Từ ngày 24 đến 25/11/2020, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tổ chức trại sáng tác tổng hợp cho 16 hội viên thuộc 7 ban chuyên môn gồm: Thơ, Văn, Lý luận – Phê bình, Sân khấu, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật. Đoàn do Nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội, làm trưởng đoàn.

Ông Hoàng Xuân Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện Tân Kỳ thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện.

Sáng ngày 24/11, Đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Tân Kỳ. Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao, thông báo với Đoàn một số thông tin về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương; bày tỏ niềm vui được đón tiếp các văn nghệ sĩ tỉnh nhà, mong muốn các văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh về con người, thiên nhiên và công cuộc xây dựng quê hương của cán bộ và nhân dân Tân Kỳ.

Chiều cùng ngày, Đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Trại giam số 3. Trung tá Đào Anh Sơn – Phó Giám thị, đã cung cấp cho Đoàn một số thông tin: Trại giam số 3 được thành lập từ năm 1955, là đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Đến nay, Trại giam số 3 là nơi giam giữ, giáo dục 2000 phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, án dài, án chung thân. Năm 2009, Trại giam số 3 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thăm và làm việc với cán bộ quản lý Trại giam số 3.

Trại giam có phân trại, khu giam giữ, nhà giam; công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; khu lao động, dạy nghề; công trình phục vụ làm việc, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, công nhân công tác tại trại giam.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với các bộ Trại giam số 3.

Sáng 25/11, Đoàn đến thăm đền Song Đồng Ngọc Nữ tại xã Nghĩa Hợp. Đền Song Đồng Ngọc Nữ là một trong những ngôi đền thiêng của huyện Tân Kỳ, thờ 2 cô con gái cụ Trần Đắc Tiến, hậu duệ đời thứ 5 dòng họ Trần thuộc làng Tri Lễ, xã Dương Hạp, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đường, phủ Quỳ Châu (nay là xã Nghĩa Hợp và Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ).

Thắp hương tại đền Song Đồng Ngọc Nữ.

Đền chính thức được xây dựng thời Hậu Lê, đến thời Tự Đức được Lý trưởng lập bản khai đề nghị, năm 1851, Triều Nguyễn chính thức ban đạo sắc “Nhị vị Thành hoàng Song Đồng Ngọc Nữ”. Năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng và công nhận đền Song Đồng Ngọc Nữ, là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

PV – Ảnh: Đình Chiến