24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Nhà thơ Văn Hiền với bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh”

Văn Hiền là nhà thơ, nhà báo ở xứ Nghệ nhiều người biết tiếng. Là một ký giả anh thường xông vào những lĩnh vực “gai góc” chống tiêu cực. Là nhà thơ, anh lại “chuyên canh” viết lục bát và khai thác sâu đề tài làng quê và sự hy sinh mất mát của Nhân dân ta trong chiến tranh ái quốc.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ, cùng đọc lại bài thơ nổi tiếng và vô cùng xúc động bởi phát hiện mới mẻ và đầy nhân văn của anh anh trong bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” như nén tâm nhang thành kính dâng lên các liệt sĩ chưa tìm được danh tính.

“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác”. Ảnh: Nhật Thanh

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng Năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.
Vinh, tháng7/1993

Sự khám phá mới của nhà thơ Văn Hiền bắt đầu từ tứ mở đầu và xuyên suốt tác phẩm, tạo ra âm hưởng trầm hùng trong dụng ý nghệ thuật sử dụng sự trùng điệp của ngôn từ ở năm điệp khúc: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác”. Ngoài đời, phần mộ liệt sĩ chưa rõ danh tỉnh, thường được ghi “MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH”. Với tâm hồn nhạy cảm giàu nhân bản, tác giả ẩn ức một nỗi đau đớn: gọi như thế là phũ phàng với những người con đã bỏ mình vì nước. Nhà thơ trào dâng xúc cảm tri ân: Xin trả lại tên cho Anh – cho những liệt sĩ. Mạch thơ khai triển từ ý tưởng “trả” các liệt sĩ về với gia đinh, quê quán của họ. Anh là một sinh linh được ra đời tự nhiên như nhân loại thường tình, được mẹ, cha chờ đón, nâng niu từ lúc hoài thai đến phút lọt lòng: “Mẹ sinh anh tròn ngày, tròn tháng/ Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa”. Anh được lớn lên trong một gia đình, một dòng tộc, một làng quê rất cụ thể. Nơi mà “hạt lúa củ khoai nuôi anh khôn lớn”. Anh gắn với xứ sở mà thiên nhiên khắc nghiệt “lưỡi cày lưỡi hái” bị “mòn vẹt dưới nắng, dưới mưa”, một xứ Nghệ lắm hạn hán và bão lũ “Tháng Tám nước trong/ tháng Năm nắng trải”. Nhưng quê nghèo, “chó ăn đá, gà ăn đất” đã nuôi dưỡng anh trưởng thành “bàn chân săn chắc dáng trai”. Thời bình, anh là lực điền lương thiện. Khi giặc đến nhà, anh để lại sau lưng luống cày bỏ dở, mối tình đầu mà kỷ niệm còn đọng “bờ vai mặn chát” buổi chia ly và “mắt ai vấn vít” suốt dọc đường hành quân để anh đi hết “chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/ Tên làng, tên đất theo Anh”. Bây giờ anh mang một tên mới: Chiến sĩ Vệ quốc quân – chiến sĩ Giải phóng quân!

“Anh trở về không tên không tuổi/ Trắng hàng bia”. Ảnh: Nhật Thanh

Đang háo hức “trả lại” danh tính cho các liệt sĩ, giọng điệu thơ bỗng chùng xuống bùi ngùi: “Bình yên sau cuộc chiến tranh/Anh trở về không tên không tuổi”. Mạch cảm xúc thăng giáng bất chợt, phải chăng, nhà thơ khắc khoải, bất an? Lý trí thì tỉnh táo tìm lại tên tuổi, quê quán, lẩy ra một “trích ngang” về cuộc đời bình dị mà cao đẹp của những người nông dân mặc áo lính đã hy sinh qua các cuộc chiến tranh ái quốc… Nhưng trái tim đa cảm của nhà thơ lại phải đối diện với một sự thật nghiệt ngã đến thiên nhiên cũng động lòng “rưng rưng cỏ mọc dưới chân” khi ngắm “trắng hàng bia những ngôi sao không nói”. Cảm thức từ hiện thực ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhà thơ đã tạo ra hình tượng thơ có sức gợi tả đến oặn lòng người đọc “trắng toát những hàng bia mộ” của những người lính ngã xuống vì sự bình yên của cộng đồng dân tộc Việt. Đây là hình tượng ám ảnh tâm trí chúng ta về sự hy sinh thầm lặng của bao người con yêu nước và cái giá của hòa bình. Giọng thơ càng lúc càng thống thiết hơn khi điệp khúc lời cầu xin càng lúc càng luyến láy và nâng lên cấp độ:
“Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác”. Một chữ “từng” chỉ xuất hiện ở điệp khúc khép lại bài thơ đủ nói lên lời cầu xin “trả lại tên cho Anh” càng trở nên bức thiết, cấp bách. Về ý nghĩa cụ thể, việc tìm lại danh tính cho một số liệt sĩ mãi mãi là một ẩn số… Nhưng nhà thơ đã tìm nơi trang trọng nhất mà Tổ quốc, Nhân dân ghi danh cho họ: “Tổ quốc không mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình/ nỗi đau xanh cùng năm tháng”.

Thắp nến tri ân các anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào (Anh Sơn) . Ảnh: Nhật Thanh

Đúng vậy, tên Anh đồng hành cùng nỗi đau mất Anh “xanh cùng năm tháng”. Nỗi đau muôn tuổi không già” (Thơ Vân Anh). Bài thơ của thi sĩ Văn Hiền làm thay đổi cách tri ân của mọi người hôm nay. Bia mộ của liệt sĩ chưa rõ danh tính không ghi vô danh nữa. Và đặc biệt hơn, thi phẩm được khắc trên đá đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào . Mỗi lần khách hành hương đến đây, lại thêm một lần đồng cảm với tiếng lòng thơm thảo của nhà thơ.

Và mỗi mùa thương khó là thêm một lần thân nhân liệt sĩ và dân ta lòng dặn lòng:
“Những giọt đau
trước nghĩa trang liệt sĩ
không tự sát thương mình
hóa giọt hồng cầu sự sống
đỏ nhịp đập hồi sinh”
(trích “Giọt đau” – thơ Vân Anh)

Vân Anh

VIDEO