Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ cô đơn là điều chỉ người trưởng thành mới phải đối diện và vượt qua nhưng trên thực tế, trong thời đại ngày nay, con trẻ cũng rất cô đơn. Các bậc phụ huynh, thầy cô biết rõ mình muốn gì từ các em nhưng dường như lại không hiểu điều chúng thực sự muốn là gì. Điều này gây ra nhiều hệ lụy về tâm lý, hành vi nhưng đáng tiếc lại chưa nhận được sự quan tâm đủ trong mỗi gia đình và trong xã hội. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng thanh thiếu niên trầm cảm, tìm đến cái chết hay sa vào tệ nạn xã hội ngày càng tăng cao và mỗi ngày trôi qua chúng ta vẫn phải chứng kiến những sự việc đau lòng. Thiết nghĩ, hàng năm, khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm, hưởng ứng ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em (12/6) hay ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chúng ta nên dành thời gian tự hỏi: Ta đã thực sự quan tâm trẻ đúng cách hay chưa? Ta đã làm gì để đồng hành với sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ, để những đứa trẻ không phải lớn lên trong sự cô đơn?

Ánh mắt trẻ thơ. Ảnh: Trang Đoan

Theo một tài liệu của UNICEF, Việt Nam có hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi; có khoảng 5,5 triệu trẻ bị thiếu thốn ít nhất trong 2 lĩnh vực: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, hoặc hòa nhập xã hội. Đại dịch Covid -19 vừa qua cũng đã khiến hơn 4.400 trẻ em ở Việt Nam rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Tại tỉnh Nghệ An, theo số liệu của Hội LH Phụ nữ, hiện có khoảng 12.000 trẻ em mồ côi, trong đó hơn 6.000 trẻ mồ côi sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đó là những đối tượng rất cần sự quan tâm, chăm sóc của các tổ chức, cá nhân cũng như toàn xã hội để các em được lớn lên như bao đứa trẻ khác, để chúng không thấy hành trình trưởng thành của mình đơn độc.

Tuy nhiên, không chỉ các em rơi vào hoàn cảnh trên mới phải đối diện với cảm giác cô đơn. Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ em lớn lên trong những gia đình đủ đầy cũng trải qua cảm giác đơn độc không kém khi ý kiến, cảm xúc, suy nghĩ của chúng không được lắng nghe và thấu hiểu. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được đặc biệt quan tâm, giáo dục. Những tác động tâm lý dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ. Những tổn thương tinh thần sẽ ám ảnh và theo trẻ đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, đáng buồn thay, trong giáo dục hiện nay tại gia đình, nhà trường cũng như môi trường xã hội, chúng ta lại chưa quan tâm nhiều đến cảm xúc, suy nghĩ của trẻ mà thường có xu hướng áp đặt lên chúng những ý muốn, suy nghĩ của người lớn. Nhiều khi, trẻ em trở thành nơi trút bỏ cảm xúc, mong muốn và cả những toan tính của người trưởng thành.

Lớp học vùng cao. Ảnh: Trang Đoan

Cô đơn, áp lực từ trường học….

Tại các trường học hiện nay, áp lực của học sinh về thành tích, điểm số rất lớn. Các nhà trường vẫn chủ yếu đặt nặng kiến thức phục vụ thi cử. Một số trường học, giáo viên có xu hướng phân biệt trong đối xử: quan tâm, ưu ái hơn đến những học sinh giỏi, có thành tích cao; khắt khe hoặc thiếu quan tâm các học sinh yếu, kém,.. Điều này khiến không ít em rơi vào tâm lý tự ti, lo sợ hoặc chán ghét đến trường. Trong khi đó, cảm xúc, tâm lý của học sinh là vấn đề hầu hết các trường học chưa quan tâm hoặc chưa quan tâm đủ. Và, thật đáng buồn khi tình trạng bắt nạt, phân biệt đối xử, kỳ thị, thậm chí bị xâm hại tình dục trong trường học vẫn xảy ra nhưng các em học sinh lại không có nơi đủ tin tưởng để chia sẻ và vượt qua những cú sốc tâm lý.

Với rất nhiều những áp lực từ chương trình học và kỳ vọng từ phụ huynh, giáo viên, các em học sinh ngày nay ít có thời gian cho những hoạt động giao lưu, kết nối hơn so với trước đây. Chưa kể đến những tác động từ công nghệ, mạng internet và xu hướng xã hội dẫn đến việc trực tiếp tâm sự, chia sẻ cảm xúc giữa bạn bè dần trở nên khó khăn, hời hợt hơn. Không ít học sinh vì thế mà cảm thấy rất đơn độc trong lớp học, thậm chí còn bị cô lập hay xa lánh vì những khác biệt nào đó.

Sẽ không quá khi khẳng định rằng: trong môi trường học đường Việt Nam, tiếng nói của học sinh chưa thực sự được lắng nghe và chưa được đề cao. Các em đang bị cuốn đi trong những ý muốn chủ quan của người lớn mà đơn giản có thể thấy qua câu chuyện thay sách giáo khoa, cải cách chương trình học. Mấy năm gần đây, chúng ta cứ loay hoay mãi với câu chuyện thay sách giáo khoa và hậu quả không ai khác là những đứa trẻ phải gánh chịu. Bao nhiêu năm nay, học sinh lẫn giáo viên gần như phải chóng mặt để chạy theo những thay đổi, cải cách trong chương trình học, cách thức thi, đánh giá chất lượng. Trong khi các bên không ngừng tranh luận, bảo vệ cho lập trường, quan điểm của mình; chứng tỏ khả năng, trình độ của mình; có bao giờ họ nghĩ tới những đứa trẻ, họ có thực sự đặt trẻ làm trung tâm hay không? Dường như người lớn chỉ lo cho những toan tính riêng mà không nghĩ đến rằng một việc làm, một quyết định nhỏ của họ sẽ tác động đến rất nhiều trẻ nhỏ và cả thế hệ trong tương lai. Trẻ em không phải là nơi để chúng ta thí nghiệm những sáng kiến, phương án đổi mới bất chợt. Trẻ em cũng không phải là nơi để chúng ta thỏa mãn những khao khát dở dang, những toan tính lợi ích hay cảm xúc của mình. Chúng cần được lắng nghe ý kiến, nguyện vọng; cần được tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ.

Trẻ cần được lắng nghe ý kiến, nguyện vọng; cần được tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ. Ảnh: Trang Đoan

… đến gia đình

Không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra. Có lẽ, bởi vậy, ngoài câu chuyện về huyết thống, gia đình luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người. Hạnh phúc hay khổ đau, bình yên hay giông bão,…hầu hết đều từ gia đình. Bởi thế, trước hết, gia đình phải là điểm tựa vững chắc cho mỗi người để họ tin tưởng sẻ chia, để cảm thấy được bảo vệ, che chở. Gia đình phải là nơi ta được yêu thương và thứ tha vô điều kiện. Gia đình phải là nơi để trở về khi mỏi mệt, tuyệt vọng. Thế nhưng, đáng tiếc thay, cùng những biến động của xã hội, môi trường gia đình hiện nay đang gặp nhiều vấn đề và không hiếm người cảm thấy cô đơn ngay trong chính nhà mình.

Trên mạng hiện nay có vô số video chia sẻ hình ảnh bố mẹ mắng, chửi, thậm chí đánh đập con chỉ vì học bài không tốt. Nỗi sợ điểm kém, nỗi sợ không giỏi, không khiến bố mẹ hài lòng đã trở thành nỗi ám ảnh chung của trẻ em Việt. Có những đứa trẻ phải học đủ thứ từ kiến thức đến năng khiếu dù chúng không có khả năng, không có đam mê. Tất cả chỉ là cuộc đua của các bố mẹ để khi ra ngoài họ có thể khoe khoang với nhau về con mình, để gia đình mình không thua kém gia đình khác. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều bố mẹ còn mắng chửi, đánh đập con vô cớ chỉ để thỏa mãn những nỗi tức giận trong mình. Bức xúc về công việc, về đồng nghiệp, về chuyện vợ chồng,… cũng có thể trở thành cái cớ để phụ huynh trút giận lên con cái.

Tỉ lệ ly thân, ly hôn, đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng; những bữa cơm hàng ngày có đầy đủ thành viên trong các gia đình dần trở nên hiếm hoi,…Hiện nay, nhiều gia đình tập trung làm kinh tế, quá buông lỏng quản lý, giáo dục con; nhiều gia đình lại chiều chuộng, đáp ứng con vô điều kiện; một số thì áp đặt kiểu giáo dục khắt khe, lỗi thời; một số gia đình ly thân, ly hôn, không hạnh phúc dẫn đến để lại cho con những ảnh hưởng về mặt tâm lý, tình cảm. Đặc biệt, cha mẹ Việt ít khi lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu tâm, sinh lý của con; đặt nặng áp lực học tập, thành công, buộc con chạy đua thành tích,… Việc ít tâm sự, chia sẻ dẫn đến sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, từ đó dẫn đến sự xa cách hay rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác mà các gia đình Việt hiện nay cũng đang đối diện chưa dành đủ sự quan tâm đó là vấn đề giới tính. Những nỗi đau, rạn nứt trong các gia đình có thành viên thuộc cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới); câu chuyện kết hôn đồng giới,… được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng dường như từ phía các cơ quan chức năng, trong các hoạt động về gia đình của ngành văn hóa thì lại gần như bỏ trống mảng này. Kiến thức của các bậc phụ huynh về vấn đề này cũng còn rất ít do đó chưa có sự thấu hiểu, đồng cảm. Vì thế, rất nhiều trẻ em đã phải đối diện với tổn thương, hoang mang, cô độc khi phát hiện ra xu hướng tính dục của mình mà không thể chia sẻ, tâm sự cùng ai.

Trẻ cần được lớn lên trong sự nâng niu, thấu hiểu. Ảnh: Trang Đoan

Đã đến lúc, mỗi gia đình, mỗi người làm cha làm mẹ cần nhìn nhận và ý thức lại vai trò của mình và của gia đình đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Cha mẹ, gia đình là nơi mỗi người được tiếp xúc, chịu ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất trong đời. Chính vì thế, đó là nhân tố quan trọng hàng đầu trong hình thành nhân cách trẻ. Những biến cố dù rất nhỏ trong gia đình cũng có thể để lại cho trẻ ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý. Do đó, việc giáo dục con cái là quan trọng hàng đầu chứ không phải con và những nhu cầu của chúng là vị trí số một. Trong mỗi gia đình, cha mẹ là những người quan trọng nhất và con cái có nghĩa vụ phải kính trọng, chăm sóc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cha mẹ cho mình đặc quyền áp đặt, buộc con phải luôn làm theo ý mình. Các bậc phụ huynh nên cập nhật kiến thức, thay đổi tư duy nuôi dạy con phù hợp với sự vận động của xã hội; tôn trọng sự bình đẳng, cá tính và không gian riêng tư của con; sẵn sàng làm người bạn để lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng cùng con.

Nhà văn Pháp François Rabelais có câu nói rằng: “Một đứa trẻ không phải là chiếc bình hoa để đổ cho đầy, mà là một ngọn lửa cần được thắp sáng” (A child is not a vase to be filled, but a fire to be lit). Trẻ em là đối tượng luôn cần được nâng niu, lắng nghe, thấu hiểu để khơi dậy ước mơ, đam mê, tin yêu và những phẩm chất tốt đẹp chứ không phải là nơi để ta nhồi nhét những kỳ vọng, toan tính của mình. Bởi thế, hãy thực sự đồng hành cùng trẻ để chúng không bao giờ cảm thấy đơn độc trên hành trình trưởng thành đầy khó khăn và thử thách phía trước.

Trang Đoan