Vợ chồng Én về đến bản, thấy trước mắt là đống tro tàn khổng lồ. Én ngây người nhìn ngôi nhà gỗ năm gian cũ kỹ của cha mẹ bị ngọn lửa ăn sạch sẽ và ông chú ruột đứng đấy đang khua khoắng chỉ trỏ. Trên đường đi, cô hình dung ra đủ mọi tình huống xấu. Nhưng may mắn thay, đám cháy diễn ra trong đêm mà bố mẹ cô không làm sao cả.

Khác với tâm trạng bừa bộn, hốt hoảng của vợ, Chu bình tĩnh hỏi ông chú mặt mũi nhem nhuốc như cái cột cháy dở. Thế bố mẹ cháu đâu rồi? Ông chú tỏ ra độ lượng, nhưng giọng kẻ cả. Nhẽ ra, từ ngoài bờ suối, chúng mày đã phải hỏi bố mẹ rồi. Đằng này, đứng đây mỏi chân mới nhớ đến. Bố mẹ mày chỉ bị sặc khói thôi, đang ở ngoài trạm xá để bác sỹ chữa cho. Én thắc mắc. Chú bảo sặc khói là sao ạ? Ông Sảng đưa tay quệt ngang mũi, rặn ra một tiếng ho, như thể ông cũng vừa bị sặc khói. Mày không biết con chuột bị hun khói trong hang thì nó thế nào à? Là khói chui sâu vào trong người, độc hại lắm, phải ho cho khói chui ra, không ho được thì phải đi trạm xá để bác sỹ bơm khói ra. Én gật đầu như thể đã hiểu chuyện. Cô kéo Chu chạy ra đường, nhưng vẫn ngoái cổ dặn ông Sảng. Chú đứng đấy nhỡ xã đến họ đến còn gặp. Ông Sảng phảy tay, vẻ quan trọng. Thế lúc chúng mày chưa về đây thì ai trông? Từ sáng đến giờ chưa được hớp nước, cái mặt chưa được rửa. Rõ thật là…là…

Ông Sảng đã định dừng lại không nói tiếp nhưng thấy mấy người họ hàng đang nhìn ông đầy ngưỡng mộ thì ông nói luôn. Đẻ con gái thì chỉ thế thôi. Nói xong, ông nhìn theo bóng vợ chồng đứa cháu gái, lòng thấy nhẹ nhõm hẳn. Thằng Chu là chủ tịch xã, chả biết nó bận thế nào mà chỉ có cháy nhà bố vợ mới gọi được nó về. Ông Tên, anh trai ông có ba đứa con gái, đứa nào cũng xinh xắn giỏi giang nên riêng cái khoản tiền sính lễ cũng dư sức cất một căn nhà gỗ to rộng. Nhưng người bủn xỉn thì tính làm gì, bao năm vẫn ở trong căn nhà gỗ ọp ẹp từ thời ông cụ nội để lại. May mà cháy đi. Con Én là cả, dưới nó là hai đứa em gái. Một đứa lấy chồng người Kinh, ở tận thành phố, thấy bảo có cái cửa hàng ăn uống to lắm, thức ăn toàn đồ ngon, rượu cũng toàn rượu quý. Còn một đứa thì lấy chồng người Giáy huyện bên, làm vận tải khách, có đến mấy cái ô tô to chỉ chở người đi chơi, đi ăn cỗ. Tóm lại, ông Tên may đủ mọi đường. Giờ cháy nhà cũng may. Kiểu gì các con cũng góp tiền xây cho cái nhà mới. Cứ khư khư giữ nếp nhà cũ, đêm nằm nghe mối mọt nghiến răng cũng đủ ốm rồi. Máu mủ ruột rà thật, nhưng chỉ uống rượu với nhau thì hợp, còn bàn chuyện nhà cửa thì vừa bén giọng đã cãi nhau om tỏi. Ngay như cái chuyện cháy nhà, ông can đừng báo công an làm gì, cháy cũ thì làm mới. Nhưng ông Tên thì cứ bắt phải báo công an. Đứa nào đốt nhà ông thì phải đền. Người dở lắm, ai thèm đốt nhà ông, ai gây thù chuốc oán gì mà đốt. Nhà gần rừng, tàn lửa người ta dọn nương bay vào cũng cháy. Lại mùa hanh khô. Do mình không cẩn thận, quanh đây người ta lợp ngói xi măng cả rồi, có ai cháy nhà đâu. Nhưng ông không dám cãi. Mọi người sau một hồi vây quanh cái cái đống tro khổng lồ mà bàn tán. May mà tết xong rồi nhà mới cháy đấy, chứ cháy vào tết thì… Nhà ông Tên, nếu chỉ có mình ông ấy bủn xỉn, keo kiệt thì cũng chỉ là cái anh hà tiện vụn vặt. Thế nhưng, giời khéo xe khéo buộc, nhà ấy được cả đôi. Bà vợ ông Tên, thời nào rồi mà vẫn còn mặc áo vá, khăn đội đầu cũng vá. Và dù có kích bác kiểu gì thì hai người họ vẫn vững vàng quan điểm tiết kiệm, chi ly. Ky cóp bao nhiêu năm, giờ ra tro hết. Hai cái thân già, suýt nữa cũng thành tro. Ông Sảng nửa xót anh chị, nửa hể hả. Đấy, góp ý bao nhiêu lần rồi, có nghe đâu.

Minh họa: Hải Thọ

Bầu trời ở bản Vành thấp tùm hụp, khói rồi tàn tro vẫn đầy, cái rét tháng hai làm cho không khí quánh lại. Vợ chồng Én ra đến trạm xá thì ánh sáng chỉ còn le lói góc trời. Nhà ba con gái, ba chàng rể mà giờ chỉ có vợ chồng Én có mặt trong lúc hoạn nạn nên Én thấy mình quan trọng hẳn lên. Cô tong tả đi vào khu vực hành chính là một cái phòng nhỏ có kê bộ bàn ghế gỗ đóng sơ sài. Nom căn phòng giống một cái nhà kho vì đồ đạc quá cũ. Nhưng lại giống một khu rừng vì tất cả đồ đạc đều bằng gỗ. Cô bác sỹ còn trẻ có đôi mắt to quá cỡ, nhìn Én như nội soi hết tim gan. Anh chị ở đâu mà giờ mới tới. Hai ông bà chỉ suy nhược cơ thể, đã truyền nước và đạm rồi, mai có thể về nhà. Én cúi đầu vâng dạ. Nạn nhân vụ cháy mà chỉ bị suy nhược cơ thể là may lắm rồi. Ai bảo cứ tiếc tiền. Tiền cho không ăn, để đến nông nỗi ấy, làm các con xấu hổ. Én rời phòng hành chính sau khi ký vào bệnh án rồi đi vào phòng điều trị. Ở đó, ông ngồi co ro, bà nằm co quắp trên một cái giường không phủ ga, cô đoán, vì sợ nhọ ga của trạm mà mẹ cô lột lên, cuộn để một góc. Nhìn thấy bố mẹ, Én vừa mừng vừa thương. Thấy con gái, ông Tên hỏi luôn. Công an điều tra thế nào rồi con gái? Én nhoẻn cười. Bố không phải sốt ruột, sẽ bắt được thôi. Bà Tên đang nằm nghiêng thì chống tay ngồi dậy. Tôi và ông ở đâu bây giờ hu hu. Vừa rên, nước mắt bà đã giàn giụa. Khi đó, rể Chu nghe điện thoại ngoài sân trạm xá đã xong, đang đi vào. Anh rể cả hào phóng khoát tay. Bố mẹ về ở với vợ chồng con. Lo gì. Ông Tên lắc đầu nguầy nguậy. Không đâu không đâu. Ai lại đi ở nhà con rể. Người ta cười cho. Chu bẻ ngón tay lắc rắc. Chả có ai cười cả. Nhà con rộng rãi, bố mẹ thì già rồi, giờ cất nhà mới vừa tốn kém mà vừa mất thời gian. Con bận lắm. Tiền cất nhà, bố mẹ giữ mà ăn tiêu rồi đi chơi. Chúng tôi chả chơi bời gì đâu. Nhưng mà, anh đã nói thế, chúng tôi sẽ cân nhắc. Thôi anh chị cứ về xem con cái thế nào đi. Mai sẽ tính tiếp.

Sáng hôm sau, ở trạm xá ra, vợ chồng ông Tên về thẳng chỗ nhà cũ. Nói thế nào ông bà cũng không chịu qua bản Mạ ở với con gái, con rể. Vườn còn đầy cây gỗ, ngày tháng thì rộng dài, lo gì. Ông Tên bảo vợ bà lo đi sắm mấy cái nồi niêu, kiếm gạo nấu cho tôi bát cơm nóng ấm bụng là được. Tôi và bà thiếu gì tiền mà phải đến nhà con rể ở để xấu hổ với thông gia. Đấy, tiền vàng cứ giắt bên người là chắc ăn, nhà cháy cũng không suy một đồng. Bà Tên thì được cái hợp chồng. Ông nói gì cũng đúng, làm gì bà cũng vừa ý. Nên bà chỉ cần làm theo ý ông là xong. Con cái can thế nào cũng không được. Không đứa nào lôi được ông bà ra khỏi mảnh đất tiên tổ. Ông bốc một năm tro lên tay, mặt buồn thiu, than thở. Để thì là nhà, du đổ thành củi mà cháy thì thành đống tro như thế này. Có nhẽ, tôi lại dựng cái lều như hồi tôi mới lấy bà để ở tạm trong lúc xây nhà bà ạ. Lần này xây nhà như người Kinh. Không làm nhà gỗ nữa. Nếu định làm nhà gỗ thì tôi đã làm từ lâu rồi. Ông Sảng thấy anh trai quyết chí như thế thì mừng lắm đi gọi người trong họ về giúp, chỉ sau một ngày thì xong luôn gian nhà tạm làm bằng tre nứa, lợp lá cọ hẳn hoi. Rồi chăn chiếu, giường tủ, đồ đạc, quần áo, cũng được các con ông sắm về. Ông Tên bảo vợ, tôi mệnh nước, nhóm bếp toàn tắt, bà mệnh lửa bà nhóm bếp đi, giờ tốt đến rồi.

Chiều tối hôm ấy, trong gian nhà tạm nhỏ gọn, ấm cúng, khi vợ chồng Én và vợ chồng đứa con gái thứ hai đã rời đi, ông bảo bà. “Có sóng gió mới biết lòng các con, hóa ra, chúng nó thương tôi và bà thật”. Bà Tên bật cười. Con thì phải thương bố mẹ chứ. Xưa, tôi cứ ân hận vì không đẻ được con trai cho ông, nhưng giờ tôi thấy mình thật may mắn vì có ba cô con gái. Bếp lửa đượm than, ông ngồi dựa vào vách, duỗi chân ra và húng hắng ho. Bà đang xiên một bắp ngô định nướng thì nghe tiếng mèo kêu. Bà giật mình nhìn quanh. Ôi con mèo khoang nhỏ, nó đang nép vào bó lá ngô, nhìn lửa hau háu. Bà Tên giật gấu quần chồng. Ông ơi, đúng là con mèo đến hôm nhà ta cháy. Ông Tên ngạc nhiên. Con này khôn nhể, lúc chúng tao đầu tắt mặt tối thì không thấy mày đâu, giờ nhà cửa xong xuôi, củi lửa ấm áp thì rúc vào ngồi. Người ta bảo mèo đến thì đen đủi lắm bà ạ, lại vừa đầu năm. Bà Tên nhìn chồng, tay vuốt ve, bênh vực vị khách không mời. Tháng hai rồi, cứ qua tết là được rồi, chứ vào ngày tết mà đến, tao đã cho một roi vào mông. Con mèo trắng muốt có vài đốm đen ở lưng và đầu, đặc biệt vết nhọ mũi, bà không nhầm được. Đúng là nó rồi. Bé mà khôn thế, cứ dụi đầu vào váy bà như đòi ăn. Bà vội đứng dậy, lấy cái đĩa nhỏ xé một tí thức ăn thừa đặt xuống cạnh nó. Nó liếc qua ông một cái rồi gừ gừ chén sạch, chả ngại ngùng gì cả. Nhìn con mèo ăn, ông Tên chột dạ. Có khéo nó là thủ phạm đốt nhà ta hôm nọ đấy bà ạ.

Khuya hôm ấy, trời rét lắm, hai ông bà vừa mới ấm chỗ thì nghe tiếng mèo rên khe khẽ trong bếp. Bếp thì tắt ngấm rồi, hôm nào trước khi lên giường bà cũng dội nước vào bếp. Bà vội vàng bật điện, mò dậy, xỏ dép. Vào bếp thì lại không thấy tiếng kêu. Bà đứng yên trong bóng tối một lúc. Từ trong gầm chạn, một con mèo trắng đốm đen bé tí ướt lướt thướt run rẩy lết ra. Trời rét như này mà mày ngã xuống nước thì không chết là may đấy. Bà Tên vội vàng chụm lửa, gầy bếp, cốt cho con mèo sưởi ấm. Chắc mèo con nhà ai đi lạc. Phải đến nửa giờ thì con mèo mới khô lông. Nó nhìn bà Tên chằng chằng rồi tiếp tục kêu. Mày nhớ mẹ hay mày đói? Bà lấy cơm nguội trộn ít cá kho cho nó ăn. Nó chậm rãi ăn, vừa ăn vừa kêu, xem chừng là nhớ đàn. Vì đã biết ăn cơm nghĩa là ít bú mẹ hoặc bị tách ra khỏi mẹ rồi. Bà Tên đang định dội lửa vào bếp để đi nằm thì lại nghĩ, giờ đã hai giờ sáng rồi, hai tiếng nữa lại dậy, lại nhóm bếp. Giờ dội nước thì con mèo này hết sưởi. Dù sao có hơi than nó cũng ấm. Ấy thế mà chỉ vừa chợp mắt thì lửa đã bén vào tận chỗ nằm. Hai ông bà may mà chạy thoát.

Nghĩ đến đó, bà Tên nắm tay chồng giật giật. Ông ơi, không ai đốt nhà ta cả. Cũng không phải tại con mèo. Mà là tại tôi, hôm ấy tôi đã không dội nước vào bếp. Tôi sợ nó rét.

Tống Ngọc Hân