Thơ ca vốn là tiếng lòng, là nỗi thầm thĩ sau những chắt chiu ngôn từ nên người làm thơ, đa phần họ “tự họa” nên giọng thơ của mình. Có người làm thơ để ru mình, có người làm thơ để bày tỏ…dù là gì đi nữa thì mỗi câu thơ cất lên, là đã ngân một nỗi lòng. Nỗi lòng ấy, được biết đến, được hiểu, được nâng niu thì quả là một hạnh phúc cho người làm thơ.
Như bài viết “điểm thơ” dưới đây Sông Lam giới thiệu với bạn đọc, là một sự hiểu và trân quý mà nhà thơ Lê Quốc Hán dành cho hai tập thơ mới xuất bản của hai người bạn thơ : Lương Khắc Thanh (Tập Tiếng mùa) và Nguyễn Trường Thọ (Tập Phía bên này của mùa Thu)

                                                   *******

LƯƠNG KHẮC THANH THẦM THĨ CÙNG “TIẾNG MÙA”
Khi mới chân ướt chân ráo vào sinh hoạt Hội văn nghệ Nghệ An, ngoài những cái tên nhắc đến phải nghiêng mình: Trần Hữu Thung (Thăm lúa) , Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Thạch Quỳ (Qua Đền Côông nghe chuyện cũ) tôi còn biết nhiều cây bút khá quen thuộc trong làng thơ xứ Nghệ: Phan Văn Từ (Nhịp cầu nối những bờ vui) , Phan Hồng Khánh (Những lời người nói), Biển Hồ (Người nhặt hoa đại ở khu lăng tẩm Huế), Lê Thái Sơn (Thơ vui tặng bạn xích lô), Vân Anh (Nhớ Hương Sơn)… Theo thời gian, tôi được biết thêm một số cây cây bút “trẻ” khá ấn tượng, trong đó có Lương Khắc Thanh.

Tập thơ Tiếng mùa, tác giả: Lương Khắc Thanh

Lương Khắc Thanh vừa trình làng thi tập “Tiếng mùa” (NXB Nghệ An, 5 – 2020). Đó là tập thơ thứ ba của anh sau các thi tập “Trăng chiều” (1995), “Ký ức làng” (2010). “Tiếng mùa” vẫn tiếp tục mạch thơ mang thương hiệu “hồn thơ Lương Khắc Thanh”: nhỏ nhẹ mà âm vang, thâm trầm mà sâu sắc… Cảm hứng chủ đạo của “Tiếng mùa” là tình yêu quê hương đất nước, cha mẹ họ hàng người thân và đặc biệt là những đồng đội đã cùng anh sát cánh trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm một thuở (“Chiếc ba lô của lính”, “Về cùng đồng đội’, “Đêm ở nghĩa trang hàng dương”…). Thơ anh ngồn ngộn chất liệu cuộc sống thực, dẫu rằng phần lớn là những sự kiện, cảm xúc … trong quá khứ được tái hiện qua ngòi bút đầy chất thơ và đậm chất Nghệ của anh. Bởi khi lắng nghe bước chân thời gian qua “tiếng mùa” thẫm thĩ, anh luôn mở hồn mình cho “Giọng Nghệ tìm về”, hòa cùng “ Dòng sông chở hồn câu ví” (ví dặm là hồn cốt của Xứ Nghệ quê anh). Nghe đồn rằng mấy năm nay mỗi ngày anh dành mấy giờ ngồi thiền. Phải vì vậy mà “Tiếng mùa” phảng phất chất thiền chăng?
Xin giới thiệu một bài thơ hay trong thi tập.

Với nhà thơ Ngô Minh 
 Còn đây vần cũ tờ thơ
Một không
Một sắc
Một bờ chiêm bao
Gió
Trăng
Từ vạn thuở nào
Nòi tình lại nảy
Cho xao cõi người

Ơ hờ
Một kiếp rong chơi
Một niềm cát vọng
Một đời
Tài hoa
Thế gian cái ác không già
Nỗi buồn mọc rễ
Nay đà nhú xanh

                                                  *****
NGUYỄN TRƯỜNG THỌ –  PHÍA BÊN NÀY CỦA MÙA THU
Nhà thơ Nguyễn Trường Thọ – tác giả của bài thơ lục bát khá nổi tiếng: “Đặt tay lên ngực trống đồng” (Đặt tay lên ngực trống đồng/ Để nghe vọng tiếng …Lạc Hồng nghìn năm) vừa trình làng thi tập “Phía bên này của mùa Thu” (NXB Nghệ An, 6. 2020). Tập thơ gồm 99 bài thơ lục bát (gợi nhớ 99 đỉnh núi Hồng quê anh) với 108 trang in (liên tưởng đến 108 vì tinh tú lớn trên trời: ba mươi sáu thiên cang, bảy mươi hai địa sát).
Sinh ra bên dòng sông La, êm đềm chảy như dải lụa đã đi vào ca dao dân ca câu hát (Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/ Nước mô xanh bằng dòng nước sông La). Con sông đã bồi đắp nên vùng đất trù phú bậc nhất Hà Tĩnh (La Sơn ngày xưa, Đức Thọ ngày nay) với không biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh và đã sinh ra nuôi lớn không biết bao nhiêu danh nhân anh hùng hào kiệt lẫy lừng.
Lớn lên, Nguyễn Trường Thọ được vào học lớp Chuyên văn Hà Tĩnh đặt ở Trường cấp ba Trần Phú (ngày ấy chưa có Trường chuyên của Tỉnh, lớp Chuyên văn gửi  ở Trần Phú – Đức Thọ, lớp Chuyên toán gửi ở Phan Đình Phùng – Thạch Hà). Anh được học với những thầy giáo giỏi – những cây đa cây đề của làng giáo Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Nhưng khác với nhiều bạn cùng khóa, tốt nghiệp phổ thông được đi du học nước ngoài hay vào Đại học, Nguyễn Trường Thọ cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau khi giải ngũ, anh trở thành một doanh nhân lăn lộn trên thương trường. “Thương trường là chiến trường thời bình”. Bởi thế, không ngạc nhiên trong bài thơ anh nói về “Hai mặt đồng tiền” hay đến vậy: “Khi hạnh phúc khi chia ly/ Mỏng dày đâu chiếc phong bì biết thôi/ Đỏ như máu, bạc như vôi/ Xanh như cỏ bạc như người tiền ơi/ Lật nghiêng hai mặt đầy vơi/ Bịt tai càng rõ tiếng rơi đồng tiền/ Lật nghiêng hai mặt ưu phiền/ Để ta lắng những nỗi niềm nhân gian”. Dẫu trong bất kỳ khó khăn gian khổ hay vất vả bận rộn nào, hồn thơ của anh vẫn ngày một được bồi đắp màu mỡ qua thời gian. Đến nay, Anh đã trình làng bốn tập thơ (Lắng lại phù sa, Lặng lẽ thương, Đặt tay lên ngực trống đồng, Phía bên này của mùa Thu). Anh từng đạt giải thưởng cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” (2010) do các báo Văn nghệ – Giáo dục & Thời đại – Gia đình xã hội – Người cao tuổi  – Đài tiếng nói VN và trang LucBat com đồng tổ chức. Cuối năm đó, anh được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.

Tập thơ Phía bên này của mùa Thu, tác giả: Nguyễn Trường Thọ

Từ trước đến nay, cũng có tuy không nhiều các thi tập “tuyền lục bát” xuất hiện. Bởi một tập thơ “trăm phần trăm” lục bát dễ đơn điệu, dễ “ru ngủ” độc giả vì cái âm điệu đều đều của nó. Ý thức rất rõ về điều đó, tác giả “Phía bên này của mùa Thu” đã đề cập đến nhiều mảng đề tài của cuộc sống, phong phú trong cách diễn đạt, tạo ấn tượng qua việc tạo dựng hình ảnh và sử dụng ngôn từ. Mỗi bài thơ đều được triển khai từ một câu thơ mà tác giả xem là “điểm chốt” và nhằm gửi tới người đọc một thông điệp nào đó về cuộc sống, tình yêu, cõi người…Bởi vậy “Phía bên này của mùa Thu” hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối.
Có ai đó đã nói: “Tác phẩm hay nhất của tôi đã tác phẩm đang thai nghén”. Với Nguyễn Trường Thọ cũng không ngoại lệ. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu về thơ (nhất là thể thơ lục bát sở trường), nhưng con đường thơ của anh vẫn còn đầy gian nan dẫu lắm niềm vui. Bởi anh đang còn ở “Phía bên này của mùa Thu”, mùa trong trẻo thơ mộng nhất trong năm. Trước mắt còn cả mùa thu đầy dông tố, mùa đông rét mướt lãnh lẽo trước khi cập bến thi ca vĩnh hằng.
Chúc anh sáng tạo ra những thi phẩm bất tử như cái tên “Trường Thọ” mà cha mẹ đặt cho với một niềm tin yêu hy vọng.
Trong 99 bài thơ trong “Phía bên này của mùa Thu” có hơn mười bài thơ viết về các loài hoa. Đặc biệt có ba bài viết về Hoa sen, loài hoa “Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mang cốt cách tộc Việt.
Xin dẫn ra chùm thơ hoa chọn ngẫu ngẫu nhiên trong thi tập (chọn vì nó ngắn).
Bóng sen
 Ngã vào Thu những rạc gầy
Lung linh bóng lá thơm đầy sắc hoa
Ngó sen trẻ, thân sen già
Tin yêu cất giữ ngọc ngà ủ hương

                 ***
Hoa gạo
 Phập phồng vòm ngực tháng Ba
Mắt ai thương nhớ để hoa rối bời

Vun cao thêm những khoảng trời
Bung biêng hoa nở mây vời vợi bay
Bến sông những cánh gạo lay
Giá sương vừa trải thương ngày xót xa

                  ***
Lục bình
 Đầm ao phô hết nỗi mình
Bèo Tây người gọi Lục bình ta kêu

Thềm sương chằm đục mái lều
Lênh đênh ngày trãi hẫng hều nổi trôi

Dạt bên một góc mồ côi
Nương cùng lấm láp phai phôi phận bèo

____________

Lê Quốc Hán