“Rồi, dặt dìu… mùa xuân theo én về”
                                            (Văn Cao)

Tuổi thơ tôi gắn bó với quê nội cùng những trò chơi nghịch ngợm, trong trẻo; những buổi trưa không ngủ nằm trong vườn, gác mình dưới vòm lá lao xao, hay những buổi sáo diều tấu lên bản concerto chiều huyền diệu. Nhưng in đậm mãi trong tôi là những câu chuyện nội kể. Có lúc, bằng một giọng vui vui, nội bắt đầu: “Ngày xửa, ngày xưa… tại một vương quốc nọ…” Hay bằng giọng ưu tư, nội chậm rãi: “Như vừa mới hôm qua thôi… ở làng bên…”, rồi thỉnh thoảng nội ngừng kể để thử hỏi những suy nghĩ ngây ngô của tôi. Tất cả đều mộc mạc, sâu sắc lại lung linh như huyền thoại.

Tết năm đó trời rét căm căm, qua giao thừa mà tôi vẫn còn thao thức mãi. Sau đó, bố phải bảo cả nhà đi ngủ để sáng về quê nội. Sáng mồng Một, cả nhà tôi bốn người hai chiếc xe đạp đèo nhau. Nhà nội đang đông khách lắm. Họ hàng, láng giềng ai cũng qua chúc Tết. Vì tôi là cháu ở xa nên nhiều người hỏi thăm, nhưng tôi thì hùa ngay vào đám trẻ con nghinh nghinh khắp xóm cho đến khi mệt nhoài.

Buổi tối, cả nhà quây quần trò chuyện quanh bếp lửa. Lúc này, chỉ còn lại những thanh củi rất to và đượm lửa. Những hòn than ấm rực thỉnh thoảng lại nổ lép bép. Một bầu không khí đoàn tụ, ấm áp. Lúc này tôi mới sà vào lòng nội, giành lấy nội và hỏi tíu tít. Nội làm như khó nhọc lắm, bế tôi lên và âu yếm:

– Ái chà c..h..à… ! Xem thằng Cún nghịch ngợm của ông nào. Chóng lớn q..u…á! Ông không bế được nữa mất thôi!

Tôi hãnh diện lắm, muốn nhoài cả người ra, song chợt nhớ tới một điều mà khi vừa đặt chân đến nhà tôi cứ thắc mắc mãi, liền hỏi nội:

– Ông ơi! Răng cành đào nhà ta không có hoa? Cành đào dưới nhà cháu nhiều hoa lắm, ông ạ! Không có hoa đào là không có Tết mô!

Bất ngờ, nội xoa xoa lên mái tóc hơi quăn bù xù một lúc rồi mỉm cười:

– À, vì mùa xuân đến muộn, cháu ạ!

Nhụy đào. Ảnh: Trang Đoan

Rồi nội lấy một que củi khều cho đống than rực lên. Khuôn mặt nội trầm tư như đang suy nghĩ về một điều gì đó xa xăm:mùa xuân đến muộn… mùa xuân đến muộn…”

Rồi nội nhìn vẻ hồn nhiên ngơ ngác của tôi, lâu, rất lâu…

– Thế cháu có biết vì sao mùa xuân đến muộn không?

– “Không ạ!” Tôi lắc đầu và ngước nhìn nội chờ đợi.

– “Ừ, được rồi”, vừa nói nội vừa huơ đôi bàn tay xương xương ra trước bếp lửa, xoa xoa chúng vào nhau, “Ông kể cho cháu nghe câu chuyện này nhé..”

Nội vui vẻ khi thấy niềm thích thú ánh lên trong mắt tôi:

– “Rồi cháu sẽ biết được vì sao mùa xuân lại đến muộn…”, nội nói rồi chậm rãi bắt đầu câu chuyện của mình…

Ngày ấy, ông giáo Năm ở cạnh nhà ta, dạy học trên làng Thượng đã đưa mấy cây đào đẹp và rất quý về trồng. Ông chăm chút tỉ mẩn, cắt tỉa hàng ngày để rồi đào thành cây, thành vườn. Khi ông giáo mất, anh Năm thay cha chăm sóc vườn đào (ở quê tôi người ta vẫn thường gọi tên cha theo tên người con đầu). Mỗi dịp đón năm mới, anh Năm chọn những nhánh đào đẹp đem biếu bà con láng giềng chơi Tết. Trẻ con thì thích được anh Năm hái cho những quả đào bụ bẫm vừa chín tới. Nhưng rồi cuộc sống ngày càng khó khăn, vườn đào của anh dần sa sút.

Những năm gần đây rộ lên thú chơi đào. Người thì thích đào Nhật Tân, kẻ thích đào phớt… Nhà bình thường thì chỉ chọn những cành đào nhỏ gọn, xinh xắn cắm vào một chiếc bình giản dị. Nhà giàu sang thì tìm mua những cành đào thật “độc” để thể hiện sự sành điệu, đẳng cấp.

Mỗi dịp Tết đến, càng ngày càng nhiều người trồng đào chở hoa về bày bán. Dần dần họ tụ họp nhau lại thành chợ đào. Chợ đào nằm trải dài dọc theo đường quốc lộ với đủ loại: đào phai, đào Nhật Tân, đào đá, cành già, cành tơ… Mỗi lần đi qua tưởng như đang lạc vào xứ sở hoa đào. Chợ nhộn nhịp cho tới tận chiều muộn Ba mươi…

Chiều Hai tám Tết năm nọ, ngày mà đào bán được nhiều và đắt nhất, anh Năm chặt mấy cành đẹp đưa xuống chợ. Bỗng một chiếc xe Camry đáp ngay trước cổng. Anh Năm ngạc nhiên nhìn hai người lạ hoắc bước ra khỏi xe, “ai vậy nhỉ?” mãi mà anh vẫn không nhận ra.

– Xin lỗi, đây là nhà anh Năm phải không?

Người trẻ hơn trông rất nhanh nhẹn, tháo vát vừa gỡ cặp kính đen vừa hỏi với vào.

– Vâng đúng rồi ạ, các anh hỏi tôi có chuyện chi không?

Không trả lời vội, anh ta quay lại lễ phép nói với người đi cùng. Đó là một người trung niên, đẫy đà.

– Dạ, dạ… Đây rồi, anh ạ.

Để mặc anh Năm vẫn chưa hết ngạc nhiên, họ tự nhiên đi vào trong vườn. Vừa đi, tay trẻ tuổi vừa ướm chuyện:

– Gớm, nhà anh khó tìm thật đấy! Hỏi mãi… Ừm… nghe nói nhà anh bán đào phải không?

– “Vâng, vâng…”, anh Năm gật đầu.

– Đào nhà ta đẹp thật. Chả là sếp tôi đến chọn mua cành đào ấy mà. Nhờ anh dẫn chúng tôi xem qua vườn một chút.

– À, thế ạ. Các anh vào đi.

Mùa xuân đến muộn, tranh Hải Thọ

Giờ mới vỡ nhẽ, anh Năm liền đưa hai vị khách đi thăm khu vườn. Khách dạo qua bao nhiêu gốc đào nhưng vẫn không tìm được gốc ưng ý. Khi đến một cây đào rất to với những cành vươn ra khỏe khoắn, chi chít nụ và những mầm lộc xanh mướt, thì khuôn mặt đầy đẫy của ông khách mới lộ vẻ hài lòng. Ông ta nói nhỏ với tay nhân viên câu gì đó. Tay nhân viên hiểu ý, vâng rồi dạ, rồi đến chỗ anh Năm, chỉ:

– Sếp tôi chọn cây kia kìa. Chúng tôi sẽ mua nguyên cả cây cho anh.

– “Các anh mua cả cây ư?” Anh Năm ngạc nhiên.

– “Vầng”, anh ta gật đầu và thăm dò, “anh bán bao nhiêu đấy?”

Bán cây đào ấy đi ư? Chao ôi, đó là cây đào không những to đẹp nhất mà còn là giống đào mà cha của anh đã đưa về trồng đầu tiên. Sinh thời, cha quý nó lắm. Nó cũng gắn bó với anh từ nhỏ; trải qua những mùa hoa rực rỡ, cho đến khi anh thích thú trốn cha, lén lút hái những trái chín đầu mùa. Đã nhiều năm nay anh chưa hề bán đi một cành nào của nó. Thấy anh Năm còn ngần ngừ, tay nhân viên thuyết phục:

– Anh yên tâm đi. Cây đào đẹp thế chúng tôi không để cho anh thiệt đâu.

– Nhưng…

– “Thì anh nói giá đi xem nào”, họ thúc giục.

Anh Năm đắn đo một chút rồi nói:

– Hay là… Hay các anh chọn cây khác nhá.

– Ồ, không, cây ấy thôi. T..r.ờ.i… bán cho sếp tôi thì anh cứ yên chí!

– “Thôi được rồi”, không thể từ chối anh Năm ra giá, “cây đó… tám triệu rưỡi”.

– Thế chứ!

Không cần trả giá, gã nhân viên xoa xoa tay vào nhau với vẻ hài lòng.

Vị khách đang chắp hai tay ra đàng sau, bệ vệ vòng quanh ngắm nghía rất kỹ cây đào mình chọn. Chà…! Tuyệt thật! Thế “quần long tranh châu”, tha hồ phát tài, phát lộc. Tết mà trưng cành này trong nhà thì thiên hạ cứ là tít mắt…”.

– Thế nào?

– Dạ, thưa anh… dạ…

Nghe nhân viên của mình lại thông báo ý của chủ vườn, ông ta gật đầu:

– Ok. Giờ anh bận chút chuyện. Chú ở lại giải quyết nốt nhé.

– Vâng ạ. Anh cứ để em.

Thân mật vỗ vai tay nhân viên rồi ông ta đến bắt tay anh Năm thay cho lời chào và đi ra xe với một vẻ khoan thai, thư thái.

Anh nhân viên bấm di động. Lát sau có một chiếc xe tải đến. Những người đi theo nhanh chóng bứng cây đào lên xe. Trong khi đó, tay nhân viên rút ví đưa tiền cho anh Năm và “boa” thêm năm trăm ngàn.

– Đây là chút tiền em chúc Tết anh và gia đình. Anh đừng ngại, coi như chúng ta làm quen. Sau này anh em mình còn nhiều dịp gặp lại mà. Thế nhá!

Anh Năm thần người ra, quên luôn cả việc chào tiễn khách. Không phải vì khoảng trống lớn trong khu vườn mà anh đang cố gắng tưởng tượng ra ngôi nhà, à không, chắc chắn là khu biệt thự của vị sếp kia phải đồ sộ lắm mới đặt cả cây đào Tết như thế…

Anh Năm nhanh chóng phác ngay ra một kế hoạch trồng đào trên khu vườn của mình. “Chỉ cần có mấy vị khách như thế này là…” mới nghĩ đến đó đã đủ khích lệ anh bắt tay ngay thực hiện kế hoạch của mình. Ra Giêng, anh lục những cuốn sổ ghi chép lại của ông giáo, mua sách kỹ thuật trồng cây cảnh, dồn hết tâm trí và sức lực của mình vào việc gây dựng lại vườn đào.

Đầu hè, trên những cành đào xấu xí, quặt quẹo bị bỏ sót lại, những bông hoa đã kết thành quả. Chim chóc ở khắp nơi ríu ra ríu rít kéo về. Nhưng anh Năm lại lo hỏng vườn đào. Bực mình, anh hì hụi làm lưới, rải mồi ngon xung quanh. Những đàn chim gọi nhau sà xuống, mải mê ăn rộn rã cả khu vườn. Chờ có vậy, anh nhanh chóng sập bẫy. Mấy con chim may mắn thoát được, hoảng loạn bay tứ tán. Sau vài năm như vậy, khu vườn dần vắng hẳn bóng dáng những chú chim.

Thấm thoắt đã sắp hết mùa đông, những bầy chim di cư đến phương Nam tránh rét đang quay về. Sải cánh chúng chở đầy ánh nắng ấm áp của phương Nam xa xôi. Muôn hoa chúm chím hé đôi môi mỏng mảnh cười đáp lại tiếng ríu rít mỗi khi có đàn chim bay ngang qua. Không khí ấm áp đánh thức những mầm chồi đang ngái ngủ trong thân cây. Những dòng suối đang róc rách chuyện trò nói vọng lên:

– Xin chào! Chào các bạn sứ giả của mùa xuân!

Đàn chim bay qua một vườn đào bát ngát, xanh rì. Những cây đào đang âm thầm chờ đợi tin vui của những đàn chim mùa xuân. Chúng bay chậm lại, định đáp xuống khu vườn yên bình, bỗng mấy chú chim thoát nạn ngày xưa kêu vóng lên:

– Đừng… ác… lão chủ ác lắm…!

Thế là bầy chim xôn xao: “Ác… ác lắm…”

Chúng không ghé qua khu vườn nhà anh Năm nữa mà tiếp tục bay như đang dang dở cuộc hành trình. Cả khu vườn vẫn cứ im lìm chờ đợi, chờ đợi mãi. Suốt mấy ngày anh Năm bồn chồn đi lại khắp khu vườn. Đôi mắt anh thâm quầng vì thao thức. Bao nhiêu công sức anh bỏ ra mà giờ đây khu vườn chẳng hề đổi thay. Những nụ đào vẫn chưa chịu tách đôi môi, những mầm non ngủ quên mãi trong vòng tay bao bọc của vỏ cây. Dường như chưa có chút hơi thở nồng nàn của mùa xuân phả đến sưởi ấm khu vườn. Anh Năm thẫn thờ, bàng hoàng ngước nhìn về phía xa xa, ở đó có những vườn đào đang rực rỡ đơm bông…

Nội ngừng kể, ngắm nhìn tôi đang thiếp đi trong vòng tay lúc nào không hay. Nội vuốt mớ tóc lòa xòa trước cái trán dô, bướng bỉnh của tôi. Trong giấc mơ, tôi thấy mình là chú chim nhỏ bay cùng một bầy chim phương Nam. Sải cánh của tôi và các bạn chở đầy ánh nắng ấm áp. Chúng tôi ghé qua khu vườn của nội, đậu lên mái ngói rêu phong và rộn rã hót những khúc điệu của mùa xuân.

TRẦN KHOA VĂN

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 30 – Xuân 2023)