước có đẩy sập nhà thì cả ba mẹ con cùng chết, khỏi lạc mất nhau! Hoặc giả mệt quá mẹ có chợp mắt quên đi thì con không đứa nào lăn tõm xuống nước! Thế mà rồi trời th­ương. Mấy ngày sau nước đứng! Mẹ con tôi thoát chết để rồi sống những ngày đói quay đói quắt. Nhưng đó không phải là trận lụt duy nhất trong đời của mẹ tôi. Những trận lụt năm 1960, 1971, 1979 còn kinh hoàng hơn nữa.

Suốt những năm 50 của thế kỷ trước, cha tôi đi kháng chiến chưa về, mẹ tôi tay nách tay mang 2 đứa con nhỏ đi làm thuê cuốc mướn qua ngày. Trâu, bò không có, ruộng đất không có, cày bừa không có, duy nhất chỉ có hai bàn tay. Làng trên xã dưới ai có công việc gì là gọi. Mẹ tôi siêng năng, cần cù, chịu khó nên ai cũng thương. Từ sáng sớm xóm làng còn đang ngủ, sương mai còn ướt đẫm thì mẹ đã dắt anh em tôi đến gửi ông bà nội rồi đi làm. Tối đỏ đèn, không nhìn rõ mặt người,ba mẹ con mới dắt díu nhau về nhà. Ông xóm trưởng vẫn nói: “Ai mất chi, rơi rớt chi thì cứ hỏi mẹ con bà Chắt Liêm. Mẹ con bà ấy đi sớm về muộn nhất làng chắc nhặt được thôi”.

Cứ vậy mãi đến ngày Cải cách ruộng đất (1956),  nhà tôi được Đội xếp cho thành phần bần nông, được nhận qủa thực 5 sào đất bãi. Tôi được cầm cái thẻ bằng mo cau, với cái cán bằng tre dài chừng 1,2 mét lon ton đi cắm vào mấy thửa đất được chia. Lần đầu tiên trong đời mẹ tôi có mảnh đất riêng để mà cày bừa, trồng trọt hoa màu nuôi sống con cái,không phải đi làm thuê, cuốc mướn, nuôi rẽ cho nhà người khác.

Năm 1957, mẹ con tôi khấm khá lên trông thấy. Có căn nhà gỗ ba gian, chuyển về giữa xóm, vườn mua lại của một người nhận quả thực nhưng không ở. Năm ấy được mùa. Nhà tôi được vài tạ lạc, dăm tạ ngô, có con bê nhỏ, có lợn, có gà. Đùng một cái nhà tôi bị hỏa hoạn.  Chưa kịp lau khô nước mắt thì tháng Tư năm sau mẹ tôi lại phải rứt ruột, héo gan đưa tiễn đứa con thứ ba mới 18 tháng tuổi chết vì tiêu chảy mà không có thuốc chữa.

Thế mà rồi mẹ tôi vượt qua được tất cả. Không biết bà lấy đâu  ra nghị lực và sức mạnh để rồi hai năm sau chúng tôi lại có nhà cửa để chui ra chui vào sinh sống.  Đến năm 1959, mấy sào đất được chia trong Cải cách ruộng đất lại nộp vào HTX nông nghiệp. Tay trắng lại hoàn tay trắng. Mẹ tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau, cầm dây thừng lôi con bê đi nộp vào HTX đợt đầu tiên ở Nghệ An.

Tháng 8/1964, không quân Mỹ ào ạt ném bom miền Bắc. Quê tôi bom đạn ngút trời suốt ngày đêm.  Mẹ tôi đã lại cùng các bà các chị có mặt  ở tất cả những nơi bị bắn phá, bị ném bom để cứu người bị nạn, dập lửa cứu tài sản; vớt hàng hóa, vũ khí đạn dược trên sông Lam.

Ngày này qua ngày khác, mẹ tôi cùng bà con xã viên hợp tác xã lao động sản xuất quên mình trong mưa bom bão đạn. Mẹ tôi cùng Hội Phụ nữ tổ chức đón tiếp, chăm sóc hàng ngàn chiến sỹ bộ đội và thanh niên xung phong vượt sông Lam vào Nam đánh giặc. Nhà tôi lúc nào cũng có các chiến sỹ ở. Mẹ tôi lo cơm nước, giặt dũ, thuốc thang, khâu vá áo quần cho từng chiến sỹ. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, mặc máy bay bắn phá dữ dội suốt ngày đêm, mẹ tôi vẫn không sợ, không chịu xuống hầm trú ẩn.

Cuối năm 1968, anh em chúng tôi, hai đứa lớn phải xa mẹ lên đường ra trận cùng cha tôi. Suốt 6 năm trời đằng đẵng không có thư từ tin tức của các con sống chết ra sao, mẹ tôi như héo đi, dồn sức lực còn lại vào đôi tay cày cuốc. Năm 1976 chúng tôi mới trở về gặp mẹ.

  Giờ thì mẹ tôi thanh thản nằm đó bên cạnh cha tôi và mẹ Lục. Tấm bia nhỏ bé ghi cái tên chung như mọi người: Trần Thị Cháu (1924 – 2008). Giờ đây, bà đã có một đàn con trai gái, dâu rể, cháu chắt nội ngoại trưởng thành. Ở một nơi nào đó, chắc mẹ đang mỉm cười mãn nguyện. Những ngày tháng với bao gian khổ, nước mắt của mẹ đã qua rồi, những giọt nước mắt đã cho chúng con có ngày hôm nay, mẹ ơi…!

Hạnh Liên

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 12/2021)