Có người hỏi tôi đêm trên tàu chân anh Hào để ở đâu? Tôi mỉm cười: “khi gác lên người bên cạnh, lúc duỗi, khi co”. Đã mấy mươi năm, cảm xúc trên những chuyến tàu hỏa Bắc Nam – Nam Bắc trong tôi vẫn còn đó, giờ kể lại không khỏi bồi hồi…

Tàu chuyển bánh mải miết trong đêm. Tiếng xình xịch khiến bao người chẳng ai ngon giấc, nhưng với tôi, giấc ngủ trên tàu lúc nào cũng đặc biệt. Bánh sắt nghiến vào đường ray, tiếng ù ù thổi qua cửa, tàu xình xịch đi về trong nắng nóng lẫn gió mưa. Mỗi lần đoàn tàu chạy qua hay dừng lại sân ga lại thấy kẻ xuống người lên, gọi nhau í ới. Tôi nhoài người nhìn ra thấy người đứng, người ngồi chờ chuyến tàu khác, không biết họ đang đi vào hay đi ra. Gió chiều trên sân ga thổi bật lên những cơn mưa bụi, phủ lên không gian ảm đạm buồn, sân ga buồn, đường ray buồn. Qua khoảng sân, một người phụ nữ ngồi trong phòng nhìn ra, vẻ mặt buồn bã, hai mắt quầng thâm, đôi môi khô mím chặt…..

Phía sau ga là đồi núi trập trùng, chờn vờn mây và sương sớm. Ngoài đường ray, tiếng còi tàu rú lên báo hiệu đến ga. Tàu chạy qua nhanh, bỏ lại phía sau những làn khỏi mỏng chồng lên nhau. Sân ga trở lại trong im lặng, nghe cả tiếng côn trùng kêu da diết.

Tranh minh họa của Đình Truyền

Ga Cầu Giát nhỏ và cũ rồi, chỏng chơ mấy cái biển báo rỉ sét nằm dọc đường ray. Phía sau ga ngày xưa có những đồi hoa sim tím, rừng xanh miên man, bạt ngàn cây thông. Trước sân ga có nhiều hố bom do máy bay B52 của quân đội Mỹ ném xuống vào năm 1972. Thật kỳ lạ, quãng đường từ cầu Báng đến ga chừng 3 km, bom rải thảm nhưng bom tránh ga, tránh cầu và đường ray. Bom rơi vô núi, xuống đồng lúa và khe suối.

Đứng trong sân ga, bất giác tôi liên tưởng đến bao chuyến tàu chạy dài theo đất nước những năm 1980 – 1990. Cảm xúc đi tàu ngày ấy cứ thế ào ạt ùa về. “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi/ Nhớ khi xưa qua đèo qua núi/ Mà lòng anh mơ tàu qua núi cao…”

…Đây là lời bài hát mà người đi tàu thường vừa ngân nga vừa nhìn qua ô cửa sổ ngắm núi rừng, biển xanh sóng bạc đầu. Phía xa, từng đoàn thuyền đánh cá như chiếc lá khô nổi trên mặt nước. Lưng đèo gió thổi, cây lá rung rinh; đỉnh đèo mây xám bạc, cuồn cuộn đuổi bắt nhau, như đám cháy rừng.

Đến ga Vinh, tôi đứng giữa biển người nhìn theo những xe thồ hàng, những người tay xách, vai mang, lưng gánh và cả những cô gái như mang mùa xuân về trên phố. Bất giác, tôi chợt cất lên câu thơ Nguyễn Bính “Đã thấy xuân về với gió đông/ với trên màu má gái chưa chồng”.

ĐINH VĂN HÀO

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, số 30 – Xuân 2023)