Linh đinh tình phù sa là tác phẩm mới nhất của nhà văn Tống Phước Bảo vừa ra mắt độc giả vào tháng 2/2023. Nhà văn đã xuất bản nhiều đầu sách và ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc những năm gần đây qua một số ấn phẩm như Cả một trời thương (2018), Mình gọi nhau là cưng (2019), Les từng cen-ti-met (2020), Sài Gòn còn thương thì về (2021), Hỗn kỳ đài (2021), Biết vọng cố hương biết thương xứ mình (2022)… Với Linh đinh tình phù sa, một lần nữa nhà văn Tống Phước Bảo đem đến đến hương vị phù sa châu thổ qua giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm.
12 câu chuyện gắn với những nhân vật, những số phận khác nhau nhưng xuyên suốt, đượm lên đâu đó là một chữ tình, “chữ tình quấn lấy họ, dắt dìu họ đi qua nỗi buồn, dẫn họ chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến họ đắng đót với nỗi đau nhưng cũng là niềm thương để họ bám víu mà sống cho trọn đoạn đời phù sinh”. Những câu chuyện trong Linh đinh tình phù sa là câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà chúng ta có thể gặp đâu đó ở đời thường. Nhân vật trong đó là những phận người nhỏ bé như: bà bóng trong đoàn lô tô, cô giáo trẻ về làng quê hẻo lánh dạy chữ, những đứa con xa xứ… Họ cũng như những cánh lục bình, bông mù u, hay những con đò trôi lênh đênh theo dòng nước, quấn lấy nhau rồi cứ thế lênh đênh chìm nổi mà trôi về phía biển. Nhà văn tạo nên những phận người trong từng câu chuyện để rồi lại ôm nhân vật vào lòng bằng tất cả yêu thương, thấu hiểu, bằng ngòi bút giàu tính nhân văn.
Không rình rang hay phô trương, những phận đời cứ thế lộ ra trên từng con chữ mộc mạc, chân phương, cứ thế được sống trọn vẹn với mọi cung bậc cảm xúc, cứ thế đi vào lòng người. Tống Phước Bảo cho rằng “người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xót xa theo từng phận đời và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân”.
Bằng những trải nghiệm phong phú, với Linh đinh tình phù sa, nhà văn Tống Phước Bảo đưa người đọc khám phá cuộc sống trên dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây với muôn điều thú vị dù tác giả từng thổ lộ “đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ…”, “càng viết tôi lại càng như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết”. Với văn phong đậm chất vùng miền Nam Bộ cùng những hình ảnh quen thuộc như lục bình, so đũa, đọt mù u, cào cào, ếch, nhái, với đò, sông, cù lao, kênh rạch…, nhà văn dẫn dắt người đọc cùng đồng cảm với mình, cùng chiêm nghiệm lẽ đời mà cái gốc rể luôn được nhà văn chú trọng “người ta thây kệ người ta, riêng tui là thiệt thà với má nhất. Tui có một ông tía bà má. Tui dân cù lao, ngàn vàng cũng không đổi được cái gốc tích cù lao của tui. Hồi tía mất, tía nói cù lao mình sóng nước mênh mang, gió lùa lào xào. Gió lùa quẩn quanh cù lao rồi gió theo dòng mà ra sông. Sóng có vỗ bờ ì đùng thì tan ra rồi cũng chỉ là nước mà thôi. Lòng mình nặng hay nhẹ cũng là do mình mà má” (Ráng chiều cù lao), “sóng nước bưng biền vậy chứ nó thấm thía nỗi buồn lắm, nó gợn vỗ nhẹ hều vậy đó, mà nó vỗ miên trường suốt cả cuộc đời. Vỗ bạc trắng mái đầu hồi nào hổng hay” (Như lục bình trôi). Dường như trên mỗi câu chữ độc giả đều nhận thấy cái “tình miệt thứ, thương đồng bưng”, thứ tình viết mãi không hết.
Lật từng trang sách, cùng lắng lòng, buồn vui với nhân vật bằng cả tâm hồn và trái tim để hiểu hết cái tình ẩn sâu trong đó, và thanh lọc tâm hồn như cái cách nhà văn Tống Phước Bảo ghi trong lời tựa “nhưng mà người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tươi tốt”.
Tống Phước Bảo là nhà văn của thế hệ 8x, bút danh Trúc Thiên, hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022, và là cộng tác viên tích cực của Tạp chí Sông Lam. Nhà văn đã xuất bản nhiều đầu sách và có nhiều giải thưởng văn học từ Trung ương đến địa phương.
Bài, ảnh: Mộc Hương