1.

Bấc cuối mùa, chỉ còn sót lại dăm ba cơn lạnh se se lên miệt bưng biền. Chạp gọi mấy con gió đồng hong khô đám đất ruộng. Mớ lá biếc xanh lan dài trên bờ dậu thưa trước hiên nhà. Ngoại nhìn con nước rút sau mùa nổi rồi nhẩm tính. Non tháng nữa là Tết hen Mùng Tám. Dịch dã còn treo lơ lửng xứ mình. Biết cái Tết này có đủ đầy cháu con không bây? Ngoại hỏi trỏng không giữa một hôm thiên hạ ì đùng rào rạo ngoài chợ Giữa. Người thì đón con, người thì khoe cháu. Tụi nó sợ dịch nên về sớm, chích đủ hai mũi, cách ly đúng mười bốn ngày rồi nghen. Mấy công ty trên Sài Gòn cũng nghỉ sớm vì đâu còn hàng hóa gì mà làm. Một năm ngoảnh lại nhìn thấy toàn thất bát. Nhưng mà may là vẫn còn quy hồi cố hương. Ngoại kể ròn rọt chuyện bà Hai The khoe hồi sớm mơi. Sớm mơi của mấy bà già miệt này thường rổn rảng nhất trong ngày.

Gà còn chưa kịp gáy, ngoại đã trở mình, úng mớ trấu nấu bếp, bắc ấm nước nóng pha miếng trà, rồi tư lự nhìn con nước dập dình ươm nắng liêu xiêu chớm ửng của buổi bình minh trên con sông Cố Giang. Đợi đâu chừng mấy tiếng xuồng đuôi tôm chạy lạch bạch ngang nhà là y như rằng xách cái giỏ, đội nón lá, mặc thêm cái áo bà ba màu nâu sẫm vào rồi lội ra chợ. Chợ sớm đãi bôi tiếng mua bán, nhưng lại ra rả tiếng thăm hỏi nhau, nhiều câu chuyện xóm giềng cũng từ đó mà lan ra, mà thành nhiều cái hít hà, xa xót, hay mừng thương rưng rức.

Như nay nè, Mùng Tám bơi xuồng đi chợ rước ngoại dìa như mọi khi, chuyến về lòng xuồng toàn tiếng thở dài thườn thượt. Mùng Tám ngó mấy đám rau mác ven bờ sông đang đâm lá nõn. Chèn ơi, rau mác mà hái ăn với cá thòi lòi nướng chắc hết sẩy hen! Giá mà giờ út Tới ở đây, thể nào hai cậu cháu cũng lai rai vài xị rượu gạo Nha Mân. Ngồi nghe út Tới hát vọng cổ là sướng còn gì bằng.

Nhưng mà mấy năm rồi, út Tới không về. Thoảng khi những lúc rỗi rãi, ngoại biểu Mùng Tám gọi điện cho út Tới coi thằng con út của ngoại sao rồi. Mùng Tám giả lả nói khỏe ru à ngoại. Hay nó tự bịa ra cái câu chuyện bộn bề cơm áo gạo tiền nơi xứ lạ xí gạt ngoại. Cũng có khi nó thấy ngoại lủi thủi nhìn mấy cái bằng khen của út Tới, mắt ngoại rưng rưng thì Mùng Tám hí hửng khoe, út Tới mới gởi tiền về cho ngoại nè. Tiền giỗ ông, tiền mua cái ghế mát-xa cho ngoại, tiền sửa lại cái buồng phía sau, hay tiền ăn Tết nè ngoại. Năm nay ăn Tết ngon lành ngoại ơi. Mà miết bao năm như vậy. Nhiều khi bận lễ tết, giỗ quải cái khó của Mùng Tám là suy nghĩ câu chuyện làm sao cho ngoại ưng lòng.

Hễ ngoại gật gù cười bỏm bẻm, coi vậy mà cậu bây giỏi hen Mùng Tám, là thằng cháu nhẹ nhõm an lòng. Ờ giỏi quá chừng luôn đó ngoại. Mấy bận vậy, Mùng Tám hay ra ngồi ngoài bến, mình ên với miếng khô cùng chai rượu đế mà chắc lưỡi cái khà. Miệt Cố Giang bưng biền hun hút gió. Nên mấy cái nhớ nhung u hoài cũng mang mang dập dìu trên ngọn bần, trên tán gáo. Rồi lao xao theo sóng nước Cố Giang mà lềnh khênh khắp châu thổ.

2.

Xóm giềng bắt đầu đông lúc nhúc người từ thị thành xuôi về. Chuyến về mừng mừng tủi tủi nhưng cũng đắng đót nỗi niềm ngược cánh thiên di. Bận Tà Lọt chạy qua thăm Mùng Tám đâu cũng tầm giữa Chạp. Thằng bạn thân hồi ba vá miễng dùa lên thị thành mong cầu cuộc mưu sinh đổi đời. Nhưng lần về này là về luôn nghe mầy. Giữa những ngày đỉnh dịch, quẩn quanh với bốn bức tường lòng cứ thắt thẻo nỗi thèm xứ thương quê. Mình tay trắng lên đất lạ, chừng ngay cơn nguy biến mới thấm thía đâu là nhà, xứ nào là quê. Bưng biền coi vậy mà lội sông xúc được mớ tép, bắt được vài con cá, là cũng xong bữa. Hay rảo một vòng vườn nhà, hái mớ rau tập tàng cũng qua ngày đoạn tháng. Hai thằng ngồi trên bến sông quê ngửa cổ ực ly rượu gạo Nha Mân mà nghe cái nồng ấm quê hương râm ran trong lòng.

Bữa ngoại thấy Tà Lọt ghé nhà, tiếng võng cứ kẽo cà kẽo cọt suốt chiều hôm. Ngoại nhắc Mùng Tám tước lá mai. Ngoại xem đám bầu trái lúc líu trĩu giàn. Ngoại nhìn mớ bí đao xanh rì to bằng bắp tay rồi chép miệng tiếc rẻ. Bờ dậu Khiết Bông bắt đầu ra những chùm bông non hồng phơn phớt. Tầm đưa ông Táo thể nào cũng xum xuê tạo thành cái cổng hoa cho coi. Rồi thêm tuần nữa, Tết lấp ló hiên nhà là đám hoa đỏ rực rỡ. Ngoại tính ngày đếm Tết.

Ngoại lựa dừa sên mứt. Ngoại hái mận ủ đường. Ngoại chọn gừng non gọt vỏ. Mấy thứ hoa trái vườn nhà theo bàn tay khéo léo của ngoại thành mấy món mứt ngọt ngào dành cúng ông bà hay tiếp đãi chòm xóm sang chúc Tết. Ngoại cặm cụi làm, mẻ nào cũng thiệt nhiều. Bận Mùng Tám hỏi ngoại làm chi cho nhiều. Cực thân muốn chết. Rồi lại đau nhức mình mẩy. Ngoại hơn bảy chục, xương khớp có còn như hồi trẻ đâu mà bày biện. Mà thời này ra chợ mua chẳng thiếu thứ gì. Bánh mứt gói trong hộp xanh hộp đỏ, nơ to nơ nhỏ, bắt mắt lại ngon cũng chẳng kém nhà làm. Hay cả cái chuyện nấu bánh đêm giao thừa, trời thần, cực thí mồ luôn. Rồi cúng kiếng, ăn uống có bao nhiêu đâu, để ê hề mấy ngày Tết. Nói thì nói vậy, cằn nhằn cữ nhữ miết, nhưng bao năm trường ngoại cũng làm. Ngoại làm để gia đình cậu tư Tấn về thì cũng có chút quà quê lên tặng bạn bè. Hay cậu hai An có cái để đem về sui gia bên đó. Mà tía má mầy ghiền cái món mứt gừng của ngoại lắm à nghen! Còn út Tới thì nó chỉ thích mỗi cái món bánh phồng của ngoại mà thôi!

Mấy cái kí ức xưa xa cũ càng của ngoại cứ như một cuộn băng cát-xét, mỗi độ Tết nhứt là tua đi tua lại. Dây thanh băng lâu ngày thì bị nhẽo nhè nhẽo nhẹt. Ngoại lâu dần thì bạc thếch màu sương mai lên từng sợi tóc. Giọng nói ngập ngừng mỏng tang ướt nhẹp thể như có nước trong đó. Vậy mà nết ăn của mấy đứa con thì ngoại vẫn rõ mồn một.

Minh họa: Bá Siếu

3.

Có lần ngoại nói cậu hai An coi vậy mà sống nội tâm nhất nhà, tánh tình lầm lì ít nói chứ kì thực biết để ý nhiều thứ lắm. Tỷ như hồi cậu còn nhỏ xíu, mâm cơm nhà nghèo xơ xác, năm ba hôm mới có được miếng thịt, lần nào cậu cũng lắc đầu nguầy nguậy bảo chẳng ưng thịt, cậu chỉ thích cá. Vậy là mấy đứa em tha hồ mà gắp thịt vào chén. Hay như mùa nước tràn đồng, chiều chiều cậu bơi xuồng dọc bờ kinh hái bông điên điển non, nụ còn bum búp đem về cho ngoại làm bánh. Miếng bánh đầu tiên thể nào cũng dành cho con em kế là má thằng Mùng Tám. Con nhỏ được thằng anh cưng nhất nhà.

Hay bận cậu tư Tấn vào đại học, tiền học tiền trọ hay mấy thứ linh tinh một tay cậu hai An lo hết. Cậu làm ban ngày, tối đến thì đi dạy kèm, có khi đi phát tờ rơi. Mấy chuyện cậu hai An làm toàn là tự mình chứ chẳng nói với ai, chẳng bao giờ kể lể. Tới lúc đã yên bề gia thất bên miệt tứ giác Long Xuyên, cũng luôn dòm ngó đám em cháu, hay mấy chuyện vườn tược ruộng đồng của ngoại. Cậu hai An thèm nhất cái món bánh tét lá cẩm của ngoại. Tết năm nào về thăm mà không có là buồn so. Hỏi tới hỏi lui sợ ngoại yếu rồi hổng có sức gói. Vậy nên mấy dạo Tết gần đây, cậu hai An ưa về từ ngày Hai bảy, Hai tám. Cậu dọn dẹp nhà cửa, cậu đánh bóng bộ lư đồng, rồi bơi xuồng đi kiếm lá dong, cậu học ngoại sên nhưn bánh, cậu thử làm nước cốt lá cẩm. Cậu nhìn ngoại ngồi bên bếp lửa mà mắt cứ ầng ậc nước. Mấy lúc khề khà canh bánh chín, cậu cứ xao xác đâu còn bao lâu nữa được ăn bánh ngoại gói!

Hay như hồi Mùng Tám xin tía má về quê ở với ngoại, cũng nhờ cậu hai An nói vào. Chứ tía má nào đâu ưng. Ai đời thằng con kì công học cho xong cái bằng kỹ sư nông nghiệp lại xếp đó mà về tuốt luốt bưng biền xa xôi này để phụng dưỡng ngoại mình. Đàn ông chí lớn bốn phương. Về với ngoại biết đường nào mà phát triển. Nhưng Mùng Tám giấu nhẹm chuyện nó chân ướt chân ráo vào cái viện nghiên cứu tía má lo cả trăm triệu, tưởng là yên ổn, ai dè đấu đá, phe phái, tranh giành, không dưng họa giáng xuống đầu mình. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chịu trận khơi khơi. Mùng Tám thấy hình như cái gốc phèn dân dã quê mùa của mình hợp với ruộng đồng sông nước bưng biền hơn. Về với ngoại coi vậy mà dễ sống dễ thở. Cậu hai An bận đó cũng bỏ công việc từ Long Xuyên về nhà gặp thằng cháu, uống bữa rượu rồi bảo cả bốn đứa con đâu ai ở cạnh ngoại, giờ Mùng Tám về là phải cám ơn nó chứ trách móc gì. Anh em mình bất hiếu hết trơn. Lấy vợ lấy chồng cũng như sáo sang sông. Sáo sổ lồng mấy đời mà quay về lại chứ. Thì thôi để thằng nhỏ sống cuộc đời nó đi. Hồi đó má cũng đâu có bao giờ o ép đám anh em mình. Vậy nên mình cũng đừng bao giờ bắt con cái sống cho cái lý tưởng cuộc đời mình. Thời này mà, đứa thích phố thì ra phố mà bôn ba, đứa thích quê thì về quê mà nhàn hạ neo sào sống.

Vậy là Mùng Tám về với ngoại, ngót chừng chục năm. Hồi Mùng Tám về cũng là lúc cậu út Tới giành cái giải thưởng ca hát bông lúa vàng gì đó. Tiếng hát út Tới từ miệt Cố Giang lan tận chín nhánh sông phù sa, lan ra khắp lục tỉnh miền Tây. Bận có người trên Sài Gòn mời lên đó hát. Hát đâu chừng vài năm thì út Tới bảo bên nước ngoài có người rước đi. Giọng hát út Tới cứ vậy mà trôi xa miệt bưng biền này. Út Tới càng nổi tiếng thì cánh võng ngoại càng đong đưa kẽo kẹt, tóc ngoại càng bạc trắng và ánh mắt ngoại càng xa xăm thẫm sâu.

4.

Hai bảy Tết thì cậu hai An về với ngoại. Ngoại cười móm mém khi nhà lại rào rạo tiếng nói mấy đứa cháu. Mâm cơm chiều lại thêm phần rốp rẻng khi tía má cũng kịp sắp xếp công việc buôn bán trên thị trấn mà về. Người quét mạng nhện, kẻ lau bàn thờ. Nhà trong thì úng trấu nấu nước luộc gà, nhà ngoài đám con nít lại rân trời mấy trò lô tô inh ỏi. Trong buồng má xếp lại mớ quần áo Tết cho ngoại.

Hình như cũng chục năm rồi, ngoại vẫn giữ cái nếp chẳng sắm đồ mới mặc Tết. Dẫu má cứ gởi về mấy khúc vải gấm, rồi nhung, rồi lãnh Mỹ A. Nhưng bận nào về cũng thấy mấy khúc vải còn nguyên. Má la Mùng Tám sao hổng chở ngoại ra chợ Giữa may đồ mới. Tết nhứt mà để ngoại mặc đồ cũ coi sao đặng. Má cằn nhằn miết, nhưng ngoại lại cười hề hà. Con Lành mầy khéo lo, đồ má còn mới tinh. Nè mầy thấy hông cái áo bà ba màu mận này là hồi tía bây còn sống mua cho má đó. Chưa rách một chỗ nào. Chưa bao giờ sứt bâu luôn. Nè cái quần lãnh Mỹ A này là hồi thằng Tấn đi đâu qua xứ lụa Tân Châu nó mua về má mặc cũng chưa bao giờ vá một đường chỉ. Ờ thì có chăng là phải lên lai. Bị má càng già càng lụm cụm, cái lưng nó bắt đầu hơi còng. Mấy mớ xương cốt hình như nó sụm dần nên lên lai mặc cho hổng có lôi thôi lết thết. Khúc vải mới này hen, má để dành mai mốt Mùng Tám lấy vợ má cho cháu dâu má. Thì cũng là con dâu mầy đó Lành. Ngoại lại cười. Nhưng mà má của thằng Mùng Tám thì hổng cười. Má Mùng Tám nín thinh.

Hồi má Mùng Tám lấy tía nó cũng là thời còn cơ cầu. Bộ đồ cưới là xấp áo dài màu trắng, ngoại nhờ người ta vẽ hình mấy chùm Khiết Bông lên cho đẹp. Xấp vải hồi ông đi Sài Gòn ghé chợ vải nức tiếng Soái Kình Lâm mua về tặng ngoại. Bao nhiêu thứ đẹp nhất, bao nhiêu điều tốt nhất, suốt cuộc đời ngoại đều làm của để dành cho cháu con.

Bận ngoại nói vậy, má ra ngoài bến ngồi lặng lẽ. Gió Tết ngọt thí mồ mà mắt má cay xè.

5.

Cái hồi út Tới về nhà lần cuối để thưa với ngoại chuyện đi nước ngoài hát. Đêm cuối cùng ngồi trên bến sau nhà, út Tới dặn dò Mùng Tám đủ điều. Ngoại sanh út Tới khi tuổi đã chớm muộn mằn. Má Lành của Mùng Tám lại lập gia đình sớm. Thành thử ra hai cậu cháu xêm xêm tuổi nhau, vậy là thân nhau. Mọi chuyện cũng dễ dàng nói nhau nghe.

Út Tới mê vọng cổ, trời phú cho cái chất nghệ sĩ. Cứ ôm đờn lang bạt kì hồ khắp sóng nước Cố Giang dăm ba ngày rồi lại về với ngoại. Đám tiệc người ta kêu thì ôm đờn đi. Cúng đình hay vía Bà, hoặc lễ kỳ yên thì rong ruổi có khi cả tháng trời. Bận người ta biểu hát trầm ấm mộc mạc vậy nè, cái giọng ngọt như phù sa châu thổ ngấm vào người sao hổng đi thi. Lên tỉnh thi mà có giải, hát nhiều tiền hơn. Mà thiệt ra hát đình hát đám người ta cũng chỉ kêu thằng đờn con đào, chứ có cái giải này nọ hen, người ta kêu hai tiếng nghệ sĩ trước cái tên mình, nghe nó oách hơn, nghe mới đã cái nư của người đờn hát.

Út Tới nghe mủi lòng, bận đó cũng liều mình thi đại. Út Tới rao đờn vào hò, xuống xề, rồi miết dây đờn lên hẳn cung líu. Tiếng ngân lảnh lót khắp miệt bưng biền. Người ta trao út Tới cái giải nhất, cũng đồng nghĩa là út Tới thành anh nghệ sĩ nổi tiếng của Cố Giang. Út Tới quấn lấy cái nghiệp đờn ca rồi ôm trong mình chí lớn. Phàm càng được thứ này thì lại ngó sang thứ kia. Thiên hạ biểu hát hoài chi mấy cái xứ mút chỉ cà tha này, chỉ chừng bi nhiêu người nghe. Nghe hoài đâm chán. Vài ba năm lại tắt lịm thôi. Ông trời cho người ta có một cái thời, vậy nên phải tung hoành cho biết đá biết vàng.

Út Tới lừng khừng rồi thì cũng ưng. Định bụng lên Sài Gòn thử thời vận, nếu hổng được quay về. Ai dè, xuồng đưa ra khỏi dòng Cố Giang thì bị cái xanh đỏ đèn màu phù hoa của thị thành mà níu chân út Tới chẳng thể về. Những chuyến thăm ngoại thưa dần rồi thì chỉ còn nghe giọng út Tới qua điện thoại. Tết nhứt thì lại càng khó tìm, út Tới chạy sô mê mệt. Tiền út Tới gởi về đều đặn. Thiên hạ gặp ngoại hớn hở khen thằng út Tới nay lấy nghệ danh gì đó hay lắm! Ngoại chưng hửng hỏi Mùng Tám bộ cái tên Nguyễn Văn Tới nó hổng có hay hả con? Cái tên của cha mẹ ông bà đặt là cũng gởi gắm vào đó nhiều nỗi mong cầu mà. Mùng Tám chẳng biết trả lời ngoại ra sao. Chỉ biết gãi đầu cười cười chắc mấy cha bầu sô đặt đó ngoại. Ai làm nghệ sĩ cũng phải có nghệ danh mà. Giống như mấy ông nhà văn phải có cái bút danh đó ngoại. Cái lệ thường của nghề này mà. Chứ út Tới về với ngoại thì cũng là út Tới chứ đâu có bao giờ thay tên đổi họ mà ngoại lo chi cho mệt.

Nhưng lần này thì khác rồi. Út Tới được bà bầu sô nào đó bên nước ngoài chấm sau cái lần về Sài Gòn ghé rạp hát nghe út Tới ca. Bà bầu chịu chơi mời út Tới qua nước ngoài 6 tháng, bao tiêu tất cả. Út Tới cũng bắt đầu học được cái khôn lanh của nghề hát, cái toan tính của danh phận. Út Tới nhấp ly rượu cái ót tỉ tê với Mùng Tám. Tao biết bà đó bả kết mô-đen tao nhen mậy. Tao cũng đưa đẩy để bả bảo lãnh tao qua đó. Chừng qua tới bển tao dụ kết hôn giả, tao định cư lại luôn. Xứ thiên đường mà trời, đời đâu phải ai cũng có cơ hội này. Chừng tao vang danh đó hen, nhà mình cũng nức vách chứ hổng chơi. Mùng Tám nghe vậy thì hay vậy. Nhưng có điều thiên đường có thiệt hay không làm sao Mùng Tám biết. Chỉ toàn nghe người ta nói. Ai cũng rời bỏ Cố Giang đi tìm thiên đường, hèn chi sông quê cứ bên bồi bên lở, đất quê cứ bạc màu nứt nẻ.

Út Tới làm thiệt, út Tới qua đó đâu chừng năm ba tháng là gởi về tiền thiệt nhiều cho ngoại sửa sang, cơi nới nhà ra. Út Tới dặn Mùng Tám từ nay khỏi lo chuyện tiền nong, để út lo hết. Ruộng vườn chẳng cần làm chi cho cực. “Út đi sô bên này ngon lắm con!” Vài năm đầu út Tới hổng về, bảo chừng nào có cái quốc tịch hẳn về cho nó sang. Năm, ba năm sau thì út Tới nói ly hôn bà bầu sô vì bả ghen um sùm làm nhục út Tới, bả chặn đường sống, bả đuổi cổ út ra khỏi nhà. Xứ này khắc nghiệt hơn út tưởng.

Hồi mùa dịch bên đó căng thẳng, út Tới điện thoại dặn như trăn trối. Út dính rồi con ơi. Đừng báo ngoại để thêm lo. Út ráng thu xếp khỏe rồi út về. Nhớ nhà lắm rồi con. Thiệt tình chẳng có nơi nào thiên đường hết đó mầy ơi. Cắt cỏ 10 đồng một giờ. Tạp vụ rửa chén, lau chùi quét dọn thì 12 đồng. Cằm cái móng chân thiên hạ lên ngồi giũa thì cũng chỉ 30 đồng một bộ. Cật lực mà cày suốt để trả cái hóa đơn tiền nhà, tiền ngân hàng, tiền chi phí xong đôi khi cũng chỉ còn lại mấy trăm à. Cực thấu trời, nhưng giờ muốn về mà hổng dám. Cái vé cũng cả 2000 đô. Thiên đường hay không là ở lòng mình đó con. Nơi đâu cũng là tạm bợ chỉ xứ mình mới thiệt là quê. Bởi thế mấy ông già, bà già bên đây thèm về lắm. Cứ độ tuyết rơi là nhẩm tính Tết quê mình. Mà đâu phải muốn về là về. Nhiều thứ nó nhiêu khê, đắng đót lòng người.

Bận Mùng Tám nghe giọng út Tới đổ hột như nhựa đường, trĩu trịt như đờn ai rớt xuống cung xề. Mùng Tám im bặt chuyện út Tới với cả nhà từ đó.

6.

Chạp the thắt ngày cạn cùng, đám khiết bông kết chùm đỏ bời bời. Đỏ như ánh mắt của ngoại bữa chiều Ba mươi. Nhà trong gói bánh, ngoài hiên lạo xạo tiếng bắc bếp. Chái sau mấy đứa nhỏ huyên náo. Ngoại nấu nước lá. Đám lá ngoại trồng vườn nhà mỗi năm chỉ để chờ con cháu về chiều Ba mươi gội rửa những hư hao của một năm trường. Ngoại cắt mớ lá ngò rí, thêm lá chanh, chục cọng sả, mấy củ gừng, dăm ba thanh quế và mấy đọt hương nhu. Nồi nước lá của ngoại bốc lên một mùi thơm dặt dìu thanh tao. Hồi còn lẵm xa ngoại tắm mấy đứa con, giờ thì đến mấy đứa cháu. Ngoại dội từng gáo nước âm ấm từ trên đầu xuống, vuốt đều mái tóc rồi nói mấy lời tựa thể căn dặn hay như cầu nguyện cho một năm mới đám cháu con học hành giỏi giang, sức khỏe dồi dào. Tiếng xối nước rào rạo lẫn tiếng kêu ang ác của đám sẻ về tây sau một ngày xoải cánh bôn ba.

Chiều thẫm trời chưa kịp dọn mâm cơm đã nghe tiếng thằng Tà Lọt í ới trước rào nhà. Mùng Tám ơi, trời thần ra coi nè. Có tiếng bước chân rì rầm, có tiếng lạo xạo rân trời. Mùng Tám chưa kịp chạy ra ngoài hiên thì đã thấy cái bóng dáng quen thuộc của chục năm trời vắng xa. Cái bóng dáng ù chạy vào chái sau nhà, nơi ngoại đang xối nước gội đầu. Là nước rơi hay là ngoại khóc? Mùng Tám hổng biết nữa. Chỉ biết phía sàn lãng ngoại run run cầm gáo nước gội đầu cho thằng con xa xứ đang quỳ thụp xuống chân ngoại.

Tối trời, khói trầm bát ngát miệt bưng biền. Nồi bánh sôi ùng ục. Nhà trong, ngoại sắp mớ trái cây lên bàn thờ. Hiên nhà, cánh đàn ông ngồi canh bánh chín. Tà Lọt đem qua mấy chai rượu gạo Nha Mân, khoái chí ngồi nghe mùi bánh bốc lên lừng lửng thơm. Nay là cái Tết vui nhất sau bao biến thiên thời cuộc hen. Anh em xóm giềng tụ lại quanh nồi bánh. Kể mấy chuyện dặm trường mưu sinh. Nỗi nhọc nhằn thì thôi mình để qua hết một bên. Tết mà. Tết là phải sum vầy. Tết là nói hết mấy cái vướng víu năm cũ để thong dong mà đi vào năm mới chứ.

Như út Tới nè, chỉ khi đi qua cơn nguy biến chốn tha hương mới cồn cào nỗi thèm xứ mà quyết lòng phải về. Út Tới chẳng dám báo ai, cứ vậy mà đáp máy bay, mà cách ly cho đủ ngày, rồi trầy trật kiếm chuyến xe muộn để kịp chiều Ba mươi Tết về với gia đình. Chặng đường dài lắm nỗi âu lo mỏi mòn nhưng đâu có bằng cái nỗi nhớ quê thèm xứ. Phải chục năm mỏi cánh thiên di, khi thấu lẽ đời mới ngược dòng mà tìm về cố hương.

Bên nồi bánh lửa đỏ vờn tí tách, út Tới nhấp ly rượu gạo, rao dây đờn, xuống xề câu vọng cổ. Tà Lọt vỗ đùi cái đét. Chục năm trời mới nghe út hát cái điệu xàng xê này hen. Mấy cậu mắt rươm rướm theo ánh lửa đỏ vờn quanh. Củi cháy tí tách. Lẫn trong tiếng gió Tết là mấy câu ca thắt thẻo bưng biền: “Tiếng đờn Việt đờn lên cung nhạc Việt. Hỡi những người còn biền biệt xa xăm. Nước nhà mà chưa kịp về thăm. Nghe câu vọng cổ là đêm nằm nhớ quê”.

Mùng Tám thấy bên cánh võng ngoại vén áo bà ba màu mận đỏ chậm đôi mắt. Miệng cười bỏm bẻm. Gió Tết năm nay ngọt quá chừng. Châu thổ mùa này thương như câu vọng cổ trổ đầy phù sa.

Tống Phước Bảo

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1+2/2023)