Có một nhà thơ rất đặc biệt, đã dành thật nhiều sự quan tâm, nhiều cảm xúc sáng tạo để viết cho trẻ em từ hàng chục năm nay. Đó là nhà thơ Trương Quang Thứ. Ông sinh năm 1951, là người suốt đời chỉ “đứng và nằm để làm thơ”, bởi ông bị bom Mỹ găm vào chân năm 1972, rồi liệt cột sống, khi vừa tròn 20 tuổi khiến ông không thể ngồi được. Từ khi còn là học sinh cấp hai cho đến nay, ông là cộng tác viên thường xuyên của báo thiếu niên Tiền phong, báo Nhi đồng (nay là báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng).

Cái lý do ông viết nhiều thơ, văn cho trẻ em thật đơn giản, khi các con ông còn nhở, ông muốn trao tặng những món quà tinh thần ấy cho các con, và sau này là trao tặng cho các cháu. Với ông, viết cho các em vừa khó, vừa dễ. Khó là bởi “mình không phải là ‘các cháu’”,  còn dễ là bởi trong ông luôn dồi dào cảm xúc trước mỗi cảnh sắc thiên nhiên, trước mỗi sự vật, sự việc nho nhỏ gần gũi với tuổi thơ. Và cứ thế những dòng thơ đến với ông rất tự nhiên, giản dị, trong sáng, và tươi trẻ.

Ông là Hội viên Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1996. Ông có hàng trăm bài báo, có nhiều thơ in chung và đạt nhiều giải thưởng của các báo/tạp chí. Riêng viết cho trẻ em, ông có  tác phẩm “Quả trứng và gà con” – đạt Giải B (không có giải A) Thơ hay Tạp chí Sông Lam, năm 1998. 02 trong 03 tập thơ riêng của ông là dành cho trẻ em. Đó là tập “Mầm quả biết đi” (Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm 2005) và tập  “Hoa hậu mèo” (2014). Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhà thơ tặng các em món quà nhỏ là hai bài thơ “Bút chì màu” và “Tàu mo cau”. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu.

Nhà thơ Trương Quang Thứ và một số bài thơ của ông. Ảnh: Hồng Nga

TRƯƠNG QUANG THỨ

Bút chì màu

Tớ là bút chì màu
Thắm hai đầu xanh đỏ
Thân hình tuy bé nhỏ
Ruột ngay thẳng mịn màng.

Đồng ruộng màu lục lam
Xóm làng hồng sắc ngói
Bao bức tranh tươi rói
Từ tớ góp gam màu.

Dẫu mòn vẹt hai đầu
Nhưng tớ đâu quản ngại
Biết giúp ích cho đời
Mình sẽ luôn tồn tại.

Ảnh: An Thư

Tàu mo cau

Trước sân lộng gió
Có tàu cau rơi
Đua nhau nhặt vội
Làm tàu hỏa chơi.

Sàn mo – bạn ngồi
Đầu tàu – tôi kéo
Kéo cả tiếng cười
Chạy quanh trong trẻo.

Không đi muôn nẻo
Chỉ trước sân nhà
Thay phiên người lái
Là tàu dừng ga.