Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (1030-2020)
Tháng Mười ta. Trời, đất hanh hao, se sắt. Chợt nhớ da diết anh bạn Nguyễn Duy Thủy quê gốc Đô Lương, từng giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch huyện Tân Kỳ (khóa 2011-2015), tháng 3 năm 2012 là Bí thư Huyện ủy, tôi háo hức bám chuyến xe khách, ngược đường 545 lên Tân Kỳ.
  Con đường rải thảm nhựa láng bóng, chẳng bù cho những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, mặt đường be bét hố bom, gập gềnh, nham nhở ổ gà, ổ trâu, lầy lội màu đất bã trầu. Hồi ấy, Nhà in Nghệ An đặt tại xã Kỳ Sơn nay là thị trấn Lạt. Hàng tuần, tôi phải đạp xe chuyển ma két, bài vở lên nhà in, tá túc vài ba ngày sửa bản in, chờ báo in xong, chuyển ra bưu điện rồi mới hối hả vượt trọng điểm bắn phá Truông Dong ngã ba Giang Sơn, cống Mũ Bà, quay về Tân Sơn, Đô Lương, nơi báo Nghệ An sơ tán. Thời bom đạn ngút trời, sức chịu đựng con người cũng lạ. Suốt gần 30 cây số vắng ngắt chẳng có hàng quán, nhịn khát, nhịn đói, thấp thỏm nghe tiếng máy bay, rồi dáo dác nhìn xem 2 bên đường tìm nơi ẩn nấp, tránh bom. Dễ đến gần 2 năm, tôi và anh Nguyễn Văn Thông, phóng viên báo Nghệ An, thay nhau mang ma két báo đi nhà in sơ tán. Một lần vượt khỏi Truông Dong, tôi hốt hoảng bắt gặp cảnh xe thương nghiệp chở hàng lên Tân Kỳ bị bom, lật ngửa, hàng cháy nghi ngút, máu loang đỏ mặt đường.
Mới đó, thoáng chốc đã nửa thế kỷ. Nhưng ký ức thì vẫn còn tươi nguyên.
Truông Dong đã ngan ngát xanh màu cây lát hoa, cây vàng tâm. Dưới tán cây vào mùa đổ lá, đâm chồi non tơ là bạt ngàn vườn dứa bao bọc quả non trái vụ.
Thị trấn Lạt, bừng sáng nhịp sống đô thị vùng kinh tế Tây Bắc nhờ tuyến đường xuyên Nam – Bắc mang tên Hồ Chí Minh với gần 40 km, băng qua Tân Kỳ, xóa đi nỗi nhọc nhằn, ám ảnh vùng đất heo hút, bị núi non bủa vây, khép kín không lối ra suốt hàng mấy thế kỷ. Kia rồi. Cột mốc số 0, khởi đầu lịch sử mở đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh từ năm 1959. Con đường nối mạch vận tải dài hơn 3000 cây số, nối hậu phương lớn tới tiền tuyến lớn, suốt gần 20 năm cả dân tộc đổ xương máu, góp nhân tài vật lực giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên đồng đất Tân kỳ. Ảnh: Xuân Thủy

Tôi cố tìm dấu vết rừng lim, loại cây có thân gỗ chắc nịch như đá. Rừng lim với hàng trăm héc ta, thời chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tán rừng che chở, nuôi giấu sư đoàn bộ binh 316, 324, 341 và 2 trường sư phạm đào tạo thầy, cô cho 10 huyện miền núi. Rừng lim còn là nơi giấu quân của Lê Lợi vào năm 1424, trước khi công phá thành Trà Lân. Rồi xuôi sông Lam bao vây, bức hàng tướng nhà Minh Trương Phụ tại Lam Thành (Hưng Nguyên ngày nay). Tân Kỳ từng có danh xưng khởi thủy là Tiên Kỳ. Phải chăng Lê Lợi trước khi xuất quân tiêu diệt quân Minh, đồn trú ở Bồ Đằng (Anh Sơn), Trà Lân (Con Cuông) đã cho làm lễ tế cờ tại rừng lim (nay là thị trấn Lạt) mà cả vùng đất này có tên Tiên Kỳ xa xưa?
Một vùng đất xét về địa văn hóa lịch sử, có bề dày hàng nghìn năm tuổi nhưng suốt một thế kỷ nó phải ẩn mình, thu hẹp trong danh xưng Phủ Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ, để rồi mãi tới ngày 19 tháng 4 năm 1963 mới định danh chính thức huyện Tân Kỳ với 13 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Hương Sơn, Nghĩa Phúc, Tam Hợp, Tiên Đồng, Phú Sơn, Kỳ Sơn, thị trấn Lạt.
Lịch sử thiên di con người góp cho cộng đồng Tân Kỳ nền văn hóa vùng miền phong phú trong cả nước. Người Thái, người Thổ, người Mán Thanh sống quần cư với người Kinh, họ đùm bọc, chia sẻ tập quán canh tác lúa nước, lúa rẫy, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, thậm chí trồng bông, dệt vải ở như ở Giai Xuân, Hương Sơn.
Phải vậy chăng mà dân tộc Thái, Thanh, Thổ vốn có ngôn ngữ riêng của mình, nhưng giao tiếp cộng đồng họ vẫn sử dụng tiếng người Kinh là chủ yếu. Đây là nét độc đáo, văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống nhiều đời ở Tân Kỳ. Sắc thái hòa đồng nhanh cả tiếng nói và tập quán được biểu hiện khi hơn 2 vạn bà con Vĩnh Linh – Quảng Trị ra sơ tán trong kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Sống với nhau chưa bao lâu ở vùng đất mới, phương thức trồng cây tiêu, cây cà phê của người dân Vĩnh Linh bỗng chốc trở nên cây phổ biến sinh trưởng trên mọi vùng đất đỏ bazan của Tân Kỳ. Cây sắn đỏ tía, lá nhỏ từ Vĩnh Quang, Vĩnh Chấp, Hồ Xá (Vĩnh Linh) di thực, bén đất Tân Kỳ cho từng chùm củ sắn da nâu sẫm, ít xơ, đem vùi than củi, thơm lừng ngõ xóm. Mùi sắn nướng thơm thảo tình người hoạn nạn có nhau, vấn vít tận giờ. Tôi ám ảnh mùi sắn nướng từ năm đất nước khó khăn, thiếu thốn lương thực, phải ăn bo bo thay cơm. Báo Nghệ Tĩnh (1976-1991) phải tự túc 6 tháng lương thực trong một năm. Chúng tôi ra Nghi Vạn cấy lúa, ngược Tân Kỳ vỡ đất bãi Lèn Rỏi trồng sắn, trỉa ngô dưới cái nắng chói chang, hầm hập gió Nam Lào quạt thốc tháo, mồ hôi rơi không kịp đọng. Ông Phan Đức Luận, quê gốc Đô Lương, nhiều năm là cấp ủy chủ chốt trước khi làm Bí thư Huyện ủy khóa (1989-1991), Bí thư Huyện ủy (1992-1996), thân phụ của anh Phan Đức Đồng, thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh hiện nay. Ông Phan Đức Luận rất thương anh chị em nhà báo, phải gò lưng cuốc đất, phát cây dọn mặt bằng, chọn hạt, chọn hom trồng sắn, trỉa ngô. Ông Luận bảo anh chị em Văn phòng Huyện ủy chế biến bột sắn, vo thành cục rồi trộn muối hấp cách thủy, chuyển ra tận Bãi Rỏi chia đều cho các nhà báo ăn thay bữa. Cả nước đói, cả tỉnh đói. Cả huyện Tân Kỳ đói quay quắt. Có củ sắn luộc qua bữa đã may lắm rồi, huống gì là tấm bánh sắn dẻo, thơm mùi hành tăm trộn lẫn bột sắn làm sao mà không nhớ, không quên tấm thịnh tình của Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Phan Đức Luận. Ông đã về thế giới người hiền, đã siêu thoát, tiên du nhiều năm, nhưng tôi không thể quên hình ảnh người lãnh đạo cao nhất Tân Kỳ, liên tục bấy nhiêu năm, lăn lộn với mảnh đất khắc bạc, chồng chất khó khăn thử thách, cùng người dân chân lấm tay bùn, chèo chống đưa Tân Kỳ vượt qua trở ngại để có gương mặt Tân Kỳ đổi mới, bừng sáng như hôm nay.
Tân Kỳ được tiếng là đứng thứ 9 diện tích tự nhiên: 72.890,23 héc ta của Nghệ An nhưng núi non, rừng tạp, đất trống đồi trọc chiếm 80%. Các xã Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân là đỉnh cao của Tân Kỳ. Ngọn núi Phu Loi cao trên 1000 mét đổ dài xuống lèn Pha Lồ, là dải ngăn cách điều kiện, đất đai tự nhiên, nơi hứng chịu gió mùa Đông Bắc mỗi năm tới 30 đợt, gây hậu quả “mưa không thuận, gió không hòa” cho canh tác nông nghiệp ở mọi vùng đất Tân Kỳ. “Của chìm” Tân Kỳ là 2,8 tỷ mét khối đá vôi, nhưng tác hại của đá vôi chính là tạo nên tầng đất chua phèn. Vùng Giai Xuân, nước ăn đào từ giếng đất, pha màu bàng bạc, nồng nặc phèn chua, phải lắng đi lắng lại nhiều lần. Xem ra Tân Kỳ chẳng được thiên nhiên ưu ái bao nhiêu. May mắn làm sao, sông Con phần hạ lưu sông Hiếu, phát tích từ nước bạn Lào, mạn  Nậm Giải, Quế Phong chảy qua Tân Kỳ trước khi hòa vào sông Lam đã bồi đắp nên bình nguyên trù phú với hơn 3.000 héc ta, trải rộng phía đầu huyện. Viết tới đây, tôi rưng rưng trong âm hưởng giai điệu ca khúc “… Đất bạc màu và vai áo em bạc thêm. Nắng mưa trên đồng, mưa giăng lối nhỏ em về. Đất mẹ hiền cùng ta với bao niềm riêng, đất ôm trọn kiếp người, mảnh đất quê hương ta”.

Một góc Giai Xuân, Tân kỳ. Ảnh: Xuân Thủy

Chung thủy với đất. Sống chết với đất. Quăng quật, bã bời với đất. Niềm khát khao no đủ với đất, phải chăng là lẽ sống từ nghìn đời của người dân không chỉ riêng Tân Kỳ. Lên Tân Kỳ, nhiều đêm thao thức trao đổi phương thức làm ăn vùng đất “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn” với Chủ tịch, rồi Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ – Nguyễn Duy Thủy, anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, chúng tôi nhắc tới tiềm năng đất đai có thể bố trí cơ cấu cây trồng mang lại giá trị hàng hóa cao hơn cây lúa trong đó có cây mía. Đất trồng lúa Tân Kỳ không chủ động nguồn nước tưới, năng suất bấp bênh. Vụ thu càng dễ mất trắng vì diện tích lòng chảo, mưa dăm chục ly lũ đã tràn ngập, cướp không công lao và cả niềm hy vọng của người nông dân một nắng hai sương, mưu sinh chìm nổi từ cây lúa.
Nhiều thế hệ lãnh đạo Tân Kỳ muốn bứt phá từ phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Những năm 60, Tân Kỳ đã có nhà máy đường sông Con, với sản lượng chế biến đường còn khiêm tốn, diện tích trồng mía nguyên liệu chưa mở rộng. Thêm nông trường trồng cam sông Con và An – Ngãi nhưng sản  lượng phập phù, chất lượng cam thấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định. Vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, nông trường giải thể, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cây trồng cho chủ hộ công nhân. Đơn vị quốc doanh không còn giữ vai trò điểm tựa, kể cả nguồn thu ngân sách lẫn trung tâm hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật canh tác cây trồng.
Chủ trương chuyển giao đất lâm nghiệp, đất trồng trọt, nhất là đất bãi phù sa ven sông cho hộ dân canh tác trồng trọt đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng, đa ngành cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Và ưu thế của cây mía nguyên liệu hiện hữu nối năm, nối mùa vụ trên tầng đất phù sa không chỉ ven bãi sông Con màu mỡ. Cây mía giống mới (LK92 – 11; KK3) dần dà thay thế giống mía truyền thống địa phương. Giống mía mới cho năng suất từ 90 tới 100 tấn mía cây một héc ta. Tân Kỳ thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, tạo cánh đồng 50 héc ta chuyên thâm canh cây mía giống mới, với tổng diện tích hơn 2.000 héc ta mía nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn mía chất lượng, có hàm lượng đường cao cho Nhà máy đường Sông Con đã nâng cấp cả công nghệ và sản lượng đường thương phẩm.
Lên với Tân Kỳ dịp này, vui làm sao khi bắt gặp một Tân Kỳ giàu lên từ vùng mía nguyên liệu. Bạt ngàn đồng mía trải tít tắp ở các xã Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Đồng, Tân Hợp, Đồng Văn, Nghĩa Hoàn. Vụ Xuân này, Tân Kỳ xuống giống 2.000 héc ta mía với cơ chế đầu tư mới. Tính ra mỗi héc ta trồng mía, Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con đầu tư 4,5 triệu đồng một héc ta. Chưa tính mỗi héc ta được Công ty đầu tư 10 tấn bùn phụ phẩm thu gom sau chế biến đường thương phẩm. Lại chưa kể Công ty chuyển cấp tại ruộng vôi bột bón khử chua, tăng độ mùn cho đất trồng mía.
Vui hơn, người dân trồng mía bớt đi nặng nhọc, nỗi lo phải kéo dài nông vụ bởi nhờ có máy đa năng lật đất, cày xáo đất trồng mía rồi máy thu hoạch mía cây vào kỳ mía chín đại trà. Người trồng mía thở phào nhẹ nhõm khi Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con bao toàn bộ chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền trả lãi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng mía.
Nhìn khối máy đa năng hiệu Kubota của Nhật băng băng lật đất, thả hom giống xuống thảm đất nâu quánh, đượm màu phù sa sông Con, man mát gió Xuân, ưng ửng nắng vàng, tôi chạnh nhớ tới những năm bom đạn Mỹ gieo rắc xuống tuyến đường 15, chạy vòng vèo qua Tân Kỳ, có đoạn qua vùng mía. Thời ấy, các anh Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thị, Đặng Đức Khừ, trong muôn vàn công việc cần khối óc, trái tim nhiệt huyết, bàn tay cần mẫn của người lãnh đạo chủ chốt xử lý từng giờ, từng phút, vẫn không quên lặn lội xuống cơ sở chế biến đường thủ công, xem xét chất lượng từng mẻ đường ra lò rồi cắt miếng bao gói bằng loại giấy thô cứng của Nhà máy giấy Nghệ An, dành gửi ra tiền tuyến. Miếng đường kính thô ráp, đen bóng tới tay chiến sĩ, ngọt ngào từ tâm tình người dân vùng mía Tân Kỳ được cô đặc bằng cỗ che ép mía, nhờ sức trâu quay lầm lũi trong giá rét cuối Đông, trong tiếng bom nổ liên hồi dậy đất mạn đường 15.
   Năm tháng ấy, thế hệ con người ấy của Tân Kỳ nhẫn nại, kiên trì mở đất khai hoang đã thành ký ức khó phai mờ. Chỉ riêng tôi mãi còn hình ảnh Bí thư Huyện ủy Phan Đức Luận và anh bạn tôi Nguyễn Duy Thủy, cùng ông Nguyễn Văn Quốc – Giám đốc Nhà máy đường sông Con đầu tiên, những người lãnh đạo gắn bó máu thịt với huyện Tân Kỳ. Với tôi, ấy là nỗi nhớ không mùa, “đất thì ngọt, mía thì xanh”.

Văn Hiền
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam Số 5/Bộ Mới/2020)