Nụ chống cằm nhìn mông lung ra bến cảng. Tàu mùa này thưa thớt hẳn, vài chiếc lớn bé chậm rãi tiến vào, còi rúc tu tu. Bọn trẻ con vẫn không thôi thói quen chạy ra ngắm tàu, dẫu bao đời nay tiếng còi ấy chẳng hề thay đổi.

Những chiếc tàu câu mực nằm nghỉ đông được neo đậu chắc chắn. Chúng gối vào nhau nghe nước vỗ. Hàng rào thép dùng để phơi mực chọc vào trời chiều có những đám mây ngũ sắc. Khoảng trời rộng như bị phân lô với đường biên nhỏ đứt khúc. Không phận hay hải phận thì cũng đều cần có ranh giới rõ ràng thế thôi, chỉ là mắt thường không nhìn thấy được.

Mấy chiếc thuyền đánh cá lưới vây thu cần trục nằm hững hờ. Đâu đó một vài ngư dân đi kiểm tra tàu, tay xách những chiếc xô nhựa đựng mấy thứ lỉnh kỉnh. Nhìn họ, lòng Nụ lại mênh mang…

Hôm những vết lở cuối cùng xoáy sâu vào đám dừa trước ngõ, len vào từng góc sân, cả nhà Nụ mới chịu di tản ra gần bến phà. Ba Nụ hục hặc nơi cổ họng, còn người còn của. Là ông trấn an vợ con thế, thật ra lòng ông bão tố. Những đoạn đê bao ông cài chèn giữ đập tôm cứ dần ra đi sau mỗi cơn bão lớn.

Nụ theo bà và mấy cô dạt về thôn hai, cắm sào cư ngụ. Ba bám trụ nuôi trồng hải sản, kiên gan bền chí. Ông bảo, ai cũng bỏ làng đi rồi cúng đất ông bà cho hà bá sao, ông không cam lòng. Mẹ Nụ thở dài sườn sượt, gửi mấy đứa nhỏ cho mẹ chồng, cắm neo trụ lại cùng ba.

Chiếc chòi nhỏ toang hoác gió đông nội chèn bằng mấy tấm tôn mỏng, buộc hờ thêm mấy sợi lạt. Phía trước là bãi đất rộng, nơi bọn trẻ con thường tụ tập chơi năm mười. Buổi tối, lúc trời đầy sao, bà con lại ra đây hóng chuyện. Chuyện tàu ai tháng này đi vào hết bao nhiêu tổn, chia chác ra làm sao, lời lãi thế nào. Chuyện cô kia kén cá chọn canh, gần tới tuổi băm mà chưa có người dạm ngõ, cuối cùng vá víu với một gã chủ tàu chết vợ đáng tuổi cha mình. Hay như chuyện vợ chồng nọ hậm hực bỏ nhau vì chồng đi biển lâu ngày, vợ ở nhà cặp kè kép hát. Gã chồng sôi máu suýt lấy mạng vợ, nhưng họ không lôi nhau ra tòa, cứ thế cắn xé nhau mỗi ngày. Không chỉ say vào gã mới chì chiết, mà lúc vợ chồng chăn gối mặn nồng, đang phút cao trào, chợt gã hỏi vợ, thằng đó làm được như anh không? Chị vợ điếng người chết lặng. Gã cười hô hố rồi hùng hục bản năng. Cái kiểu thỏa mãn trong cơn hả hê trào ngược cảm xúc thật khiến con người ta đầy thú tính. Chị vợ toan tự tử mấy lần nhưng bất thành, riết rồi đâm chai lì, bẳn tính.

Bọn trẻ sống vật vờ, đứa lớn theo cha ra biển dài ngày, sống lênh đênh đời sóng nước. Đứa nhỏ ở nhà cùng mẹ, thả lú thả rớ tìm cách mưu sinh. Cuộc đời nhập nhằng sáng tối, chữ ít hơn cá tôm, cá tôm mỗi ngày lại vơi đi cùng những cơn sạt lở.

Nội nhặt những mảnh gỗ vụn ghép thành chiếc sạp nhỏ. Lần dò qua bến Tam Quang mua những thứ lỉnh kỉnh về mở một hàng nước. Ban đầu chỉ mấy bịch bánh kẹo, dăm gói bò khô tẩm gia vị đỏ lòm, những thùng nước xanh vàng ngọt lịm.

Mùa đông lê thê rét mướt, mấy chị mấy mẹ ngồi vá lưới ngáp ngắn ngáp dài. Vết chân chim chằng chịt trên những khuôn mặt rám nắng. Họ chẳng buồn quan tâm chúng là kẻ thù của thanh xuân. Bởi như mợ Năm bảo, đẹp xấu giờ còn ai ngắm nữa. Cậu Năm mãi không về sau một chuyến đi dài miên viễn. Mấy mùa đông rồi mợ lặng lẽ ngồi âm thầm trước biển, khóm hương cháy tới sát tay mới giật mình cắm xuống mô đất trống. Chân hương gặp gió cháy ngùn ngụt, khói quyện vào mắt cay xè.

Nghe chú Tư bảo, hôm ấy hình như thúng của cậu bị một chiếc tàu lớn đi qua dạt nước quá mạnh, chiếc thúng lật úp. Hình như cả hai thiết bị báo động đều đồng loạt hỏng. Mãi đến khi gọi bộ đàm không có tín hiệu, tàu chủ dò tìm thì mọi thứ đã quá muộn.

Biển lặng yên như chưa từng có một sinh linh vừa lìa cõi đời hòa vào mênh mông biển lớn. Cái im lặng đến lạnh người, cái lặng im vô cảm.

Biển bao dung là thế, mà khi ầm ào, cái dữ dội cũng thật khó lường. Mấy ngày chơ vơ giữa đại dương bao la, không tung tích, không dấu vết, tàu phải quay vào bờ. Những cuộc tìm kiếm đành gác lại. Mợ cùng tụi nhỏ chít vành xô tang tóc. Nấm mộ gió chôn mấy bộ áo quần mới tinh.

Mợ ôm mớ đồ cũ còn vướng mùi rong biển, lang thang ra bến nồm, rồi lội ngược về bến bấc, chẳng có cơn gió nào đưa cậu về. May còn tụi nhỏ kịp kéo mợ về lại thực tại.

Thằng lớn giống cậu như đúc, từ ánh mắt, nụ cười, đến dáng đi, rồi cả sở thích. Mợ cứ len lén nhìn con, rồi giấu vội dòng nước mắt. Thằng lớn bảo, sau này lớn lên con cũng đi biển. Mợ không muốn con chọn một cuộc đời lênh đênh. Biết mình không thể sống mãi với những niềm đau, mợ đành cất những hoài niệm đẹp đẽ cùng chồng vào sâu nơi trái tim.

Cũng có những bờ vai muốn mợ tựa vào. Cũng có những yêu thương rào đón. Nhưng không, phải tự vực dậy, mợ khoát vai, ráo hoảnh bước. Dường như phía xa kia có tiếng vọng về từ thẳm sâu nơi đại dương bao la. Mợ mỉm cười dắt tay con đi qua bao mùa biển động.

Chú Tư ngồi xếp bằng, bát canh chua đã lưng phân nửa, cốc rượu chuối hạt đậm sánh. Chú tợp một miếng rồi khề khà:

– Bữa nào tắt rada trốn qua biển nước ngoài đánh trộm là bữa đó trúng đậm nha mạy. Cứ lén lén dăm tháng đi lần.

Thằng con mợ Năm trố mắt ngạc nhiên:

– Ủa chứ hông bị bắt phạt hả chú Tư?

– Ờ thì bắt được nó nhốt, phạt hành chính, rồi cũng thả à mày, mà ăn thua gì. Đánh được những mấy trăm, phạt mấy chục, vẫn còn lời chán.

Thằng lớn trố mắt:

– Sao vùng biển của mình không đánh, lại đánh trộm của người ta chi?

– Biển mình ít cá, chứ bên người ta, cá dày luôn á mạy!

– Ủa kỳ vậy cà, con tưởng biển nào cũng như biển nào.

Thằng lớn đem tò mò thắc mắc ấy vào cả giấc ngủ chập chờn những cánh hải âu bay liệng.

Xóm chài này bao mái nhà bị tốc nóc, bao đứa trẻ mồ côi, bao người phụ nữ chẳng buồn soi gương chải tóc. Họ sống nhạt nhòa với muôn vạn kế mưu sinh, mỗi mùa mỗi việc. Như mùa biển động này họ chỉ biết ngồi nhà vá lưới. Những chiếc ghim trên đôi tay thoăn thoắt như làm xiếc, mớ lưới được cuộn tròn máng vào một góc nhà chờ ngày ra khơi. Đến vật vô tri còn có việc để đợi chờ, còn có ngày để hy vọng, còn có mùa để được tung hoành. Còn họ, khi người đàn ông của mình không về nữa, thì đến cả giấc ngủ cũng chẳng tròn đầy, mơ chi những điều to tát.

Minh họa: Bá Siếu

Mùi cá, mùi mực khô có sức hút kỳ lạ với bọn ruồi nhặng, chúng o o khắp nhà, như thể cũng khao khát tham gia cuộc vui. Những đôi vai sạm nắng gió chụm vào nhau chén chú chén anh. Món canh cá hố khô cùng rau chua như một thứ đặc sản không thể thiếu trong các bữa nhậu. Những vỉ xương cứng quành, dài nhẵng, mớ da cá đen nhẻm bám vào những giẽ thịt vàng ươm. Nhìn chúng khắc khổ chẳng khác nào cuộc đời của mấy ngư dân lam lũ bám biển ngày dài. Những câu chuyện trên biển lại râm ran, kẻ ở nhà nghểnh cổ nghe người đi bạn kể, nhớ một thời oanh liệt của chính mình.

Loa kẹo kéo hoạt động hết công suất, những bản nhạc bolero não nề lòng người. Xóm lá quen bình yên như cô gái ngủ đông bỗng bừng dậy chào ngày nắng đẹp.

Một ngày đầu thu, thằng lớn nhà mợ Năm trở về với bộ quân phục đẹp mắt. Em ấy bây giờ đã là một quân nhân, cầu vai, áo mũ, tinh tươm, cả đôi giày đen bóng lộn. Tất cả toát lên nét đẹp mạnh mẽ chuẩn mực. Mợ vui lắm.

Thằng lớn, à giờ ai lại gọi thằng lớn nữa, gọi là Hải, tên khai sinh của em ấy. Hải cao lớn vững chãi, bờ vai rộng và đôi mắt sáng. Làn da bánh mật cùng nụ cười hiền.

Cởi bộ quân phục máng nơi chiếc đinh đóng cạnh đuôi giường, Hải mặc chiếc áo thun màu rêu có thêu hình chú ngựa đỏ nhỏ xíu ngay bên ngực, chiếc quần tây được là phẳng phiu còn hằn từng nếp gấp.

Nay bên nhà chú Tư mừng lễ ăn hỏi của cô con gái út. Bạn đi biển đông đúc vui nhộn, mỗi người mỗi câu chuyện, lời ra lời vào huyên náo.

Bất chợt Hải lên tiếng:

– Các chú các anh có biết vì sao cá biển mình rất ngon mà khi xuất khẩu qua nước ngoài lại bị hạ giá không?

Vài lời xì xào:

– Thì họ ỉ nước lớn ăn hiếp nước bé. Thì chúng ta không thỏa thuận được hợp đồng thương mại. Thì…

Hải ôn tồn:

– Thế mọi người có nghe đến hai chữ “thẻ vàng” trong ngành thủy sản chưa?

– À, cái đó thì nghe mãi, mấy lần bị tàu nước ngoài bắt nhốt. Cán bộ rao giảng luyên thuyên, mà có lọt được chữ nào đâu, tai này qua tai kia.

Có tiếng ai đó cười hô hố:

– Bắt nhốt rồi cũng thả. Bên họ công nhận cá nhiều thiệt luôn ấy, mà không đánh, tiếc thật!

Hải lại tiếp:

– Mang thẻ vàng, giá trị xuất khẩu giảm đi rất nhiều so với thực tế chúng ta nhận được. Nếu không tuân thủ khai thác đánh bắt đúng vùng lãnh hải, có thể nhận tới thẻ đỏ. Lúc đó đừng mơ tới thị trường châu Âu. Lại nữa, chúng ta khai thác gần như tận diệt, không cho các loài có cơ hội sinh sản. Chính điều này đã khiến cho vùng biển của chúng ta trở nên nghèo đi.

Chưa kể những vụ bắt bớ đánh đập do vi phạm chủ quyền, có người bị nhốt mãi hằng tháng trời. Sinh mệnh còn khó bảo toàn, nói chi chuyện làm kinh tế.

Bữa rượu chừng như chùng hẳn, không khí ngột ngạt. Cái cách Hải về lại làng chài, nói những lời xa lạ có cánh khiến mọi người không quen. Họ nhìn Hải dò xét, vài lời không hay đã bật thốt ra. Chú Tư kịp giải vây bằng một câu chuyện ngoài chủ đề. Cuộc rượu lại tiếp diễn. Hải vui vẻ hòa cùng mọi người, nhưng thẳm sâu trong lòng là những ý định đang nung nấu.

Vẫn biết cuộc ngư vận thật không đơn giản chút nào. Chạm kinh tế, chạm đồng tiền là chạm đến nhiều thứ, kể cả tính mạng. Nhưng nghĩ đến tương lai của nghề đi biển, nghĩ đến dân mình còn bao gánh nặng áo cơm, lòng anh lại không yên. Dù khó, Hải quyết theo tới cùng.

Bến lở giờ không còn lấy một mái nhà. Những cơn gió mùa đông bắc lại tiếp tục tràn về, những đợt không khí lạnh tăng cường. Chiếc radio phát đều đều những bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo khí hậu biến đổi bất thường, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều nơi, băng tan khiến nước biển dâng cao.

Cha bất lực ngồi nhìn dòng thủy triều cuốn phăng đi mọi thứ, đau buốt lồng ngực. Hai hố mắt trũng sâu, những sợi tóc điểm màu lâm râm sương gió. Ngần này tuổi rồi, có muộn quá để bắt đầu một cuộc đời mới không? Nhìn vợ hao gầy đi theo mỗi cái xuân qua, nhìn các con phổng phao lên cùng những cơn bồi lở. Một mái nhà yên ổn cũng chưa có được để đi ra đi vào, thì mong chi gia thất yên bề cho các con đang tuổi lớn.

Chàng trai trong lòng Nụ năm ấy không trở về, người ta bảo anh qua Philippines tránh rét. Có người bảo anh làm ăn lớn, bao giờ đủ tiền cưới vợ mới về, chắc cũng dăm năm. Nụ thẫn thờ nhìn ra bến cảng, những gì anh nói đêm ấy có được xem là lời hẹn thề không? Cái ôm ghì vào lòng ấy, nụ hôn bỏng rát trên đôi môi thiếu nữ và cả những rung động thổn thức từ bờ ngực thanh tân run rẩy…

Những chuyến tàu về tàu ra, không có xíu tin tức hay manh mối nào. Đã mấy cái “dăm năm” ấy qua đi rồi. Tóc Nụ cũng bớt xanh, da cũng bớt hồng, và bờ môi đâu còn mọng đỏ. Biết người ta có trở về hay… Nụ gạt vội dòng suy nghĩ tăm tối.

Đời sóng nước, có khi vì chỉ một sơ suất nhỏ, hay gặp con sóng lớn bất ngờ, mãi mãi không tìm thấy xác. Huống hồ, người ấy của Nụ mồ côi, muốn đi muốn về chẳng ai ràng buộc, cứ thong dong tự tại với biển hồ. Tuổi trẻ hơn đời, đời dày hơn lớp sơn rái cá bám giữ thành tàu, ai biết ra sao, ai biết ngày sau…

Họ thậm chí còn chưa một lời hẹn ước. Là Nụ thầm thương thế thôi. Là Nụ mơ mộng thế thôi. Chỉ vì một câu nói bâng quơ, mà thanh xuân Nụ mắc kẹt lại nơi ốc đảo này.

Nụ mân mê từng món hàng. Mớ tóc óng vàng của cô búp bê nhỏ khiến Nụ thổn thức. Phải duyên phải phận, thì giờ chắc con Nụ cũng đã chạy nhảy khắp nhà, đã bi bô ơi ới. Chẳng hiểu sao Nụ lại đợi chờ một người trong vô vọng. Người ấy bây giờ thế nào, còn sống hay đã…

Nụ mắc cạn với những câu hỏi cho riêng mình, không giải thích được vì sao. Như con tàu neo nhầm bến, loay hoay với mớ cần trục, mỏ chưa neo mà lòng háo hức. Muốn xuống bến lại không xuống được, muốn rời đi lại vướng vất.

Thanh xuân ngắn ngủi đi qua, những chiếc tàu lại vào ra bến cảng. Ngày nối ngày, bất tận.

Khoảng đất trống trở thành nhà văn hóa, nơi tụ tập họp hội hay văn nghệ xóm chài. Những đoàn hát cải lương cũng theo phà tìm về thôn xóm. Những kép, những đào, những váy áo xiêm y, những phấn son lòe loẹt. Họ căng dựng lều trại, mượn tôn, thuê bạt làm nơi bán vé. Cả thôn xóm nhộn nhịp háo hức hẳn.

Đêm, khi những trường đoạn ngân nga, như những chị những mẹ khác, Nụ lại giấu lòng nơi gấu áo, nghe tim thổn thức những nhịp đập xôn xao.

Đoàn cải lương mắc mưa bão, không diễn được, cũng chẳng thể rời đi. Bão ngày hè, mọi công tác chuẩn bị đều bị động. Bến phà toang hoác gió, đìu hiu. Những khuôn mặt chảy dài thiểu não, họ vật vạ từng nhà dân đánh bài từ sáng đến tối.

Có anh kép tối nào cũng ghé quán Nụ, lúc mua bát mì, lúc vài điếu thuốc. Anh kể bên kia bến phà, có bao điều đẹp đẽ. Không chỉ là mớ cá tôm mắc nơi chiếc lưới nhỏ, cũng không phải chỉ những con người nơi xóm vạn chài sớm tối với mẻ lưới con con. Chỉ mấy bước chân thôi Nụ đã có thể thay đổi cuộc đời.

Ánh mắt Nụ lúng liếng mơ màng. Hình ảnh rộn ràng nơi những con phố hoa lệ với tấp nập người xe, với xiêm y lộng lẫy nhảy múa trước mắt. Nụ ngập ngừng trước lời thúc giục, “Ra ngoài anh sẽ giúp em trở thành nữ hoàng của những đêm diễn”, anh ta khen Nụ có chất giọng cao vút ngọt ngào, “Chắc nhờ ăn nước mắm Tam Hải”. Nụ phì cười, đúng là quê Nụ có loại mắm đặc sản ấy. Những ai từng qua ốc đảo này ít nhất cũng thưởng thức món nước mắm truyền thống ấy một lần, nó thơm hương cá và đậm vị biển, cảm giác quyến luyến nơi đầu lưỡi cứ khiến con người ta nhớ mãi.

Bão tan, đoàn hát lục đục rời đi. Anh kép thúc giục, Nụ chần chừ. Bà nội thở dài ngả người ra chiếc ghế mây đã bóng nhẫy hơi người. Cũng đâu còn quá trẻ để bắt đầu, nhưng chẳng ai cam lòng chọn điểm kết thúc khi chưa nếm trải. Những lời ngon ngọt của anh kép hát rót bên tai hàng đêm khiến Nụ lung lay. Thế giới này đâu chỉ những mớ lưới với cá tôm nhây nhẩy. Cũng đâu gói gọn trong những chuyến tàu về. Đằng sau những đợt sóng dâng là lở bồi mất mát, là hao khuyết mỏi mòn.

Nụ lặng lẽ xếp đồ vào chiếc túi vải to. Ở một nơi xa ấy, có một thành phố không ngủ, người ta đi trên những chiếc xe đời mới, diện những bộ cánh sang trọng, nói với nhau những lời hay ho. Không cộc cằn thô thiển, không chợ búa chân quê.

Nội nhìn như bất động ra cái nhà văn hóa cũ. Chỗ này giờ làm nơi thu gom phế liệu của một vựa buôn. Cuộc sống đổi thay, những nhu cầu của con người cũng ngày một khác hơn. Có quá nhiều thứ để lựa chọn hơn là chiếc quán nhỏ lụp xụp của nội.

Bên kia phà, một quán cà phê ba tầng to đùng nằm ngay vị trí đắc địa, nhạc xập xình những bản hit, có cả những cô gái trẻ tóc đỏ môi hồng. Những hàng quán ăn vặt bắt kịp xu thế món ăn đường phố mọc lên dọc bờ kè. Những đôi trai gái dập dìu ngồi ngắm trăng lung linh bên sông. Phía trước nhà là sông, rộn ràng tấp nập ghe phà. Sau lưng nhà là biển. Biển xâm thực những bến lở toang hoang.

Nụ bước lên phà, chòng chành. Tựa vào lan can, nghe gió thốc vào lòng ràn rạt. Giọng cô bạn lanh lảnh qua chiếc điện thoại, hướng dẫn đường đi, bắt xe nào để vào bến An Sương…

Tiếng tàu rúc tu tu khiến Nụ giật mình. Nhìn ra phía biển, một chiếc tàu lớn đang từ từ tiến vào, chậm rãi, khoan thai. Ôi cái âm thanh ám ảnh đó như thít vào lòng Nụ những nỗi niềm da diết. Chuyến tàu kia có mang người ấy của Nụ về không? Nhỡ khi về anh không tìm thấy Nụ… Nàng như chôn chân, đóng băng mọi giác quan. Hình như có ai đó trên tàu đang vẫy tay tìm Nụ, hình như có ai đó đang gọi tên mình. Nụ lật đật quay trở lại, phà đã rời bến tự bao giờ. Đàn hải âu chao theo từng con nước, chúng chúi đầu vào giẽ sóng, rồi bay vút lên, rồi lại lấy đà lao xuống. Trong tiếng phành phạch của máy nổ, tiếng xé gió của chân vịt, hình như có tiếng tha thiết của thanh xuân đang gọi Nụ bên đời.

Hồ Loan