Đôi bàn tay như phô diễn hết vẻ đẹp trước mắt tôi. Người thiếu nữ mải mê đan một bông hoa bằng sợi len. Thật khó diễn tả vẻ đẹp của đôi bàn tay ấy. Đến lúc này tôi cũng chỉ mường tượng đôi bàn tay cô gái khi thì như thoi dệt, khi thì như cánh chim câu, có lúc lại như cặp cá chép hồng đang quấn quýt trong hồ nước…”. Đó là dòng bộc bạch của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cảnh Yên, người tôi quý mến, đăng trên facebook cá nhân khi chú chứng kiến cô gái trên cùng chuyến xe say sưa đan bông hoa hướng dương tặng mẹ. Đó là thời điểm đặc biệt với chú. Chú chưa hết bàng hoàng khi nhận kết quả từ Bệnh viện Mắt Nghệ An với kết luận: thoái hóa điểm vàng một bên mắt. Một cú “sốc” quá lớn với chú bởi người ta thường nói “giàu hai con mắt”, và với một nghệ sĩ nhiếp ảnh như chú, đôi mắt càng vô cùng quan trọng. Thế nhưng, trong khoảnh khắc ngẫu nhiên đó, niềm vui đã được nhen lên. Chú xem đó như là một món quà cuộc sống đã ban tặng cho mình trong lúc đang rất cần niềm tin và hy vọng. Tôi như đang thấy một đôi tay mềm mại, khéo léo của cô gái, và khuôn mặt rạng rỡ của người mẹ đón nhận món quà, tất cả đều thật lung linh. Đôi khi điều khiến chúng ta hạnh phúc, rơi lệ không phải là cái gì đó lớn lao mà có từ chính những khoảnh khắc, những hành động rất đỗi giản dị, bình thường.

Sản phẩm được tạo nên từ đôi tay khéo léo. Ảnh: Cảnh Yên

Tôi nhớ hơn 10 năm trước, khi còn là một cô sinh viên, đời sống còn chật vật, chúng tôi thường tự tay làm những món quà tặng nhau vào những ngày lễ đặc biệt như giáng sinh, sinh nhật bạn bè, người thân. Đó là một chiếc khăn tự đan, móc, là một tấm thiệp tự làm. Có khi để có một món quà phải mất cả tháng trời, thậm chí cả năm như đan khăn hay áo len. Năm 2003, tôi vào đại học. Lần đầu xa nhà trên đất cố đô, nỗi nhớ nhà triền miên trong tôi. Để động viên em, anh trai tôi khi đó cũng là sinh viên học tại Đà Lạt, đã gửi tặng tôi một chiếc thiệp tự làm, kèm một chiếc chuông gió với những lời an ủi em gái. Tôi đã giữ gìn món quà đó hơn chục năm nay, lòng vẫn rưng rưng mỗi lần nhìn lại. Năm 2006, khi vào năm 3 đại học, trường tôi tổ chức cắm trại chào mừng ngày 26/3. Lớp tôi đã có nhiều hoạt động, trong đó có dịch vụ “từ trái tim đến trái tim”. Chúng tôi mua các nguyên liệu rồi cùng nhau làm nên những chiếc thiệp xinh xắn. Những chiếc thiệp được thiết kế phong phú, đính trên đó nhiều loại hạt như hạt đỗ, gạo, hạt tương tư, bầu, bí, các loại lá… Những tấm thiệp còn mang theo thông điệp, có cái làm sẵn, có cái làm theo yêu cầu người đặt. Dịch vụ trọn gói của lớp là bán và trao tận tay người nhận trong 3 ngày diễn ra hội trại. Rất nhiều đơn đặt hàng. Nhiều sinh viên nhờ cách này mà tỏ tình thành công. Thời đại công nghệ thông tin ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều cách để bày tỏ tình cảm. Còn trước đó, những lá thư tay thay lời muốn nói. Những chiếc thiệp của chúng tôi làm vì thế đã trở thành kỉ vật tình yêu của nhiều người. Với lớp tôi, đó là một kỉ niệm thật vui và đáng nhớ. Hội trại kết thúc, cả lớp đem cả vốn lẫn lãi đi ăn chè Hẻm, một quán chè nổi tiếng quen thuộc với sinh viên ở Huế. Đó là một bữa liên hoan không thể quên khi mỗi đứa ăn “kỉ lục” 2 đến 3 ly với niềm vui đã kết nối được nhiều trái tim.

Món quà tặng được gói và trang trí xinh xắn. Ảnh: Lê Nhung

Thay vì mua một món quà bán sẵn, tôi thường tự tay làm một cái gì đó tặng người thân, bạn bè. Nếu phải mua, tôi cũng thích tự mình gói ghém món quà đó theo sở thích. Để chuẩn bị quà tân gia cho anh trai, tôi từng mất 2 năm để thêu xong bức tranh “mã đáo thành công”. Vật liệu để thêu bức tranh được mua với giá 500 ngàn đồng, gồm chiếc hộp trong đó có một tấm vải kèm hình ảnh được in sẵn, bộ chỉ, kim thêu. Trước hộp chỉ thêu ngồn ngộn, bảng màu chỉ có tới mấy chục màu, kích thước tranh thêu cao 80cm, dài gần 2m, tôi cũng hơi “ngợp”, thầm nghĩ không biết bao giờ mới xong. Ngày qua ngày, đêm cũng như ngày, rỗi lúc nào tôi thêu lúc đó. Không thể đếm hết số lần xâu kim, xe chỉ, tay tôi đã thành thuần thục, không cần nhìn vẫn xỏ được kim. Đầu các ngón tay còn lưu nhiều dấu vết mũi kim. Nhiều người thấy tôi thêu say mê đều chắt miệng, bảo tôi tài chịu khó. Với tôi, đó không chỉ là một món quà mà nó là tất cả tình cảm tôi dành cho anh trai. Anh tôi đã treo bức tranh đó ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà mới. Tôi thấy mình được nhận lại thật nhiều sau mỗi lần cho đi như thế. Đó là những giá trị tinh thần to lớn dù giá trị vật chất không nhiều.

Một người bạn tôi là giáo viên đã bày tỏ cảm xúc trên trang facebook khi được con gái đang học tiểu học làm một tấm thiệp tặng bố vào ngày 20 tháng 11. Trên tấm thiệp cô bé vẽ bố, những bông hoa cùng lời chúc yêu thương với con chữ còn chưa tròn nét. Chỉ thế thôi nhưng người bố đã rất hạnh phúc và tôi nghĩ anh ấy cũng rất tự hào về sự hiếu thảo của con gái. Việc làm của cô bé đã nhận được rất nhiều sự ngợi khen của cư dân mạng. Tương tự như thế, vào ngày 20/10, tôi nhận được tin nhắn của cháu gái ở quê “O ơi, cháu có làm tặng o một bó hoa, hôm nào o về cháu gửi tặng nhé”. Mấy hôm sau tôi mới có dịp về thăm gia đình, cầm trên tay món quà cháu làm tặng, lòng tôi như nở hoa. Những bông hoa giấy được tô màu đỏ, cuốn tỉ mỉ từng cánh để thành bông. Có thể bó hoa không xuất sắc như hàng người ta bán ngoài kia nhưng với tôi đó là những bông hoa lấp lánh yêu thương.

Tấm thiệp dễ thương được các em làng trẻ SOS làm tặng mẹ đỡ đầu nhân dịp năm mới. Ảnh: Trang Đoan

Gần đây, ở các trường mầm non, tiểu học, các em được giáo viên hướng dẫn làm những tấm thiệp, những món quà tặng người thân. Thiết nghĩ đó là một cách làm hay để các em biết cách bày tỏ tình cảm và hiểu được giá trị của những món quà. Những bông hoa có thể chưa đủ cánh, những hình vẽ tuy còn ngây ngô nhưng thông điệp và giá trị nó mang lại không thể đo đếm được. Tôi có một cô em đồng nghiệp luôn hân hoan mỗi khi nhận một món hàng được bọc và trang trí tinh tế. Dù là món hàng em mua hay được tặng, dù chỉ là một nhành hoa nhỏ, một chiếc thiệp xinh, một cái kẹo được gói kèm đều khiến cô em thích thú. Tôi hiểu dường như người gửi đã gói ghém cả vào đó bao yêu thương, bao tri ân, bao nỗi lòng. Điều đó thể hiện sự trân trọng, cách ứng xử, văn hóa của người gửi.

Tôi thích những mặt hàng thủ công vì tôi luôn hình dung ra sự kì công, khéo léo của những đôi tay tạo nên những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản đó. Ngày nay, hàng hóa được sản xuất hàng loạt, đa dạng mẫu mã đến chất liệu, giá cả vì thế cũng rẻ hơn. Tôi thường vẫn tự hỏi, liệu những mặt hàng thủ công truyền thống có còn phù hợp trong thời kinh tế thị trường? Cách đây không lâu, trong một hội chợ xúc tiến du lịch tại Nghệ An, hàng hóa các vùng miền được đưa về giao lưu, bày bán rất phong phú. Trong thế giới hàng hóa đó, những gian hàng bán đồ thủ công lại là nơi níu bước chân tôi nhiều nhất. Tôi mê mẩn trước gian trưng bày và bán các mặt hàng đan, móc với đủ thứ hình thù to nhỏ. Tôi đứng tần ngần trước những chú tò he xanh đỏ. Dường như tôi tìm thấy bầu trời tuổi thơ của mình ở đó. Những chú tò he đã đưa tôi trở về với phiên chợ Tết xưa, khi niềm vui của anh em tôi là những con tò he được làm bằng thứ bột nếp nhào với các loại màu thiên nhiên. Những món đồ với đủ hình thù được những người thợ nhào nặn khéo léo là món quà mẹ mua cho mỗi lần theo mẹ đi chợ Tết. Những chú tò hè khi đó với tôi là báu vật, chúng được nâng niu, gìn giữ cẩn thận để không gãy đầu, sứt cánh. Chơi chán rồi lại nướng lên ăn.

Một số mặt hàng thủ công được bày bán tại hội chợ ở thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Lê Nhung

Trong hội chợ ấy, cũng có một số người dừng lại mua quà cho con trẻ, có người thì trầm ngâm đứng ngắm trước gian hàng. Có lẽ họ cũng đang tìm cho mình một chiếc vé trở về tuổi thơ. Một người bạn tôi nhắn “anh cũng mua mấy con tò he khi đi hội chợ về cho hai cô gái nhỏ”. Thì ra giữa “rừng” hàng hóa, bạn tôi vẫn chọn một mặt hàng thủ công làm quà cho con. Những mặt hàng được làm thủ công tuy không phong phú, đa dạng, nhưng nó vẫn luôn có một vị trí đặc biệt không thể thay thế. Bởi chúng được làm từ những đôi tay tài hoa mà ở đó chất chứa cả tấm lòng của người thợ.

Những đôi tay như những món quà của tạo hóa đã tạo nên những điều kì diệu, kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối trái tim đến trái tim như lời bộc bạch của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cảnh Yên “Có thể có người cho rằng đó là một món quà rẻ tiền nhưng đối với tôi – một người tưởng như vừa bị ngã gục vì bệnh tật bất ngờ ập đến, thì món quà này như là một tia nắng ấm áp, một bài ca, một điệu đàn bất tuyệt, một cánh chim bồ câu trên nền trời xanh trong…”.

Lê Nhung